Bà chánh tòa dân sự (truyện ngắn)

03:10, 24/10/2012

Rồi cuối cùng thì Nhung và Tuấn cũng dắt nhau ra tòa. Đơn ly hôn nằm trên bàn bà chánh án gần một năm và đúng ba lần, bà Tâm ngồi hòa giải. Đến nỗi bà Tâm trở thành chỗ thân tình cả hai bên.

Rồi cuối cùng thì Nhung và Tuấn cũng dắt nhau ra tòa. Đơn ly hôn nằm trên bàn bà chánh án gần một năm và đúng ba lần, bà Tâm ngồi hòa giải. Đến nỗi bà Tâm trở thành chỗ thân tình cả hai bên.

Tối hôm qua, bà chánh án ghé qua nhà họ, đứng ở cổng:

- Mai được nghỉ, chị mời hai em đến chơi nhé. Nhà chị chắc cô chú biết rồi. Đến sớm sớm, chị cho xem cái này.

Họ chở nhau đi, làm như không có chuyện gì. Mà đúng là chả ai biết có chuyện gì, nếu không phải chính họ và bà Tâm.

Bà Tâm ly dị gần 20 năm, ở một mình, giàu có, sang trọng và vui vẻ. Bây giờ là một dinh cơ kiêm trang trại nằm ven đô.

Thấy hai vợ chồng “sắp tan” vào cổng, bà Tâm vồn vã:

- Ra đây. Rồi bà nhanh nhẹn dắt họ ra phía sau. Một chuồng dê!

- Sữa dê có mùi đặc trưng, không quen không uống được. Nhưng nó bổ, nhất là phụ nữ, nhuận sắc. Vừa nói bà chánh án vừa tháo cửa chuồng. Con dê cụ to nhất, chạy ra đứng chắn cửa. Các ả dê cái lần lượt đi ra và... hứng chí dừng lại để cụ dê nhảy lên, cũng rất cao hứng, nhiệt tình.

Be be be...

He he he...

Nhung đỏ mặt.

Tuấn cũng mỉm cười ngường ngượng.

Chờ đàn dê ra bãi hết, bà Tâm quay sang:

- Thôi ta vào nhà, ăn sáng. Chị sẽ mời cô Nhung một ly sữa dê.

Sau khi khen tài “làm ăn” của bà Tâm, Nhung đột ngột hỏi:

- Chị cho em xem đàn dê ra chuồng là có ý gì?

- Chị ở vậy đã 20 năm. Cũng hòa giải, ra tòa, và thậm chí cả chị cùng anh Thắng đều khóc. Rồi gấp rưỡi thời gian ấy chị làm ở Tòa dân sự, có đến 1.000 vụ ly hôn, hòa giải. Ai cũng có lý. Nhưng... từ khi nuôi đàn dê này, chị hiểu thêm được một điều. Đúng ra là hiểu thêm về mình.

Tuấn cười cười liếc sang Nhung:

- Hay ta hãy từ từ, về nuôi dê đã?

Nhung nguýt:

- Tôi đã chán lắm rồi. Nuôi dê hay nuôi cọp cũng thế.

- Phải là dê. Cọp không dạy ta bài học nào ngoài sự hung dữ, tham lam. Dê cho sữa, và còn cho ta một triết lý sống.

Sao lại cười? Con vật nói chung, cũng như con người, có con trống - con mái, con đực -con cái, đàn ông  - đàn bà... Trời đất đã sinh ra và giao cho mỗi giống một chức phận. Giống cái có chức năng chọn giống cho thế hệ sau. Giống đực thì gieo giống. Vì thế cả một bầy dê cái chỉ chọn mỗi anh dê cụ. Còn anh dê cụ thì bất kể...

- Người ta cũng thế à? Nhung tò mò hỏi.

- Cũng thế! Có điều con người khôn khéo hơn. Đàn bà đã yêu ai, đã thích anh chàng nào là thích sâu nặng, dù có phải xa cách. Người ta nói “tình cũ không rủ cũng đến” là dành cho phụ nữ chúng ta đấy. Còn đàn ông thì dù đang yêu ta, họ vẫn nghĩ đến người khác. Người đó không hẳn là đẹp hơn, trẻ hơn, giàu có hơn, mà chỉ vì họ... khác! Khác người đang yêu.

Lúc này thì bà Tâm trở lại thành bà chủ phiên hòa giải:

- Tôi đã thấy hai người không có lý do về quan điểm chính trị, hay kinh tế mà phải chia  tay. Lý do dẫn đến xung đột chẳng qua là mình chưa hiểu mình. Cậu Tuấn thì hận vì vợ mình “hay mơ tưởng về người yêu cũ”, và cho rằng Nhung “sẵn sàng” đi lại với người ấy, những người ấy. Còn cô thì cho rằng chồng mình có tính “lăng nhăng”... Nói tóm lại là người nấy áp đặt quan điểm của mình cho người khác giới một cách chủ quan, thì tất nhiên xảy ra xung đột. Không thể bắt đàn bà thành đàn ông, và ngược lại.

Đột nhiên bà quay sang người vợ:

- Nhung này. Em thấy chị còn đẹp không? Nói thật đi.

- Dạ. Chị còn đẹp lắm.

- Không. Chị biết chị đã qua thời “đẹp” rồi. Nhưng nghe ai khen mình đẹp, mình vẫn thấy vui vui. Đàn bà thích được đàn ông khen đẹp. Không thế thì mỹ phẩm, sữa dê của chị bán cho ai? Đàn ông lại thích được phụ nữ đáp lại, dù chỉ là một ánh mắt nụ cười. Và như thế, có khi thành tội lỗi.

Bà Tâm đi vào mở tủ cấp đông lấy ra một chai sữa dê:

- Chị tặng em. Nếu thấy thích thì hãy mua. Chị bảo đảm chất lượng xịn, không pha chế.

Tiễn hai người ra cổng, bà chánh án dặn với:

- Nếu không ngon thì gọi cho chị nhé.

Trong lúc làm việc, mỗi lần chuông điện thoại reo, bà Tâm mở máy: không phải Tuấn Nhung. Thấp thoáng thấy một đôi nào bước vào cổng tòa, bà nhìn ra, không phải Nhung Tuấn. Một tuần sau, bà Tâm nhận được tin nhắn của Nhung: Khong ngo sua de cua chi tot qua. Em thay minh nhu tre ra. Cam on chi.

Truyện ngắn: HOÀNG ĐÌNH QUANG