Lung linh sắc màu đại ngàn

02:08, 28/08/2012

(LĐ online) - Trong các ngày từ 28.8 đến 2.9, “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội 2012” sẽ được diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa Việt Nam với sự tham gia của đại diện các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum và TP Hà Nội được xem là sự kiện trọng điểm của Bộ VH-TT-DL nhân Quốc khánh năm nay...

(LĐ online) - Trong các ngày từ 28.8 đến 2.9, “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội 2012” sẽ được diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa Việt Nam với sự tham gia của đại diện các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum và TP Hà Nội được xem là sự kiện trọng điểm của Bộ VH-TT-DL nhân Quốc khánh năm nay. Ban Tổ chức cho biết, trong đêm khai mạc (28.8), với chủ đề “Tây Nguyên – những sắc màu văn hóa”, “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội 2012” chính là chương trình tổng thể nhằm giới thiệu đặc trưng văn hóa Tây Nguyên với công chúng thủ đô thông qua các nội dung cụ thể như hòa tấu cồng chiêng, diễn tấu sử thi, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, trình diễn trang phục, múa xoong đoàn kết… Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng – trong dịp này cũng được góp mặt vào chương trình những ngày hội với một gam màu khá đặc trưng về văn hóa của các tộc người bản địa. “Gam màu” ấy chính là vốn quý của các dân tộc Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng!

Nghề làm gốm truyền thống của người Churu được truyền từ đời mẹ (bà Ma Wơng, 72 tuổi) sang đời con (chị Ma Phương, 40 tuổi) ở thôn Krăng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương
Nghề làm gốm truyền thống của người Churu được truyền từ đời mẹ (bà Ma Wơng, 72 tuổi) sang đời con (chị Ma Phương, 40 tuổi) ở thôn Krăng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương


Vốn quý văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên được ví như những hạt ngọc lung linh giữa đại ngàn thẳm vợi. Hơn 40 tộc người thiểu số bản địa Lâm Đồng với những nét văn hóa độc đáo và đặc trưng tộc người đã quyện hòa với thiên nhiên hùng vĩ để làm nên bản tổng phổ của âm thanh và sắc diện Tây Nguyên trong đại tổng phổ văn hóa Việt Nam xuyên suốt lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Nam Tây Nguyên có hai nhóm cư dân thiểu số bản địa chính là Mạ, Cơho… thuộc ngữ hệ Môn Khơme và Churu, Raglai… thuộc ngữ hệ Mã Lai Đa Đảo với tổng số dân chiếm chưa đến 20% trong tổng dân số Lâm Đồng (khoảng 1,2 triệu người) hiện nay. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa của các tộc người thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên đã từ lâu được khẳng định và đó chính là “tấm thẻ căn cước” để các cộng đồng người thiểu số này bước vào đời sống hiện đại hôm nay. Những giá trị đó là cồng chiêng bất biến, nghề dệt truyền thống có sức sống bền chặt, nghề làm gốm và nhẫn bạc vô cùng độc đáo…; là kho tàng văn học dân gian vô cùng phong phú, là nền âm nhạc cổ truyền rất đặc trưng và luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng. Những giá trị đó còn được “đo” bằng cả một thánh địa tôn giáo trong lòng đất Cát Tiên đã và đang “thách thức” sự khám phá của các nhà khoa học; còn được “đếm” bằng cả nền văn minh sông Đồng Nai với độc mộc thuyền xuyên suốt từ buổi bình minh lịch sử đến thời hiện đại của các cư dân đại ngàn.

Nghệ nhân làm nhẫn bạc truyền thống duy nhất trong cộng đồng người Churu ở Lâm Đồng còn sót lại – anh Ya Tuất ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương
Nghệ nhân làm nhẫn bạc truyền thống duy nhất trong cộng đồng người Churu ở Lâm Đồng còn sót lại – anh Ya Tuất ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương

 

Khèn mbuốt là một trong những nhạc cụ tiêu biểu của các tộc người thiểu số Nam Tây Nguyên
Khèn mbuốt là một trong những nhạc cụ tiêu biểu của các tộc người thiểu số Nam Tây Nguyên

 

Trẻ em gái người thiểu số học nghề dệt truyền thống từ lúc còn rất nhỏ
Trẻ em gái người thiểu số học nghề dệt truyền thống từ lúc còn rất nhỏ

 

Phóng sự ảnh: Khắc Dũng