Lưu luyến Tây Nguyên...

04:09, 02/09/2012

Chiêng vẫn ngân dài như dòng Sêrêpốk, vẫn ầm ào như dòng thác Dray Nur. Rượu cần đã mềm môi. Tay trong tay đã xiết chặt. Nhiều ánh mắt vẫn lưu luyến và tiếc nuối khi lễ bế mạc diễn ra tối 1/9, với chủ đề "Tạm biệt Tây Nguyên".

[links()]Chiêng vẫn ngân dài như dòng Sêrêpốk, vẫn ầm ào như dòng thác Dray Nur. Rượu cần đã mềm môi. Tay trong tay đã xiết chặt. Nhiều ánh mắt vẫn lưu luyến và tiếc nuối khi lễ bế mạc diễn ra tối 1/9, với chủ đề "Tạm biệt Tây Nguyên".

Niềm vui của các nghệ nhân trẻ đoàn Lâm Đồng lần đầu được ra Thủ Đô
Niềm vui của các nghệ nhân trẻ đoàn Lâm Đồng lần đầu được ra Thủ Đô


Khoảng sân của Trung tâm Triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam, đêm nay không còn một chỗ trống. Nhiều du khách cũng như người dân Thủ đô phải đứng tràn cả ra đường Hoa Lư trước cổng. Một không gian hẹp, dường như không chứa nổi tầm vóc văn hoá của sự kiện và sự khao khát của nhân dân Thủ đô cũng như những người quan tâm đến văn hoá Tây Nguyên. Hay nói như GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: "Cần nhiều hơn nữa những hoạt động như thế này, để quảng bá và gìn giữ văn hoá Tây Nguyên".

Chia tay Thủ đô. Chia tay để rồi nối chặt hơn tình đoàn kết, kéo văn hoá, con người Tây Nguyên gần hơn với đồng bào cả nước. Ba mươi hai nghệ nhân của Đoàn Lâm Đồng tham dự lần này, không ai đã từng có mặt ở sự kiện Những ngày văn hoá Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ nhất, cách đây mười năm. Nhiều người trong số họ, rất hạnh phúc khi lần đầu đến Thủ đô. Em Touneh Ma In, ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, Đơn Dương, thổ lộ: "Lần đầu tiên em được ra Hà Nội, được vào lăng viếng Bác Hồ, được ngắm Hồ Gươm, được đi tham quan Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, em vui lắm".

Đâu chỉ riêng gì Touneh Ma In, còn đây nữa, những Touneh Nai Rim, Touneh Ma Luyến và cả nghệ nhân thổi khèn M'buốt là chú K'Ken ở Tân Văn, Lâm Hà, cũng chung niềm hạnh phúc đó. Gần một tuần đến với Hà Nội, những nghệ nhân của vùng đất Nam Tây Nguyên, cùng với đồng bào các dân tộc ở Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông,  đã đem đến và cống hiến cho nhân dân Thủ đô những tinh tuý văn hoá đặc sắc nhất của dân tộc mình. Chú Lê Văn Vĩnh, cựu chiến binh ở chiến trường Tây Nguyên, đến dự lễ bế mạc, đã nói: "Tôi thực sự xúc động và cảm ơn các bạn, đã cho tôi được sống lại những cảm xúc như lần đầu gặp gỡ những người con của núi rừng Tây Nguyên năm 1975".

Những ngày văn hoá Tây Nguyên tại Hà Nội đã thu hút hàng chục ngàn lượt người đến tham quan, thưởng lãm và tìm hiểu về vùng đất, con người và văn hoá Tây Nguyên. Văn hoá đã kéo mọi dân tộc trên đất nước này gần nhau hơn. Linh, một cô gái đến từ tỉnh Lào Cai đã viết vào sổ lưu niệm của Đoàn Lâm Đồng, sau khi trò chuyện với chị Ma Phương - nghệ nhân làm gốm Grăng Gọ, xã Próh, rằng: "Lần đầu tiên được nghe cô nói - một người phụ nữ của vùng đất Nam Tây Nguyên, thấy ấm lòng lạ, thấy gần gũi hơn với mọi người, thấy khoảng cách giữa các dân tộc như rút ngắn lại. Chắc chắn một lần tôi sẽ đến làng Grăng Gọ". Còn Hồng An, sinh viên Học viện báo chí và Tuyên truyền, thổ lộ: "Mọi người trong một nước cũng có những rào cản ngôn ngữ, cũng khó để hiểu nhau, nhưng nếu biết mở lòng, thì khoảng cách đó sẽ không còn nữa".

Nhiều du khách rất thích thú và tranh thủ chụp hình lưu niệm tại Khu Triển lãm của Lâm Đồng
Nhiều du khách rất thích thú và tranh thủ chụp hình lưu niệm tại Khu Triển lãm của Lâm Đồng


Đêm Tây Nguyên, âm vang giữa lòng Hà Nội. Lâng lâng trong men rượu cần, tay nắm tay bước vào vòng xoang, nào cùng hát, cùng múa. Lửa đã nổi. Chiêng lại vang lên. Và lời bài hát "Hôm nay ngày vui" - dân ca Chu Ru, chị Ma Thương đã hát cho tôi nghe, khi tôi vào khu trưng bày triển lãm của tỉnh Lâm Đồng: Hôm nay ngày vui, chúng ta múa, hát ca xung quanh lửa/ ngọn lửa trên cao xuống đây, cháy cho to/ cháy to đi lửa, soi sáng anh em ta...

Vâng, hôm nay ngày vui. Giữa trời thu Hà Nội, sức sống, hồn người Tây Nguyên và đồng bào Thủ đô đã hoà quyện. Chào những đêm Cao nguyên nồng nàn. Tạm biệt Thủ đô Hà Nội. Lưu luyến chia tay, để rồi hội nhập và phát triển.

Văn Duẩn