Văn Công Hùng có một thuở tường vi

03:09, 19/09/2012

Chỉ đôi lần gặp Văn Công Hùng – Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Gia Lai, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và đọc  thơ đăng rải rác trên các báo, tạp chí cả nước, tôi liền có ấn tượng về một kẻ du ca... của Tây Nguyên. Nếu Y Phon Ksor hát "Đi tìm lời ru mặt trời" với cảm thức cội nguồn sâu nặng, thì Văn Công Hùng nhập cư vào hồn đất núi với rung cảm tình yêu tha thiết và lấp lánh khôn cùng:

Chỉ đôi lần gặp Văn Công Hùng – Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Gia Lai, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và đọc  thơ đăng rải rác trên các báo, tạp chí cả nước, tôi liền có ấn tượng về một kẻ du ca... của Tây Nguyên. Nếu Y Phon Ksor hát "Đi tìm lời ru mặt trời" với cảm thức cội nguồn sâu nặng, thì Văn Công Hùng nhập cư vào hồn đất núi với rung cảm tình yêu tha thiết và lấp lánh khôn cùng:

từng giọt mưa câm lặng những bức tường
run rẩy bông tường vi đang nở
(Hoa tường vi trong mưa)

Thơ Văn Công Hùng đọc như dòng nhạc chảy qua hồn. Mỗi dòng là một thân phận, mỗi khổ là một truyện ngắn kết lửng, cưu mang một mối tình:
 
Cao nguyên hoá chiều mưa đưa em đi
Gốc thông già hát gì với tuổi
Em cầm trên tay một bông liễu rũ
Hoa tường vi lặng lẽ khóc vùi


Quả thật, chỉ hai khổ thơ trong bài như khúc nhạc dịu dàng này đã thể hiện được hai thân phận nở hoa. Tinh tế một chút ta sẽ thấy Văn Công Hùng dụng công vào nhân vật chính trong bài: từ một "bông" quê mùa chất phác đứng thuần hậu trong mưa, em đã trở thành một "hoa" lặng lẽ khóc vùi! Mưa đã tẩy xoá cái "lý lịch nương rẫy" trong em và để lại một vết thương người. Toàn bộ bài thơ là một chân dung chông chênh, nỗi trống vắng hoang vu mà cuộc tình đối diện. Phải chăng bài thơ găm được vào lòng người đọc bởi trạng thái này?

Vâng, niềm hoan lạc cô đơn là hành trình tìm kiếm trong thơ Văn Công Hùng. Mạch nguồn cảm hứng xuất phát từ đó:

Ước gì lại trẻ trai mà khát khao cùng cỏ
ngậm giọt sương nghe thăm thẳm tuổi người
(Bâng quơ cỏ ngoại ô)

Tôi run run đọc hai câu thơ tuyệt hay này mà cảm thấy như đã gặp điều gì quý hiếm trên đời. Xúc động cùng thơ đã là điều hiếm thấy ở thời buổi ế ẩm thơ hiện nay. Nhưng kỳ thực gặp những câu thơ hay như thế này là một hạnh phúc của người tìm thơ. Tôi vốn yêu thơ và quý thơ như máu. Bởi vậy tôi quý thơ Văn Công Hùng như máu mình và cảm giác ngọt ngào như thuở mới có mối tình đầu tiên.

Không những thế, tác giả còn làm ngạc nhiên chúng ta trước một thực thể phiêu hành:


Và thấy mình nhỏ bé làm sao
lăn tăn cỏ, lăn tăn chùm xấu hổ
dù đã nhẹ đến tận cùng bước chân
vẫn nghe đau li ti nhành cỏ gãy
(Bâng quơ cỏ ngoại ô )

Đọc đến đây tôi lại nghe lành lạnh một cảm xúc khác, cảm xúc khát sống giữa thiên nhiên kỳ ảo và nhân hậu. Sẽ không trọn vẹn nếu ta không đối diện với mình để nhìn ra thời đại nối mạng toàn cầu, về một dự cảm mất mát bởi nền công nghiệp hoá; còn đâu bước chân ta được đỡ nâng hàng ngày...

Cùng dòng cảm xúc miên viễn ấy, đi tới đâu nhà thơ đều có cái nhìn ưu tư về một nỗi nhớ:

Ta về tắm nước Đồng Nai
thương cây phượng vĩ cháy ngoài bến sông
(Cây phượng vĩ một mình)

Đây là sự dịu dàng nghệ sĩ thường thấy trong thơ Văn Công Hùng. Cả dịu dàng đối xứng với nỗi đau:

chắt đến tận cùng sự sống
lá vàng đau úa cả chiều
(Nhìn lá cao su rụng, nghĩ...)
Thế rồi nhà thơ chọn giải pháp để hoá giải vấn nạn:
Bao nhiêu bài thơ lá vàng
bao nhiêu bài ca nhựa trắng
bao nhiêu con đường rợp nắng
dập dìu tình yêu đi qua.

Đúng như Voltaire đã nói: "Thơ là hùng biện du dương". Văn Công Hùng đã đem tình yêu hùng biện cho lá vàng một cách du dương và tài hoa đến nỗi như có như không. Bởi lá vàng, nhựa trắng và con đường đều có bản chất hư vô của nó. Và đến đây, tôi gọi anh là thi sĩ đã đối chiếu mình:

Tôi đặt tôi trước chiều
Với tay vào kỷ niệm
(Bỗng chiều)

Câu thơ bật ra cái tâm. Cái tâm như chiếc gương soi, soi thấy ngọc ngà châu báu của một miền, miền ấy có tên là kỉ niệm. Chính kỉ niệm đã làm giàu có hồn ta và thơ ta vậy. Nên tiếng kêu suốt chiều dài gió thổi là tiếng gào thét hãy dừng lại "nỗi gì ơi"...

Cứ mãi thanh tân, mãi mãi vụng về
Mãi mãi nắng, mãi mãi sương. Mãi mãi
Cao nguyên tháng ba những con đường thao thiết
Vỗ dập dồn thăm thẳm nỗi gì ơi…
(Cao nguyên tháng ba)

Quỉ thật. Nỗi đau đáu ấy không có tên cho thơ gọi. Nó như chưa tượng hình, như chưa tượng âm nhưng nó hiện hữu đấy! Nó ở giữa cuộc sống con người. Không phải thơ bất lực mà con người trở nên bất lực. Sự bất lực không thể mặc cả. Thế thì phải có một "nỗi gì khác" đến cứu vãn thơ:

có day dứt nhớ thăm thẳm men rừng
mà xoang mà chiêng mà say mà đêm
(Có một Chư Prông)

Đây là câu thơ tuý luý nhất mà tôi từng thấy. Hãy ở vào cái tâm thế ấy, lòng yêu mến ấy mới thấy nó hay ở độ nào. Lặn lội với Tây Nguyên chừng đã thành máu thịt, thành thơ, Văn Công Hùng mới viết được những câu chất ấy. Nó thật và hoang. Và hay!

Còn đây:

đôi mắt nhớ chiều bến sông hoang dại
bạt ngàn lau xâm xấp mặt trời vàng
(Và gió)

thì Tây Nguyên đã ám vào Văn Công Hùng để thổ lộ cái cốt cách nghệ sĩ phát sáng rất tiềm tàng. Có thể nói Văn Công Hùng trong Tây Nguyên và Tây Nguyên trong Văn Công Hùng là một trường hấp dẫn. Hấp dẫn ấy là ngọn gió thổi xuyên qua những cảnh, miền mơ ước, tưởng tượng và làm nên màu sắc hoang sơ mà đặc trưng:

Như nỗi buồn lang thang vào bóng tối
Em thổi thảo nguyên về những phía dã quỳ
(Gió dã quỳ)

Người ta đã nói mọi thứ dã quỳ: mưa dã quỳ, nắng dã quỳ, chiều dã quỳ, thậm chí ngón dã quỳ. Văn Công Hùng nói "Gió dã quỳ"... và thứ gió hoang dại ấy lắt lay tuổi thơ say mê của anh. Một lần nữa trong dòng chảy ngôn ngữ, Văn Công Hùng góp vào ngôn ngữ thơ một sáng tạo đáng quý và liền được trân trọng. Từ đó tạo nên tên tuổi anh. Hiếm có một người nào cầm bút chân chính ở Tây Nguyên lại không biết thơ Văn Công Hùng, nhớ của anh một vài câu, đọc một vài bài v.v... Hạnh phúc của tôi được tiếp xúc và được anh tặng thơ để thấy rõ hơn một Văn Công Hùng thơ (ngoài báo, cũng là một nghề chính của anh) có độ biểu cảm của men rừng, có cảm xúc của một cánh cung. Và mũi tên thơ anh bay cao trong đời sống, khiến Tây Nguyên và những nơi anh đến trở nên lung linh. Anh trải nỗi thi vị ấy bằng cách chắt chất thơ huyền ảo ra mời chúng ta...

Vì thế, đoá tường vi hoặc bất cứ một đoá nào đó đi qua anh đều trở nên mộng ảo giữa cuộc đời. Và cái cung điệu trầm nhoà của kẻ du ca thi sĩ đã ngân lên từ thuở ấy: thuở Tường vi...


Nguyễn Thánh Ngã


Ta về Đà Lạt

Nhấp nhô thung lũng sương mù
Hoa tường vi dẫn phố về lối xưa
Người thì đã của ngày xưa
Cơn mưa lỗi hẹn như vừa hôm qua

Ta về Đà Lạt với… ta
Bồi hồi giăng mắc bóng ta bóng người
Bây giờ Đà Lạt mưa ơi
Mình tôi ngồi với xưa nơi người ngồi

Hoa tường vi nở lâu rồi
Lối mòn xưa chỉ còn tôi đi về…


Em hình như đến lại như chưa

Đà Lạt trong chiều mưa không mưa
Thoảng hồn thu thảo lối mòn xưa
Vàng mơ nắng nhạt xanh cùng cỏ
Trầm mặc ven hồ liễu ngẩn ngơ

Đà Lạt lưng trời mây giăng tơ
Dáng em mờ tỏ của ngày xưa
Thông nghiêng trong gió tình giăng mắc
Đà Lạt không em cũng chẳng mưa

Hoa cỏ cũng nghiêng bên song thưa
Gió mưa đã lặng tự bao giờ
Xuân Hương mờ ảo như vừa nắng
Em hình như đến lại như chưa?

VĂN CÔNG HÙNG