Tôi sinh ra ở ngôi làng nhỏ miền Trung, lớn lên đã nhìn thấy ngọn núi Chúa cao vút, sừng sững trong mây bên kia cánh đồng làng...
Tôi sinh ra ở ngôi làng nhỏ miền Trung, lớn lên đã nhìn thấy ngọn núi Chúa cao vút, sừng sững trong mây bên kia cánh đồng làng, liền kề với những cánh rừng nguyên sinh, hỗn giao cây cối sầm uất, um tùm, chằng chịt những dây leo bò lùng nhùng, ngả ngớn ngang dọc, quấn bám vào cây cổ thụ như lớp áo khoác mốc xì, dày cộm lớp rêu phong. Vào mùa mưa, núi rừng càng thâm u, huyền bí, ẩn chứa những bất trắc khó lường.
Minh họa: Ngọc Minh |
Núi Chúa và rừng nguyên sinh cung cấp nguồn thức ăn phong phú dồi dào nên đám động vật hoang dã kéo về sinh sôi nảy nở đông đúc. Núi Chúa còn có cả cọp, báo, heo rừng… Có lần cọp còn vồ một con bò dưới chân núi. Lũ chim muông thì nhiều vô kể. Chúng kéo đi từng đàn, từng bầy, từng lũ đông đúc, nhất là lũ “cư dân” khỉ thì chúng đứng đầu bảng về sinh sôi nảy nở vì lũ chúng là loài mắn đẻ.
Bắt nguồn từ đỉnh núi Chúa, rừng có nhiều khe suối, nước chảy róc rách quanh năm, cung cấp nguồn nước tưới cho các cánh đồng dưới chân núi. Đặc biệt, ở lưng chừng núi có một hang đá rộng có thể chứa cả trăm người. Trước kia là nơi hội họp, nơi liên lạc bí mật của các ông Việt minh. Thời chống Mỹ là nơi bộ đội đặc công và cán bộ nằm vùng lấy đó làm nơi trú chân trước những trận đánh.
“Rừng vàng bể bạc”. Cần gì vào rừng là có ngay. Đói: vào rừng là tìm thấy ngay cái ăn: trái cây, củ mài, nấm, mật ong rừng… Rừng là cuộc sống. Vì thế, để giữ rừng làng Lý cắt người canh giữ. Người canh giữ rừng phải là người yêu rừng, quý rừng, biết quý cái cây, có trách nhiệm và không tham lam lại phải chịu khó nhọc trong việc “tuần du” trông coi rừng và phải có sức khỏe.
Nhẩm đi nhẩm lại, cả làng chỉ có ông Phú là hội đủ các đức tính ấy. Ông khỏe mạnh lại có uy tín với dân làng. Chẳng gì thì ông cũng có cái chức đội. Ra đường, dân làng gặp ông, ai cũng kính cẩn ngả mũ chào ông đội, thầy đội. Nguyên do, ông Phú có thời gian đi lính khố xanh, khố đỏ gì đó và làm đến chức đội. Chẳng biết cái biên chế của quân đội thời Tây ấy nó thế nào, cai quản bao nhiêu người, nhưng với cái chức đội với dân làng quê cũng đã danh giá lắm, nên làng Lý vời ông ra giữ cái chức “kỳ mục sơn lâm” và ông Phú đã nhận lời. Làng Lý cũng chiếu cố, quan tâm, tạo cho ông điều kiện sinh sống: Dựng cho ông một mái nhà tranh tre, nứa lá nho nhỏ ven rừng, cấp cho ông một số thóc đủ ăn và ban cho ông một đặc ân: được chặt tre nứa ven rừng để đan lát rổ rá, thúng mủng mang ra chợ bán, kiếm thêm chút tiền dầu đèn, mắm muối…
Ngày ấy có đến 90% dân làng mù chữ, tuy vậy người dân đã biết nghĩ: Đất nuôi cây rừng, rừng nuôi sống con người như “tình cây và đất” nên tự giác giữ gìn, chứ mình ông Phú thì làm sao quản nổi hàng ngàn mẫu rừng núi ấy. Làng Lý còn thương cảm cảnh sống đơn côi của ông nơi bìa rừng heo hút… nên xúm lại mai mối cho ông một người bạn đời có cùng hoàn cảnh. Đám cưới ông Phú cũng do làng đứng ra tổ chức và, cũng là một đám cưới đặc biệt. Người được mời dự không mang đến phong bì, phong bao mà họ mang đến mừng ông đôi gà trống mái, cái lu đựng nước, cái cuốc, cái thuổng, một cặp lợn giống… Đám cưới đơn giản mà thật là vui. Tiếng heo kêu, tiếng gà quang quác thay cho tiếng pháo mừng.
… Sau đám cưới không lâu, bỗng gia đình ông Phú có khách lạ đặc biệt ghé thăm. Vào một buổi chiều, dân làng bỗng nghe thấy tiếng xe máy nổ bình bịch, vang vang bên bìa rừng, nên lo lắng đổ ra đường nghe ngóng. Họ nhìn thấy chiếc “xe bình bịch” (xe máy), thời ấy hiếm xe máy lắm, do một ông Tây cưỡi chạy thẳng đến nhà ông Phú. Có thể ông quan Tây ấy đã “sưu tra” kỹ lý lịch ông Phú từ lúc ông Phú còn tại ngũ và, điều chính yếu, muốn biết trong rừng có nhiều, ít thú rừng hay cọp thì tốt nhất là hỏi người gác rừng. Cũng may lúc ấy vợ chồng ông Phú đang có ở nhà. Lũ trẻ con tò mò, hiếu kỳ chạy rần rần theo sau chiếc xe đến tận nhà ông Phú và, cuộc đối đáp sau đây là do chính ông Phú và lũ trẻ con “tường thuật” lại:
- Ông Tây mặc áo sơ mi cộc tay, phanh áo để lộ phần ngực trần đầy lông lá với bộ râu quai nón rậm rì, mặc quần áo đi săn trông rất ngầu, đến khiếp. Ông ta mang trên vai một khẩu súng săn hai nòng, dân sành điệu gọi khẩu súng ấy là Ca-líp-đu-dơ, đầu đội đèn đá đi đêm.
Ông Tây tắt máy, dựng xe ở gốc cây tiến vào nhà vừa lúc vợ chồng ông Phú cũng vừa bước ra cửa. Ông Tây chìa tay:
- Bông jua! Bon jua! (Bonjour)
Ông Phú cũng nắm tay ông Tây giật giật: Bông jua! Bông jua!
Bà vợ ông Phú vừa nhác thấy ông Tây đã chết khiếp, lủi ngay vào nhà, chuồn ra cửa sau, chạy trốn vào rừng mãi đến lúc ông Tây đi khỏi mới dám vào nhà.
Xong cái thủ tục xã giao, ông Tây liền xì xồ một tràng tiếng Tây, tay chỉ vào rừng, dùng cả hai tay khoa một vòng tròn, hé mồm để lộ hàm răng không được trắng cho lắm, làm động tác cắn xé rồi khua khua khẩu súng. Ông Phú gật gật đầu, luôn mồm: Uẩy, me xừ! (Oui monsieur). Vâng! Thưa ngài! Ông Phú cũng đối đáp bằng ngôn ngữ “Tay – chân – miệng”.
Lũy (lui = nó) to lắm. Ông giang hai tay làm cử. Lũy giống con bò mà không phải bò. Lũy ăn thịt cả tôi, cả ông. Lũy chén tuốt luốt, ráo trọi. Ông Phú huy động hết cỡ vốn liếng tiếng Tây ông học được thời ông còn tại ngũ. Ông Tây gật gật đầu ra chừng đã hiểu, liếc nhìn đồng hồ đảo mắt nhìn trời rồi làm dấu ra lệnh cho ông Phú đi theo. Hiểu ý, ông Phú vào nhà lấy cây dáo dài, theo ông Tây vào rừng.
Cuối thu, sương núi xuống sớm, trời xe lạnh, rừng núi âm u nên bóng tối ập đến rất nhanh. Cả khu rừng chìm trong màn đêm đen đặc. Ông Tây vội bật đèn đá. Một luồng sáng rọi xa phía trước chừng 15 thước, súng lăm lăm trong tay và đã bật chốt an toàn. Ông Phú cầm cây dáo dài bám sát phía sau trong trạng thái thần kinh căng thẳng. Hai người đi được một đoạn dài thì, dưới ánh đèn bỗng phát hiện hai chấm đỏ nọc cách hai người chừng vài chục thước. Do kinh nghiệm đi săn nên ông Tây biết chắc đó là hai mắt cọp. Con cọp lại rất chịu đèn, nó không nheo mắt để lảng tránh mà cứ nhìn chằm chằm vào quầng sáng trước mắt.
Ông Tây vội giương súng, bóp cò; một tiếng nổ đoàng dội vào vách núi, cũng tức thì con cọp phóng ngay đến nơi vừa phát ra tiếng nổ (vì phát đạn vừa rồi đã bắn không trúng) vồ trượt ông Tây nhưng đánh văng khẩu súng rơi xuống đất, ông Tây ngã người kêu thất thanh: Phú…. Phu..u.u… Ông Phú liền chồm tới đâm một nhát vào lưng con cọp. Nó gầm lên, nhảy xa vào rừng đêm. Ông Phú nhặt súng còn kịp bắn theo một phát để thị uy, đuổi con cọp chạy xa hơn, chứ có trúng trật gì đâu.
Sau “cú” ấy, ông Phú dìu ông Tây ra khỏi rừng và, về nghỉ đêm tại nhà ông Phú. Sáng hôm sau, ông ta mới đi xe về thị xã. Nghe ông Phú tường thuật “chuyến đi săn”, lại được gặp ông Tây, nói tiếng Tây, bà con dân làng ai cũng tấm tắc khen.
- Ông thế mà giỏi. Giỏi lắm! Xứng đáng Võ Tòng đã hổ.
Hai năm sau, vào một ngày đầu tháng 7, nhân ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Pháp 14/7: cách-to-ju-dê. Ông nhận được phần thưởng lớn: mề đay anh dũng bội tinh vì đã anh dũng cứu sống một công dân Pháp.
Ông Phú đón nhận sự khen thưởng với sự vui mừng, hãnh diện. Cả làng nhìn ông với sự nể trọng.
Nhưng sự vui mừng của ông Phú chẳng được bao lâu vì, liền kề năm sau đó, Cách mạng tháng 8/45 bùng nổ. Theo lệnh Việt minh cấp trên, phải nhanh chóng tổ chức lại tự vệ đề phòng quân Pháp quay lại. Nhưng cả làng không ai biết về quân sự, tập tành, đánh đấm ra sao, nên Ủy ban Việt minh lâm thời mời ông Phú ra làm “quân sư”, vì ông có thời đi lính, ít nhiều cũng biết việc “quân cơ”. Thế là ông Phú thành “ông tư lệnh” đội tự vệ làng. Đội tự vệ làng không có súng ống gì, mỗi đội viên được trang bị một cây gậy tre dài 1,5m giả làm súng rồi cũng tập tành lăn lê, bò toài, tập ngắm súng chay. Riêng cái môn đi đều bước trong tập đội hình, ông Phú chỉ huy đi cạnh hàng quân, miệng hô “ách-đơ-ách” (un-deux) chứ không hô “một hai một” như sau này. Ông hô theo thói quen học được từ thời đi lính Tây. Đội tự vệ làng đôn lên vệ quốc đoàn thì đã có lớp thanh niên mới thay thế. Ông Phú vẫn là “quân sư kiêm tư lệnh” cho đến khi cấp trên cử người khác thay thế.
Chiến tích của đội tự vệ dưới sự dẫn dắt của “tư lệnh Phú” là truy bắt số người xấu, thừa cơ giao thời “nước đục thả câu” đi trộm cắp và đốn trộm cây rừng. Sau trận vây bắt ấy, đội tự vệ chia nhau canh gác, khóa chặt cửa rừng, một con chồn cũng khó chạy thoát.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài, ông Phú không còn đủ sức khỏe để vừa gánh vác việc quân lẫn việc giữ rừng, ông xin từ nhiệm. Tuổi cao, ông nhuốm bệnh rồi qua đời ngay trong nếp nhà nhỏ ven rừng. Ông Phú, một người giữ rừng liêm khiết, tận tụy đã ra đi thanh thản.
Trước khi mất, ông dặn vợ: Hãy chôn cất ông dưới chân núi Chúa để hằng ngày ông được “sống” với rừng. Dân làng chôn cất ông theo đúng ý nguyện của ông. Trên mộ ông luôn có những bông hoa rừng tươi thắm của lũ trẻ chăn trâu và những người đi lượm củi khô trong rừng.
Quê tôi có một người giữ rừng kha kính.
Truyện ngắn: NGUYỄN TÙNG CHÂU