Tây Nguyên vào hội lớn

09:08, 30/08/2012

(LĐ online) - Tây Nguyên của sắc hoa Pơ Lang, của bóng cây Kơ nia, của những con thác bạc đầu. Tây Nguyên của sử thi Đam San dài bất tận, xao xuyến lòng người, được già làng kể và truyền nối ngàn đời bên bếp lửa chưa bao giờ tắt...

(LĐ online) -Tây Nguyên của sắc hoa Pơ Lang, của bóng cây Kơ nia, của những con thác bạc đầu. Tây Nguyên của sử thi Đam San dài bất tận, xao xuyến lòng người, được già làng kể và truyền nối ngàn đời bên bếp lửa chưa bao giờ tắt. Tây Nguyên với những mái nhà Rông cao vút, hùng dũng vươn lên trời cao. Tây Nguyên với những lễ hội cháy lòng bên ngọn lửa bập bùng đã được tái hiện giữa Thủ đô Hà Nội.

Chờ đợi lắm, khát khao nhiều, sau 10 năm, nhân dân Hà Nội và du khách mới lại được thưởng thức bữa "đại tiệc" văn hóa đặc sắc, thuần chất Tây Nguyên giữa lòng Thủ đô Văn hiến, khi Lễ khai mạc Những ngày văn hoá Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II được khai mạc vào tối 28/8 tại Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tham dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Phạm Quang Nghị - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên, cùng đông đảo nhân dân thủ đô và du khách. Về phía tỉnh Lâm Đồng, có đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Với chủ đề của Lễ khai mạc là "Tây Nguyên - Những sắc màu văn hoá", đêm của Tây Nguyên, đêm của tình đoàn kết đã được bắt đầu bằng tiết mục "Hội tụ" do nghệ nhân của năm tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum và Đắc Nông biểu diễn. Tiếng cồng vang xa, tiếng chiêng ngân dài và chảy mãi.

Tây Nguyên hoang sơ, xanh thẳm và hùng vỹ với biết bao điều huyền diệu, nhưng luôn làm mê hoặc và đắm say lòng người. Tháng tám, chớm thu. Hơn 300 nghệ nhân đã tề tựu về đây mở hội. Tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào Tây Nguyên đã đem đến cho nhân dân Thủ đô một cảm xúc dâng trào.

Những ngày văn hoá Tây Nguyên tại Hà Nội sẽ nối gần hơn về khoảng cách địa lý, thấu hiểu hơn tình cảm, nêm chặt hơn những giá trị văn hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Tây Nguyên và Thủ đô Hà Nội. Thêm một lần nữa, sắc màu văn hoá Tây Nguyên lại được toả sáng lung linh giữa đất trời Hà Nội.

Sau tiếng Cồng khai hội được Bộ trưởng Bộ VHTT và Du lịch đánh lên, là màn diễn tấu chiêng Knah Drông tuê (đón khách) và nghi thức mời rượu của Tây Nguyên.

Lâm Đồng, vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vỹ. Từ rất lâu đời, những ngọn núi, con sông, dòng suối đã nuôi dưỡng, chở che, cho người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, M'Nông... Lâm Đồng, vùng đất lành là nơi hội tụ của rất đông đồng bào các dân tộc anh em sinh sống. Và này đây là lễ cúng chiêng của người Cơ Ho, và này đây là tiếng khèn M'buốt; và đây, khúc Tầm Pớt đã được cất lên trong đêm nay, giữa trời Hà Nội: "Ngất ngây men rượu cần/ chao nghiêng khúc Tầm Pớt/ Rạo rực bao chàng trai/ Mơ màng bao cô gái/ Ngày vui buôn làng mở hội/ Tiếng chiêng nhộn nhịp gọi mùa".

Cùng với Đoàn Lâm Đồng, nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên đã tái hiện sinh động đời sống văn hoá cộng đồng của đồng bào mình, thông qua các tiết mục như "Tây Nguyên vào hội", "Lễ mừng nhà rông mới", "Biểu diễn trang phục các dân tộc Tây Nguyên"...

Rượu cần đã uống, vòng xoang đoàn kết đã nối chặt bàn tay các dân tộc Tây Nguyên và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Báo Lâm Đồng ghi nhận những không khí, hình ảnh của buổi Lễ khai mạc

Các thành viên Đoàn Lâm Đồng chuẩn bị công đoạn cuối cùng cho khu trưng bày
Các thành viên Đoàn Lâm Đồng chuẩn bị công đoạn cuối cùng cho khu trưng bày

 

Phần biểu diễn trang phục truyền thống của Đoàn Lâm Đồng
Phần biểu diễn trang phục truyền thống của Đoàn Lâm Đồng

 

Tây Nguyên vào hội - tiết mục biểu diễn của Đoàn Kon Tum
Tây Nguyên vào hội - tiết mục biểu diễn của Đoàn Kon Tum

 

Tiết mục diễn tấu chiêng đón khách và múa mời rượu của Đoàn Đắc Lắc
Tiết mục diễn tấu chiêng đón khách và múa mời rượu của Đoàn Đắc Lắc

 

Rất đông du khách tham quan và mua sắm các sản vật đặc sản của Lâm Đồng
Rất đông du khách tham quan và mua sắm các sản vật đặc sản của Lâm Đồng

 

Rất đông nhân dân Hà Nội đã kéo cần và uống
Rất đông nhân dân Hà Nội đã kéo cần và uống
Những ngày hội văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật VN (số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, HN) từ ngày 28/8 đến 2/9. Theo Ban tổ chức, sẽ có 3 chương trình chính: Triển lãm “Tây Nguyên - Truyền thống và Phát triển”, Hội chợ giới thiệu ẩm thực đậm chất Tây Nguyên; Chương trình văn hóa nghệ thuật - Lễ hội - Giao lưu - Tọa đàm.

 Tại khu vực trưng bày chung giới thiệu không gian “Tây Nguyên - bản sắc văn hóa truyền thống” qua hình ảnh, sưu tập hiện vật như: trang phục truyền thống, cồng chiêng, công cụ lao động sản xuất, các loại nhạc cụ, các hiện vật liên quan đến nghi lễ đời người… giúp người xem có cái nhìn toàn cảnh về văn hóa điển hình của các tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Một Tây Nguyên hội nhập và phát triển, tập hợp tác phẩm của các nhà sưu tập, họa sỹ, nhiếp ảnh gia của 3 miền đất nước yêu mến Tây Nguyên. Triển lãm “Tranh, tượng về Tây Nguyên”, triển lãm “Sử thi Tây Nguyên”: trưng bày hơn 100 tác phẩm của kho tàng sử thi Tây Nguyên của các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Mơ Nông, Ra Glai, Xê Đăng, triển lãm “Cổ vật Tây Nguyên”, “Sắc màu Tây Nguyên” .

Ngoài ra, một hội chợ giới thiệu về ẩm thực và bán các đặc sản, nông sản, sản vật, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch đậm chất Tây Nguyên. Một không gian trà (Lâm Đồng) được tạo dựng tại sân ngoài trời là điểm thăm quan và thưởng thức sản phẩm đặc trưng của đất Tây Nguyên.

Hoạt động giao lưu, tọa đàm gồm có: chương trình giao lưu “Tây Nguyên - Những năm tháng không quên”, “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên”

Bài, ảnh: Văn Duẩn