Có lẽ chưa bao giờ người ta lại bàn bạc, thảo luận nhiều về văn hóa như thời gian qua. Nó đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội, đó là bởi mỗi người dân đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ và được quyền lựa chọn nó...
Có lẽ chưa bao giờ người ta lại bàn bạc, thảo luận nhiều về văn hóa như thời gian qua. Nó đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội, đó là bởi mỗi người dân đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ và được quyền lựa chọn nó. Nhưng văn hóa đọc đã và đang tiềm ẩn một nguy cơ có thể làm mai một thói quen đọc sách vốn có bởi sự lấn lướt của quá nhiều các phương tiện nghe - nhìn hấp dẫn.
Nhà tỷ phú trẻ tuổi, tài ba người Mỹ Bill Gates đã có một nhận xét rất thú vị rằng: “Thế giới nằm trên tay của bạn”. Bill Gates - một con người vĩ đại và là một biểu tượng rực rỡ nhất của cuộc cách mạng CNTT, người đã làm “đảo lộn cả thế giới” trong 20 năm qua. Quả thật, chính con người tài ba, lỗi lạc này cũng không ngờ rằng, vai trò của CNTT lại có sức lan tỏa kỳ lạ đến như vậy. Qua mạng, người ta có thể gửi thư, đọc sách, báo, nhận tài liệu, xem phim, nghe nhạc, giao lưu trực tuyến, kể cả việc mua bán hàng hóa… Chính internet đã làm cho thế giới bị thu nhỏ đi nhiều. Một sự kiện chính trị mới xảy ra ở Xyria, các trận đấu bóng đá cúp châu Âu vừa được tổ chức tận các nước Ucraina, hay Ba Lan… đều có thể hiện ra ngay trước mắt, trong tầm tay của bạn chỉ với một động tác “nhấp chuột” đơn giản. Đi liền với sự hấp dẫn này, là các quán xá, bar - café, vũ trường, karaoke… mọc lên như nấm sau mưa, và chẳng cứ gì trẻ em, thanh thiếu niên và nhiều người có tuổi hễ có cơ hội là cứ sa vào các loại hình giải trí trên đây. Nhưng đáng lưu ý hơn, là đã có rất nhiều người đã dành quá nhiều thời gian cho việc chơi game và đã vô tình biến trò chơi giải trí này như một bệnh dịch, tiêu tốn biết bao sức lực, thời gian và tiền bạc. Vì vậy, việc sao nhãng đọc sách cũng là điều dễ hiểu.
Lê Nin vĩ đại đã từng khẳng định: “Đọc sách cũng là một nghệ thuật”. Thực tiễn đã chứng minh rằng vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới đã đọc rất nhiều. Để làm được điều đó, Lê Nin đã tạo lập cho mình một nghệ thuật ĐỌC khoa học. Theo Người, nghệ thuật đó chính là đọc sao cho hợp lý, khoa học và có hiệu quả nhất (về thời gian, dung lượng và nội dung). Chẳng có ai trên cõi đời này lại có đủ thời gian và sức lực để có thể đọc hết tất cả các sách đã xuất bản, dù chỉ là sách trong một lĩnh vực hẹp. Theo số liệu của Cục Xuất bản (Bộ TTTT), thì trong năm 2011 vừa qua, toàn ngành xuất bản đã cho trình làng hơn 27.000 tên sách với khoảng gần 300 triệu bản in. Con số này chưa phải là nhiều, nhưng vẫn là mức kỷ lục so với nhiều năm trước đó. Vậy, đứng trước một biển tri thức, một núi sách khổng lồ như vậy, bạn sẽ đọc thế nào đây? Quả là không đơn giản tí nào!
Đọc sách không phải tự dưng mà có được nếu bạn không có niềm đam mê giành cho nó. Khi còn làm việc, tôi đã nhận ra một điều là ngay cả hầu hết các cán bộ, nhân viên của mình họ cũng chẳng có thói quen đọc sách, dù rằng, hàng ngày, thậm chí hàng giờ, họ đều phải sờ tay đến sách. Vì vậy mà tác giả văn học nổi tiếng thế giới, cứ ngủ yên trên giá sách ngay cả với các cán bộ đã và đang trực tiếp quản lý nó. Này nhé:
Đó là “Con đường đau khổ”, (A. Tolstoi - Văn học Nga), kể về số phận u ám của những người tri thức đô thị trong bối cảnh sụp đổ của đế quốc Nga và nội chiến đang xảy ra.
Đó là “Thép đã tôi thế đấy”, (A. Ostrousky - Văn học Nga), với phương châm sống đã từng là lý tưởng của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam: “Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận và những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì những dĩ vãng ty tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay, có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Đó là: “Jane Eyre”, (Charlotte Bronte - Văn học Anh), tác phẩm trữ tình nói về cuộc đời của một người con gái nghèo tỉnh lẻ đã kiên cường vật lộn với số phận để bảo vệ phẩm giá và tự khẳng định vị trí xã hội của mình bằng cuộc sống lao động lương thiện.
Đó là: “Ruồi trâu”, (E. Voynich - Văn học Mỹ), tác phẩm nổi tiếng này phản ánh cuộc đấu tranh dai dẳng, không khoan nhượng giữa người cha và đứa con ngoài giá thú của ông, đại diện cho 2 thế giới hoàn toàn đối lập nhau về lý tưởng sống, cũng như về chính trị và tôn giáo.
Đó là “Aivanhô”, (Walterscott - Văn học Scotland), tái hiện lại bối cảnh lịch sử, cuộc đấu tranh giữa người Normandy (Pháp) và người Sayon, qua đó phản ánh rõ nét cuộc đấu tranh trong giới hiệp sĩ quý tộc Anh vào thế kỷ 12…
Và còn rất nhiều, rất nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới khác như: “Sông Đông êm đềm”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Người mẹ”, “Con đường đau khổ” v.v… và v.v…, hiện vẫn ngủ yên cùng năm tháng trên các giá sách của Thư viện, mà chúng tôi tin chắc rằng còn rất nhiều người chưa biết đến, thậm chí cũng chẳng có ý định đọc những tác phẩm đó.
Đọc sách. Trước hết bạn phải ham đọc. Bởi đó không phải là sở thích, mà còn là một công việc nặng nhọc. Có người đọc chỉ để giải trí, hoặc thỏa chí tò mò, coi đó như là một thú vui. Nhưng, đó không thể là một trò chơi, nếu bạn muốn tìm tòi, hiểu biết để nâng cao trình độ. Chỉ khi nào bạn coi việc đọc sách như là một niềm say mê tự thân, thì khi đó, bạn mới có đủ dũng khí để vượt qua mọi sự cám dỗ khác, và nhờ vậy, bạn mới có thể hiểu hết một cách trọn vẹn những tri thức nằm trong sách vở. Đọc sách! Xét cho cùng, nhất là trong thời buổi hiện tại, là một công việc gian nan, vất vả. Vì vậy, nếu bạn không tạo cho mình một thói quen máu thịt với việc đọc, chẳng chóng thì chày, bạn đọc cũng mải mê với những thú vui khác mà bỏ qua việc đọc, có chăng cũng chỉ là đọc theo kiểu “ăn xổi” mà thôi. Chính nhà bác học lỗi lạc A. Einsten cũng đã từng khuyên lớp trẻ là “phải biết ngạc nhiên từ những điều tưởng chừng không đáng ngạc nhiên”. Muốn vậy, bạn phải thật sự nhẫn nại, kiên trì tìm trong sách vở và những câu chữ nằm lặng yên trên từng trang giấy. Chỉ có như vậy, bạn mới có điều kiện để thu nhận kiến thức một cách hệ thống nhất, sâu sắc nhất, để từ đó, nâng cao trí tưởng tượng của mình. Chính óc tưởng tượng sẽ là đôi cánh khỏe mạnh để đưa bạn đọc bay cao và bay xa.
Đành rằng, việc đọc ngày nay là rất khó, bởi nó bị bủa vây giữa vô vàn những thú vui chơi, giải trí khác. Đây cũng là điều tất yếu, khó tránh khỏi, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, ĐỌC SÁCH, vẫn là kênh thông tin quan trọng để nâng tầm cao trí tuệ của bạn.
Có lẽ trên thế giới, người Nga hoàn toàn có quyền tự hào họ là một dân tộc đọc nhiều sách nhất thế giới. Chỉ riêng thành phố Matxcơva đã có đến 1500 thư viện các loại. Rõ ràng là tri thức và tình yêu là hai điều không thể mua được, nhưng mỗi chúng ta đều phải liên tục trả giá cho nó từng ngày. Thực tiễn đã chứng minh rằng, sự hiểu biết, văn hóa là công việc di truyền, khó khăn nhất của con người.
Hãy giữ gìn cẩn trọng mỗi một cuốn sách mà bạn đã có, và hơn thế nữa, nhất thiết bạn phải cố gắng để hiểu cho được cách thức sử dụng chúng một cách có hiệu quả nhất. Sách không phải là vật để trưng bày, càng không phải là nơi để cho bụi bặm của thời gian và mạng nhện cuộc đời giăng kín.
Những kiến thức trong sách không bao giờ cũ, dù nó có được xuất bản từ năm nào. Đó là một loại hàng đặc biệt của nhân loại và sẽ còn tồn tại cùng lịch sử phát triển của loài người. Chúng ta hãy mãi mãi cám ơn bao thế hệ đi trước đã thắp lửa trong tâm hồn để ngọn lửa đó được duy trì sự cháy của ngọn đuốc tri thức cho các thế hệ mai sau… Chỉ có như thế, ngọn lửa tri thức của sách sẽ không bao giờ tắt.
Hoàng Kim Ngọc