Báu vật (truyện ngắn)

02:10, 03/10/2012

Cái ngõ phố của chúng tôi ai cũng bảo hiếm có đôi vợ chồng nào hạnh phúc như vợ chồng ông Thanh. Quả vậy. Tôi từng thấy nhiều cặp vợ chồng khi đã về hưu thường ít mặn mà, quan tâm đến nhau. Vợ chồng ông Thanh thì ngược lại.

Cái ngõ phố của chúng tôi ai cũng bảo hiếm có đôi vợ chồng nào hạnh phúc như vợ chồng ông Thanh. Quả vậy. Tôi từng thấy nhiều cặp vợ chồng khi đã về hưu thường ít mặn mà, quan tâm đến nhau. Vợ chồng ông Thanh thì ngược lại. Dường như lúc nào họ cũng xoắn lấy nhau như cặp uyên ương ngày mới cưới. Bà Thanh không biết đi xe máy nhưng dù đi gần đi xa bao giờ ông cũng bắt bà lên xe để đèo đi bằng được. Ngôi nhà nhỏ của ông bà tuy ít nhiều mang vẻ thanh bần nhưng hàng phố quanh năm suốt tháng không bao giờ nghe thấy ở họ dù chỉ một câu nói nặng. Điều lạ nhất là không hiểu sao ông Thanh không hề mắc vào chuyện bồ bịch. Tuy đã qua tuổi lục tuần nhưng người ông vẫn săn chắc như một khúc gỗ lim, không kém lực sĩ A-sin là mấy. Ông lại có khuôn mặt ưa nhìn cùng cặp mắt sắc lẻm vừa đằm thắm vừa ướt át, đa tình. Người như ông có lẽ gái ba mươi còn phải chết mệt. Ngược lại, bà Thanh thì nhỏ thó, già trước tuổi, gầy gò khô cạn như một tầu cải úa. Vì thế, ở vào cái thời buổi mà muôn người đang có cái mốt tranh thủ “cơi nới tình cảm” này, hoàn cảnh như ông Thanh mà không hề có “bồ” thì quả là sự lạ. Vậy thì không thể nói khác, đôi vợ chồng già ấy là một cặp vô cùng lý tưởng. Cả ngõ phố này ai cũng nói vậy. Thế nhưng, cũng có một đôi người tỏ vẻ hoài nghi, úp úp mở mở buông ra một câu đầy ẩn ý: “Chưa chắc! ở nhà sao biết ma ăn cỗ”. Không hiểu họ ganh ghét, đoán già đoán non hay là đã nắm được cái “thóp” nào đó của vợ chồng ông Thanh?

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh


Ông bà Thanh ở cạnh nhà tôi. Thỉnh thoảng có ấm trà hoặc chai rượu ngon ông vẫn thường gọi tôi sang bù khú. Ông Thanh ngày chưa về hưu làm ở toà soạn báo văn nghệ của tỉnh. Tuy chỉ làm công tác trị sự nhưng vì hàng ngày luôn tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ nên ông cũng có thói quen hay triết lý. Những câu chuyện dù là rất nhỏ ông cũng hay đúc kết thành những giá trị này giá trị nọ, thành ra tôi, một nhà báo chuyên phụ trách trang bình luận xã hội, rất hợp cạ. Tuy nhiên, trong những lần chén tạc chén thù như thế, dù nói đủ chuyện trên trời dưới biển một cách rất say sưa nhưng động đến những chuyện nhân tình nhân ngãi, ông thường lảng tránh, úp úp mở mở. Chính bởi thái độ mập mờ ấy của ông càng thôi thúc sự tò mò nghề nghiệp của tôi.

Người trong ngõ phố ai cũng biết nhà ông Thanh chỉ có duy nhất một chiếc giường, mà lại là chiếc giường mét hai. Không phải ông nghèo đến cái mức không thể mua nổi một cái giường rộng hơn. Nhưng ông bảo từ hồi mới lấy nhau ông bà đã nằm trên chiếc giường hẹp như vậy rồi, nằm mãi thành quen, bây giờ nằm trên chiếc giường rộng cứ thấy trống trải, xa cách thế nào ấy. Những lúc luận về chiếc giường, bao giờ ông cũng vung tay nói với tôi bằng một giọng hùng hồn:

- Tớ ghét nhất những người cứ động cãi nhau với vợ là bỏ ra ghế xa- lông nằm. Với tớ thì một tấc không đi một li không dời. Bốn mươi năm, chỉ trừ những ngày phải đi công tác, chứ chưa một đêm nào vợ chồng tớ nằm riêng.

Nghe ông nói mà tôi phục lăn. Vợ chồng tôi vốn cũng được coi là một cặp vợ chồng hạnh phúc nhất, nhì cơ quan nhưng mỗi năm chắc cũng dăm lần bảy lượt tôi phải tùy nghi di tản ra ghế xích-đu để vừa ngủ vừa… tự kiểm điểm.

Vào lúc ông Thanh say chuyện như vậy, tôi khôn khéo khai thác:

- Nhưng bác ơi người ta vẫn hay ví vợ chồng như cái rổ bát, thế nào mà chẳng có lúc xô cơ chứ.

Nghe tôi nói, ông cười khà khà:

- Xô nhưng đừng có vỡ. Tiếng bát đĩa xô nghe thì hơi chói tai nhưng cậu có thấy rằng trong cái chói tai ấy lại vang vọng một thứ âm thanh giòn giã, mà thiếu nó có khi lại rất buồn tẻ không?

Nghe ông nói, tôi phì cười, nhưng là cái cười bái phục. Chưa bao giờ thấy ông Thanh làm nổi một câu thơ, nhưng cái cảm hứng hai chiều về tiếng “bát đĩa xô” của ông có lẽ tất cả thi sĩ ở tỉnh này không ai có được. Thì ra đâu cứ phải làm thơ mới là thi sĩ.

Đang đà thuận lợi, tôi quyết định tìm cách đánh vào tận “hang cùng ngõ hẻm” đời tư của ông:  

- Bác cho em hỏi thật. Trông bác hào hoa phong nhã thế này, chả lẽ bác gái không bao giờ nổi máu Hoạn Thư? Bác đừng giận. Ấy là em nói cái sự ghen tuông nó như gia vị của tình yêu ấy mà.

Cứ tưởng sẽ bị ông mắng cho một trận vì sự tò mò, vậy mà ông lại vỗ đùi đánh “đét” một cái:

- Quá hay! Cậu nói chí phải. Ghen tuông đúng là gia vị của tình yêu! Không có cái món gia vị ấy thì cuộc đời có khi lại thiếu đi sự nồng nàn phải không cậu. Cậu đúng là có tư chất một nhà báo lớn.

Có lẽ bị đánh trúng “huyệt” nên cứ thế bốc lên, ông vanh vách kể cho tôi nghe một câu chuyện mà nếu không phải là “cùng cánh nhà báo với nhau” có lẽ ông không bao giờ tiết lộ: Có một lần cách đây đã chục năm, đang nằm trên giường, không hiểu trời xui đất khiến thế nào, bà bỗng nổi cơn ghen, đến nỗi dựng ông dậy rồi xé rách toạc cả cái vạt áo ông đang mặc. Vậy mà ông không nói một lời, chỉ lặng lẽ ôm lấy vai bà, từ từ đặt xuống giường rồi vuốt vuốt mái tóc đã bắt đầu thưa thớt của bà, nhẹ nhàng hát ru cho bà ngủ. Và đêm ấy, ông đã nhìn thấy bà ngủ một giấc thật yên lành giữa bầu trời đầy sao.

Tôi khoái chí. Quả là đôi vợ chồng già này thừa chất lãng mạn, cái lãng mạn làm người ta liên tưởng đến những nhân vật của nhà văn An-phôngs-đô-đê. Thừa cơ, tôi dấn thêm:

- Nhưng cùng là đàn ông với nhau em hỏi thật, chắc là về “chuyện kia” bác cũng có tí chút hoa lá cành chứ? Không có lửa sao có khói. Chẳng lẽ bác gái lại vu oan cho bác.

Ông Thanh khẽ cười, một nụ cười nửa biết lỗi, nửa tự hào:

- Bà ấy không vu oan! Thì cậu bảo, tôi cũng là con người chứ đâu phải là gỗ đá. Có một bà mê tôi lắm, và tôi cũng mê bà ấy. Người đâu mà cứ xinh như mộng ấy. Nhưng thề trước bóng đèn là tôi và bà ấy không làm gì ảnh hưởng đến hòa bình thế giới.

Ông đối đáp thế thì có khi các bộ trưởng trong các phiên chất vấn cũng phải tôn ông làm sư phụ. “Không làm gì ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”. Quả là một ẩn ngôn độc nhất vô nhị, khó có thể giải mã một cách chính xác, rành mạch, và  nhất là không ai có thể kết tội.

Ông Thanh chiêu ngụm nước, nói tiếp:

- Sau cái vụ xé áo, tôi bảo bà ấy rằng “nhà mình thừa tiền để mua chiếc áo đẹp hơn thế nhiều nhưng bà nên vá lại chiếc áo ấy cho chúng mình”. Tôi nói xa xôi bóng gió thế mà bà ấy hiểu, hì hục suốt buổi vá lại chiếc áo “của chúng mình” đẹp như mới. Phải công nhận về cái khoản khéo tay và chịu khó thì chẳng ai vượt nổi bà ấy.

Bây giờ thì tôi đã hiểu. Chắc một vài người nào đó hoặc đoán mò, hoặc phong thanh nghe lỏm được câu chuyện kia nên đã tỏ ra không tin vào sự đầm ấm của vợ chồng ông.

Nhưng rồi đến một ngày ông Thanh phải từ giã cõi đời. Căn bệnh ung thư đã bất ngờ cướp đi của bà một người chồng mà suốt hơn bốn mươi năm đã cùng với bà “một tấc không đi một li không dời” khỏi cái giường mét hai xuềnh xoàng, chật chội ấy.

Một ngày trước lúc từ giã cõi đời, ông nói với bà:

- Bà ạ! Tôi có một ước nguyện, nhưng bà phải nghe theo lời tôi cơ.

Bà nghẹn ngào:

- Ông cứ nói. Tôi sẽ nghe theo ông mà.

- Khi tôi mất, đừng mua đồ mới mà hãy mặc cho tôi cái áo ngày xưa bà vá lại cho tôi ấy. Tôi muốn được mặc tấm áo đó để khi ra đi linh hồn được sống mãi bên bà.

Bà gắng nở một nụ cười héo hắt;
- Về chuyện cái áo, tôi có lỗi với ông… ông… không trách tôi sao?

- Tôi có lỗi chứ sao lại trách bà! Đối với tôi tấm áo vá ấy là một báu vật không
một tấm áo mới nào có thể thay thế được.

Lòng bà rưng rưng:

- Báu vật… Ông nói gì lạ thế?

- Đúng vậy bà ạ! Bởi bà và tôi đã cùng biết bình tĩnh vượt qua những trớ trêu, trắc trở của cuộc đời để giành lấy hạnh phúc thật sự. Hãy mặc cho tôi tấm áo ấy chứ đừng dùng những thứ khác, bà nhé.

Ngày ông mất, bỏ qua những phản ứng dữ dội của họ hàng thân thích, sau khi tắm rửa, bà đã lặng lẽ mặc tấm áo vá cho ông. Về sau, bà còn phải chịu nhiều lời đồn đại oan ức của mấy người hàng xóm rỗi hơi và ác ý: “con mụ ấy trả thù chồng đến cái nỗi khi chồng chết cũng không cho ông ấy mặc một chiếc áo mới. Rõ khổ!”.

Nghe chuyện ấy, tôi buồn tê tái. Thì ra ở đời này, với những kẻ tầm thường, sẽ không bao giờ hiểu nổi báu vật của hạnh phúc lại chỉ là một tấm áo vá.

Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG