Giữa sự ồn ào, náo nhiệt, phong phú của thị trường Âm nhạc Việt Nam năm 2010, tôi bắt gặp Album Vol2 “Trở về đồi cỏ cháy” của nhạc sĩ Đình Nghĩ - Chi hội trưởng chi hội Âm nhạc Việt Nam tại Lâm Đồng, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng với 14 ca khúc thật nhẹ nhàng, lãng mạn, mang đậm phong cách dân gian đương đại.
Giữa sự ồn ào, náo nhiệt, phong phú của thị trường Âm nhạc Việt Nam năm 2010, tôi bắt gặp Album Vol2 “Trở về đồi cỏ cháy” của nhạc sĩ Đình Nghĩ - Chi hội trưởng chi hội Âm nhạc Việt Nam tại Lâm Đồng, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng với 14 ca khúc thật nhẹ nhàng, lãng mạn, mang đậm phong cách dân gian đương đại.
Mười bốn ca khúc là 14 lời tự tình của anh với đời, với thiên nhiên, với thành phố và con người Đà Lạt. Nghe “Trở về đồi cỏ cháy” một vài lần thì ta chưa cảm nhận hết lời thì thầm của cỏ, của hoa, của nhịp đập trái tim tràn đầy tình yêu của anh với Âm nhạc, với đời. Nghe lại nhiều lần, chú ý cách chọn hình tượng Âm nhạc, cách phát triển dân ca K’Ho của anh trong ca khúc “Lời ru”, “Bông bí vàng ngày hạ”, và cách li điệu của “Lặng trầm bến sông”… ta mới thấy sự đa dạng phong phú của anh trong sáng tác. Thời gian gần đây, chúng ta thấy chương trình Bài hát Việt trên kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam có rất nhiều tác giả sáng tác ca khúc theo phong cách dân gian đương đại. Người ta sử dụng ca trù, chèo, ca Huế… trong các ca khúc, nhưng rất ít người chú ý phát triển các làm điệu dân ca của các dân tộc ít người như dân tộc K’Ho, Mạ, ChuRu… để làm chất liệu chính cho các khúc của mình. Yêu thiên nhiên, yêu con người ở xứ sở ngàn thông ngàn hoa này, nhạc sĩ Đình Nghĩ đã gắn bó và dày công nghiên cứu vốn văn hóa quý giá của các dân tộc nơi đây, những làn điệu dân ca ngấm dần vào máu thịt. Đa số các ca khúc trong “Trở về đồi cỏ cháy” của anh mang đậm âm hưởng dân ca K’Ho. Mười bốn ca khúc là mười bốn “bức tranh” về Âm nhạc với mười bốn gam màu, sắc thái khác nhau, lúc êm dịu trìu mến, lúc hoài cổ man mác buồn, lúc khát khao mãnh liệt.
Với lối hòa âm cổ điển, sử dụng ghi-ta thùng, piano là nhạc cụ chủ đạo, Album Vol2 của nhạc sĩ Đình Nghĩ dìu ta vào thế giới âm nhạc thật tự nhiên của cảm xúc. Cảm xúc Âm nhạc trong các ca khúc của anh như những đợt sóng êm ái, lăn tăn bởi tiếng piaono, lúc buồn vời vợi bởi ghi-ta thùng, lúc du dương trầm bổng bởi dàn dây string và vi-ô-lông, cũng có lúc dâng trào mãnh liệt bởi tiết tấu trống dồn dập đẩy giai điệu lên cao trào. Cổ điển mà vẫn truyền tải được nét hiện đại, đa dạng trong cách viết ca khúc của mình.
Giai điệu trong “Trở về đồi cỏ cháy” rất đẹp. Với lối tiến hành giai điệu rất cân đối bằng những thủ pháp cổ điển như mô phỏng, nhắc lại... và được phát triển giai điệu một cách tài tình, hợp lí làm cho người nghe nhận ra nét riêng của anh. Được tiếp xúc với Âm nhạc cung đình Huế từ lúc 8 tuổi, những điệu hò khoan nhặt ru anh lớn lên, nuôi dưỡng tâm hồn anh dạt dào tình yêu với bến sông, con đò, với mẹ, với em, với những gì thân thương nhất ở đất Huế - nơi đã sinh ra anh. Lặng lẽ đi trên con đường quen thuộc nhưng bằng cảm xúc mới lạ của một người con yêu tha thiết quê hương mình, yêu tất cả những gì dung dị nhất của cuộc sống đời thường. Yêu quê hương thứ hai nuôi lớn lên, lập nghiệp và cống hiến cho đời. Âm hưởng dân ca K’Ho được anh phát triển trong các ca khúc rất hay thể hiện qua một số sáng tác như: “Lời ru”, “Em gọi anh”, “Bông bí vàng ngày hạ”… Nếu không có một tình yêu, một vốn hiểu biết về văn hóa các dân tộc này thì khó có những ca khúc dân gian đương đại hay như thế. Sự thành công của nhạc sĩ Đình Nghĩ được ghi nhận: Ca khúc “Trở về đồi cỏ cháy” đoạt giải nhì (Không có giải nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2007. Ở Lâm Đồng, số lượng các nhạc sĩ đạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam rất hiếm, thế mà mấy năm gần đây anh liên tiếp đạt rất nhiều giải thưởng: Ca khúc “Em gọi anh” đạt giải nhất năm 2010 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một số ca khúc đoạt giải ba và khuyến khích như: “Lạc vào mái phố”, “Lặng thầm”, “Lặng trầm bến sông”…
Ca từ trong các ca khúc của anh được chắt lọc hoàn chỉnh như một bài thơ.
“Ngập ngừng sương mai
Lãng đãng mây chiều
Dập dìu bóng mưa
Lạc vào mái phố
Thực thực mơ mơ
Ngẩn ngơ mùa đông
Lạc vào mênh mông
Bỗng gặp cao nguyên
Rất riêng rất lạ
Lúng liếng hoa vàng
Thả nắng đồi hoang
Lốc cốc ngựa trời…”
(Lạc vào mái phố)
“ Em gọi anh, gọi anh qua giằng xé nghìn trùng
Len vào suối bỗng nhiên cho tình yêu khơi nguồn…
Em gọi anh, gọi anh qua triền vắng muộn phiền
Xin một chút tình riêng, cõi bình yên mơ mộng…
Ôm lòng đêm sầu đắng ru trầm lắng nhạc ngàn.
Ngang trời soi bàn chân vết phong trần giăng mắc…”
(Lặng trầm bến sông)
Nổi bật là các ca khúc anh trải tình yêu của mình với thiên nhiên, đất nước. Thiên nhiên trong ca khúc của anh gần gũi, mộc mạc. Từ những hình ảnh bình dị như “bông bí vàng”, “hoa dã quỳ”, “mái phố”, “nương đồi, dòng sông”, “nằm ngủ mơ trên lưng trâu”… anh đã có những ca khúc thật hay. Trong Vol2 của anh có 13 ca khúc anh tự viết lời. Bài nào ca từ cũng đẹp, cũng giàu chất thơ.
Thật thiếu sót nếu như không nhắc đến các giọng ca trong Vol2 của nhạc sĩ Đình Nghĩ, ca sĩ Mỹ Lệ, ca sĩ Nguyên Thảo, ca sĩ Hoàng Nghiệp, ca sĩ Mai Khôi… họ đã thể hiện rất có hồn các tác phẩm của anh.
Giữa bộn bề của cuộc sống, tìm một nơi không quá ồn ào, ngồi bên tách cà phê đắng, để nghe “Trở về đồi cỏ cháy” thì thật tuyệt. Tôi có thể hình dung một Đình Nghĩ hơi hoài cổ, mênh mang buồn, đang ôm đàn ghi-ta lặng lẽ trở về đồi cỏ cháy với một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống đến cháy lòng.
THU HƯỜNG - Hội viên Hội NS Việt Nam