Con đường mòn dẫn từ ngã ba đường đất đỏ chạy xuống suối Tóc Tiên có lẽ không mòn hơn cái lối đi thăm thẳm trong trí nhớ của chú Đính. Chiều nào cũng vậy, cứ đến tầm mặt trời sắp lặn xuống bên kia đỉnh núi Chúa, là chú Đính khép cửa cái quán nước trước nhà lại, mang khoanh ống nhựa và mô tơ điện xuống dòng suối Tóc Tiên bơm nước tưới cho đồi cây trước nhà...
Minh họa: Ngọc Minh |
Con đường mòn dẫn từ ngã ba đường đất đỏ chạy xuống suối Tóc Tiên có lẽ không mòn hơn cái lối đi thăm thẳm trong trí nhớ của chú Đính. Chiều nào cũng vậy, cứ đến tầm mặt trời sắp lặn xuống bên kia đỉnh núi Chúa, là chú Đính khép cửa cái quán nước trước nhà lại, mang khoanh ống nhựa và mô tơ điện xuống dòng suối Tóc Tiên bơm nước tưới cho đồi cây trước nhà. Những quả đồi bát úp bao bọc thung lũng làng Mây, trước đây cỏ cây còi cọc do ảnh hưởng chất độc khai hoang của thời chiến tranh, giờ màu xanh tơ non ngan ngát đang từng ngày viền kín phủ gần khắp các chân đồi. Không ai tưởng, từ cái vạt cây xanh nho nhỏ, thoạt đầu vợ chồng chú Đính và cô Phương trồng lên che bóng mát cho cái quán nước nhỏ liêu xiêu ven đường, như vừa chợp mắt, chẳng rõ mấy thời gian, cái vạt cây trồng như đốm lửa xanh ấy đã lan tỏa xanh tràn ra bốn bề làng Mây. “Như vừa chợp mắt” là nói theo cách mà chú Đính thường nói, ấy vậy mà đã bao năm rồi, kể từ buổi đầu Nguyệt mang ba lô về làng Mây.
Cho dù đã hình dung, đã lường trước bao thách thức vất vả về một làng quê gieo neo giữa vùng đất bán sơn địa heo hút, Nguyệt vẫn thấy cái trí tưởng tượng của mình còn quá nghèo nàn trước hiện thực đang đập vào mắt. Vừa bước xuống khỏi xe ôm, làng Mây chào Nguyệt bằng một cơn lốc tung bụi mù mịt nhuộm đỏ cả người. Anh lái xe ôm và chiếc xe “min khờ” cà khổ trông giống như con ngựa nhà trời vội quành xe lại, rú ga chồm lên như muốn chạy trốn khỏi con đường lô nhô ổ voi ổ gà. Vẫn là bụi đỏ bốc mù lên hắt về phía Nguyệt đang đứng ngơ ngác nhìn bốn bề đồi trọc sém cháy giữa nắng nóng. Giữa cái khoảnh khắc ấy, cái cảm giác chồn chân xuất hiện trong Nguyệt. Chả trách bạn bè cùng khóa bảo: “Nguyệt khùng, Nguyệt thần kinh đến nơi rồi”. Ai đời cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, loại mà nếu như trường lớp ở thành phố có kín hết chỗ rồi, thì chí ít cũng còn cửa đón ở thị xã, thị trấn. Đằng này Nguyệt lại quyết chọn vùng núi non khỉ ho cò gáy, nơi mà nghe đâu dân kinh tế mới còn không chịu nổi đã bỏ về đến phân nửa. Trước đám bạn thân thiết, ngày chia tay Nguyệt nói như “tu sĩ” rao giảng “giáo lý” cho đàn chiên: Tại sao trai trẻ như chúng mình lại cứ cắm đầu cắm cổ đổ xô về thành phố, có kẻ còn bỏ tiền vàng ra chạy chọt cho được trường này lớp kia. Mình thử làm ngược lại xem sao. Đám bạn ù tai lắc đầu khi nghe đến đoạn Nguyệt hứng khởi bốc lên nói chữ: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ...”. Thì ra, cái chốn “vắng vẻ” lãng mạn trong chữ nghĩa nó hoang vu, nó bụi bặm và nắng cháy muốn bỏng rộp đến thế này đây. Giữa lúc lòng ngổn ngang tơ vò ấy, Nguyệt ghé vào cái quán nước vắng teo khách xọp xẹp ở bên đường. Cái quán nước cũng nhuộm đỏ một màu bụi. Từ bàn ghế xộc xệch đến cái ô cửa sổ treo tấm màn, cho đến mấy vách ván chung quanh cũng lớp lớp bụi phủ. Trên tấm kệ ván đóng sát vách bày biện đơn sơ mấy thứ hàng hóa nghèo nàn: ít gói mì tôm và bánh kẹo, vài chai rượu thuốc, dăm ba chai nước ngọt, nước khoáng... Đang lúc loay hoay cởi chiếc ba lô và ngồi xuống ghế, Nguyệt định bụng uống chai nước khoáng rồi thì tới đâu cứ tới. “Một liều ba bảy cũng liều” - Nguyệt lầm thầm tự vỗ yên lấy mình.
- Xin lỗi cô, tôi sắp khép cửa quán vì bận chút công việc.
Nguyệt ngước nhìn người chủ quán vừa từ nhà sau bước ra. Và, dù cho là lời từ chối với khách, gương mặt ông thoáng gieo vào lòng Nguyệt những thiện cảm. Gương mặt phúc hậu hiền từ, tóc bạc chấm vai không toát lên vẻ già nua khọm rọm mà thanh thoát tài tử như là một tương phản lại với cái thế giới hoang vu buồn tẻ bụi bặm chung quanh. Nghe ông chủ quán bảo thế, Nguyệt lại mang cái ba lô đứng lên định khiếu từ, nhưng không hiểu thế nào lại nghe ông thay đổi ý định.
- Hình như cô từ xa mới tới làng Mây này? Thôi được, cô cứ ngồi uống nước, tôi đi công việc một chốc lại quay về, mà cô uống thứ gì để tôi lấy cho.
- Dạ, chú cho cháu chai nước khoáng.
Nguyệt vừa trả lời vừa phân vân, chẳng lẽ quán nước chỉ có mỗi mình ông trông coi, giờ lại để cho khách lạ ngồi trông quán thay mình. Vậy rồi chưa hết ngạc nhiên, Nguyệt lại thấy mênh mang một tình cảm chợt quen chợt lạ bởi cách ứng xử vừa thân mật vừa lạ lẫm của người chủ quán, mà trí tưởng tượng của Nguyệt cho dẫu giàu có đến đâu cũng khó để mà tưởng tượng ra nổi. Sau khi lấy chai nước khoáng cho Nguyệt uống, ông chủ quán vào nhà sau vốc nắm gạo đầy trong tay ra vãi trước cửa quán rồi huýt sáo véo von. Đàn chim bồ câu từ đâu mọi hướng, nghe tiếng huýt sáo của ông, chúng bay về chạy đầy sân, chạy cả vào bên trong quán, quanh quẩn ăn bên chân chủ. Đến lúc này ông mới quay lại tươi cười nói với Nguyệt.
- Cô biết tôi gọi chim về để làm gì không?
- Dạ, dạ...
Nguyệt chưa biết phải trả lời như thế nào, đã nghe ông nói tiếp.
- Tôi gọi chim về là để chúng thay tôi trò chuyện với khách đấy! Cô cứ tự nhiên ngồi uống nước và đùa chơi với chúng, tôi phải đi tưới vạt cây trên đồi một chốc sẽ quay về.
Nói xong, chẳng cần biết Nguyệt đồng ý hay không, ông quay quả vào nhà sau lấy khoanh ống nhựa mang trên vai, tay xách mô tơ bơm nước bước ra khỏi quán trước sự sững sờ đến thảng thốt của Nguyệt. “Trời đất!” Nguyệt kêu khẽ. Biết con người ta là ai mà cả gan giao hết nhà cửa, quán xá cho họ trông coi.
Đàn chim bồ câu vẫn bình yên mổ những hạt gạo vương vãi trong sân quán, chúng rượt đuổi, đùa với nhau chạy vào cả dưới bàn ghế chỗ Nguyệt ngồi. Muốn đứng dậy rời khỏi quán nhưng Nguyệt cứ ngồi ngây người như tượng. Bỗng dưng cô cười khùng khục tiếng nghẹn trong cổ, rồi lẩm nhẩm: “Khùng, khùng thứ thiệt rồi!”. Cũng chẳng rõ lúc đó Nguyệt nói người chủ quán nước hay là nói với chính mình.
Dòng suối Tóc Tiên chảy trong veo trong vắt uốn lượn lưa thưa dưới chân đồi Mồ Côi như một kẻ dẫn đường lãng mạn cho bất cứ ai muốn viếng thăm làng Mây. Chú Đính thường mô tả con suối giống như một hướng dẫn viên du lịch nhà nghề. Với chú, dòng suối này còn là người bạn đường thân thiết và đáng tin cậy nhất. Ai đi đâu thì đi, đổi thay thế nào thì cứ đổi, chỉ mỗi dòng suối Tóc Tiên trong lành bền bỉ chảy qua đất đai này như một niềm thủy chung vĩnh cửu. Có lần, Nguyệt hỏi đùa với chú Đính: “Chú thì lúc nào cũng cứ dòng suối là bạn đường thân thiết nhất, thế trên đời này không còn ai nữa à, cô Phương - vợ chú chẳng hạn, chẳng lẽ người bạn đời cùng chú lên ghềnh xuống thác, qua chiến tranh và rồi hòa bình, dằng dặc một cuộc đời thế kia chú lại xếp vị trí đứng sau dòng suối”. Chú Đính hồn hậu cười trả lời: “Vợ chồng muối mặn gừng cay với nhau thì là một chứ trước sau nhứt nhì gì”. Đấy là những lúc vui mà nói, thực ra Nguyệt còn biết được dòng suối Tóc Tiên đã từng gắn liền với cuộc đời chú Đính, và cả cô Phương nữa, một mối tình đẹp đẽ, trong veo như dòng suối và cũng đầy bi tráng.
Nguyên suối Tóc Tiên ngày xưa có tên gọi là suối Dak Lome. Thời chiến tranh, đơn vị thanh niên xung phong của chú Đính và cô Phương đóng quân trên vùng thượng nguồn dòng Dak Lome này. Ngày ấy các cô gái chàng trai sớm chiều bầu bạn với dòng suối tắm gội giặt giũ đùa vui. Nhất là những cô gái, mà theo cách diễn tả của cô Phương - nếu kết liền bao mái tóc dài mượt mà thanh xuân đó lại thả trôi theo dòng suối, thì chiều dài mái tóc vĩ đại ấy chắc sẽ chảy thấu tận biển Đông. Tên suối Tóc Tiên được gọi bắt đầu từ những năm tháng đó và gọi mãi cho đến bây giờ. Chỉ có điều, sau chiến tranh không còn mấy ai trở về. Mà có trở về được như chú Đính, thì thương tích đạn bom và chất độc hóa học cũng hằn lên dấu vết khắp người. Kỳ thực, những lần chú Đính bỗng dưng bỏ nhà xuôi ngược lang thang với dòng suối Tóc Tiên như một kẻ mộng du là bởi di chứng từ những vết thương ấy. Như buổi chiều cuối tuần này, Nguyệt bắt gặp chú ngồi bên dòng suối với dáng vẻ đăm chiêu tư lự, dường như chú Đính đang thì thầm nói điều gì đó với dòng suối. Nguyệt đến gần đứng bên chú một lúc khá lâu mà chú chẳng hề hay biết, đến lúc nghe Nguyệt lên tiếng hỏi, chú mới giật mình quay lại nhìn và rồi trả lời nhẹ như không.
- Nguyệt đi dạy về đấy à, có ai đâu mà chuyện trò, tôi đang hát đồng ca với dòng suối đấy chứ.
Nói rồi chú Đính cất tiếng hát như tiếp tục một dở dang, như muốn gởi vào suối khe và thiên nhiên vô tận khôn nguôi một tiếng lòng: “Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng. Lắng nghe con chim nó kêu lạc đàn... Đạp chân lên dấu chân người vắng bóng. Người đi năm xưa vẫn chưa trở về...”! Và dường như cảm xúc đến hồi cao trào, chú Đính say sưa nói về một triết lý lạ lẫm, mà thú thực Nguyệt chưa từng thấy trong sách vở Đông - Tây nào đã được viết ra.
- Nguyệt có bao giờ nghe nói đến dòng sông Hằng chưa?
- Có phải dòng sông Hằng của đất nước Ấn Độ không chú?
- Đích thị là dòng sông lấp lánh những huyền thoại và sâu dày tầng vỉa văn hóa ấy. Cái dòng sông mà hàng năm có đến ngàn ngàn vị tì kheo, hễ theo mùa lễ hội là họ xuống sông Hằng gội tắm để thánh hạnh của họ hòa tan vào nước, biến dòng sông thành dòng thánh thủy chảy qua nuôi sống đức tin cho dân tộc của mình. Nói đến đây chú Đính đưa tay chỉ xuống dòng suối Tóc Tiên, rồi như một vị thầy minh triết chú tiếp tục rao giảng - Dòng suối này hay hàng trăm, hàng ngàn sông suối khác chảy trên xứ sở đất đai này không như con sông Hằng bí nhiệm kia, mà hiện thực mà cụ thể Nguyệt ạ! Chỉ mỗi dòng suối Tóc Tiên này thôi đã có bao lớp thanh xuân trinh trắng vĩnh viễn nằm lại đây rồi, đã có bao nhiêu tình yêu đương độ đẹp nhất khảm khắc tuổi tên vào dòng chảy này như mặc khải cùng núi sông tiếng nói hằng cửu của sự bất tử. Sông suối như vậy mà không gọi dòng thánh thủy thì gọi là gì đây kia chứ.
Giữa lúc Nguyệt còn đang ngơ ngác chưa biết phải góp lời như thế nào cho hợp lẽ, thì cái giọng trầm trầm có vẻ buồn buồn của chú Đính lại tiếp tục.
- Nhưng mà thôi, sông biển còn lấp bồi còn quên nữa là! Tuổi các cô cậu bây giờ nghe ra dễ thuộc lòng những rock, những dance, chứ có đâu xưa rích như thời chú, mãi hoài... “Đạp chân lên dấu chân người vắng bóng. Trồng cây hoa thơm lên dấu chân của người...”.
Đến lúc này Nguyệt bỗng nhớ ra, cái điệu huýt sáo ngân nga gọi chim bay về của chú Đính từ buổi đầu đến làng Mây, Nguyệt dừng chân trong cái quán nước bên đường. Thì ra đấy là bài hát mà chú thường đồng ca với con suối mầu nhiệm này. Nguyệt không thể ngờ, những dự cảm của buổi chiều ngồi với lũ chim bồ câu như lạc vào cổ tích ấy, nơi đó giờ trở thành “một cõi đi về” nuôi dưỡng cho Nguyệt đủ sức vóc mà tha hồ “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”! Bản tính của huyền nhiệm là không thể định nghĩa. Huyền nhiệm một tình yêu, huyền nhiệm một đức tin! Nó vừa siêu hình, vừa hiện hữu. Ví như tình yêu của chú Đính và cô Phương chẳng hạn. Dường như cả hai không tuổi tác. Dường như cả hai vẫn nguyên vẹn cái buổi ban đầu “Buổi lên núi đầu tiên gặp suối. Như gặp mình đang tuổi mình yêu”. Nhạc ấy, thơ ấy, chả biết của ai, đúng sai nhường nào, tất cả đều từ cái trí nhớ khói sương của chú Đính mà ra. Và Nguyệt thuộc lòng như thuộc tất cả mọi con đường ở làng Mây. Con đường những chiều đi hái sim, đường lên đồi Mồ Côi, đường xuống suối Tóc Tiên... thuộc tất tần tật. Chỉ có điều, những con đường ấy ngày xưa còi cọc sém cháy, bây giờ thì cây đang lên xanh ngày ngày!
Mặt trời chiều chợt ánh lên cái quầng ráng nghiêng về phía bên kia núi Chúa. Làng Mây đẹp hư thực trong cái màu chiều hồng hào khói mây la đà xuống thấp. Nguyệt giục chú Đính về. Tầm này, Nguyệt hẹn với đám học trò sẽ chiêu đãi cả lớp, thưởng công bọn trẻ đã trồng xong hàng thông giáp con đường dẫn đến sân trường. Nguyệt chẳng thể nhớ được đã bao ngày, bao tháng như thế, chỉ có những bóng cây xanh mỗi ngày lớn lên dần như là muốn nói về tuổi tác của mình. Khổ công chú Đính, từ ngày có Nguyệt và đám học trò mở ra cái chiến dịch trồng cây, hầu như chú bỏ cả cái quán nước, xách máy bơm ống tưới đi theo suốt ngày. Cả cô Phương nữa, làm bác sĩ phụ trách cái trạm xá làng Mây, bây giờ cô lại học thêm cách làm thuốc chữa bệnh cho cây lá. Cái đồi thông ca-ri-bê mới lên xanh non đã bị sâu ăn đứt cả cành, phải nhờ đến tay cô chữa khỏi. Chiến tranh đã tước mất đi của cô cái quyền sinh nở, được làm mẹ, tình yêu cô dốc hết cho lũ trẻ con làng Mây. Chiến tranh đã muốn tận diệt đến từng cây cỏ, tình yêu của cô đã chuyền cho Nguyệt và lũ trẻ con làng Mây, cho cây lá xanh tươi tỏa bóng mát mỗi ngày. Cái quán nước từ ngày mở ra, cô Phương bảo: chẳng phải cốt để buôn bán kinh doanh lợi lộc gì cho lắm, mà để chú Đính có việc vặt vãnh ở nhà trông coi, bớt đi cái bệnh đi đứng lạc đường lạc ngõ. Có lần cô phải nghỉ việc đôi ba ngày lên tận vùng đầu nguồn dòng suối Tóc Tiên tìm chú Đính về. Đúng là từ ngày có cái quán nước, chú Đính thường loanh quanh việc ở nhà. Có hôm gặp Nguyệt dẫn cả lớp học đi trồng cây về, cao hứng chú gọi tất cả bọn trẻ vào chiêu đãi sạch sành sanh bánh kẹo, nước giải khát, cả những gói mì tôm cuối cùng chú cũng mang ra cho bọn trẻ nốt. Làng Mây còn thiếu thốn mọi bề. Ngày ngày bọn trẻ còn phải tranh thủ giờ nghỉ học theo người lớn vào núi bứt mây kiếm sống. Nhưng có một thứ làng Mây giàu có hơn bất cứ nơi nào, đấy là tình yêu, là sự thanh bình. Một sự thanh bình lắng sâu bình yên thấu tận mọi ngõ ngách tâm hồn. Nơi không có chỗ cho tham vọng và mưu toan rình rập ẩn mình. Nguyệt lan man trên lối đi mòn dọc theo bờ suối Tóc Tiên. Cái lối mòn chưa bao giờ cạn thanh âm của con suối dẫn đường, mà theo chú Đính, là đã sâu hoắm cả trong vô thức, đến độ nhắm mắt lại chú vẫn không bao giờ đi lệch đường. Nguyệt bây giờ cũng có thể như thế. Tiếng suối róc rách, tiếng suối bạn đường thường hằng như một tri âm. Nếu trong mỗi giọt nước trong veo này luôn phong kín một linh hồn trinh nguyên, thì liệu tiếng suối róc rách quanh đây bây giờ có những ai đang về. Bất chợt chú Đính lên tiếng hỏi.
- Chiều nay có tiết mục gì mà Nguyệt giục về gấp gáp thế?
- Chiêu đãi thưởng công bọn trẻ trồng xong hàng thông trước sân trường chú ạ, chắc giờ này các em đã đến chờ ở nhà rồi.
Nghe có bọn trẻ đến, chú Đính bước hối hả như... trẻ thơ chạy trên đường, niềm hân hoan lộ rõ trong ánh mắt không giấu vào đâu được. Với trẻ thơ chú bao giờ cũng thế, nhiều khi, nếu lỡ vì lý do nào đó mà cả tuần không gặp được bọn trẻ, chú chạy thẳng đến trường tìm gặp cho bằng được.
Từ vài năm nay Nguyệt dọn về ở hẳn nhà với vợ chồng chú Đính. Cô Phương bảo: “Ở nhà tập thể làm gì thui thủi một mình trên đồi ấy, vợ chồng cô cũng chẳng có con cái gì, về ở chung cho vui”. Thoạt tiên, Nguyệt còn do dự chần chừ, nhưng rồi nghe chú Đính thiết tha giục mãi: “Nguyệt về, có bọn trẻ theo về cho vui”, riết rồi không nỡ từ chối. Từ bữa về đến nay, cái quán nước xọp xẹp buổi đầu tiên ấy, ai ngờ đã trở thành cái địa chỉ tụ họp của người và chim chóc. Bọn trẻ con làng Mây bây giờ đứa nào cũng thuộc lòng, cũng huýt sáo vi vu cái bài ca chú Đính hát gọi chim về. Dọc theo những con đường đến trường lớp xanh mượt màu lá tơ non, hễ nghe tiếng bọn trẻ huýt sáo vi vu gọi, là lũ chim bồ câu từ đâu trên những vòm xanh sà xuống vỗ cánh tưng bừng!
Truyện ngắn: Nguyễn Nhã Tiên