Phát hiện chiêng lớn nhất từ trước đến nay

03:08, 09/08/2012

Một số người am hiểu cồng chiêng Tây Nguyên cho rằng đây là chiếc chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên lớn nhất từ trước đến nay được tìm thấy.

Trong vài ngày gần đây, khi hay tin ông Lê Cao Tánh, Trưởng Văn phòng Luật sư Bá Tánh (54, Bùi Thị Xuân, Đà Lạt) phát hiện một chiếc chiêng lạ, nhiều người dân đã đổ về đây để được chiêm ngưỡng. Một số người am hiểu cồng chiêng Tây Nguyên thì cho rằng đây là chiếc chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên lớn nhất từ trước đến nay được tìm thấy.

Trong hai ngày 8 và 9.8, chúng tôi cũng đã có mặt tại Văn phòng Luật sư Bá Tánh để tận mắt nhìn thấy chiếc chiêng. Luật sư Lê Cao Tánh cho biết: “Cách nay vài hôm (5.8), trong lúc đào móng làm nhà riêng tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt, thì người nhà bất ngờ tìm thấy chiếc chiêng này”. Theo ông Tánh, chiếc chiêng được chôn dưới lớp đất sâu khoảng hơn 1m; xung quanh nơi phát hiện chiêng không có dấu hiệu gì bất thường, chỉ là một nền đất bình thường. Lúc mới được đào lên, chiêng lấm lem đất đen và đỏ, và gỉ sét. “Sau khi cọ rửa thật sạch, thấy chiêng vẫn cứ cũ mèm, tôi nói người nhà dùng máy mài mài cho nhẵn để cho đẹp hơn…” – ông Tánh kể chuyện. Tuy nhiên, rất may là việc “mài bóng” này đã được khuyên ngăn kịp thời.
 

Chiếc chiêng vừa được tìm thấy tại Tà Nung (Đà Lạt) có đường kính lên đến 73cm và cân nặng 13,5kg.
Chiếc chiêng vừa được tìm thấy tại Tà Nung (Đà Lạt) có đường kính lên đến 73cm và cân nặng 13,5kg.

Chiếc chiêng của ông Lê Cao Tánh vừa phát hiện được có đường kính lên tới 73cm – dài hơn nhiều so với những chiếc chiêng thường thấy trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng từ trước đến nay (phổ biến là đường kính từ 60cm trở xuống). cân nặng 13,5kg (chiêng thường chỉ từ 10kg trở xuống); đây là loại chiêng bằng (gọi là ciang) với hình dáng không khác gì mấy so với các loại chiêng thông thường hiện có trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đáng lưu ý: Mặt ngoài chiếc chiêng này lại có một vệt phẳng (mặt chiêng thường không phẳng) và thẳng đi qua tâm của chiêng khiến cho ta có cảm giác như chiêng được lắp ghép từ hai mảnh rời nhau. Tuy nhiên, mặt sau của chiêng lại không thể hiện điều này nên có thể đoán định chiêng được đúc thô trong một khuôn tròn và sau đó nghệ nhân gò đập để chỉnh âm; và vết “đường kính” nói trên như là một vật trang trí (hoặc cũng có thể là lằn ranh để “chia” hai phần chiêng thành hai cao độ khác nhau). Qua quan sát trực tiếp, chúng tôi nhận thấy: Đây là chiếc chiêng có đường kính khá lớn, ít được tìm thấy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ trước đến nay ở Lâm Đồng. Điều đáng quan tâm nữa là, từ trước đến nay, hiện vật chiêng không mấy khi được tìm thấy trong lòng đất. Nay, với chiếc chiêng của luật sư Cao Bá Tánh vừa phát hiện trong lòng đất (như lời kể của ông) là một hiện tượng đáng lưu ý (đáng tiếc là ông không có hình ảnh ghi lại sự phát hiện này). Tuy vậy, vẫn có thể đặt giả thiết rằng đó là chiêng do một gia đình người dân tộc thiểu số nào đó xưa kia vì một lý do nào đó phải chôn giấu; và, qua thời gian, nó bị “bỏ quên” trong lòng đất từ rất nhiều năm qua. Rồi nữa, cũng theo ông Tánh cho biết thì đây là chiếc chiêng duy nhất được tìm thấy tại khu vực nói trên cho đến lúc này. Thường thì với cộng đồng các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên, cồng chiêng hay đi kèm với nhau thành “bộ” (bộ chiêng sáu, bộ chiêng ba…) chứ không tồn tại đơn lẻ từng chiếc. Với chiếc chiêng vừa tìm thấy này, qua quan sát, chúng tôi nhận thấy sự tác động của con người trong diễn tấu không nhiều (hầu như không có dấu vết của bàn tay gõ chiêng) nên chúng tôi đưa ra đoán định: Đây rất có thể là chiếc chiêng dùng làm vật lễ chứ không hẳn là chiêng để hành lễ!

Nơi phát hiện chiếc chiêng “lạ” này, theo chủ nhân Lê Cao Tánh, là xã Tà Nung thuộc TP Đà Lạt. Tà Nung nằm cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 17km về phía tây nam, có độ cao trung bình 1.000m so với mực nước biển. Đây là vùng đất cư trú lâu đời của ba dân tộc thiểu số bản địa là Lạch, Chil và Srê. Theo các nhà nghiên cứu thì Srê là tộc người bản địa đầu tiên cư trú tại vùng đất Tà Nung – với bon cũ có tên là T’Rnũn (về sau, đọc chệch thành “Tà Nung”). Srê được xem là một nhánh nhỏ của người Cơho bản địa Nam Tây Nguyên. Về văn hóa, giữa hai tộc người Cơho và Srê không có nhiều sự khác biệt, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Bằng mắt thường quan sát cũng dễ dàng nhận ra chiếc chiêng vừa phát hiện này không khác mấy so với chiêng của người Cơho và người Srê đang sử dụng hiện nay.

Tuy nhiên, để khẳng định những giá trị về nhiều mặt của chiếc chiêng vừa được phát hiện này, sự “vào cuộc” của các nhà khoa học chuyên ngành là điều cần thiết phải nghĩ đến!

Khắc Dũng