Người giữ hồn tranh “bút lửa”

04:07, 05/07/2012

60 tuổi và đã có 30 năm gắn bó với nghề nhưng nghệ nhân Nguyễn Phi Anh chưa bao giờ thấy công việc này nhàm chán bởi lòng đam mê luôn cháy hết mình trong ông như những nét bút lửa.

Nghệ nhân Nguyễn Phi Anh - người giữ hồn tranh bút lửa ở Đà Lạt
Nghệ nhân Nguyễn Phi Anh - người giữ hồn tranh bút lửa ở Đà Lạt

60 tuổi và đã có 30 năm gắn bó với nghề nhưng nghệ nhân Nguyễn Phi Anh chưa bao giờ thấy công việc này nhàm chán bởi lòng đam mê luôn cháy hết mình trong ông như những nét bút lửa. Nhưng phảng phất trong ông vẫn là sự ưu tư về một nghề truyền thống của Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng đang dần bị mai một theo thời gian.

Từ niềm đam mê cháy hết mình với tranh bút lửa

Say mê hội họa từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Phi Anh đến với tranh "bút lửa" như một mối duyên tiền định. Khi được tiếp xúc với tranh bút lửa, ông thực sự bị lôi cuốn trước những bức tranh chỉ với hai gam màu cơ bản: màu trắng của gỗ và màu nâu đậm, nhạt tùy theo độ "cháy" của tấm ván gỗ, tuy giản dị mà vẫn sinh động, có hồn. "Thời gian đầu, tranh của tôi chỉ mong bán đủ để kiếm một bữa ăn sáng cũng khó vì tranh vẽ ra hầu như đều bị cháy đen thui" - ông kể lại với chúng tôi. Thời gian đầu học nghề, không ít lần Phi Anh phải cho tác phẩm vào... bếp. Tranh bút lửa không chỉ đòi hỏi ở người thợ sự khéo léo, có khiếu hội họa mà còn rất cần có sự nhẫn nại. Chỉ với cây bút lửa tự chế gắn vào chiếc ổn áp biến điện từ 220V sang 12V và những tấm ván gỗ (gỗ bạch tùng là phần lớn), Nguyễn Phi Anh đã sáng tác không biết bao nhiêu bức tranh nghệ thuật mà khi chiêm ngưỡng ai cũng phải trầm trồ thán phục.

Tranh bút lửa được ông Phi Anh xem mỗi bức tranh mà bản thân tạo ra như những đứa con tinh thần. Ông là người thổi hồn vào những tấm gỗ khô cứng để nó trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Tranh bút lửa của ông có hai chủ đề chính là tranh chân dung và tranh phong cảnh nhưng chủ đạo vẫn là tranh chân dung. Không hẹn mà gặp, đã có rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến với ông. Họ cảm thấy con người thật sự của mình qua từng nét vẻ chân dung mà ông chế tác.

Đến sự ưu tư về một nghề truyền thống đang bị mai một

Tranh bút lửa là một nghề truyền thống ở Đà Lạt, nó từng là niềm tự hào của nhiều nghệ nhân của miền đất lạnh và là một nghề mang lại thu nhập cho nhiều gia đình. Thế nhưng ngày nay, nghề truyền thống đó đã dần mai một nếu không muốn nói là sắp mất hẳn. Ông Nguyễn Phi Anh cho biết, hiện ở Đà Lạt chỉ còn rất ít nghệ nhân làm tranh bút lửa, số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay và ngày càng giảm đi. Lo lắng và ưu tư trước thực trạng nghề vẽ tranh bút lửa đang dần bị mai một, nghệ nhân đã mở một số lớp để truyền nghề nhưng tiếc thay, đa số người học chỉ theo cảm hứng nhất thời chứ không thực sự say mê, tâm huyết; một số người lại không đủ kiên nhẫn nên chỉ theo được thời gian ngắn là bỏ học giữa chừng. Nỗi lo thất truyền nghề truyền thống và độc đáo của Đà Lạt luôn canh cánh bên lòng người nghệ nhân 60 tuổi này.

Bức tranh duyên nợ Trịnh Công Sơn - Khánh Ly của Nguyễn Phi Anh được vẽ bằng bút lửa
Bức tranh duyên nợ Trịnh Công Sơn - Khánh Ly của Nguyễn Phi Anh được vẽ bằng bút lửa


Nghề vẽ tranh bút lửa ở Đà Lạt đang mai một dần là một thực tế rõ ràng nhưng không vì thế mà nghệ nhân Nguyễn Phi Anh tuyệt vọng bởi ông biết khi nào còn những người tâm huyết như ông thì tranh bút lửa sẽ không chết. Ông vẫn tin số người vẽ tranh bút lửa sẽ không chỉ là một vài người như hiện nay. Chừng nào tranh bút lửa còn được yêu thích, chừng đó nó vẫn tồn tại và phát triển. Tạm biệt ông, chúng tôi cũng có những trăn trở và hy vọng một ngày không xa, nghề vẽ tranh bút lửa sẽ trở lại. Đó cũng là một việc đem hình ảnh Đà Lạt đẹp về mọi mặt đến với mọi người.

Lê Khắc Niên