“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng qúy báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, qúy trọng nó, nhằm làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc “quen ỷ lại hay sao”.
“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, nhằm làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc “quen ỷ lại hay sao”. Hồ Chí Minh |
Ngôn ngữ của một dân tộc là một quá trình phát triển lâu dài từ hàng ngàn đến hàng vạn năm. Đó rõ ràng không phải là các ký hiệu vật chất đơn thuần hay ý thức nào đó, nếu thế thì việc học tập bất kỳ một ngoại ngữ nào đó sẽ trở nên dễ dàng. Trái lại, ngoài tiếng mẹ đẻ của mình, không ai có thể thạo một tiếng thứ hai như tiếng mẹ đẻ, (có lẽ đây cũng là lý do, mà người ta đã gọi tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ duy nhất của người Việt. Bởi trong thực tiễn, có đứa con nào lại do hai người mẹ đẻ ra đâu), mà họ chỉ có thể giỏi một hoặc nhiều ngoại ngữ mà thôi. Ngôn ngữ chính là biểu cảm của tâm hồn và tâm hồn ta lại thuộc về một dân tộc nhất định. Ngay với một đứa trẻ, khi nó trưởng thành giữa muôn vàn tiếng nói xung quanh, thì nó vẫn nằm mơ bằng một ngôn ngữ và từ trong sự im lặng của tâm thức mình, nó chỉ có duy nhất một thứ tiếng, được gọi là mẹ đẻ.
Tiếng mẹ đẻ của bố, mẹ và của tôi là tiếng Việt, mà có lúc người ta gọi là tiếng Kinh. Mẹ bảo “Có củ khoai cho con” hoặc “Tiên sư anh, lúc nào cũng ỉa non, đái ép”, hay “ăn nhanh lên mà đi học, không thằng bố nhà mày nó lại gào lên bây giờ…”. Tôi thuộc lòng tất cả những lời lẽ này, nhưng không nói như thế nữa. Ngày nay, tôi có cách nói của thế hệ mình. Như vậy, rõ ràng là cứ vài mươi năm, tiếng mẹ đẻ của tôi lại có thay đổi, lớp nọ chồng lên lớp kia, kể cả việc cái cũ chưa mất đi, thì cái mới đã nẩy sinh, và đó cũng là sự sinh động của ngôn ngữ. Sự thay đổi này, ngày nay, trong thế giới phẳng, còn diễn ra nhanh hơn, có khi chỉ cần vài, ba năm. Điều này cũng thể hiện, con người ngày nay có lợi thế của một xã hội năng động, dù rằng, người xưa cũng có cái lợi thế của người luôn có gốc rễ bền chặt, ít bị thay đổi.
Ảnh Phan Văn Em |
Ngày nay, tiếng Việt của chúng ta đã và đang có những biến đổi khá mạnh mẽ. Điều này đã được chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề cập đến cách đây gần 20 năm. “Trong tiếng Việt bây giờ có những biểu hiện không tốt, thiếu trong sáng, sai chuẩn mực, trước hết là do chúng ta đã coi nhẹ, thậm chí buông lỏng, thả nổi công việc quan trọng này. Chúng tôi đã không đầu tư thích đáng trí tuệ, công sức và tiền của để nghiên cứu, lý luận và điều tra thực tế về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và phát huy bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt. Nhưng ở đây quan trọng nhất vẫn là nhận thức, là tình yêu, là lòng quý trọng và thái độ đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Có 3 khâu cần phải làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Một là, giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta. Hai là, nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta. Ba là, giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, kinh tế…).
Sở dĩ tình trạng trên đây xảy ra và kéo dài từ bao lâu nay, trước hết chính là do thái độ tùy tiện của người sử dụng chữ viết, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tiếng Việt ngày càng mất đi tính trong sáng của nó.
Cùng với đó, trong đời sống hiện tại, việc sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện, cẩu thả, và nhất là sự lai căng, “lạm phát” sử dụng các yếu tố tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh đang có chiều hướng ngày một tăng, không chỉ ở các thế hệ 8X, 9X còn nông nổi, bồng bột, thích cái mới lạ, khác người, mà ngay cả trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã góp phần không nhỏ tạo nên sự hỗn loạn, ô nhiễm của đời sống ngôn ngữ Việt. Đành rằng, trên con đường hội nhập quốc tế, chúng ta không thể biệt lập, cát cứ một cách duy ý chí. Đời sống của ngôn ngữ Việt cũng như vậy, nó khó tránh khỏi sự pha tạp với nhiều ngôn ngữ khác của thế giới, trong đó, tiếng Anh là ngôn ngữ có ảnh hướng lớn nhất. Tuy vậy, cũng không thể vận dụng sự “giao thoa” này một cách cực đoan, và chính việc sử dụng cùng một lúc hai ngôn ngữ với nhau như vậy, có thể ảnh hưởng xấu đến cách hành văn bằng tiếng Việt của chính người sử dụng nó, nhất là khi mà sự thấu hiểu về ngoại ngữ của ta còn nhiều hạn chế. Gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng thường xuất hiện cụm từ: “Việt Nam đồng”. Vậy, có thể nói là “Anh bảng”, “Nga rúp” hay “Nhật yên”… được không? Rõ ràng là không thể sử dụng kiểu nói như vậy được. Hoặc là, trong giao tiếp hàng ngày, thay vì nói từ “đồng ý” thì nhiều người lại có thói quen dùng từ “ok”, thậm chí, việc sử dụng tiếng Anh thuần nhất của một bộ phận lớp trẻ trong giao tiếp cũng khiến cho người xứ sở sương mù, nhiều lúc cũng phải tỏ ra ngao ngán. Trong khi đó, thì có nhiều người rất giỏi vài ba ngoại ngữ, được người bản ngữ nể phục. Tuy thế, khi viết hay nói chuyện với người đồng nghiệp, bạn bè, không hề thấy họ sử dụng tiếng nước ngoài nào. (Dĩ nhiên, ngoại trừ một số thuật ngữ khoa học mà tiếng Việt chưa có từ thay thế), không vì thế mà các câu chuyện hay bài viết của họ lại kém hấp dẫn. Ngoài ra, việc sử dụng tiếng nước ngoài thể hiện trên các bảng hiệu, nhà hàng, theo chúng tôi là đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc để chấn chỉnh kịp thời. Thật khó có thể chấp nhận một thực tế, là ta đang sống ngay trên đất nước của mình, một đất nước có truyền thống văn hiến lâu đời, có phong tục, tập quán, chữ viết độc lập từ ngàn đời nay, thế nhưng người ta lại dễ dàng và sử dụng một cách vô tư ngôn ngữ nước ngoài, làm như các loại hình, cơ sở đó chỉ phục vụ cho nước ngoài mà thôi. Ngay ở vườn hoa thành phố, một địa điểm tham quan không thể thiếu của nhiều du khách đến thăm Đà Lạt , thay vì ghi dòng chữ “Vườn hoa thành phố đón chào du khách” thì ở đây người ta lại sử dụng cụm từ bằng tiếng Anh khá hoành tráng ngay phía trên cổng chào của vườn hoa, hoặc như gần cuối đèo Dran, có một bảng Plano khá lớn ghi nội dung “Chào tạm biệt. Hẹn gặp lại” thì người ta cũng lại sử dụng bằng cụm từ tiếng Anh “Goodbye. See you again” hay tại một quán cà phê mới mở ra ở phường 3 đã lấy tên cho bảng hiệu của mình là “Bar – café: Đa Lat, vouzle vous”. Trên địa bàn tỉnh ta việc sử dụng hoàn toàn tên nước ngoài làm bảng hiệu là khá nhiều, điều này đã vi phạm quy định của Nhà nước về việc sử dụng tên nước ngoài làm bảng hiệu. Thế nhưng, hầu như sự tồn tại này đến nay vẫn chưa được ngành chức năng để mắt tới. Nhân đây, chúng tôi xin giới thiệu lại mẩu chuyện nhỏ sau đây để bạn đọc cùng tham khảo: Ngày 25 tháng 7 năm 2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, vừa được Quốc hội bầu vào cương vị mới, thì có một vị giáo sư đến gặp và tâm sự rằng, con gái mình đang ở nước ngoài và làm MC cho một chương trình giao lưu nghệ thuật. Chủ tịch đã hỏi đi, hỏi lại mấy lần: “làm MC phải không?” vị giáo sư nọ vẫn trả lời vô tư làm “Vâng, làm MC”. Chủ tịch đã nhẹ nhàng: “Làm MC là dẫn chương trình, đừng nói là MC”. Chủ tịch còn nói rằng, ông không hài lòng với nhiều kênh ti vi đặt tên theo tiếng nước ngoài, như Info ti vi, Shopping ti vi… Chúng ta vui mừng vì Chủ tịch nước đã quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vì như thế, cũng chính là chúng ta đã góp phần giữ gìn, tôn trọng văn hóa và bản sắc của dân tộc Việt.
Hoàng Kim Ngọc