Nhịp điệu thời gian của Hồng Vinh quả thực đã cho chúng ta có dịp được lọt sâu vào những khía cạnh tình cảm sâu kín và tinh tế nhất của tác giả, để chúng ta nhận biết được một Hồng Vinh có trái tim sâu nặng đến thế nào với những kỷ niệm quê hương, gia đình, có những thổn thức tươi tắn mà đằm thắm đến thế nào với tất cả những gì anh đã từng được sống qua, đã nếm trải và chiêm nghiệm trong đời...
Nếu như thơ dễ làm bộc lộ những đường nét tâm hồn kín đáo nhất của người sáng tạo thì tập thơ mới: Nhịp điệu thời gian của Hồng Vinh quả thực đã cho chúng ta có dịp được lọt sâu vào những khía cạnh tình cảm sâu kín và tinh tế nhất của tác giả, để chúng ta nhận biết được một Hồng Vinh có trái tim sâu nặng đến thế nào với những kỷ niệm quê hương, gia đình, có những thổn thức tươi tắn mà đằm thắm đến thế nào với tất cả những gì anh đã từng được sống qua, đã nếm trải và chiêm nghiệm trong đời. Nhưng trước hết và trên tất cả, đọc thơ anh, chúng ta thấy thực sự quý trọng một con người không bao giờ dễ dàng bỏ qua bất cứ điều gì tốt đẹp mà đời đã đem lại cho mình: Có thể đó chỉ là một trải nghiệm ấm áp với bà con xóm nghèo từ cuộc đời sinh viên ở tận xã Vạn Thọ của huyện Đại Từ xa xôi ở Thái Nguyên thời sơ tán chống Mỹ:
Lòng tôi trào dâng luyến nhớ
Bà con đùm bọc một thời
Củ sắn, nắm rau san nửa
Ai còn, ai mất, người ơi?...
Hay đó còn là những kỷ niệm gắn bó thật giản dị mà đầy ý nghĩa từ thời thanh xuân sôi động với một người bạn bình thường, nay đã đến tuổi hưu: Một khoảng trời ráng đỏ Trường Sơn trên trọng điểm khét mùi bom đạn, đủ nôn nao gợi nhớ về hương cốm đầu mùa; hay một khoảng gió chướng Trường Sa còn thổi mãi trên những chóp nắng lô nhô của biết bao đảo chìm, đảo nổi ngoài khơi:
Nhớ đỉnh Đồng Tiền ráng đỏ
Khói bom giặc Mỹ còn vương…
Cùng nằm gối đầu lên mũ
Nôn nao hương cốm làng Vòng…
Rồi Trường Sa mùa gió chướng
Lại bên nhau vượt trùng khơi
Đến từng đảo chìm, đảo nổi
Mang theo thương nhớ đầy vơi…
Tác giả đã từng được sống trọn vẹn, được đùm bọc, được sẻ chia… với biết bao con người bình thường đã từng làm nên những kỳ tích phi thường trong một thời đầy gian nan và thử thách của cả dân tộc. Chính vì vậy, hôm nay nhìn lại, anh thấy mình như còn mắc nhiều món nợ tinh thần chưa thể nào trả được. Ngay từ bài mở đầu tập thơ, tác giả đã tự nhắc nhở và cũng là để tri ân cuộc đời những điều mà anh mãi còn thắc thỏm mà không sao báo đáp nổi: Đó là ân nghĩa của mẹ của cha; là món nợ xương máu khi đồng đội chở che mình trong tầm bom tọa độ; là miếng cơm, củ sắn, là manh áo, tấm chăn của bà con, cô bác; là tuổi nhỏ với những người cất vó, mò cua đã dạy mình biết đứng thẳng làm người lao động lương thiện và trung thực; là thầy giáo, cô giáo và các bạn sinh viên trên những giảng đường tre nứa đơn sơ thời kháng chiến, đã tiếp sức và chia sẻ cho mình những kiến thức khoa học cơ bản hữu dụng nhất để vận dụng khi vào đời:
Tuổi thơ tôi có trưa hè nắng cháy
Cất vó, mò cua trên cánh đồng xa
Nguồn sữa ngọt từ câu ru của mẹ
Những dặn dò sâu lắng lời cha…
Tôi đã qua những mùa đông khắc nghiệt
Cái đói cồn cào thời sơ tán sinh viên
Bạn cùng lớp chung tấm chăn, trang sách,
Căn nhà khuya đêm lạnh chong đèn…
… Trong tầm bom tọa độ, bạn chở che
Nợ xương máu làm sao tôi trả được?
Cũng có khi tác giả không cần phải nói rõ ra một món nợ tinh thần nào, nhưng người đọc vẫn cảm thông và chia sẻ với anh những gì đem lại một nét đẹp thánh thiện và trinh nguyên mà anh tự nguyện gìn giữ cho riêng mình, “Cái đẹp có khả năng cứu rỗi thế giới” – nói như Đôxtôiepxky, khi anh cảm nhận được cụ thể cả nhịp co bóp tươi trẻ hết sức bất ngờ, làm xốn xang trở lại cả trái tim mình, qua tháng năm vất vả tưởng như đã dần chai cứng, qua vài nét chấm phá như trong bài Từ buổi ấy.
Hồng Vinh có một lối nói giản dị mà sâu sắc, đơn sơ mà đằm thắm. Anh không hề “làm điệu” ở bất kỳ một câu thơ chữ nào, anh cũng rất kỵ lối dùng kỹ thuật để “làm xiếc” trong thơ, tuy vậy, thơ anh vẫn thẩm thấu vào trong ta một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không kiên cưỡng. Thơ anh như hạt gạo để ăn, như không khí để thở hằng ngày, anh không thích dùng nhiều màu sắc sặc sỡ và khêu gợi quá, anh cũng không ưa dùng những lối nói chỉ để gây “sốc”, để tạo cảm quan và ấn tượng bề ngoài. Anh trung thành với cảm xúc nội tâm, với những gì diết da và sâu nặng từ bên trong, và vì thế, thơ anh không xa rời lối nghĩ và lối cảm của thơ cổ điển, không cần gây choáng cho người đọc, mà muốn người đọc rủ rỉ đi theo mình, cùng mình khám phá hết vẻ đẹp phong phú và đa dạng của cuộc đời bằng một phong thái điềm đạm và trực giác nhất, thiện chí và thuyết phục nhất. Có lẽ điều này cũng có phần ảnh hưởng từ phong cách của con người anh, một nhà hoạt động tư tưởng, văn hóa – xã hội bền bỉ và giàu kinh nghiệm, một nhà nghiên cứu biết tư duy ở tầm tổng hợp, học được lối phân tích lý luận điềm tĩnh và sâu lắng, từ đó, biết mổ xẻ và đúc kết mọi điều phức tạp bằng những lời lẽ khúc chiết, sáng sủa và dễ tiếp nhận nhất cho mọi người.
Do đặc thù công tác, Hồng Vinh là người đi nhiều, học nhiều, biết nhiều. Chỉ trong một tập thơ 78 bài không phải là dài lắm của anh, chúng ta cũng đã có dịp theo anh phát hiện và khám phá nhiều điều thú vị: Chẳng hạn, chúng ta được cùng anh bước chân vào ngôi Trường Dục Thanh còn đầy kỷ niệm của Bác Hồ; tiếp đó, lại theo chân anh lên Pắc Bó; và xa hơn nữa, chúng ta được chia sẻ cảm nhận của anh khi được bước chân trên Đại lộ Hồ Chí Minh rộng lớn ở Luanda (thủ đô Angola) hoặc trên con đường cũng mang tên Bác ở thủ đô Maputô (Mozambique). Anh rất nhạy bén và viết ngay được thành thơ khi đến dự lễ khánh thành Tháp Chuông ở mộ 10 cô gái liệt sĩ anh hùng trên Ngã ba Đồng Lộc; anh lại tinh tế nhận ra giống bàng ở Trường Sa có dáng vuông độc đáo, nhụy vàng, hoa đỏ rực; và thế là các chi tiết vốn rất thơ từ đời thường đó lại đã có mặt trong các chi tiết làm nên vẻ đẹp của thơ anh. Anh biết ghi nhận vẻ đẹp và những gì gắn bó với tâm hồn con người từ cây đa cổ thụ nhiều đời tỏa rợp bóng trên sân Tòa báo Nhân Dân mà mỗi chúng ta tới đó đều thích thú, đến suối cá thần độc đáo ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa), hay vùng đất Lam Kinh đầy những di tích hào hùng đã đi vào truyền thuyết của vị anh hùng áo vải đất Lam Sơn. Nhưng ngay cả khi đi ra nước ngoài, nhà thơ Hồng Vinh cũng thể hiện tài quan sát và biết đưa vào thơ những chi tiết rất thi vị, như khi anh đến thăm khu thành cổ Heidenberg ở ngoại ô Franfurt (Đức), được xây dựng từ năm 1815 cạnh sông Rhin xinh đẹp; hoặc anh ghi được những chi tiết rất thú vị ở một khu chợ tranh trên cát rất đặc thù ở tận Luanda (Angola). Sự phát hiện không ít những chi tiết độc đáo và mới vẻ cũng làm nên sức hấp dẫn của thơ anh và nối dài thêm cảm xúc cho người đọc. Trong tập thơ mới này, tác giả Hồng Vinh đã có ý thức làm được điều đó một cách tự nhiên, nhưng gây được ấn tượng cho độc giả.
Một điều cuối cùng chúng ta có thể nhận thấy nữa là sức trẻ trong thơ Hồng Vinh còn được điểm xuyến bằng khá nhiều bài thơ tình yêu đầm ấm và tươi tắn. Cũng là cái đợi trong tình yêu, nhưng Hồng Vinh lại làm nó có sức bao quát vừa cụt hể, vừa sống động và sâu nặng hơn:
Anh đợi chục mùa nước nổi
Đợi cả trăm con nước ròng…
Mặc bao hoàng hôn đã tắt
Sao trời thắp nến chờ mong!
Anh bền bỉ nuôi dưỡng tình yêu như vậy, vì nếu cuộc đời không có tình yêu thì quả là trống vắng, bất hạnh, nói theo cách của anh, thì:
Thiếu nắng hè và đêm trăng, đâu còn là Trái đất,
Không biển sông, sao có cánh buồm nâu?
Tình yêu khơi hồn thơ, tiếng hát,
Nhân niềm vui, vợi bớt sầu đau!
Ý thức được giá trị vĩnh cửu của tình yêu đối với con người và cuộc sống là chân lý phổ quát của nhiều thi sĩ từ phương Đông tới phương Tây. Nhà thơ Tố Hữu cũng có một câu thơ thật giản dị nhưng nói được cốt lõi của lẽ sống ở đời: “Người yêu người, sống để yêu nhau!”. Với Hồng Vinh, anh cũng cảm nhận được vị trí đặc biệt của tình yêu như thế trong cuộc đời, nhưng anh còn ráo riết và nhất quán hơn, anh không hề muốn nó sẽ khô cằn đi, cạn kiệt đi, chai cứng lại với thời gian và tuổi tác:
Thị thành bốn mùa ồn ã
Đêm quê sâu lắng hồn người
Tuổi xuân một thời lay gọi:
Tình yêu xin đừng cạn vơi!...
Nói những điều trên đây, chúng ta có thể tưởng lầm rằng tình yêu trong thơ Hồng Vinh hay được diễn giải bằng khái niệm. Hoàn toàn không phải thế! Tác giả đủ sức làm ta bất ngờ bằng những câu thơ tình yêu đích thực, nói cái vui, cái nhớ trong tình yêu đã đành, còn nói hết cả những phút giây hờn giận, “cơm không lãnh, canh chưa ngọt”… - những tình huống rất cụ thể, cũng rất thường tình trong tình yêu nữa. Ai bảo trong những câu thơ như thế, Hồng Vinh không có ngòi bút thực sự trẻ lại bất ngờ, đủ để diễn tả mọi kiểu cung bậc chì chiết, dỗi hờn… của tình yêu như ở lứa tuổi đôi mươi:
Thôi đừng chì chiết anh
Bão dông trùm biển cả
Trời xối xả mưa tuôn
Con tim thêm lạnh giá!
Đêm sao dằng dặc thế?
Gió rít hoài từng cơn
Giận hờn vơi, em nhé!
Cho bình minh về gần!...
Ở chiều kích khác, với cung bậc đằm sâu, khi đặt chân tới những vùng đất của Tổ quốc, hoặc các châu lục xa xôi trên thế giới, tình yêu gia đình, người thân trào cuộn trong anh (Nhớ về tổ ấm, Chờ nắng nơi em, Bà và cháu, Xa nhớ…).
Tình cảm ấy được Hồng Vinh diễn đạt dung dị nhưng có sức lay động bởi tấm lòng đau đáu:
Ở nơi xa, anh nhớ về em
Biển nhớ biển cồn cào con sóng
Trời nhớ trời không gian dài rộng
Đêm nhớ ngày nỗi nhớ dài thêm…
Máy bay ì ầm rẽ gió
Nao nao nhớ cháu thương bà
Thơi gian như ngừng gõ nhịp
Ngày nào về gặp cháu ta!
Chúc mừng tập thơ mới của anh, chúng ta cùng mong cho những phẩm chất đáng quý của thi ca dân tộc có từ truyền thống cổ điển luôn được thẩm thấu và hiện diện trong thơ hiện đại của anh; và đặc biệt, chúng ta cùng mong cho nhà thơ luôn giữ được sức bền và sức trẻ trong sáng tạo để còn đồng hành được với thơ lâu dài.
Nhà thơ Bằng Việt
Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội
Sắc màu thời gian
Tuổi thơ tôi có trưa hè nắng cháy
Cất vó, mò cua trên cánh đồng xa
Nguồn sữa ngọt từ câu ru của mẹ
Những dặn dò sâu lắng lời cha…
Tôi đã qua những mùa đông khắc nghiệt
Cái đói cồn cào thời sơ tán sinh viên
Bạn cùng lớp chung tấm chăn, trang sách
Căn nhà khuya đêm lạnh chong đèn
Ba lô trĩu vai, vượt vạn dặm Trường Sơn
Tôi băng qua hố bom thù nham nhở
Bao đồng đội trẻ trai không về nữa
Họ nằm đâu giữa heo hút đại ngàn?
Trong tầm bom tọa độ, bạn chở che
Nợ xương máu làm sao tôi trả được?
Bao buồn vui và niềm tin không thể khác
Ngọt ngào, đắng cay trên mỗi ngả đường đi
Có những điều trái tim tôi khắc ghi
Nợ quê hương thuở thiếu thời còn đó
Nợ bè bạn, nợ cuộc đời ân nghĩa
Trao cho tôi hạnh phúc quá bất ngờ…!
Năm tháng cứ trôi, ấp ủ những ước mơ
Thành quả chín trong tầm tay tôi hái
Thành sắc màu thời gian, tôi nhớ mãi
Dẫu thơ tôi chưa nói được bao điều…
Nghĩ từ đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn một chấm nhỏ giữa trùng dương
Mỗi bận xuân về có Lễ khao lề thế
Trong tiếng sóng vỗ bờ không ngưng nghỉ
Tôi nghe thầm thì lời người lính năm xưa
Từ nơi đây ra Hoàng Sa, mãi mãi không về!
Xương máu tổ tiên thấm vào dầu Dung Quất
Làm xanh thêm những đồng tỏi Lý Sơn
Từng đoàn tàu đầy ắp cá tôm
Ngày đêm nối nhau ra khơi, vào lộng
Đất nước bên biển Đông dập dồn bão dông
Qua mưa lũ càng ngời lên chất thép
Hun đúc từ ông cha ngàn năm đánh giặc
Nhắn nhủ cháu con giữ cõi bờ thiêng!
Bầu trời còn lởn vởn mây đen
Biển tụ ẩn phong ba dữ dội
Con tàu Việt Nam rẽ sóng giữa trùng khơi
Vang vọng tiếng còi chào trang sử mới!
Từ biển sâu, những mạch dầu được lọc tinh đang tuôn chảy (1)
Góp thành cao su, sắt, thép, xi măng…
Tim Dung Quất ngày đêm rộn nhịp
Giàu đẹp thêm Tổ quốc ngàn năm!
Dung Quất, 20/6/2011
NGUYỄN HỒNG VINH
(1) Tính từ ngày 22/2/2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ra sản phẩm thương mại đầu tiên, đến nay đã tinh lọc được hơn 10 triệu tấn dầu.