Đọc “99 bài lục bát”* của Nguyễn Tấn On

03:08, 08/08/2012

Một nhà văn nổi tiếng lúc sinh thời có nói đại ý rằng nếu anh là nhà thơ Việt Nam thì hãy chứng tỏ mình bằng một bài lục bát. Nói như thế, nhà văn này đã rất đề cao lục bát, xem nó là thể loại thử thách tài năng của các nhà thơ. Nhiều nhà thơ rất “có duyên” với thể thơ này và hầu hết người làm thơ đều có cho mình ít nhất một vài bài.

Một nhà văn nổi tiếng lúc sinh thời có nói đại ý rằng nếu anh là nhà thơ Việt Nam thì hãy chứng tỏ mình bằng một bài lục bát. Nói như thế, nhà văn này đã rất đề cao lục bát, xem nó là thể loại thử thách tài năng của các nhà thơ. Nhiều nhà thơ rất “có duyên” với thể thơ này và hầu hết người làm thơ đều có cho mình ít nhất một vài bài.

99 bài thơ là một con số không nhỏ. Có những tác giả cả đời làm thơ không có được con số ấy. Vậy mà Nguyễn Tấn On đã có hẳn 99 bài lục bát để làm thành tập thơ thứ 7 của mình. Không nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Tấn On là một “tín đồ” của thể thơ dân tộc truyền thống, là người “mê thơ lục bát đắm đuối”!

Làm thơ lục bát tưởng dễ, kỳ thực rất khó. Khó bởi quy tắc hiệp vần. Thơ tự do có thể không vần. Nhưng đã là lục bát dứt khoát phải tuân thủ quy tắc hiệp vần. Nếu không, bài lục bát sẽ rơi vào tình trạng lạc vần hay cưỡng vần.

Đọc 99 bài lục bát của Nguyễn Tấn On, tôi không tránh khỏi tò mò cùng với cảm giác thắc thỏm liệu tác giả có rơi vào tình trạng nói trên hay không bởi đây là cả một tập ngót nghét 100 bài theo thể lục bát truyền thống. May thay, ngoại trừ một vài câu (nếu mạnh dạn có thể cắt bỏ), còn lại đa số các bài lục bát của anh khá nhuyễn trong hiệp vần. Đây có thể coi là một thành công của tập thơ.

Đến với thơ lục bát, Nguyễn Tấn On đã mượn cách nói 6/8 để giãi bày tâm tư, tình cảm của mình. 99 bài lục bát của anh chứa đựng những cảm xúc về nhiều mặt của cuộc sống và những cảm xúc ấy được nói ra một cách giản dị, nhẹ nhàng.

Hiện lên trong 99 bài thơ là một tâm hồn lãng mạn, giàu tình cảm, dễ rung động trước thiên nhiên và con người:

“Ta về nằm xuống khoảng đồi
Bụm tay uống nắng qua môi dã quỳ
Trên đầu mây trắng mùa đi
Lòng mênh mông quá về quỳ trước hoa”
(Về quỳ trước hoa)

Dẫu có đi đâu về đâu, Nguyễn Tấn On luôn là người nặng tình, nặng nghĩa với nơi chôn nhau cắt rốn, với những người ruột thịt thân yêu. Trong thơ anh có hình bóng quê hương xứ Quảng miền Trung với những đường nét cụ thể. Đó là hình ảnh chợ quê nghèo “mái rạ đụp đùn”, “nắng soi nón vá...” nhưng đậm đà “... nghĩa xóm tình làng/Bán mua cho nợ để quàng mùa sau...” (Chợ quê). Đó là hình ảnh thân thuộc của dòng sông quê: “Em ngồi gỡ hạt cỏ may/Dòng sông vỡ vạt nắng ngày rưng rưng”. Dòng sông ấy, mỗi lần về lại vẫn khiến cho tác giả dạt dào cảm xúc: “Tôi vừa cởi áo ném sông/Đã nghe hương khói đốt đồng cay cay” (Về với sông quê)... Tuy còn nghèo khó, miền quê ấy vẫn hiển hiện trong nhiều bài lục bát của Nguyễn Tấn On với những hình ảnh rất thơ mộng: “Lời ru cong vút mái đình/Hoa cau tiếng rụng rập rình vầng trăng”(Về quê).

Cùng với hình ảnh quê hương là hình ảnh của những người ruột thịt thương yêu. Nguyễn Tấn On đã dành nhiều tình cảm, nhiều trang viết cho cha, cho bà và chị... Người cha được nói đến trong thơ anh với tất cả niềm thương kính, với tầm vóc lớn lao của “ngọn núi Thái Sơn”. Và đây là câu lục bát rất hay, rất xúc động về hình ảnh người cha:

“Cội mai giờ đã đi xa
Vườn xưa đau tiếng gọi gà giữa trưa”
(Hồn mai)

Đặc biệt là hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ với gánh don – rất riêng, nhưng cũng là biểu tượng của đức hy sinh, sự chịu thương chịu khó; tiêu biểu cho người phụ nữ miền Trung cũng như người phụ nữ Việt Nam nói chung. Người mẹ ấy: “Ngâm mình dưới nước miệt mài bắt don/Áo tơi bạc thếch hao mòn”... Công việc rất cực nhọc nhưng ý nghĩa vô cùng lớn lao:
“Gánh don mẹ gánh đất trời/Nuôi con ăn học một thời đó đây”(Mẹ và gánh don).

Bên cạnh quê hương Quảng Ngãi, Đà Lạt với thiên nhiên tươi đẹp, hiền hòa đã làm say đắm tâm hồn Nguyễn Tấn On. Đà Lạt với những nét đặc trưng như dã quỳ, sương mù, thông xanh, phượng tím...  trở thành sự gắn bó, niềm yêu mến được nhắc đi nhắc lại trong nhiều bài lục bát. Anh đã có những vần thơ tràn trề cảm xúc về xứ sở này:

“Buổi về nhớ giọt mưa rơi
Đưa tay ta hứng khoảng trời ngày xưa
Đà Lạt tình, Đà Lạt mưa
Ta giờ ướt hết xin thưa bạn bè
Ngày về nghẹn một tiếng ve
Vấp màu phượng tím bên hè phố quen...”
(Vũng nhớ)

Không riêng xứ Quảng và Đà Lạt, Nguyễn Tấn On đã trải lòng mình với nhiều miền quê khác trên dải đất hình chữ S thân thương. Anh hào hứng đưa người đọc đến với Sài Gòn lập đông “Cơn mưa trộn nắng bềnh bồng bay bay”. Anh say mê với vẻ đẹp của Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn vật:
“Lá sen hứng nụ sương thiền
Tiếng chuông Trấn Vũ vấp miền tịch liêu
Trăng nằm võng mái phố rêu
Sông Hồng trôi chiếc bùa yêu chòng chành...”.
(Phóng sinh)

Anh tần ngần trước phố Hội đầy thi vị: “Bên em mắt biếc phù vân/Sông Thu sóng vỗ tần ngần đám mây” (Tần ngần) và rung cảm trước vẻ đẹp của Trăng Huế: “Tịnh Tâm mấy độ sen tàn/Cầm tay chiếc lá thả vàng sông trăng”, v.v... Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy Nguyễn Tấn On là một người hết sức đa cảm, “...có thể làm thơ bởi duyên cớ nhẹ như gió thoảng, mây bay” (Phạm Quốc Ca).

Nhiều bài lục bát của Nguyễn Tấn On còn đưa người đọc đến với thế giới của ký ức, của những kỷ niệm học trò hồn nhiên, thơ mộng:

“Hàng me rớt tiếng thòm thèm
Cười lay bóng nắng theo em đến trường
Vô tư thả xuống vô thường
Thơ ngây bứt lá bên đường đếm vui...”.
(Qua trường mực tím)

Một điều dễ nhận thấy là tâm hồn người làm thơ rất trẻ trung. Có cảm giác như anh là chàng sinh viên nhiều mơ mộng, chứ không phải một người ở cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Sự trẻ trung ấy đã in dấu trong những bài lục bát ít chất suy tư, triết lý về cuộc đời và con người mà thiên về cảm xúc. Có một cái gì đó như là xưa cũ với hàng loạt các hình ảnh như “lối nhỏ đời ta”, “phượng xưa”, “miền hoang vu”, “thiên thu”, “cành phượng gió đùa tiếng ve”, “cỏ hồng biếc mưa”, “phượng tím gọi mời đông sang”, “xước cánh phượng hồng”, “mưa gõ tháp chuông”, “mùa thu lá chết”, “trăm năm nguyệt tận”, “Tiếng thạch cầm chảy ướt mi chiều tà”...

Đọc lục bát Nguyễn Tấn On, ta thấy người làm thơ không chỉ nặng lòng với quê hương, với người thân, bè bạn... mà còn nặng lòng với thiên nhiên, với cỏ - cây - hoa - lá... Thiên nhiên là một phần “máu thịt” đã tạo nên hồn lục bát Nguyễn Tấn On. Hình ảnh dòng sông quê, mảnh vườn nhà “hương cau bông khế”... hay hình ảnh thiên nhiên đất trời Đà Lạt xứ hoa đều được Nguyễn Tấn On thể hiện chân thực, rõ nét trong thơ. Điều này đã làm cho lục bát Nguyễn Tấn On trở thành một thứ lục bát của hình ảnh - những hình ảnh dễ thương, trong trẻo:

“Giọt sương nằm ngủ cành hồng
Thương sao cánh lá ẵm bồng mong manh”
(Áo hoa)

Nhiều bài lục bát của Nguyễn Tấn On làm người đọc liên tưởng đến những hình ảnh trong tình khúc của Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên...

Thêm nữa, lục bát Nguyễn Tấn On khá “lành”, cả 99 bài thuần nhất, không có biến thể hay những sự phá cách như thường thấy ở nhiều nhà thơ khác.

* 99 bài lục bát Nguyễn Tấn On, Nxb Văn học

Hoàng Trọng Hà

 

Chùm lục bát của Nguyễn Tấn On


Về quê

Ta về tìm lại chút hương
Đã lâu ta ở phố phường rong rêu
Dòng sông soi một cánh diều
Khói đồng ai đốt cho chiều mù cay
Ta về không rượu mà say
Khoai lang lùi cháy hương bay ngát đồng
Áo tơi bật gãy mấy đông
Treo lên vách đất vẫn mông mênh trời
Ta về lượm tiếng à ơi
Hiên lòng gió thổi rối bời đống rơm
Ai về nhóm bếp nấu cơm
Cơm sôi buồn chín tàn rơm đỏ tình
Lời ru cong vút mái đình
Hoa cau tiếng rụng rập rình vầng trăng.


Nắng mới

Xuân về rộn bước chân thơ
Tiếng chim đụng nắng ngẩn ngơ đại ngàn
Nắng qua buôn, nắng qua làng
Phố xa nắng lạnh đã tràn áo len
Nắng về phố nhớ hay quên
Nắng choàng vai nhỏ bắt đền vu vơ
Bắt đền tôi bắt đền thơ
Bắt đền với cả giấc mơ nắng về.