“Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc, thi ca. Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình. Và, tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi” (Trịnh Công Sơn).
Già làng Nam Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Đạm |
“Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc, thi ca. Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình. Và, tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi” (Trịnh Công Sơn).
Ai nói Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ, người đó chỉ đúng một nửa. Bởi trên và trước, người nhạc sĩ tài ba này còn là một thi sĩ “xịn” tự trong cội nguồn bản chất, với cách thế sai sử ngôn ngữ vi diệu của mình. Còn ai bảo, đối với Trịnh Công Sơn thì thi ca, hội họa hay âm nhạc cũng chỉ là một, người đó đã “dịch” đúng cội nguồn của sự sáng tạo.
Tôi chọn cho mình việc tìm hiểu hội họa Trịnh Công Sơn, ngõ hầu bước vào thế giới nghệ thuật của con người tài danh này, cũng đã là sự liều. Liều vì hai lẽ: Một, ánh hào quang Trịnh để lại quá lớn, nên rất khó tiếp cận. Hai, những tài năng siêu việt đều mắc phải chứng “phi lý” bất khả tương nghị. Và ở đây, Trịnh Công Sơn cũng không là ngoại lệ. Hơn nữa, mọi tinh anh dường như Trịnh Công Sơn đều phổ hoang cả vào âm nhạc, thơ văn. Còn hội họa, theo tôi, chỉ là chút dư vang trong một tâm thức Trịnh phổ quát. Tuy nhiên, vì là người tài nên Trịnh vẫn phả được tiếng nói hình sắc của mình vào giữa phôi pha cõi đời, dẫu nó như một sự “lạc phách” đáng yêu, mà con chim họa mi Trịnh Công Sơn đã có lần đậu xuống trong xanh thẳm những cung bậc cảm thức.
Thành công của Trịnh Công Sơn hẳn nhiên không phải là hội họa. Nhưng chính hội họa lại góp phần hiển lộ tính chất đa tài ở Trịnh Công Sơn. Và cũng chính hội họa (cùng với âm nhạc, văn thơ) đã cho ta thấy sự nhất quán trong tư duy nghệ thuật Trịnh: Người luôn hiện sinh trong ánh hồi quang của chiếc bóng trăm năm. Vì vậy, hội họa Trịnh Công Sơn có khi là nét vờn lơi lả; lúc thảng thốt, âu lo của tiếng vọng từ quy xa xăm; lắm lúc lại bồng phiêu, trôi dạt; và, có khi đầy ưu nhã, tơ vương…
Hãy nghe thuở sinh thời Trịnh nói về niềm đam mê của mình: “Vẽ đối với tôi là một niềm say mê đặc biệt. Đã đụng màu vào toile là không dứt ra được, màu này kêu gọi màu khác, nét vẽ này đòi hỏi một nét tiếp theo, như Hamarque có viết câu: Le vin appelle le vin” (Rượu gọi rượu). Trịnh Công Sơn tiếp: “Cái niềm say mê vẽ cuốn hút tôi như một con nước xoáy. Không thể ngừng, không thể dứt ra được. Đến năm giờ sáng vẫn mở mắt nhìn vào toile để xem còn thêm bớt gì nữa không. Bố cục trong tranh cũng như bố cục trong âm nhạc vậy - nó chặt chẽ nhưng cũng có những khoảng tưởng như vụng về. Cái vụng về ấy là cố ý như cái răng khểnh hoặc nốt ruồi son trên khuôn mặt đẹp”.
Vọng vang từ một tâm thức siêu hình đằm thắm: “Tâm hồn tôi đang như là một ngôi nhà mà hội họa, âm nhạc và thi ca chỉ là thời tiết mùa màng đổi thay của một sự sống đang trú ngụ ở trong đó” - Trịnh thổ lộ. Cũng như âm nhạc và văn thơ, cuộc phiêu du hội họa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một cuộc phiêu du bay ra ngoài vòng thực tại. Khi ông vẽ tức là tự khai phá, tự thức dậy, là tìm về nguồn sáng hiện hữu bên trong lòng mình để cân bằng, giải thoát khỏi những tồn sinh thế tục. Với Trịnh Công Sơn, đường nét hay màu sắc chỉ như đôi cánh mang tâm hồn ông trở về cố quận, nơi giọt sương đầu nguồn còn đọng lại thuần khiết, tinh trong. “Có những chuyện đời nói bằng văn thơ, có lúc phải diễn đạt bằng ca khúc và có lúc phải vẽ mới nói hết những điều mình mang đến cho anh em quanh cuộc sống của mình” - Trịnh Công Sơn chia sẻ. Hành vi sáng tạo hội họa ở Trịnh Công Sơn như một ước vọng nguyên sơ, tinh tuyền, niềm phúc lạc chân như đã phôi pha theo hiện thể, tự ngã và thời gian…
Sống sương khói, viết sương khói, vẽ sương khói - là tất cả những gì toát ra từ bản thể Trịnh. Nếu sự nhạy cảm với tính chất hữu hạn của đời người theo quy luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử trong “dâu bể vô thường” đã làm nên phong cách âm nhạc Trịnh Công Sơn “một mình một cõi” bằng những ca từ đầy chất thơ, triết lý, kết hợp cùng các khúc thức giản dị mang âm hưởng giọng thứ (La thứ) u hoài, man mác, gợi lên sự trầm tư không dứt về ý nghĩa hiện tồn nhân sinh trên dòng thời gian. Xét đến cùng, đó cũng chỉ là tiến trình từ chiếc nôi đến nấm mồ không thể đảo ngược: “Dưới vòng nôi mọc từng nấm mồ/ Dưới chân người cỏ xót xa đưa” (Cỏ xót xa đưa), thì chút ít mỏng manh thủy tinh nơi hội họa lại là tiếng nói khác của Trịnh Công Sơn: cũng đầy chất duy mỹ, phiêu linh. Tiếc rằng sự mong manh đáng yêu rất Trịnh đó lại không nhiều. Do vậy, việc đến với hội họa Trịnh Công Sơn ở tôi, không nhằm mục đích thưởng lãm hay luận bàn về những khai sáng trong bút pháp, màu sắc, bố cục, hoặc kỹ năng dựng hình… Bởi theo quan niệm của ông: “Thông điệp mỗi người đều có một cách riêng và một lý do riêng khi đến với nghệ thuật. Cánh cửa mở ra, chúng ta bước vào. Có những cánh cửa rộng hẹp không đều nhau. Có những cách nhìn và lòng đam mê không giống nhau. Và làm sao có thể giống nhau khi bản chất của nghệ thuật là đòi hỏi miên man cái muôn hình vạn trạng. Từ đó, hình thành tính cách của mỗi con người, muốn lân la kết tình bằng hữu với nghệ thuật”.
Rõ hơn, vì một lẽ giản đơn khác: Trịnh không đánh cược đời mình cho hội họa, mà chỉ vì nhu cầu tự thân. Đôi lúc, Trịnh Công Sơn cảm thấy ca khúc chưa nói hết thì đây cũng là cách làm đáng yêu của người nghệ sĩ lớn. Và cũng là cách để Trịnh di dưỡng tinh thần sau cuộc vật vã cho một ca khúc ra đời hoặc thai nghén cho một ca khúc mới. Nhưng tôi muốn thông qua hình sắc Trịnh, để nhận biết cái ám ảnh vô thức xuyên suốt hành trình sáng tạo của con người lừng danh này, từ ca khúc cho đến hội họa là gì? Rồi tôi nhận ra hình sắc ở đây cũng phiêu phất, đầy sương khói như một vọng thể chới với của kiếp người trong bể khổ trầm luân, mà hơn một lần Trịnh Công Sơn đã hắt cái bóng sáng ưu tư đó xuống các ca khúc của mình. Chính cái ưu tư thấm đượm tinh thần Phật giáo trước thân phận kiếp người đã làm nên tên tuổi Trịnh. Và, Trịnh Công Sơn trở thành người hát rong qua mọi thời đại cũng vì lẽ ấy.
Cái hay của âm nhạc du ca là qua nó người ta tìm thấy được sự sẻ chia, tỳ vịn trong việc tự ru mình để rồi thiêm thiếp đi qua những vực thẳm và tồn tại. Nói cách khác, qua âm nhạc du ca, con người bừng ngộ: Cuộc sống của con người là một cuộc tiếp biến khổ đau. Nhưng qua đau khổ, con người nhận chân cái đẹp và sự cứu rỗi cho chính bản thân mình cùng những kinh nghiệm sống bi thiết, để tự đối mặt và đi đến cùng đích một cách quả cảm cái thân phận làm người khốn nạn nhưng hào hoa. Do đó, nhiều người bảo: Hành trình âm nhạc của Trịnh Công Sơn là một hành trình đi từ địa phủ đến địa đàng. Ngẫm kỹ cũng thật chí lý. Còn hội họa chính là sự thể nhập cái “phi lý” bất khả tương nghị nơi tài năng lớn Trịnh Công Sơn.
Trịnh Chu