Thơ hay bây giờ có cần dễ hiểu không

05:09, 05/09/2012

Một nhà thơ quen biết đã khẳng định như đinh đóng cột là: "... Dễ hiểu hay dễ thuộc không bao giờ là thuộc tính của thơ".

1. Câu hỏi đơn giản này xem ra rất dễ trả lời đối với nhiều người yêu thơ, nặng lòng say đắm "Nàng Thơ" và nhiệt tình với việc đổi mới thơ một cách đúng hướng. Tuy vậy, có người viết đặt vấn đề ngược lại: Phải chăng thơ dễ hiểu thì ý tứ nông cạn, thường thường bậc trung, ai cũng biết và người sáng tác thì quá dễ dãi; còn thơ khó hiểu là thơ có ý tứ sâu sắc, kín đáo, người sáng tác phải dày công, thậm chí đó mới là thơ đích thực (Xem báo Văn nghệ trẻ số 12, 25/3/2012). Một nhà thơ quen biết đã khẳng định như đinh đóng cột là: "... Dễ hiểu hay dễ thuộc không bao giờ là thuộc tính của thơ". (Xem báo Văn nghệ số 42 (2696), 15/10/2011).

Có tác giả còn cực đoan, tuyên bố: "Tôi chỉ làm thơ cho tôi, để cho tôi đọc". Họ nói rằng: "Thơ ngày nay viết để đọc chứ không phải để thuộc. Thơ viết khó hiểu mới hay, mới sang trọng" (Xem Bản tin Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật số 22, 12/2011).

Trước những quan niệm trái chiều đó, chúng ta cần thận trọng, khách quan trong phân tích, lý giải để tìm ra câu trả lời chính xác cho vấn đề nêu trên. Theo chúng tôi, điều đầu tiên là phải xác định cho được mục đích của việc đổi mới thơ hiện nay là gì? Từ đó mà tìm ra những nội dung cơ bản, yêu cầu cụ thể của vấn đề đổi mới thơ đương đại của nước ta.

Rõ ràng là thực tiễn sinh động và phong phú của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ cho những người cầm bút nói chung và các tác giả thơ nói riêng suy nghĩ để phản ánh trong tác phẩm của mình. Hãy bắt đầu đổi mới từ nội dung thơ rồi đến hình thức thể hiện sao cho phù hợp, hấp dẫn người đọc. Có thể nói việc đổi mới thơ là yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, là đòi hỏi tự thân của nền thơ cũng như của đông đảo quần chúng yêu thơ. Mục đích của đổi mới thơ là để thơ gần gũi hơn, gắn chặt và phục vụ đắc lực hơn nữa cho cuộc sống. Bởi vì như nhà thơ kiệt xuất Tố Hữu (1920-2002) đã viết: "Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả, nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học" (1).

Đổi mới thơ nhằm làm cho mối quan hệ biện chứng, mật thiết giữa cuộc đời và thơ, thơ và cuộc đời ngày một khăng khít, tạo điều kiện để ra đời nhiều bài thơ hay - những viên ngọc tinh thần quý giá, góp phần làm giàu tâm hồn con người, thúc giục họ sống và làm việc vì ngày mai tươi sáng. Cuộc đời cần thơ và đông đảo người yêu thơ cũng đang mong đợi được đọc những thi phẩm lấp lánh vẻ đẹp, vừa giản dị, vừa sâu sắc, có giá trị nghệ thuật cao, bảo đảm được cả 2 yêu cầu: phổ cập và nâng cao. Cái đích hướng đến của việc đổi mới thơ là nhằm sáng tạo ra nhiều bài thơ đặc sắc, chứ không phải mượn cái cớ "cách tân", "đổi mới" để làm cho thơ thêm rắc rối, phức tạp, khó hiểu hơn, thậm chí đi đến tắc bị, bí ẩn và kinh rợn... Những cái gọi là "mới lạ" ấy không phải do quần chúng yêu cầu. Vì thế mà họ bực dọc với những loại thơ vô bổ như đánh đố người đọc đó.

2. Nói thơ cần giản dị, dễ hiểu không đồng nghĩa với sự đơn giản, tầm thường, nhạt nhẽo. Đúng là đã có một thời trên văn đàn xuất hiện một số thơ ca dễ hiểu thật, nhưng ý tứ nông cạn, nặng về minh họa cho chủ định của tác giả, khô khan, thiếu sức truyền cảm. Những bài thơ viết vội vàng, cẩu thả, dễ dãi đó đã nhanh chóng "chết yểu", rơi vào sự quên lãng của người yêu thơ. Còn những áng thơ vừa hay vừa dễ hiểu mà không hề hạ thấp yêu cầu về nội dung và hình thức nghệ thuật đã và đang hấp dẫn công chúng. Làm được điều này đòi hỏi "tay nghề" cao và sự dày công sáng tạo của nhà thơ. Nó yêu cầu tác giả diễn tả thành công những điều sâu sắc, phức tạp bằng ngôn ngữ thơ trong sáng; bằng hình tượng thơ đẹp, chứ không sa vào khó đọc, khó hiểu, cầu kỳ về hình thức. Bằng kinh nghiệm sáng tác và nghiên cứu lý luận, nhà thơ, dịch giả Đào Xuân Quý (1924-2007) đã rút ra nhận xét chí lý: "Một câu thơ trong sáng, giản dị có khi đòi hỏi công phu lao động nhiều gấp mấy lần một câu thơ cầu kỳ, rắc rối" (2).

Nhà thơ Vương Trọng (3) cho biết: Có nhà thơ đổ lỗi cho rằng thơ hiện nay không hay là vì dễ hiểu. Cứ như họ thì sự dễ hiểu là một trong những thủ phạm làm cho thơ dở. Nói vậy thì chả lẽ thơ khó hiểu mới làm cho thơ hay ư? Theo chúng tôi, đổ riệt, khẳng định nguyên nhân dễ hiểu gây ra tình trạng trên cho thơ là hoàn toàn phiến diện và không đúng thực tế. Sự thật là từ những thuở xa xưa trong lịch sử đến ngày nay, ở phương Tây cũng như ở phương Đông và ở nước ta, các nhà thơ lớn đều lấy sự giản dị, dễ hiểu làm chuẩn mực cho sáng tác của mình để viết nên những tác phẩm bất hủ, sống mãi trong lòng người. Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một nhà văn hóa lớn với những bài thơ tuyệt tác, thâm thúy vô cùng mà rất dễ hiểu, dễ thuộc nên được người đọc yêu thích và say sưa cảm thụ thơ Người. Các nhà thơ tài năng xuất sắc của nước ta như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tố Hữu và bao tên tuổi lẫy lừng khác đều có những bài thơ, tập thơ sâu sắc về nội dung, tuyệt vời về hình thức nghệ thuật mà không hề khó hiểu nên được lớp lớp thế hệ độc giả nồng nhiệt yêu thích và thuộc lòng. Rõ ràng dễ hiểu vẫn là điều hết sức cần thiết để tạo ra những bài thơ hay phục vụ tốt quảng đại quần chúng.

3. Trong khi chê trách sự dễ hiểu của thơ thì một số tác giả lại quá đề cao sự khó hiểu của thơ. Theo họ đó mới là "thơ đích thực", "mới hay, mới sang trọng". Thay vì sự dụng công, kiên trì sáng tạo tìm cảm xúc, tứ thơ trong thực tế cuộc sống, trau chuốt câu chữ và nhịp điệu thơ..., làm cho thơ dễ hiểu, đi thẳng vào lòng người thì một số người viết lại mải mê, cố tạo ra những cái khác lạ, quái dị cả nội dung lẫn hình thức thơ, khiến người đọc không thể nào hiểu được tác giả viết gì. Về nội dung thơ thì chủ yếu các cây viết ấy chỉ quẩn quanh đề tài cái "tôi", với những suy nghĩ, tình cảm lạc lõng rất riêng của mình. Về hình thức thơ thì lủng củng, tùy tiện, lạ hoắc trong cách dùng từ ngữ, cấu trúc câu thơ, sử dụng các dấu và xuống dòng vô tội vạ... Dẫu có làm thơ tự do không vần thì tác giả cũng phải gọt rũa ý, lời, cân nhắc nhịp điệu thơ, chứ không thể phóng bút viết ẩu. Điều phàn nàn nữa là có nhà thơ say sưa, tự đắc với các bài thơ lai căng, mô phỏng thơ nước ngoài. Đọc loại thơ này, ta cảm thấy xa lạ vô cùng, bởi cách suy nghĩ, cách dùng từ ngữ ("độn" cả tiếng nước ngoài) có phần giống như thơ nước ngoài. Cách tư duy, cách nói, cách viết của người Việt Nam ta không như vậy.

Rốt cục, những bài thơ khó hiểu, kỳ quặc đó chẳng nói lên được một điều gì về thực tiễn cuộc sống, về vẻ đẹp bình dị của thơ. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự dễ hiểu mà vẫn hàm súc, sâu lắng là một trong những yếu tố làm nên bài thơ hay. Còn khó hiểu, lập dị thì dứt khoát không bao giờ tạo ra được bài thơ hay. Nếu người sáng tác thơ khó hiểu quan niệm làm thơ chỉ một mình mình xem thì đó là quyền riêng của tác giả. Còn nếu đã đưa thơ ra xã hội cho người khác xem thì nhất định phải bảo đảm sự dễ hiểu, truyền cảm. Một nhà thơ làm thơ tiếng Việt mà người Việt không thể hiểu nổi người viết nói gì, chứng tỏ tác giả đã sản ra một công vô ích, chẳng có tác dụng gì cho công chúng, chỉ chuốc lấy sự bất bình của họ. Những bài thơ mà người đọc không hiểu nhưng có người gọi đó là thơ hay, thơ sâu sắc. Nói như vậy là ngụy biện, không đúng với quá trình lịch sử sáng tác thơ của nước ta từ thơ dân gian, thơ truyền thống cổ điển đến thơ hiện đại. Thơ đương đại của nước ta cũng rất cần sự dễ hiểu, vì đây là yêu cầu để làm cho thơ đi sâu, chiếm lĩnh tâm hồn, tình cảm của công chúng, phục vụ đời sống tinh thần của họ. Thơ đương đại Việt Nam đang tăng thêm phạm vi, vấn đề phản ánh, không ngừng mở rộng chiều kích không gian và thời gian thể hiện. Ngoài ra, nó còn sử dụng nhiều thể loại thơ, trong đó có thơ tự do để phù hợp với việc biểu đạt cảm xúc của tác giả. Thể loại thơ mới này với những câu thơ, khổ thơ dài, ngắn khác nhau để diễn đạt các cung bậc tình cảm của tác giả. So với các thể thơ truyền thống như lục bát, song thất lục bát... có niêm luật, vần điệu, nhạc điệu, dễ thuộc thì bài viết theo thể thơ tự do khó thuộc hơn. Chính vì vậy mà yêu cầu dễ thuộc không phải bắt buộc đối với các tác giả thơ mới.

Xu hướng hạ thấp yêu cầu dễ hiểu, coi đó không là "thuộc tính" của thơ; tán dương, đề cao đặc trưng khó hiểu của thơ là xu hướng tìm tòi đổi mới thơ chệch hướng, gây tác hại cho nhiều cây viết, nhất là đối với một số bạn trẻ đang hăm hở bước vào con đường sáng tác thơ. Đáng nhẽ phải chân tình chỉ rõ những lệch lạc của "trường phái" thơ khó hiểu thì rất tiếc một số người lại khuyến khích, cổ xúy cho thứ thơ mà có nhà phê bình gọi là "phi thơ" đó. Vì thế mà xu hướng sai lệch nói trên đã và đang bị nhiều nhà phê bình, nhà thơ, kể cả một số bạn làm thơ trẻ, đông đảo người yêu thơ cũng như dư luận xã hội phê phán.

Hồ Xuân Hương – Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
Hồ Xuân Hương – Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu

4. Cuối cùng chúng tôi xin nói về mối quan hệ giữa nhà thơ và công chúng. Có tác giả thất vọng trách công chúng đang thờ ơ, quay lưng với thi ca. Theo chúng tôi, đánh giá công chúng như thế là chưa thỏa đáng. Đành rằng hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của công nghệ thông tin, trong đó có các phương tiện nghe, nhìn đang cuốn hút sự quan tâm của công chúng nên văn hóa đọc bị hạn chế, không được phổ biến sâu, rộng như trước kia. Tuy vậy, đại bộ phận công chúng vẫn say mê đọc những tác phẩm đỉnh cao, những áng văn thơ tuyệt tác. Bạn đọc chỉ thờ ơ với những bài thơ dở, kém vừa khó hiểu vừa nhạt nhẽo về nội dung và cầu kỳ, bí hiểm về hình thức. Bằng chứng là các tập thơ hay của các nhà thơ cổ điển Việt Nam và thế giới; của các nhà thơ hiện đại nổi tiếng của nước ta như Tố Hữu, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh... được tái bản nhiều lần đều bán hết. "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Các tác giả hãy tự trách mình, tự hỏi mình trước về chất lượng sáng tác của mình đã đáp ứng được yêu cầu của người yêu thơ chưa. Ngày nay trình độ học vấn về mọi mặt, trong đó có trình độ thẩm mỹ của quần chúng đã được tăng cường rõ rệt. Họ đang đặt ra những đòi hỏi mới cho văn học. Nếu sáng tác nào không có ích cho cuộc sống của họ, họ thờ ơ cũng là lẽ thường tình. Tất nhiên, muốn thưởng thức, thẩm bình thơ một cách thấu đáo, chính xác thì người đọc cũng cần phải cố gắng nâng cao trình độ thẩm mỹ của mình.

Nhà thơ Trinh Đường (1919-2001), một người rất nhiệt tình với sự đổi mới lành mạnh của thơ trẻ đã nhận xét "... Ý kiến công chúng là công luận, đời nào cũng không được coi thường... Không thể có một vương quốc không có thần dân, không thể có thơ mà không có bạn đọc" (4). Còn Wislawa Szymborska (1923-2012), một nhà thơ lớn của Ba Lan, đoạt giải Nôben văn học 1996 rất trân trọng, hướng tới bạn đọc. Tác giả tâm sự: "Tôi quan tâm tới bạn đọc, người mà khi về tới nhà cố tìm cho mình được một chút thời gian và sự thích thú để cầm lên tay cuốn sách nhỏ và đọc thơ tôi. Tôi luôn viết cho những con người đơn lẻ. Tôi luôn nghĩ về bạn đọc, nghĩ về người ngồi đọc thơ tôi cho chính bản thân mình hoặc cho một người nào đó bên cạnh..." (5)

Chúng ta mong muốn mối quan hệ giữa tác giả và bạn đọc ngày càng chặt chẽ, tốt đẹp để có thêm nhiều tác phẩm hoàn hảo, xứng đáng là món ăn tinh thần bổ ích cho người đọc và người đọc lại là nguồn động viên, tiếp sức cho các nhà văn, nhà thơ tiếp tục sáng tạo.

5. Nhà thơ lớn Chế Lan Viên (1920-1989) - một ngọn cờ cách tân thi ca, rất nhiệt thành với sự nghiệp đổi mới thơ một cách toàn diện, cơ bản đã viết "Thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi".

Quả thật như vậy. Xã hội chúng ta đang rất cần những bài thơ hay, có ích, làm đẹp cho đời để góp phần xây dựng một nền thơ trong sáng và sâu sắc, vừa dân tộc vừa hiện đại, không "xa những gì dân tộc thương yêu", học tập, chọn lọc, kế thừa và phát huy những tinh hoa của ông cha để lại. Bất cứ một sự đổi mới nào không đúng hướng chắc sẽ bị chính những người viết tâm huyết và dư luận xã hội phản ứng, không chấp nhận.

NGUYỄN HUY THÔNG

(Theo Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật số 2)
(1) Tố Hữu: Cuộc sống cách mạng và văn học, nghệ thuật, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, trang 115.
(2) Đào Xuân Quý: Hồi ký văn học "Nhớ lại...", Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, trang 240.
(3) Vương Trọng: Đổi mới thơ và những điều ngộ nhận, Tạp chí Thơ số 10-2011
(4) Trinh Đường làm thế nào để có thơ hay? (Lời tựa tập thơ Ngày hội thơ, Nxb Văn học, 1991, trang 14)
(5) Dẫn theo Tạ Minh Châu trong cuốn Thơ Wislawa Szymborska, Nxb Hội Nhà văn, 1997, trang 9