Đã lâu lắm bé Ngọc không gặp bà. Lẽ ra, với cuộc sống hối hả hiện tại bé đã quên bà. Nhưng không, ngược lại bé vẫn nhớ bà như in. Bà không là bà nội ruột của bé, bà chỉ là bà nội Hai thôi, mà cứ mỗi Trung thu về bé vẫn nhắc bà với chút kỷ niệm ít ỏi thời thơ ấu.
Đã lâu lắm bé Ngọc không gặp bà. Lẽ ra, với cuộc sống hối hả hiện tại bé đã quên bà. Nhưng không, ngược lại bé vẫn nhớ bà như in. Bà không là bà nội ruột của bé, bà chỉ là bà nội Hai thôi, mà cứ mỗi Trung thu về bé vẫn nhắc bà với chút kỷ niệm ít ỏi thời thơ ấu. Đó là bé được bà làm bánh dẻo cho ăn vào dịp Trung thu năm nào xa lắc trong tâm trí bé…
Vui Trung thu. Ảnh: Thanh Toàn |
Bà nội Hai là tên gọi trìu mến của bé Ngọc dành cho bà. Nơi xứ Quảng xa xôi, nắng lửa mưa dầu, bà phải gánh gồng cực nhọc, lo toan cho cuộc sống. Trong đó có phần gia đình của bé Ngọc. Ngày cha mẹ bé Ngọc chưa ra ở riêng, vẫn còn trong vòng tay lo lắng của bà, lưng bà đã còng xuống vì lo toan trăm bề nội ngoại…Thế mà bà vẫn vui, vẫn nở nụ cười sạm nắng, ánh mắt yêu thương dành cho con cháu. Nhất là bé Ngọc được bà cưng chiều đủ thứ.. Năm nọ, vụ lúa mất mùa, nợ nần chồng chất, bà vẫn cắn răng chịu đựng để trong ấm, ngoài êm. Bé Ngọc được đón trăng rằm phá cỗ. Trung thu tuy nhỏ thôi, nhưng với Ngọc là một Tết Trung thu trọng đại, bà đặt bé ngồi giữa “mâm cỗ” đầy bánh dẻo. Và lần đầu tiên trong đời, bà tặng bé chiếc lồng đèn giấy bóng “quý phái”. Bé đã rước đèn, ăn thật nhiều bánh… để rồi mãi mãi không thể nào quên! Dù sau đó là hàng loạt biến cố của gia đình, bé phải theo cha mẹ vào sống tận xứ sở sương mù cao nguyên xa tít. Hình bóng bà nội Hai cùng mâm cỗ và chiếc đèn giấy bóng đã lùi vào quá khứ. Nhưng mỗi dịp ánh trăng rằm Trung thu le lói đầu ngõ, hoặc e ấp trên hàng thông xứ lạnh quê đồi, bé lại nhớ bà da diết. Kỷ niệm ngày xưa lại ùa về trong tiếng trống ếch bùm bụp, bùm bụp của bọn trẻ con khua inh ỏi ngoài đầu xóm.
Mẹ bây giờ là công chức, bố bây giờ lập công ty. Trung thu quà biếu và mua sắm nhiều vô kể. Bé lại bày biện mọi thứ lên bàn rồi lặng lẽ đứng ngắm thẫn thờ. Mẹ bảo con thích gì mẹ sắm, bố bảo con thích gì bố cho. Bé vẫn lắc đầu buồn nhẹ. Bé nhớ bà, nhớ mùa Trung thu năm đó, bé là đứa bé con duy nhất trong gia đình ông bà được thừa hưởng trọn vẹn ánh trăng rằm tuổi thơ trong vòng tay ấm áp…
Trước khi về trời, bà đã tìm đến đây, nơi vùng cao ngoài sức tưởng tượng của bà. Ấy là mùa trăng thứ 16 của bé. Bà lụm cụm mang từ xứ Quảng vào một ít món quà quê kiểng thân thương. Bé mừng rỡ đến phát khóc. Ôi bà, bà là vầng trăng 15 năm xưa cho bé gặp lại. Thế nhưng mẹ đã không bằng lòng với thứ quà quê mùa dân dã ấy… Bà ngồi bàng hoàng không nói, cố giấu hai hàng nước mắt già nua mà không giấu nổi. Bé đã khóc òa tiễn bà ra bến xe chạy về xứ Quảng, nơi những kỷ niệm mù tăm trong ký ức bé…
Bây giờ người ta thường nói về làng quê với những món ăn dân dã, không có chất bảo quản, không có chất hóa học độc hại gây nhiều bệnh ung thư vv… Mẹ mới vỡ lẽ ra. Mẹ ăn năn hối hận. Mẹ đã biết món quà quê mùa của bà là quý nhất trên đời… Mẹ đã lén ném đi và không bao giờ tìm lại được. Bé thông cảm cho mẹ, càng yêu mẹ hơn. Nhưng những gì đã xa là mãi mãi xa rồi. Điều bé quý nhất sẽ không còn gặp lại, vầng trăng thì vẫn còn đó với bao gói quà xa xỉ đắt tiền. Bé vẫn thấy vô hồn và xa lạ. Nhiều bạn bè của Ngọc cho là con bé lập dị, thì bây giờ họ đã hiểu Ngọc, đã quay về tìm chiếc bánh và vầng trăng của bà năm xưa. Nhưng bà đã mãi mãi đi xa…
Tản văn: Nguyễn Thánh Ngã