Nhà văn Thái Huyền: Nặng lòng với Đà Lạt

03:08, 22/08/2012

Quả thực, ở cái tuổi “ngoại bát thập” như ông, nhiều người khó mà tự lo việc ăn uống sinh hoạt cho bản thân, nhưng nhà văn Thái Huyền vẫn rất khỏe. Dáng người mảnh khảnh, vầng trán cao và đôi mắt tinh anh là những gì người đối diện cảm nhận tức thì về một con người thông tuệ, hiền chân...

Nhà văn Thái Huyền
Nhà văn Thái Huyền

Gọi điện cho nhà văn Thái Huyền mấy lần, ông bảo đang ở Sài Gòn. Vài hôm sau gọi lại, ông bảo lên Đà Lạt rồi, nhưng đang bận đi Xí nghiệp in Bản đồ. Thầm nghĩ trong bụng, đúng là nhà tiểu thuyết trinh thám! Phải đến ngày hôm sau nữa mới được diện kiến ông tại nhà riêng ở đường Nguyễn Công Trứ. Việc đầu tiên, ông ký tặng tôi tập tiểu thuyết trinh thám Thám tử đội Hướng Dương dày hơn 450 trang vừa mới ra lò còn nóng hổi. Đây là tập sách thứ bảy của ông đã xuất bản, và là cuốn tiểu thuyết thứ ba (sau hai cuốn tiểu thuyết tình báo Nội tuyến A3 và Mai Anh Đào).

Quả thực, ở cái tuổi “ngoại bát thập” như ông, nhiều người khó mà tự lo việc ăn uống sinh hoạt cho bản thân, nhưng nhà văn Thái Huyền vẫn rất khỏe. Dáng người mảnh khảnh, vầng trán cao và đôi mắt tinh anh là những gì người đối diện cảm nhận tức thì về một con người thông tuệ, hiền chân. Ông quê gốc Văn Sơn - Đô Lương - Nghệ An, vào Đà Lạt từ năm 1935 và Đà Lạt gắn bó máu thịt, đã trở thành quê hương thứ hai của mình. Cho đến bây giờ, ở vùng đất Tây Nguyên này, nhắc đến nhà tiểu thuyết trinh thám số một, không ai là không biết đến nhà văn Thái Huyền, ông còn có bút danh khác là Nguyễn Việt Linh. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, ông đã ra mắt bạn đọc 3 tập tiểu thuyết dày dặn (Nội tuyến A3 (2007), Mai Anh Đào (2009), Thám tử đội Hướng Dương (2012)) chứng tỏ sức viết của nhà văn dồi dào. Cả ba cuốn tiểu thuyết đều viết về mảnh đất Lâm Viên những ngày kháng chiến, những khó khăn gian khổ và cả những chiến công anh dũng của cán bộ và nhân dân Đà Lạt qua các thời kỳ.

Tiểu thuyết trinh thám, tình báo là một thể loại văn học khá khó viết, để hấp dẫn lôi cuốn được người đọc đòi hỏi người cầm bút phải thật khéo léo dẫn dắt câu chuyện ly kỳ mà vẫn mang tính chân thực. Nếu ở Mai Anh Đào, Nội tuyến A3 nói về phong trào đấu tranh chính trị của công nhân, học sinh, sinh viên, tiểu thương chợ Đà Lạt những năm chống Mỹ - ngụy (1965 – 1968), thì tiểu thuyết Thám tử đội Hướng Dương có không gian rộng hơn từ khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 đến phong trào Cách mạng Tháng Tám 1945 nổi dậy chống Pháp – Nhật giành chính quyền ở Đà Lạt. Để làm được điều đó, Nguyễn Thái Huyền đã mày mò nghiên cứu tiểu thuyết trinh thám của Nhật, Đức và đam mê đọc tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn từ nhỏ. Căn cốt nhất, ông là một người trực tiếp tham gia vào các cuộc cách mạng ở Đà Lạt nên hơn ai hết ông hiểu rõ bản chất cuộc chiến đấu của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những ngày gian khó giành chính quyền. Chính vì vậy, những trang viết của ông luôn hấp dẫn người đọc bởi những pha đấu trí thông minh, dũng cảm của các đội thám tử - những người Cộng sản Cách mạng, đầy ắp khí thế chiến đấu và thấm đẫm tính nhân văn! Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay là cả một quá trình vật lộn với cuộc sống, với con chữ, và cũng đã gặp cay đắng. Ông tâm sự một cách thật thà: “Từ những năm 1945, tôi đã viết truyện ngắn rồi gửi cho Nhà xuất bản Thời nay, nhưng họ chê và trả lại bản thảo. Thế là tôi không viết nữa”.

Cuộc đời của Nguyễn Thái Huyền cũng lắm thăng trầm, đầy biến động. Khi vào Đà Lạt, ông được học Trường Pháp Việt (Primaire), sau học Trường Trung học Kim Yến (Nha Trang). Năm 1945, Nhật cướp chính quyền tại Đà Lạt, ông từ Nha Trang trở về Đà Lạt hoạt động. Lúc đó, nhà ông đang nuôi giấu một cán bộ cách mạng nên chính đồng chí cán bộ này đã dìu dắt ông hoạt động. Trong thời gian này, ông làm công việc đưa thư, giao liên, sau đó phụ trách điện thoại viên và giao liên nội bộ cho Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên đầu tiên. Để làm được công việc đó đòi hỏi người làm phải có trình độ văn hóa. Rồi ông được cử ra Huế học tiếp để lấy bằng Dip – lôm (bằng này một xã chỉ có vài ba người có).

Ở Huế, phong trào xếp bút nghiên lên cao. Tất cả sinh viên trở về tham gia chiến đấu. Ông về quê Đô Lương - Nghệ An và được bầu vào làm Phó ban Tuyên truyền ca kịch lưu động huyện Anh Sơn  - Đô Lương - Nghệ An. Tại đây, cái máu văn nghệ, văn chương trong con người ông lại trỗi dậy. Ông bắt đầu tự biên tự diễn những kịch bản sân khấu. Trước tình thế vận mệnh của đất nước, ông tiếp tục gia nhập quân đội. Vì có trình độ văn hóa, ông được bố trí vào văn phòng Liên khu 4, sau được điều động ra Tổng cục Quân khí đóng tại ATK (Đại Từ - Thái Nguyên). Thời gian này ông bắt đầu làm thơ, viết tin, viết truyện ngắn trở lại. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng về một thời như Đợi anh, Sáng rực ngày mai… Khi tham gia cùng đội 217 làm nhiệm vụ chống bom nổ chậm trên đỉnh đèo Pha - Đin tại chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cũng đã viết: Nhớ anh công binh, Lỡ Làng…

Năm 1955, ông giải ngũ, về làm Trưởng ban Thông tin văn hóa xã. Lúc này sáng tác bắt đầu nở rộ, ông có nhiều tác phẩm đăng báo Nhân Dân, báo Cứu Quốc, Tả Ngạn, Hà Nam, Quân khu 3, Quân khu 4, Ninh Bình… Đối với Nguyễn Thái Huyền, viết lúc này vừa là một nhu cầu tự thân, vừa để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Năm 1962, ông được chuyển sang làm cho Tổng cục Bưu điện, điều động về Bưu điện Quảng Bình. Nơi đây đã tạo cho ông vốn sống để viết. Ông tham gia vào Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình những năm 1965 - 1975, cùng thời với Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Quang Tấn, Trần Nhật Thu… Có một nơi để giao lưu hoạt động văn học nghệ thuật, càng thôi thúc tinh thần say mê sáng tạo của ông. Tập thơ Lỡ Làng đã được Ty Văn hóa Thông tin Quảng Bình cấp giấy phép xuất bản. Ngoài ra, ông cũng có nhiều tác phẩm được chọn in trong các tuyển tập: Thơ ca Bưu điện, Thơ Quảng Bình…

Năm 1975, ông chuyển vào Lâm Đồng làm Chủ tịch Công đoàn ngành Bưu điện tỉnh Lâm Đồng. Trở về mảnh đất thơ mộng trữ tình, tâm hồn như được giãn nở cùng đất trời, ông viết nhiều hơn. Ông trở thành hội viên Hội VHNT Lâm Đồng. Lúc này ông đã có cho mình 4 giải thưởng: Giải B của Tổng cục Bưu điện cho truyện ngắn Lá cờ hồng (1967), Giải A của Đài PTTH tỉnh Lâm Đồng về Câu chuyện truyền thanh (1997), Giải KK Đài Tiếng nói Việt Nam về Câu chuyện truyền thanh (1999), Giải KK Thơ cho tác phẩm Kính thần do Sở Văn hóa Thông tin Lâm Đồng trao năm 1996. Đó là sự khởi đầu tốt cho sự nghiệp sáng tạo văn học của ông.

Tuy nhiên, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả vẫn là một Nguyễn Thái Huyền với những trang tiểu thuyết tình báo, trinh thám chứa chất… tinh thần chiến đấu. Nó cuốn hút độc giả ngay từ cách đặt tên cho đến tình tiết câu chuyện được ông dẫn dắt rất khéo léo. Đó là những cuộc đấu trí cam go, nguy hiểm nhưng đầy thông minh, mưu trí, dũng cảm của các đội tình báo A3, Mai Anh Đào, đội thám tử Hướng Dương xen lẫn những câu chuyện tình cảm động, sâu sắc. Lăn lộn qua các chiến trường từ Bắc vào… Đà Lạt, đã từng ăn gió nằm sương cùng đồng đội, nhân dân, đồng bào nên ông hiểu rất rõ những khó khăn gian khổ cũng như ý chí chiến đấu mãnh liệt của nhân dân ta trong những ngày kháng chiến, để bây giờ viết như là một cuộc lội ngược lịch sử để chiêm nghiệm một thời hào hùng. Bởi đọc từng trang, ta như được chứng kiến từng cái chết để mà đau, mà căm phẫn tội ác của giặc, của những kẻ cùng dòng máu lầm đường lạc lối; rồi vui sướng, hạnh phúc khi họ nhận ra chân lý và quay về theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, nhân dân vùng lên đấu tranh giành lại chính quyền, được tự do ấm no. Phải nặng lòng với mảnh đất Nam Tây Nguyên này, ông mới có những trang văn như trải lòng đến vậy. Ông chia sẻ: “Để viết nên những cuốn tiểu thuyết này, ông đã đi gặp các vị lão thành cách mạng các thời kỳ từ Tỉnh ủy, Khu ủy, cán bộ Tư lệnh để nắm địa bàn ở 4 tỉnh Tây Nguyên, cộng với tư liệu sẵn có”. Riêng cuốn tiểu thuyết trinh thám Thám tử đội Dướng Dương ông mất đến 3 năm từ tìm tư liệu đến khi bắt tay vào viết xong. Bản thảo giấy A4 mất khoảng hai chục ký. Thế mới biết Nguyễn Thái Huyền làm văn một cách đích thực chứ không hề hời hợt. Ông viết bất cứ lúc nào có cảm xúc, sáng, trưa, chiều, tối, cả lúc nửa đêm đang ngủ, ý tưởng lóe lên trong đầu là ông lại bật dậy ngồi viết. Ông bảo “thấy mình viết cực khổ quá, vợ con cũng cằn nhằn, nhưng không bỏ được”. Những trang viết thật bởi những cái tên, những địa danh, những cột mốc lịch sử, và những sự kiện “Thanh niên, phụ nữ, nông dân cứu quốc lo đôn đốc tập hợp lực lượng hội viên đến địa điểm quy định. Họ đi tìm cái nỉa, cái xẻng, con dao… làm vũ khí.

Tôi là một người thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh, từ miền Trung đến với Đà Lạt bởi sự “ám dụ” của ngàn thông cuộn sương bảng lảng trên ngút ngàn hoa, của những non tơ mơn mởn rau xanh trái ngọt… mà không hề biết rằng, để có được một thành phố Đà Lạt xinh đẹp mê đắm du khách như ngày hôm nay là cả một quá trình đổ mồ hôi để xây dựng của người dân các miền về khai phá lập ấp, trồng rau, hoa; đổ máu và nước mắt khi giành lại chính quyền từ tay giặc… cho đến khi đọc được những tác phẩm của Nguyễn Thái Huyền. Đó cũng là tâm nguyện của ông khi tôi hỏi: “Sau Thám tử đội Hướng Dương, bác viết tiểu thuyết trinh thám nữa không?”. “Có chứ! Nếu còn sức khỏe. Tư liệu tôi còn nhiều lắm”… Ông thả người ra thành ghế, chậm rãi cười: “Chưa nghỉ được đâu, tôi muốn để lại cho đời sau một cái gì đó có ích…”.

Tôi tin và cũng cầu chúc cho ông có thêm nhiều sức khỏe, để người đọc có thêm những câu chuyện mà suy ngẫm.

Cát Miên