20 năm quan hệ báo chí Việt-Hàn: Bước khởi đầu gian nan

09:10, 19/10/2012

(LĐ online) - Hai nước Việt Nam, Hàn Quốc đang kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Hội Nhà báo VN Thuận Hữu đã dẫn đầu đoàn báo chí sang Seoul tham dự Hội thảo với chủ đề “Vai trò của người làm báo trong sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước”. Làm tôi nhớ lại bước khởi đầu mối quan hệ giới tân văn Việt Hàn, một bước khởi đầu đầy trắc trở do bối cảnh quốc tế hồi bấy giờ, cách đây một phần tư thế kỷ.

(LĐ online) - Hai nước Việt Nam, Hàn Quốc đang kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Hội Nhà báo VN Thuận Hữu đã dẫn đầu đoàn báo chí sang Seoul tham dự Hội thảo với chủ đề “Vai trò của người làm báo trong sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước”. Làm tôi nhớ lại bước khởi đầu mối quan hệ giới tân văn Việt Hàn, một bước khởi đầu đầy trắc trở do bối cảnh quốc tế hồi bấy giờ, cách đây một phần tư thế kỷ. Câu chuyện này tôi chưa từng kể với ai, nay thiết nghĩ lịch sử đã có độ lùi, từ bấy đã bao “vật đổi sao dời”, hơn nữa về mặt riêng tư, nếu không nhân dịp này tâm sự đôi điều, e không còn cơ hội.

Tháng 10-1987, thay mặt giới truyền thông Việt Nam tôi sang Bangkok tham dự Đại hội đồng thường niên Liên hiệp Phát thanh Truyền hình châu Á (ABU). Trong buổi tiệc chia tay do nước chủ nhà thiết đãi, không rõ có phải do ngẫu nhiên thật hay không, tôi được xếp ngồi bên cạnh một người châu Á ăn mặc chải chuốt. Tôi vừa tới, ông đã đứng dậy cúi đầu chìa tấm danh thiếp. Liếc qua tấm danh thiếp tôi trao đáp lễ, ông lại cúi đầu, miệng cười tươi: “Thật tuyệt vời, tôi đang mong được dịp hầu chuyện ngài”.

Ấy là ông Chung Koo-Ho, Chủ tịch Tập đoàn Phát thanh Truyền hình quốc gia Hàn Quốc (KBS). Hàn Quốc là nước đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè 1988 tại Seoul. Ông bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ giữa báo chí Hàn Quốc và Việt Nam, trao đổi các đoàn nhà báo qua lại tìm hiểu đất nước nhau và viết bài, làm chương trình đưa lên các phương tiện truyền thông. Olimpic Seoul sắp tới, sự kiện thể thao thu hút toàn thế giới, là cơ hội tuyệt vời khởi đầu hiện thực hoá mong muốn ấy bằng sự có mặt của đoàn phóng viên thể thao Việt Nam sang Seoul tác nghiệp. Về phần mình, trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông Olympic đã khởi đầu, ông xin phép được cử sang Việt Nam vào cuối năm nay một đoàn làm phim tài liệu, giới thiệu với bạn bè thế giới thông qua vệ tinh viễn thông đất nước Việt Nam tươi đẹp đang đổi mới. Và ông vô cùng hân hạnh được thay mặt giới truyền thông nước ông chính thức mời tôi sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian sớm nhất.

Suốt bữa ăn tối kéo dài, có trình diễn nghệ thuật, mặc cho ai làm gì, ông chỉ quan tâm bàn bạc chi tiết đề xuất của ông. Tôi đáp, trao đổi phóng viên là việc phù hợp với đường lối đối ngoại rộng mở của Việt Nam. Cá nhân tôi càng hết sức đồng tình và chân thành cảm tạ lời mời. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, có khá nhiều vấn đề nhạy cảm, Bộ Thông tin chúng tôi không thể quyết định mà có việc còn phải xin ý kiến cấp trên.
 

Tác giả (bìa phải) tại Cố đô Quang Du
Tác giả (bìa phải) tại Cố đô Quang Du

Vừa về tới Hà Nội, tôi đã nhận được qua đường dây FedEx thư mời chính thức của KBS. Ông Chu Koo-Ho gợi lại “buổi tối thú vị tại Bangkok mà ấn tượng đã in sâu vào trí nhớ ông”, và một lần nữa mời tôi sang thăm Hàn Quốc, “cho dù mùa đông nước chúng tôi hiện nay đang khá rét, bù lại, ngài sẽ có hơi ấm sự đón tiếp nhiệt đồng của bè bạn đất Hàn”.

Ít lâu sau, Bộ Thông tin nhận được công điện của Đại sứ quán ta ở Hàn Quốc, tham bác ý kiến về hai vấn đề: 1. Hiện có một kíp phóng viên truyền hình của KBS Hàn Quốc đang làm phóng sự về đất nước Thái Lan trong khuôn khổ chuẩn bị Olimpic Seoul 1988. Đoàn đã nộp nộp đơn xin Sứ quan cấp visa cho vào Việt Nam tác nghiệp. Kèm theo là danh sách cùng số hộ chiếu của sáu phóng viên. 2. Bạn chính thức mời Thứ trưởng Thông tin sang thăm Hàn Quốc. Ta có đồng ý không? Xin phúc đáp ngay, đặc biệt điểm 1, để sứ quán kịp xử lý.

Lãnh đạo Bộ Thông tin nhất trí nên cho phép đoàn phóng viên Hàn Quốc vào làm việc. Ban Tuyên huấn Trung ương cũng đồng tình: “Có bộ phim tư liệu về Việt Nam đổi mới do bạn làm và đưa lên sóng truyền hình qua vệ tinh nhân tạo đến với nhiều trăm triệu khán giả đang chăm chú theo dõi sự kiện Olympic Seoul là dịp rất tốt cho tuyên truyền đối ngoại của ta”, tuy nhiên vấn đề nhạy cảm, cần tranh thủ thêm ý kiến Bộ Ngoại giao. Bộ này thì một mực nói không, chắc hẳn vì cấn cái với nước bạn trong khối xã hội chủ nghĩa.

Olympic Seoul 1988 trôi qua, không có bộ phim tài liệu về Việt Nam. Tôi cũng đã quên mất “buổi tối thú vị tại Bangkok” bởi vừa được quyết định của cấp trên điều sang phụ trách Đài Tiếng nói Việt Nam thay nhà báo Trần Lâm nghỉ hưu, công việc quá bộn bề.

Đài Tiếng nói Việt Nam đang cố gắng đổi mới mọi mặt, từ nội dung, kết cấu chương trình đến kỹ thuật, công nghệ đến phong cách tác nghiệp của phóng viên cùng lề lối chỉ đạo biên tập. Hồi ấy nước ta không có chuyện phát thanh, truyền hình trực tiếp. Mọi chương trình phát lên sóng, dù chỉ là một cái tin dài nửa phút, một câu trả lời phỏng vấn bốn, năm dòng, cũng phải thu trước tại studio, ban biên tập duyệt, rồi phát thanh viên cứ thế mà làm, dứt khoát không được thay đổi một từ. Đây không chỉ là quy cách nghiệp vụ mà còn là kỷ luật tuyên truyền. Ngoài lãnh đạo, nhà báo chẳng mấy ai có dịp ra nước ngoài. Thiết bị lạc hậu cũ kỹ, viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu từ Liên Xô, đang chững lại. Nguồn ngoại tệ hết sức khan hiếm. Đài chỉ cần dăm trăm, một ngàn đô la Mỹ cũng phải trình xin hết bộ này sang bộ khác.
 

Quang Du 1989
Quang Du 1989

Giữa tình hình khó khăn chung, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước ta mở ra nhiều cơ hội. Thuỵ Điển đồng ý viện trợ cho ta một số thiết bị chuyên dùng phát thanh trực tiếp. lại cử cán bộ mang máy móc sang nước ta đặt studio và đào tạo cán bộ tại chỗ. Phần Lan mời ta sang Helsinki dự Hội nghị phát thanh các nước đang phát triển Phi, Á, Mỹ latinh. Radio France (Pháp) khẩn khoản mời Việt Nam sang Paris dự Hội nghị phát thanh toàn cầu… Nhờ vậy ta có dịp lần lượt móc nối với nhiều đài lớn như BBC (Anh) Deutsche Welle (CHLB Đức), ABC (Úc)… mong họ mở rộng cửa giúp ta đến nghiên cứu tại chỗ công nghệ phát thanh hiện đại…

Đúng vào lúc đó, tôi lại nhận được thư của Chủ tịch Tập đoàn KBS Hàn Quốc tha thiết nhắc lại lời mời. Tôi hiểu lắm, sang Seoul lúc này khó hơn đi Mỹ, không chỉ vì giữa hai nước chưa kiến lập quan hệ ngoại giao mà còn vì vướng mắc khác. Dù vậy, thâm tâm tôi rất muốn tranh thủ cơ hội tìm hiểu xem phát thanh, truyền hình Hàn Quốc hiện đại đến đâu, năng lực sản xuất thiết bị bị truyền thông chuyên dụng của bạn như thế nào, và nhất là bạn có thể giúp mình được chút nào chăng trong hoàn cảnh Mỹ chưa chịu từ bỏ chính sách cấm vận Việt Nam.

Vẫn bằng đường thư nhanh, tôi báo bạn rõ tôi đã thôi trách nhiệm ở Bộ Thông tin. Nếu có được sang thăm Hàn Quốc, tôi không còn là quan chức nữa mà xin đến thăm quý quốc đơn thuần với tư cách là một nhà báo. Mặc dù vậy, để tránh mọi phiền hà, tôi đề nghị chuyến đi dự kiến sẽ là một chuyến đi thăm làm việc, nhất thiết không đưa tin trên phương tiện truyền thông bằng bất cứ hình thức nào. Bạn cam kết chấp nhận mọi yêu cầu của ta.

Vấn đề còn lại là làm sao được cấp trên bật đèn xanh. Được biết trước tôi, duy nhất có Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Vũ Tuân là cán bộ cao cấp sang xứ Hàn tìm hiểu, nước anh em cùng bán đảo với Hàn đã quyết liệt bày tỏ với ta sự bất bình, có lẽ vì vậy mà Bộ Ngoại giao ta thêm ngại ngần chăng. Tôi xin gặp trực tiếp Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Nghe tôi trình bày, Anh Nguyễn Cơ Thạch rất đồng tình. Tuy nhiên, khi tiễn khách ra cửa, anh níu vai tôi: “Ý kiến mình là vậy, mình hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên việc này tế nhị lắm, PQ cần xin ý kiến anh Sáu Dân”.

Thời gian này đồng chí Võ Văn Kiệt là Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) sau khi Chủ tịch Phạm Hùng đột ngột từ trần. Anh Sáu rất quan tâm ủng hộ việc Đài TNVN triển khai hoạt động đối ngoại đa dạng, tranh thủ đổi mới công nghệ. Anh gật gù tán đồng song sau đấy lại trầm ngâm. Anh hỏi: “Anh Phan Quang có thể cử một ông phó đi thay?”. Tôi thưa: Hầu như phần lớn thư của nước ngoài mời đi thăm viếng hữu nghị, dự hội nghị, hội thảo quốc tế… gửi tới theo địa chỉ chung là Giám đốc Đài phát thanh hay Lãnh đạo Hội Nhà báo, tôi đều cử người khác đi. Tuy nhiên trường hợp này, bạn mời đích danh tôi khi còn là Thứ trưởng Thông tin, nếu nay cử người đi thay, chưa chắc bạn tiếp. Và nhấn mạnh: “Thưa anh, tôi thiết nghĩ lúc này người ta đang cần tới mình mới thiết tha đến vậy, ít nữa* chưa chắc họ đã quan tâm như hiện nay”.

Dường như suy nghĩ, mấy giây sau, Chủ tịch đáp: “Ừ, thôi ông cứ đi”. Anh Sáu còn ân cần chỉ bảo: “Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa lớn, về mặt địa lý cận kề Bắc Triều và cũng có quan hệ gắn bó với bạn Triều hơn ta nhiều. Anh chú ý quan sát, thận trọng tìm hiểu, bạn Trung Quốc quan hệ với Hàn Quốc đến đâu mà hành xử, không vượt quá mức bạn làm là được”.

Tôi sẽ không dài dòng kể lể về chuyến đi thú vị, một phần nhờ bạn hết sức chu đáo. Hồi ấy chưa có đường bay trực tiếp Việt Hàn. Tôi cùng một trợ lý kiêm phiên dịch từ Hà Nội sang Bangkok, đến sân bay đã có người đón, mời về khách sạn nghỉ đêm, chờ sáng sớm mai đáp máy bay của Hãng KoreaAir đi tiếp sang Seoul. Thủ tục nhập cảnh làm tại sân bay. Chắc bạn tìm hiểu, biết tôi hay dùng tiếng Pháp, đã mời một thông dịch Hàn Pháp vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Paris giúp. Tôi hơi ngỡ ngàng khi người đón tôi không phải là người mình từng trò chuyện ở Bangkok. Thì ra ông Chung Koo-Ho đã nghỉ hưu, người kế nhiệm ông tên là Suh Young-Hoon. Đã ngót hai năm qua rồi, còn gì.

Mấy ngày ở Seoul, ba lần đích thân Chủ tịch Tập đoàn KBS tiếp và làm việc với đoàn. Một chuyến đi thăm gói gọn trong một tuần, ngoài những ngày ở thủ đô bạn mời chúng tôi lướt qua gần như khắp nước bằng và xe hơi và máy bay, theo xa lộ men biển Tây về cuối bán đảo, rồi trở lại bên sông Hàn theo đường phía Đông. Hàm ý của bạn, theo tôi hiểu, là giới thiệu nền văn hoá dân tộc lâu đời cùng những phát triển ngoạn mục của Hàn Quốc từ sau cuộc chiến tranh cực kỳ tàn phá cuối những năm 50 thế kỷ trước giữa Hàn Quốc và quân đội Mỹ tại Bắc Á một bên, chống CHDCND Triều Tiên cùng quân tình nguyện Trung Quốc do đích thân các Nguyên soái Bành Đức Hoài và Lâm Bưu lần lượt chỉ huy, phía bên kia. Bạn mời chúng tôi dừng lại cố đô Quang Du (Kyongju) của vương triều cổ Shilla**. Biết tôi từng có dịp từ thủ đô Bình Nhưỡng đến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) đứng ở khi phi quân sự ngó về Nam, bạn mời chúng tôi đến giới tuyến 36, tới sát luỹ dây thép gai, dùng ống nhòm lớn quan sát phía Bắc…
 

Mùa thu Seul
Mùa thu Seul

Chúng tôi trở lại Seoul, bạn đã chuẩn bị xong dự thảo Hiệp định hợp tác giữa Tập đoàn KBS và Đài TNVN (VOV). Nội dung hết sức khiêm tốn. Dù vậy, tôi không tán đồng bởi chuyến đi, như đã thoả thuận, không có yêu cầu ký Hiệp định. Đáp lại nhiệt tình của bạn, tôi đồng ý có thể ký bản Ghi nhớ Memorandum với lời lẽ chung hơn, dè dặt hơn. Đại thể: “Do hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, VOV và KBS - hai tổ chức đồng sáng lập ABU - bày tỏ mong muốn thông qua phương tiện truyền thông, góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc”. Đi vào thực chất: Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm nghiệp vụ và công nghệ phát thanh hiện đại, sẵn sàng đón các nhà báo Việt Nam sang Hàn Quốc tu nghiệp, bắt đầu ngay đầu năm tới, số lượng sẽ tăng dần lên, mọi chi phí do bạn đài thọ. Trong quy hoạch phát triển của KBS có việc mở kênh phát thanh đối ngoại của Hàn Quốc bằng tiếng Việt. Bạn bày tỏ mong muốn “khi điều kiện cho phép” VOV cử chuyên gia sang trợ giúp phần biên tập, chỉnh lý nội dung và trực tiếp làm phát thanh viên tiếng Việt. Trường hợp các nhà báo Hàn Quốc xin được visa nhập cảnh Việt Nam, VOV sẵn sàng giúp đỡ các đồng nghiệp, vv.

Kết thúc, “hai bên nhất trí không công khai hoá nội dung bản ghi nhớ qua các phương tiện truyền thông và bất sứ hình thức nào”.
Biết tôi là Tổng Thư ký Hội Nhà báo VN, bạn mời thăm và tìm hiểu cung cách làm việc ở nhật báo Chosun Ilbo, tờ báo phát hành đến 2,2 triệu bản mỗi kỳ, thăm Hãng Samsung nổi tiếng thế giới về sản xuất hàng điện tử. KBS chủ động tổ chức một buổi gặp mặt có nhiều nhà báo Hàn Quốc tham dự. Tại chuyến đi này, Hội Nhà báo VN đặt nền móng quan hệ với Hội Nhà báo Hàn Quốc. Hai bên sẽ thường xuyên tiếp xúc nhằm cụ thể hoá các hoạt động hợp tác, hữu nghị, cử các đoàn qua lại thăm viếng lẫn nhau, trao đổi nghiệp vụ, vv. “ngay khi điều kiện cho phép”.

“Điều kiện” đã mở ra cuối năm 1992, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi cấp đại sứ.
Tháng 10 năm 1996, Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-Sam chính thức thăm cấp Nhà nước Việt Nam. Hình như bạn còn nhớ đến đoàn nhà báo đầu tiên sang thăm và làm việc tại Seoul. Tôi lại được mời đích danh sang thăm Hàn Quốc, trong chương trình có việc phỏng vấn trực tiếp Tổng thống Kim Young-Sam trước khi ông lên đường. Tổng thống tiếp chúng tôi rất trọng thị tại Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn). Vừa ngồi xuống ghế, ông nói luôn: “Các câu phỏng vấn của ngài, tôi trả lời bằng văn bản. Chúng ta dành thời gian gặp gỡ hôm nay trò chuyện đôi chút với nhau…”

Tôi trở lại Hà Nội đúng một hôm trước ngày Tổng thống Kim sang nước ta. Chuyến bay của Vietnam Airlines chật cứng các doanh nhân Hàn Quốc, họ phải đi trước một hôm bởi chiếc máy bay cùng đi với chuyên cơ của tổng thống không đủ chỗ cho mọi doanh nhân đăng ký. Chiều hôm sau, tôi thay mặt Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nông Đức Mạnh tại buổi lễ chính thức đón Tổng thống Hàn Quốc tại Phủ Chủ tịch.

Đến giờ, Chủ tịch Quốc hội ta bước tới cửa sẵn sàng đón khách. Ông quay lại tế nhị hỏi Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan: “Ta có nên có người xuống sân đón khách?”. Anh Vũ Khoan đáp: “Thưa, rất nên. Có điều với cương vị tôi, tôi xuống e không tiện…”. Tôi vội vàng chạy xuống sân vừa lúc đoàn xe khách từ từ tiến vào và đỗ lại bên bậc cấp.

Tổng thống Hàn Quốc nhận ra ngay. Ra khỏi xe, ông nắm tay tôi thật chặt. Cùng ông bước lên các bậc cấp, tôi nói: “Bài trả lời phỏng vấn của Ngài Tổng thống, tất cả các nhật báo lớn và phát thanh, truyền hình Việt Nam đều đã đăng tải”. Ông cười rất tươi: “Tôi biết. Cảm ơn ông”.

Phan Quang


* Hàm ý sớm hay muộn rồi hai nước Việt Hàn cũng sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường - PQ
** Vương triều Shilla (từ năm 57 trước CN đến năm 935). Lãnh thổ vương triều Shilla có thời trải rộng đến hai phần ba bán đảo Triều Hàn ngày nay.