Có thể nói cuốn sách đã gói trọn tình cảm yêu thương, xây dựng vùng đất mới, vượt qua gian khó, thậm chí đổ máu để dành lấy ấm no hạnh phúc nơi vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Lâm Hà khởi sắc là tuyển tập thơ, văn, nhạc, điêu khắc…của Chi hội VHNT Lâm Hà, và nhiều cây bút khác yêu mến vùng đất này đã khắc họa nên. Cuốn sách dày 220 trang, do NXB Văn Học ấn hành nhân dịp chào mừng ngày thành lập huyện Lâm Hà. Đây là một sự kiện trọng đại, nói lên diện mạo mới, trong đó có diện mạo VHNT của một vùng đất. Có thể nói cuốn sách đã gói trọn tình cảm yêu thương, xây dựng vùng đất mới, vượt qua gian khó, thậm chí đổ máu để dành lấy ấm no hạnh phúc nơi vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, một dòng chảy văn học đã hình thành trong chính cuộc sống cần cù lao động. Tôi xin mạo muội đưa ra một lát cắt nhỏ nhoi, nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ từ những cây bút chuyên và không chuyên.
Duyên Hà thành trên quê hương Lâm Hà. Ảnh: N.Minh |
Cuốn sách được chia làm 3 phần chính: thơ văn, âm nhạc và điêu khắc… Lâm Hà, hai tiếng thân thương giữa Hà Nội và Lâm Đồng đã có sức quyến rũ lớn lao, tạo nhiều cảm hứng cho văn nghệ sĩ qua những dòng thơ tâm cảm, những dòng nhạc yêu đời, những nhát đẽo tài hoa, lắng đọng trong người đọc một nhịp điệu cảm thông và chia sẻ. Như đồng chí Nguyễn Đức Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện đã nói trong lời giới thiệu là Lâm Hà có cái duyên và cái vinh dự được chào đón nhiều nhà lãnh đạo, các văn nghệ sĩ lớn cũng như những người yêu quý vùng đất đầy cảnh sắc của “Người Hà Nội trên Cao nguyên xanh”; đã có cái nhìn khái quát về Lâm Hà. Chính họ đã thổi hồn cho Lâm Hà thêm “khởi sắc”:
Bao buôn làng khởi sắc mùa xuân mới
Đất phì nhiêu xanh dậy một màu
Khắp núi đồi chim muông vang tiếng hót
Quanh ngọn lửa hồng tay nắm tay nhau
(Khởi sắc – Nguyễn Ngọc Đoan)
Vâng, những câu thơ thắm đượm tình người, trong chừng mực nào đó có thể đại diện cho sự mở đầu đầy mới mẻ, mở ra một tuyển tập Lâm Hà đầy hương sắc, nhưng cũng lắm gập ghềnh trong từng con chữ. Bên cạnh đó, những giai điệu ngẫu hứng, và những nhát đẽo tài hoa của những gương mặt được giới VHNT Lâm Đồng và cả nước biết đến.
Chúng ta có thể điểm qua từng tác giả góp mặt, nhưng lắng đọng nhất vẫn là những cây bút chủ đạo của vùng đất Lâm Hà. Trước hết nói về thơ, chúng ta bắt gặp một “Ngàn ngựa” của Lê văn Hiếu. đây là tác phẩm đạt giải làng Chùa năm 2007, bằng hình ảnh những cành cà phê nở tung như đuôi ngựa của đất Lâm Hà, tác giả tạo ra sự liên tưởng bất ngờ đầy thú vị của đất tuồng Đào Tấn, Bình Định. Giọng thơ có âm vực như giọng hát tuồng: “Đi từ xứ hát tuồng/ mang theo tiếng hí của ngàn ngựa”. Có lúc bày tỏ cách âm thầm: “Từ quê xứ tuồng/ những con ngựa theo tôi leo núi/gắn mình vào mỗi mầm cây/tự lúc nào không biết”. Câu thơ rơi vào số phận của đất Lâm Hà, bởi Lâm Hà đã chọn những cư dân cho mình cách âm thầm nào đó, để họ gắn bó và góp thêm công sức dựng xây cuộc sống mới. Tôi cho đây là nét đặc thù : chính đất chọn người chứ không phải người chọn đất ! Để rồi người thơ tự hỏi : “Phải chăng quê xứ tuồng/ gởi cho tôi ngàn ngựa?”. Và sức mạnh của “ngàn con ngựa văn nghệ” đã chở chúng ta trèo đèo lội suối làm nên cuộc sống hôm nay.
Nhà thơ Nguyễn Gia Tình thì khẳng định: “Sắt son một dạ, dân tin Đảng/ Lâm Hà giàu mạnh nở muôn hoa”. Đây là tấm lòng của nhân dân Lâm Hà, gởi gắm vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Đồng thời cũng là món quà có ý nghĩa đối với quê xưa Hà Nội : “Lâm Hà quê mới thêm rạng rỡ/ gởi về Hà Nội lễ mừng công”.
Nhà thơ Kiều Công Luận lại nỗi niềm hơn. Với giọng thơ hoài niệm, sâu lắng, anh đưa người đọc về với cảm xúc bùi ngùi khi nhớ về người mẹ thân yêu: “Bát cơm cúng chiều nay không độn ngô/con biết mẹ trọn đời thèm cơm trắng”(Bát cơm dâng mẹ). Vâng, một người mẹ đã “ngọt ngào buông khúc ca dao”/ quạt mo mẹ vỗ tôi vào trong mơ (Khúc ca dao) của quê hương Hà Tây đi xây dựng vùng Kinh tế mới Lâm Hà. Ngày nay khi cuộc sống ấm no thì mẹ đã không còn nữa…
Nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm, người yêu mến vùng đất Lâm Hà đã góp vào một “Ngọn lửa”: “Hơi ấm bàn tay xua tan giá lạnh/ gọi hạt mầm trỗi dậy những đồi hoa…”. Đúng là trong đời không thể thiếu ngọn lửa, nhất là ngọn lửa từ trái tim, nơi có sức lan tỏa gọi những hạt mầm trỗi dậy! Và khi đã yêu nhau xây dựng vùng đất mới người ta tự hỏi : “Trái tim ơi, sao lại run lên/ khi giấc mơ chạm vào hiện thực”?. Đây là thơ anh viết cho thơ, nhưng cũng không thể khác khi chúng ta hiểu rằng thơ là của tất cả. Ở đây cuộc sống xưa kia chỉ là giấc mơ mà nay đã thành hiện thực. Một hiện thực rực rỡ của đời sống. Đáng tự hào biết bao!
Từ đó, nhà thơ Nguyễn Đăng Chấn, người mang sự ngỡ ngàng về quê gặp phố trong tâm, bởi lúc ông ra đi làng quê ông cũng nghèo khó, nghĩ rằng chỉ có quê mới phát triển, nhưng có ngờ đâu hai quê cùng phát triển… để bước chân ông phải ngập ngừng mà dừng lại định hình: “Xuống xe dừng ở đầu làng/ rằng quê hay phố ngỡ ngàng làm sao!”…
Nhà thơ Hà Đức Ái lại khác. Với giọng thơ trữ tình của chàng trai Hà Nội, chàng khấn nguyện trước đền Ngọc Sơn trước khi ra đi: “Đền Ngọc Sơn châm hương cầu nguyện/ xin cho hai con mãi mãi thành đôi/ thành vợ thành chồng đi xây Hà Nội mới xa xôi…”. Vâng, có một Hà Nội mới trên đất Lâm Đồng. Câu thơ đã nói hộ những cặp vợ chồng thời ấy, tự nguyện đi xây dựng vùng Kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Đồng, phải vượt qua bao gian khổ mà bám trụ, người nên vợ nên chồng, đất nên làng thành xã…
Và nhà thơ Nguyễn Ngọc Đoan về đây khi phố đã xây, những cảm xúc đầu tiên bật thành lời: “Tôi về thăm phố mới Lâm Hà/ lất phất mưa xuân, xôn xao mùa tới…”. Thế đấy, những vụ mùa xôn xao đã khiến Lâm Hà trở nên sinh động, không còn nét buồn tẻ của góc núi mù sương, của vùng sâu vùng xa nghèo khó nữa. Lâm Hà đã thực sự khởi sắc trong thơ anh: “Em rắc ánh hồng xuống quanh đồi núi/ gợn nhấp nhô cùng nhịp thở thời gian..”
Nhà thơ Phú Đại Tiềm, một trong những cây bút chủ đạo của đất Lâm Hà đã cất tiếng: “Em khắc trên mình những mảng màu tươi rói/ ủ làn hương nưng nức xuân hồng…”. Viết về quê mới không thể thiếu cây lúa chiêm mơn mởn của đồng bằng Bắc bộ: “Em như cây lúa chiêm mơn mởn/ dịu dàng quê đằm thắm xuân thì…” (Dịu dàng quê).
Tất cả những đằm thắm, xuân thì được các nhà thơ dùng cho đất mới. Phải nói rằng trên đất Lâm Đồng nói chung, và Lâm Hà nói riêng, người ta vẫn nói “có một Hà Nội trên Cao nguyên xanh”, đúng như lời giới thiệu của Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Tài : “Có thể nói Lâm Hà là vùng “đất lành chim đậu”, có ảnh hưởng lớn lao của đất Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến…” (Lời giới thiệu). Đúng vậy, đọc Lâm Hà khởi sắc người ta bắt gặp sự pha trộn nền nã giữa cũ và mới, giữa cách tân và truyền thống, giữa bản địa và ngụ cư. Chính sự pha trộn ấy tạo ra sự mới lạ và rất riêng cho đất Lâm Hà: Về Lâm Hà gặp cô gái Huế/ dịu dàng câu hò mát ngọt sông Hương…”. Và: “Cùng em nghe câu hò xứ Quảng /rộn rã rẫy nương vọng cả núi rừng…” (Bùi Thị Nguyệt), hoặc: “Tìm về dòng Đạ Dâng/ lúa đã xanh dòng/dâu xanh ngời bãi…” (Hoài Bảo). Ngoài ra, còn nhiều cây bút khác góp phần khắc họa giọng điệu, màu sắc cho quê mới Lâm Hà mà tôi sẽ có dịp nhắc đến…
Phần văn xuôi, âm nhạc và điêu khắc… tuy không nhiều, nhưng cũng được thể hiện bởi những cây bút chắc tay. Nếu có một Phú Đại Tiềm lão luyện, từng trải và am hiểu đất Lâm Hà, thì cũng có một Lê Mai Dung trẻ trung, hiện đại và liều lĩnh, phóng bút của thời mở cửa. Thung lũng hoa là một cái ký rất hay, phần nào khắc họa tình đất, tình người Lâm Hà qua “cái mâm vàng Nam Ban”. Với lối viết nhẹ nhàng, thư thái, Phú Đại Tiềm đã mang đến cho người đọc tấm địa đồ bằng chữ, nhưng lại bừng lên nhịp điệu của cuộc sống. Truyện ngắn “Trăng sắp rằm” của anh cũng thấm đẫm chất nhân văn sâu sắc…
Tác giả Lê Mai Dung với “chuyện tầm phào ở Lán Tranh” là một bức tranh sinh động, vẽ lại cuộc sinh cơ lập nghiệp của những “người đi mở đất”, tên xóm tên làng tự nhiên sinh sôi, nẩy nở, tình làng nghĩa xóm đọng lại ở đó. Hình ảnh một cô bé Hà Nội, một người mẹ thích “một chốn bình yên” như hai mặt của đời sống.. Đọc những câu văn như lời tâm sự này, người đọc sẽ hiểu rõ hơn những người đi xây dựng vùng Kinh tế mới Hà Nội là như thế nào. Tiếp theo là một truyện ngắn của chị với chất văn hiện đại, tình yêu như xé từng con chữ, sự dằn vặt đớn đau đã làm nên chất người trong Lê Mai Dung, một tác giả trẻ của đất Lâm Hà.
Góp mặt vào tập sách này còn có nhà văn Chu Bá Nam, nhà văn Lê Công, Đặng Thanh Liễu vv… là những cây bút thành tựu của Lâm Đồng yêu mến đất Lâm Hà tươi đẹp, mến khách.
Phần âm nhạc, có thể nói Lâm Hà khởi sắc là những cảm xúc đầy ngẫu hứng. Các tác giả góp mặt đều tạo được những dấu ấn riêng, xoay quanh tình đất, tình người và cuộc sống thăng hoa. Riêng về điêu khắc chỉ có hai tác giả gọi là “quý hiếm” của đất Lâm Hà. Một Nguyễn Văn Tám với nhát đẽo tài hoa, suy tư, thì một Lê Trọng Nghĩa cá tính và đầy khám phá. Hai tác giả này đã giữ lại cho Lâm Hà những nét đẹp Tây Nguyên mà hầu như chỉ còn trong thơ, nhạc, họa mà thôi.
Tóm lại, Lâm Hà khởi sắc là một tuyển tập tập hợp những cây bút sở tại, và những cây bút yêu Lâm Hà. Kỷ niệm 25 năm thành lập là dịp để nhìn lại một chặng đường phát triển, thông qua VHNT, những người làm tập sách này không có tham vọng giới thiệu toàn bộ diện mạo Lâm Hà, mà chỉ tập hợp có tính kỷ niệm. Những gì mà bạn đọc hình dung qua VHNT, là những hình tượng rất thật, những cảm xúc còn nóng hổi của cuộc sống lao động nơi vùng đất đầy yêu thương nhưng cũng đầy gian khó này. Có thể tập sách rất có ích cho những người đến sau, lớp hậu bối, hay những người nghiên cứu có một cái nhìn đa chiều hơn về một vùng đất có sự kết hợp rất độc đáo : đất Lâm Hà !
(Đọc Lâm Hà khởi sắc, tuyển tập thơ văn, nhạc, điêu khắc, NXB Văn học 2012)
NGUYỄN THÁNH NGÃ