Xúc cảm từ bài ca “Một đời người - Một rừng cây”

03:09, 12/09/2012

Trong rất nhiều sự lựa chọn mà cuộc đời mỗi con người phải trải qua, có 5 lựa chọn quan trọng nhất sẽ quyết định cả cuộc đời: Chọn lẽ để sống, chọn thầy để học, chọn việc để làm, chọn người để lấy, chọn bạn để chơi...

Chọn lẽ để sống
    
Trong rất nhiều sự lựa chọn mà cuộc đời mỗi con người phải trải qua, có 5 lựa chọn quan trọng nhất sẽ quyết định cả cuộc đời: Chọn lẽ để sống, chọn thầy để học, chọn việc để làm, chọn người để lấy, chọn bạn để chơi. Trong đó, chọn lẽ để sống là  lựa chọn quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng tới tất cả những lựa chọn còn lại. Đối với những người trẻ, điều này lại càng có ý nghĩa hơn, bởi họ có cả một tương lai dài đang chờ đợi phía trước. Bài ca Một đời người – Một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã chọn cho chúng ta một lẽ sống.

Nét duyên. Ảnh: Phan Văn Em
Nét duyên. Ảnh: Phan Văn Em

Tôi nghe bài hát Một đời người, một rừng cây rất nhiều lần, mới đầu chỉ vì yêu thích, nhưng mỗi lần nghe, từng ca từ như ngấm dần, gợi lên nhiều xúc cảm. Khi nghĩ về một đời người tôi thường nhớ về rừng cây/ Khi nghĩ về một rừng cây tôi chợt nhớ về nhiều người. Giai điệu nhẹ nhàng như mở đầu một điều thổ lộ tâm tình, đưa ta vào sự liên tưởng giữa “người” và “cây”, giữa cây và rừng, giữa rừng cây và nhiều người. Trẻ trung như cụm hoa hồng/ Hồn nhiên như ngàn ánh lửa/ Chiều hôm khi gió về. Vẫn là mạch cảm xúc mãnh liệt của con người được sống trong niềm kiêu hãnh của dân tộc độc lập, tự do như cây hồn nhiên được mọc lên giữa rừng, được đùa trong gió chiều. Sự liên tưởng sâu sắc bắt đầu gợi cho ta mối quan hệ giữa cuộc đời mỗi con người với cộng đồng, với dân tộc mình đang sống.

Cây vẫn mọc từ thuở nào trên đồi núi thật cằn khô/ Cây có hiểu vì sao chim thường kéo về làm tổ/ Và em như cụm lan mọc tựa giữa cành cổ thụ già kia. Cây ngàn đời vẫn cắm rễ sâu vào lòng đất cằn khô, miệt mài hút chất dinh dưỡng, cặm cụi hiến mình để dâng cho đời màu xanh của lá, sắc rực rỡ của hoa, làm điểm tựa cho những cụm lan, che chở cho bầy chim về quần tụ, xây tổ. Rồi sinh sôi nảy nở, nương tựa lẫn nhau kết lại thành rừng, làm nên một quần thể sinh thái tràn đầy sức sống, chống chọi với bão giông. Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây sống gần nhau thân mới thẳng/ Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh/ Rừng giữ đất quê hương. Lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta, của dân tộc ta từ ngàn đời cũng vậy: đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau vượt qua gian nan thử thách, anh dũng đối mặt với giặc ngoại xâm, làm nên chiến thắng, bảo vệ giống nòi.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ biết dành phần ai/ Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình/ Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành -  Nếu ai cũng bo bo cho mình thì trách nhiệm cộng đồng sẽ đùn đẩy cho ai. Một câu hỏi rất giản dị như một lời tự vấn, độc thoại, mang triết lý, nhưng người nghe không có cảm giác bị giáo huấn, mà thấm thía cái ý nghĩa sâu sắc về ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng, để ai cũng tự nhìn lại chính mình, đối diện với bản thân mình, rồi tự hỏi: Mình là ai? Mình sống để làm gì? Cuộc đời mình sẽ đi về đâu? Mình sẽ dùng cuộc đời mình vào việc gì? Mình đã làm được gì cho những người xung quanh, cho cộng đồng, cho dân tộc. Nhạc sĩ hỏi là để hỏi, nhưng ngay trong chính câu hỏi đã khẳng định câu trả lời, đã chọn ra lẽ sống đẹp đẽ, sống vì mọi người. Ai cũng một thời tuổi trẻ, không đành phận, không sống uổng, sống hèn, sống phí, phải dùng sức trẻ để sống cho ra sống, sống hiến mình và xả thân vì cộng đồng, vì dân tộc. Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi/ Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người/ Ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân”. Cái “nhỏ nhoi” đó chính là lối sống vị kỷ, là chủ nghĩa cá nhân. Thế hệ đi trước đã không chịu sống đời nhỏ nhoi, sẵn sàng hy sinh xương máu, canh giữ đất trời để non sông toàn vẹn, để chúng ta hôm nay xin hát mãi bài ca này về họ…

Bài hát ra đời đã lâu, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong lúc chủ nghĩa cá nhân, lối sống vị kỷ đang có xu hướng trỗi dậy. Ý thức của con người về trách nhiệm của cá nhân trước cộng đồng xã hội như một nền tảng đang sụp lở. Con người đang tìm mọi cách để thu vén cho lợi ích cá nhân mình mà quên đi lợi ích của cộng đồng. Hơn thế nữa, nhiều cá nhân còn làm tổn hại đến lợi ích cộng đồng. Bài ca càng có ý nghĩa lớn lao khi một bộ phận thanh niên đang “lạc điệu” bởi thiếu định hướng nghề nghiệp, sống không có lý tưởng, thiếu ý chí vượt khó vươn lên, thất học, chạy theo lối sống không lành mạnh, coi trọng giá trị vật chất, coi thường kỷ cương pháp luật và các giá trị đạo lý, nhân văn, sống buông thả, sa vào tệ nạn xã hội… Để cho lẽ sống đẹp đẽ trong bài ca được lan tỏa, nhiều phong trào của tuổi trẻ không chỉ là khẩu hiệu, mà phải biến khẩu hiệu thành hành động cụ thể: “tình nguyện vì cộng đồng”, “chung tay xây dựng nông thôn mới”, “thi đua học tập, sáng tạo, lập thân, lập nghiệp”, “xung kích bảo vệ Tổ quốc”. Hình thành nên một thế hệ trẻ “không chịu sống đời nhỏ nhoi” nối bước cha anh “sống vì mọi người”, mang trong mình khát vọng lớn lao đưa đất nước mau chóng thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu; biết cống hiến và hy sinh, làm chủ vận mệnh dân tộc, đưa đất nước tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.

QUỲNH UYỂN