Văn hóa café – nội tâm Đà Lạt

03:07, 08/07/2012

(LĐ online) -  Cái thú uống café trên thế giới hiện nay không còn là cái thú riêng có của giới quí tộc mà nó đã trở thành đại chúng, là cái thú chung của mọi tầng lớp, thành phần trong xã hội là một cái thú không biên giới, xuyên quốc gia.

(LĐ online) - Nói tới rượu, hay chính xác hơn là nói tới quán nhậu thì ngay lập tức người ta có thể hình dung ra ở nơi đó có sự nhốn nháo, ồn ào, bất an, nơi ấy thường xô bồ, nồng nặc mùi rượu thịt quyện với mùi mồ hôi người. Đối lập với nó, quán cà phê là nơi thanh cảnh, yên tĩnh giúp tâm hồn lắng lại. Như một bản nhạc, con người cũng cần những khoảng lặng cho tâm hồn, khi ấy ta có thể suy ngẫm về những điều mà cuộc sống bon chen bận rộn hàng ngày không cho phép ta nhớ đến. Phải chăng đó cũng chính là lúc ly café bé nhỏ góp phần tạo nên một thứ văn hóa cho đời. Cũng như thế và  hình như café trên thành phố “ngàn sương, ngàn hoa” mang một nét riêng nào đó mà khách phương xa một lần ghé thăm đã nhận ra và gọi đó là văn hóa café Đà Lạt.

Ảnh Hoàng Thảo
Không gian café Đà Lạt mộc mạc bình dị mà vẫn rất lịch sự và đậm chất văn hóa. Ảnh Hoàng Thảo


Thực ra ở Đà Lạt nếu như không có lợi thế về khí hậu, phong cảnh thiên nhiên và môi trường xã hội như một cơ sở về điạ lý, xã hội để hình thành nên phong cách sống của con người thì uống café ở đây cũng không khác những nơi khác là bao.

Một cao nguyên mát lành với ngút ngàn màu xanh: trời xanh, nước xanh, và bạt ngàn đồi thông xanh một màu xanh như vô tận đã làm cho tâm hồn con người sống hòa hợp với thiên nhiên trở nên nhẹ nhàng và lương thiện hơn. Và với lịch sử hình thành của mình, Đà Lạt cũng đã cho người ta nhận ra văn hóa châu Âu mà điển hình là văn hóa Pháp thấp thoáng đâu đó trong văn hóa Đà Lạt, trong đó cái thú uống café hình như cũng có dáng dấp của văn hóa Pháp. Những quán café lịch lãm, lâu đời ở Đà Lạt thường là nơi gặp gỡ của giới trí thức, văn nghệ sĩ, những nhà báo, kể cả những nhà hoạt động chính trị… Ở đó họ thường ngồi hàng giờ để đàm luận về các đề tài chính trị, những đề tài về văn chương, về nghệ thuật kể cả những tin tức thời sự nóng hổi. Nội dung đề tài tất nhiên là thay đổi theo dòng thời cuộc đổi thay, nhưng từ khi các quán café đầu tiên hình thành ở Đà Lạt đến nay đã năm, sáu mươi tuổi vẫn thường diễn ra như thế. Người ta bảo cứ ra quán café là có thể nghe được nhiều chuyện và biết được nhiều thứ kể cả những chuyện mới vừa xảy ra vài tiếng đồng hồ trước đó của thành phố này, của đất nước mình và của cả thế giới. Đã có nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật được ra đời từ quán café…

Ảnh Nguyên Thi
Dân nghiền café ở Đà Lạt thường thích uống café phin đậm đặc. Ảnh Nguyên Thi


Ngày nay với công nghệ thông tin hiện đại phần lớn các quán café đều nối mạng internet, các nhà báo sau khi lặn lội đi thâm nhập các sự kiện đã ghé lại ngồi ở một góc quán nhâm nhi cốc café nóng ấm lấy cảm hứng để hoàn thành nhanh tác phẩm trên chiếc Laptop và gửi bài về tòa soạn trong  khi  ly café trên bàn vẫn còn bốc khói thơm lừng …. Chẳng vậy mà có người đã ví von một số quán café có dáng vẻ của các quán café ở tả ngạn bờ sông Seine, một trung tâm lâu đời của giới trí thức và chính trị ở Paris. Nơi mà Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir đã thường xuyên ngắm từng giọt café rơi xuống đáy cốc, thưởng thức  hương vị thơm đắng của café để lấy cảm hứng mà tư duy viết nên nhiều tác phẩm nổi tiếng. Một Đà Lạt những năm đầu của thế kỷ trước, khi nó đang bắt đầu hình thành có giống chăng một ngôi làng điển hình của châu Âu? Ở đó có một tháp chuông nhà thờ, một nhà bưu điện, một trung tâm hành chính, một trường tiểu học và không thể thiếu một quán café! Đến quán café không phải đọc báo mà tất cả các tin tức trên báo, tất cả những bài bình luận trên báo đều được đàm luận và nhân rộng lên gấp nhiều lần, thậm chí có nhiều nguồn tin, nhiều nhận định, bình luận xuất phát từ quán café còn  sớm hơn hoặc khó có trên các trang thông tin của báo chí.

Cái thú uống café trên thế giới hiện nay không còn là cái thú riêng có của giới quí tộc mà nó đã trở thành đại chúng, là cái thú chung của mọi tầng lớp, thành phần trong xã hội là một cái thú không biên giới, xuyên quốc gia.

Từ giới bình dân cho đến những người giàu có, từ giới công nhân lao động, cho đến những nhà chính trị, giới trí thức, những nhà kinh doanh… đều  không ít lần trong đời đến quán café để thưởng thức một không gian lãng mạn và hương vị  đặc biệt này. Ở Đà Lạt, ta thường khó phân biệt được loại quán café nào là để dành cho đối tượng nào nhất định! Bởi không có nhiều những sảnh café cao cấp chỉ dành cho túi tiền của các đại gia  như sảnh café bên trong khách sạn Palace. Trong lúc đó có rất nhiều và rất đa dạng các quán café phù hợp với phong cách của người Đà Lạt như người ta thường nói “Người Đà Lạt sang chứ không giàu”, quán café cũng như người Đà Lạt vậy! Bên cạnh đó cũng vô cùng phong phú những quán café cóc hoặc café vỉa hè mà ở đó không chỉ có giới lao động nhà vườn, lao động thành thị, giới bình dân mà có cả những người khá giả, giáo chức, sinh viên học sinh, công chức, kể cả khách du lịch cũng vẫn thường xuyên ghé lại để cảm nhận sự mộc mạc bình dị trong nó mà vẫn thấy rất lịch sự và đậm chất văn hóa. Điều này cho người ta dễ cảm nhận rằng người Đà Lạt  không phân biệt thành phần, đẳng cấp và dễ gần gũi với nhau bên ly café . Vào quán café người ta có thể phân biệt được dân địa phương với khách phương xa qua cách ăn mặc và phong cách ứng xử chứ khó phân biệt được sang hèn bởi cách ăn mặc tuy phong phú về model nhưng gần nhau về phong cách. Người ta không thể tìm thấy có ai đó mặc quần cộc, áo may – ô, đi dép lê vào quán café dù đó là quán cóc như ta vẫn thường thấy ở một số thành phố khác! Bởi công dân thành phố này bước ra khỏi nhà là đã ăn mặc tươm tất rồi, nhất là hiếm có phụ nữ mặc đồ bộ ra đường dù chỉ vài bước chân.

Ảnh Nguyên Thi
Chung vui với bạn bè bên ly café (Café Tùng - Khu Hòa Bình). Ảnh Nguyên Thi


Bên ly café ở các quán cóc, vỉa hè  thông tin còn nhanh, nhiều và đa dạng  hơn các nơi khác: Từ việc Mỹ chuyển chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương đến việc nội chiến trùm lên đất nước Syria; từ những hành động ngang ngược và hèn hạ của “hàng xóm” Trung Quốc trên biển Đông cùng với sự phá hoại của thương lái nước này trong “sân” nước ta đến chuyện vệ tinh Triều Tiên rơi tõm xuống biển chỉ sau 3 giây phóng đi… Từ việc lớn như các vị đại biểu Quốc hội trăn trở thao thức với vận nước được các cử tri tán thưởng đồng tình cho đến những vị cả nhiệm kỳ chỉ biết vỗ tay và giơ tay (bấm máy). Rồi Vinasine, Vinalines với hàng chục ngàn tỉ đồng thua lỗ, nợ nần; các dự án xài tiền quốc khố vô tội vạ; giá xăng lên nhanh giảm chậm, phí bảo trì đường bộ bất hợp lý, mùa thi an toàn nhiều phao, giải tỏa đền bù dân kêu trời, quan chức ai giàu, ai nghèo… Cho đến chuyện vặt trong thành phố như trộm cắp, cướp giật, tai nạn xe cộ, bồ bịch, đánh ghen, ly dị, cưới vợ mới… Có thể nói trên trời dưới đất không thiếu đề tài nào, chuyện của cả quả điạ cầu gần như được gom lại ở các quán café cóc, café vỉa hè làm cho ly café giá rẻ trở nên  có vẻ thú vị! Và cũng chính những câu chuyện bên ly café như thế đã làm cho những người xa lạ dễ bắt chuyện, dễ làm quen với nhau .

Ở những thành phố khác chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều “quán giải khát”, tất nhiên trong đó có café . Nhưng ở Đà Lạt, chúng ta chỉ tìm thấy nhiều “quán café” và tất nhiên trong đó cũng có những thức uống khác. Ở nơi khác bạn bè thường rủ nhau “đi uống nước” nhưng ở Đà Lạt thì thường mời nhau “đi café”. Khi chi tiền bồi dưỡng hoặc thưởng công để cám ơn ai đó đã giúp mình thì ở nơi khác người ta thường nói “cho gửi tiền uống nước nhé” còn ở Đà Lạt thì “cho gửi tiền café nhé” đồng thời không quên kèm theo tiếng cám ơn.

Quán café ở Đà Lạt đã lên đến con số hàng ngàn, café trên đỉnh đồi, café ở lưng chừng triền núi, café dưới thung lũng, trong rừng, bên suối dưới chân thác, ven hồ, trên mặt nước, café bên đường và café giữa phố… Mỗi quán café đều có dáng vẻ riêng với kiểu trang trí đẹp, lịch sự khác nhau tùy theo trình độ thẩm mỹ của người chủ, nhưng lại có những nét rất chung đó là hầu như đa phần đều theo một gam màu ấm, trung tính. Dù cho nằm ở bất cứ vị trí nào, dù rộng hẹp có khác nhau nhưng cách thiết kế, bố trí quán café làm cho mỗi khi bước vào khách đều có cảm giác như một góc nhỏ tĩnh lặng, bình yên, thư thái. Nếu như người sành uống trà thường chọn những bộ ấm chén bằng đất nung trông mộc mạc mà thâm trầm như cổ vật để nói lên cái thanh cao của trà đạo thì các quán café sành điệu ở Đà Lạt pha café nóng kể cả đen, sữa, capucino... trong những chiếc ly, tách thấp, miệng rộng bằng sứ trắng sáng hoặc bằng thủy tinh trong như pha lê làm nổi bật màu café trông bắt mắt .Với café đá thì dùng ly thủy tinh cao có thành dày trong vắt, tất cả đều sạch sẽ tinh tươm, tạo cảm giác lịch lãm và sang trọng, ta khó tìm thấy  quán café nào dùng ly nhựa, ly có màu tối, hoặc dùng ly tách một cách tùy tiện để mời khách. Nhân viên phục vụ ở các quán café phần lớn chưa được đào tạo, tính chuyên nghiệp không cao nhưng có lối ăn mặc nghiêm chỉnh, nói năng lễ phép, thái độ tận tình và hiền như sẵn có từ trong bản chất của con người Đà Lạt.

Café đến với Việt Nam là từ châu Âu nhưng dân ghiền café ở Đà Lạt lại không uống loãng như người Âu, mà rất tình cờ người ta uống café đậm đặc theo cái gu (gout)  của người Thổ Nhĩ Kỳ, một sự trùng hợp thú vị. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước xuất xứ của café, người Thổ Nhĩ Kỳ có câu tục ngữ  khá hay: “Café phải đen như địa ngục, phải đắng như tử thần và ngọt ngào như tình yêu (Coffee should be black as Hell, strong as Death and sweet as Love)”.  Người Đà Lạt cho rằng phải uống café như thế mới đã!

Ảnh Nguyên Thi
Ở những thành phố khác chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều “quán giải khát”, tất nhiên trong đó có café . Nhưng ở Đà Lạt, chúng ta chỉ tìm thấy nhiều “quán café” và trong đó có những thức uống khác. Ảnh Nguyên Thi


Ở Đà Lạt có một thú vui tao nhã: chung vui với bạn bè là đi uống cà phê, cần trao đổi công việc hoặc bàn bạc chuyện kinh doanh thì mời đi café, tiếp một người bạn ở xa đến thăm: café nhé !... Mặc dù có nhiều người vào quán chỉ uống nước sinh tố, ăn yaourt hay một thứ gì khác nhưng vẫn là: đi café nhé! Café như một nét văn hóa trong giao tiếp. Trong bầu không khí se lạnh của cao nguyên, con người hòa vào với thiên nhiên, ngồi chuyện trò với nhau bên ly cà phê nóng bốc khói thơm lừng thật thú vị, thật sảng khoái  mà khó có nơi nào có được. Vào quán cà phê, du khách sẽ thấy mọi người đều ăn mặc y phục tươm tất,. Không khí trong quán trầm lắng với tiếng nhạc nhè nhẹ vừa đủ nghe để khách có thể nhỏ to tâm sự hoặc chuyện vãn với nhau, tất cả tạo nên một không gian lãng mạn đặc trưng của café Đà Lạt.

Uống rượu thường phải có bạn rượu để bữa nhậu vừa vui, vừa ngon, còn nếu vào quán ngồi uống rượu một mình thì có lẽ đó là kẻ thất bại trên trường đời hoặc thất bại trong tình trường, thất chí uống để quên đời! Ngược lại, ngồi café một mình là đang cảm nhận cuộc sống trọn vẹn nhất, một mình bên ly cafe để lòng yên tĩnh, tư duy  tinh tế khiến cho người ta có cảm giác trở về một chốn yêu thương nào đó của miền ký ức! Có thể đang trở về với vòng tay mẹ hiền của thời ấu thơ! Có thể đang nhớ về một mối tình đẹp đã đi qua trong đời! Cũng có thể hoài niệm về một thời chinh chiến năm xưa! Hay đang suy tư về một kế hoạch cho tương lai hoặc cũng có thể đang cảm nhận để viết tiếp một tác phẩm đang nung nấu trong lòng….
     
Sẽ rất thú vị khi mỗi buổi sớm vào khoảng năm đến sáu giờ sáng, sương mờ lạnh cóng còn phủ đầy mặt hồ, trong bầu không khí mờ ảo của thành phố và khi mỗi buổi tối đến, dưới  ánh đèn đường chiếu xiên màn sương giăng, có tiếng vó ngựa lóc cóc trên mặt đường từng bước gõ nhịp nhàng, gió nhẹ từ những đồi thông thổi về phả hơi lạnh vào cơ thể, đưa tay lên miệng hít hà để giữ ấm, ngồi bên trong quán café với tách café nóng hổi thơm lừng trong không gian yên tĩnh, tạm gác lại những lo toan thường ngày để có một khoảng lặng cảm nhận cuộc sống nhẹ nhàng, chậm rãi trôi qua cũng là một cách thưởng thức café. Những năm gần đây, chẳng phải chỉ có người Đà Lạt mà cả du khách bốn phương cũng đã phải thốt lên tiếc rẻ vì môi trường thiên nhiên cũng như môi trường xã hội đang trên đà xuống cấp đáng lo. Nhà cửa, công trình mới xây cất lộn xộn đã nhấn chìm nét kiến trúc đặc thù hàng thế kỷ là niềm tự hào của dân bản địa và làm say mê khách lãng du, cái đẹp nên thơ của Đà Lạt đang mất dần! Nhưng cũng may du khách vẫn còn yêu những tối lang thang café, vẫn còn thú vị với những sáng ngồi một góc quán dẫu sang trọng hay chỉ vài chiếc ghế kê sát bên vệ đường lạnh cóng nhìn đường phố đang cựa mình trong sương sớm để nghe lòng mình lâng lâng .

Café Đà Lạt, một nét văn hóa trên thành phố cao nguyên đã hình thành non một thế kỷ nay góp phần làm cho Đà Lạt thêm đáng yêu, người Đà Lạt tự hào về nó và khách lãng du một lần ghé qua cũng muốn mang theo về những ấn tượng đẹp. Những quán café nhớ cho rằng, mình đang thay mặt thành phố tiếp khách đến nhà và giới thiệu văn hóa Đà Lạt cho du khách qua công việc kinh doanh hằng ngày. Sẽ là niềm tự hào của người Đà Lạt nếu mỗi quán café biết xây dựng phong cách ngày càng đậm chất văn hóa để khách bốn phương yêu hơn thành phố trong sương này.

Trọng Nguyên