Người dân Hiệp An cùng nhau bảo tồn văn hóa cồng chiêng

03:10, 18/10/2012

Chính thức đi vào hoạt động mới được 1 năm (tháng 10/2011), nhưng đội cồng chiêng xã Hiệp An (Đức Trọng) đã được các nghệ nhân đánh giá rất cao, bởi nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng uyển chuyển và có “hồn”...

Chính thức đi vào hoạt động mới được 1 năm (tháng 10/2011), nhưng đội cồng chiêng xã Hiệp An (Đức Trọng) đã được các nghệ nhân đánh giá rất cao, bởi nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng uyển chuyển và có “hồn”. Đây cũng là đội cồng chiêng luôn được xã, huyện và tỉnh “tín nhiệm” mời biểu diễn trong các dịp lễ, hội và những đợt giao lưu văn hóa - văn nghệ lớn, nhỏ của địa phương.

Nằm trong đề án bảo tồn di sản cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng, tháng 7-2011, Phòng VH-TT huyện Đức Trọng phối hợp tổ chức khai giảng lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ người K'Ho tại xã Hiệp An. 24 học viên tham dự lớp học này là những người đầy nhiệt huyết và đam mê với cồng chiêng được tuyển chọn từ thôn K’Long. Và đây cũng chính là những thành viên của đội cồng chiêng xã Hiệp An bây giờ.

Các thành viên của đội có độ tuổi từ 18-40, trong đó, 14 học viên là nam, 10 nữ. Ban đầu khi mới thành lập, hầu hết các thành viên đều không ai biết gì về các điệu chiêng. Nhưng nhờ có sự hướng dẫn tận tình của già làng và các nghệ nhân, nên đến nay, tất cả các thành viên đều có thể đánh nhuần nhuyễn các điệu chiêng, kể cả những điệu chiêng khó được dùng trong dịp lễ, tết, giỗ.

Ông K’Lèn, nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng cho các thành viên của đội và cũng là đội trưởng đội cồng chiêng của xã Hiệp An cho biết: “Việc học đánh cồng chiêng không khó, cái quan trọng là bản thân người dạy, người học phải có niềm đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề để khi truyền dạy thể hiện được hồn bài hát. Dạy cho các thành viên của đội biết đánh chiêng thành thạo, tôi và các nghệ nhân khác phải làm đi làm lại nhiều lần, dạy những nét cơ bản nhất đến những kỹ thuật công phu, thậm chí phải cầm tay chỉ từng nhịp, chỉnh độ cao thấp thì các em mới đánh được đều tay, mới phối hợp được nhịp nhàng chiêng, trống, khèn, lục lạc…”.

Nhờ được các nghệ nhân chỉ bảo tận tình, cộng với sự nỗ lực, cố gắng chịu khó tập luyện và niềm đam mê sẵn có, đến nay, các thành viên trong đội chiêng Hiệp An đã có thể đánh thành thạo và nhuần nhuyễn được nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc như: “Đón khách quý”, “Săn nai”, “Lễ giỗ”… “Dù các thành viên của đội ai cũng bận rộn với công việc đồng áng, nhưng cứ đều đặn một tháng 2,3 lần là chúng tôi lại tụ tập tại hội trường của thôn rồi cùng nhau luyện tập đánh cồng chiêng. Mỗi khi trong thôn, trong xã có hội, đội lại đem tiếng chiêng ra góp vui, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình” - ông K’Lèn nói thêm.

Dù chỉ là những chàng trai, cô gái chuyên làm việc nương rẫy, nhưng khi lên sân khấu biểu diễn, ai cũng nhập hồn và hóa thân trọn vẹn chẳng khác gì những “nghệ sĩ” thực thụ, khiến những bài chiêng được tấu lên một cách liên hoàn, lúc thì đằm thắm, dịu dàng, lúc thì ào ào như thác đổ. Ka Nhài (29 tuổi), thành viên của đội chia sẻ: “Trước, mình cứ quan niệm việc đánh cồng chiêng là chuyện của người già, nhưng khi được học lớp cồng chiêng về thì quan niệm này của mình đã hoàn toàn thay đổi, vậy là mình quyết định “ở lại” với đội để tiếp tục được học và được tham gia biểu diễn, giữ gìn văn hóa cồng chiêng. Lúc đầu học, mình thấy rất khó, không hình dung được phải học như thế nào, học ra sao cho nhanh, nhưng rồi nhờ lòng đam mê và kiên trì luyện tập, giờ mình đã có thể đánh được chiêng thành thạo”.  

Cũng giống như Ka Nhài, các thành viên khác của đội như Ka Thị, Ka Chinh, Ka Bàn… cũng đến với đội cồng chiêng bằng lòng đam mê và với mong muốn tiếng chiêng của dân tộc mình sẽ mãi ngân vang đến muôn đời sau. “Chúng mình xác định nhiệm vụ phải luyện tập thật tốt để giữ lại các phong tục văn hóa của dân tộc mình. Mình phải tập thật nhuần nhuyễn, không chỉ để đi biểu diễn thật tốt, mà còn để truyền đạt lại cho các thế hệ trẻ sau này” - Ka Bàn, 30 tuổi, thành viên của đội cho biết.

Tuy mới được thành lập và còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể nói, đội cồng chiêng của xã Hiệp An đã dần khẳng định được mình. Bởi vậy, mà giờ đây mỗi khi trong thôn, trong xã vào hội, đón lễ, tết lại mời đội chiêng của xã đến góp vui và làm cho buổi lễ thêm thành công, náo nhiệt hơn. Ngoài ra, khi ở huyện, ở tỉnh tổ chức lễ, hội hoặc giao lưu cồng chiêng, thì đội chiêng này cũng được mời đi tham gia biểu diễn và được các nghệ nhân đánh giá rất cao.

THY VŨ