Nhớ thương một tu sĩ nghệ nhân

04:09, 19/09/2012

Nhắc đến cố thượng tọa Thích Thắng Phước (nguyên Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên tăng sự Ban Đại diện Phật giáo Di Linh, Trị sự chùa Linh Thắng, Di Linh) thì bà con phật tử ai ai cũng thương nhớ và khâm phục đến một vị tu hành đã trọn nghĩa với đạo và vẹn tình với đời. Ngoài việc chu toàn phận sự Phật pháp, thầy còn là một nghệ nhân đã miệt mài “thổi hồn vào gỗ”.

Nhắc đến cố thượng tọa Thích Thắng Phước (nguyên Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên tăng sự Ban Đại diện Phật giáo Di Linh, Trị sự chùa Linh Thắng, Di Linh) thì bà con phật tử ai ai cũng thương nhớ và khâm phục đến một vị tu hành đã trọn nghĩa với đạo và vẹn tình với đời. Ngoài việc chu toàn phận sự Phật pháp, thầy còn là một nghệ nhân đã miệt mài “thổi hồn vào gỗ”.  

Cố thượng tọa Thích Thắng Phước (đứng) chế tác từ gốc cây khô
Cố thượng tọa Thích Thắng Phước (bìa phải) chế tác từ gốc cây khô


Ít ra cũng trong khoảng 10 năm, thầy đã dành khoảng thời gian “trống” để vừa mày mò tìm hiểu, học hỏi, vừa tâm huyết, đam mê lao động để chế tác và cùng với cộng sự của mình đã cho ra đời hơn 100 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ khá sinh động, độc đáo. Từ đó, ở chùa Linh Thắng đã hình thành một không gian điêu khắc và nhiều tác phẩm của thầy đã được trưng bày tại chùa, tạo thêm nét đẹp riêng có ở đây. Nhiều tác phẩm của thầy được phật tử và bà con gần xa khi ghé thăm chùa chiêm ngưỡng và ngợi khen. Trong đó, những tác phẩm thánh tượng được kể đến là: Đức Bổn Sư, Bồ Tát Quán Thế Âm cưỡi rồng vượt sóng biển, Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Hộ Pháp, Tiêu Diện…

Lúc sinh thời, thầy Thích Thắng Phước đã có lần tâm sự với chúng tôi: “Vùng đất cao nguyên Lâm Đồng có rất nhiều loại cây gỗ quý. Qua những thập niên, nhiều cây chỉ còn lại bộ rễ. Rễ cũng chỉ là rễ mà thôi, đem làm củi đốt cũng đã khó. Cứ để dầm mưa, dãi nắng mãi, nó chỉ mục nát và trả lại cho đất”. Từ đó, thầy nảy sinh ý tưởng và dành một phần tâm lực để đến với nghệ thuật gỗ lũa. Với mình, bất kỳ gốc cây khô nào khi đưa về chùa, thầy cũng cảm thấy đều rất khó khăn để “giải mã” thành một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi gốc mỗi dáng, không gốc nào giống gốc nào. Tất cả, thầy đều phải dành thời gian nhìn, ngắm, rồi “động não” chọn thế, tìm đề tài… Và, cuối cùng để “thổi” được “hồn” vào gỗ, thầy Thích Thắng Phước rút ra một cách riêng cho mình, là phải để tâm xuất phát từ cuộc sống, từ đạo và đời thường. Chỉ trong 10 năm, khoảng thời gian còn quá ngắn ngủi, chưa đủ để thầy Thích Thắng Phước thực hiện được ý định của mình. Thầy mơ ước đến một ngày nào đó có được một không gian để triển lãm tác phẩm nghệ thuật gỗ do chính tay thầy và cộng sự chế tác. Thế mà, vào một ngày hạ tuần tháng 8 năm Canh Dần (6/10/2010), giữa cảnh sắc của cuộc đời thì bồ đề đã mãn nguyện, thượng tọa Thích Thắng Phước (pháp danh Quảng Tuệ, sinh năm 1964 tại làng Trà Trì, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tốt nghiệp cử nhân Phật học khóa III năm 1995, tại Thiền viện Vạn Hạnh, thành phố Hồ Chí Minh) đã an nhiên thu thần thị tịch. Thầy viên tịch, khi vừa mới hoàn thành tác phẩm cuối cùng là bộ pho tượng “Tây Phương tam thánh”, gồm tượng Phật A Di Đà (cao 3,6 mét), tượng Bồ tát Quan Thế Âm (cao 3,5 mét) và tượng Bồ tát Đại Thế Chí (cao 3,5 mét). Tác phẩm này vừa được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng “Xác lập kỷ lục Việt Nam” là bộ tượng chế tác từ gỗ dâu (nguyên khối) lớn nhất ở Việt Nam. Đây không chỉ là kỷ vật có giá trị của cố thượng tọa Thích Thắng Phước để lại, mà còn là một “tài sản” quí giá của chùa Linh Thắng và bà con phật tử Di Linh, sau 2 năm ròng rã, thầy đã cùng với cộng sự của mình, dày công chế tác.

BÙI TRƯỞNG