Người hoạ sĩ say mê những bài ca truyền thống

03:10, 17/10/2012

Áo pul bên trong áo khoác bên ngoài, kính râm dắt trên đầu tóc trông anh lúc nào cũng phiêu bồng như cỏ cây hoa lá và sương khói Đà Lạt. Anh là hoạ sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ nhưng hát rất có hồn và rất say sưa những bài ca yêu nước…

Ảnh: Thanh Đạm
Ảnh: Thanh Đạm

Trong một lần tổ chức cho các nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng dự trại sáng tác ở Đà Lạt, chúng tôi cùng nhiều nhà thơ chuyên nghiệp, không chuyên và đồng hương Quảng Nam- Đà Nẵng tại Lâm Đồng gắn kết đi cùng phối hợp giao lưu rôm rả để lại nhiều ấn tượng sâu sắc tại nhiều địa phương, đơn vị. Điều đáng nói nhất là hoạ sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ Vi Quốc Hiệp – người con dân tộc Tày, hội viên các Hội Mỹ thuật Việt Nam, Văn hoá các Dân tộc Việt Nam, Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng – tuy bận rộn nhiều việc vẫn rất nhiệt tình với anh em văn nghệ Đà Nẵng.

Áo pul bên trong áo khoác bên ngoài, kính râm dắt trên đầu tóc trông anh lúc nào cũng phiêu bồng như cỏ cây hoa lá và sương khói Đà Lạt. Anh là hoạ sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ nhưng hát rất có hồn và rất say sưa những bài ca yêu nước, truyền thống lực lượng vũ trang, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bộ đội Cụ Hồ. Có trí nhớ “trời cho”, nghe qua vài lần trên đài, Vi Quốc Hiệp có thể chép, hát theo và thuộc hơn 100 bài hát trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có 15 bài về giao thông, 15 bài về đảo, 7 hợp xướng: Ca ngợi Tổ quốc của Hồ Bắc, Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ của Tô Hải, Sóng cửa Tùng của Doãn Nho, Miền Nam anh hùng bất khuất của Phạm Tuyên, Bộ đội về làng của Lê Yên phổ thơ Hoàng Trung Thông, Sông Lô của Văn Cao. Riêng với bài hát về anh hùng, liệt sĩ, Vi Quốc Hiệp thuộc hơn 50 bài, trong đó, Hồ Chủ tịch 10 bài, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi 15 bài, Nguyễn Viết Xuân 6 bài, Nguyễn Văn Bé 5 bài. Hầu như ở tỉnh nào trong cả nước, anh cũng thuộc vài bài hát về vùng đất đó. Tôi rất ngạc nhiên vì có nhiều bài hát của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng quê hương tôi, anh đều thuộc và hát khá hay. Có những bài hát ca ngợi anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Trỗi nghe rất mới vẫn được anh hát say sưa. Trong bài hát Cô du kích Đà Nẵng của nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Thanh Anh, nguyên Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng Trung Trung Bộ, tôi thuộc câu “Tiếng mìn Lê Độ khơi tim em bừng sáng”, còn nguyên vẹn bài hát về Anh hùng liệt sĩ Lê Độ, qua giọng ca anh hát thì tôi mới nghe lần đầu. Vì sao anh hát có hồn và hát thuộc nhiều bài về các anh hùng, chiến sĩ cách mạng và những bài ca truyền thống quốc gia và địa phương đến thế?”, tôi hỏi. Anh chỉ cười: “Những năm khi đang ngồi học đại học mình đã học hát theo Đài Tiếng nói Việt Nam”. “Đài hát qua một vài lần làm sao anh nhớ để mà hát thuộc lòng như cháo thế?”, tôi vặn vẹo. Anh lại cười: “Không biết nữa, mình lắng nghe và chú tâm với niềm yêu thích và say mê học cho thuộc để được hát ngợi ca. Hồi chiến tranh nghe những bài hát này ai cũng dâng lên niềm tự hào về quê hương, đất nước, về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, về chiến công, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Để mình hát cho bạn nghe bài Ca ngợi anh hùng Lê Độ nhé… Bài hát này, Vi Quốc Hiệp thuộc từ năm 1965 (lúc 17 tuổi), bây giờ anh vẫn hát say sưa với tình cảm khâm phục, biết ơn người chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng quả cảm, quên mình vì sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc. “Anh có thể nhớ lại cảm xúc lần đầu khi nghe bài hát về anh hùng, liệt sĩ Lê Độ?”, tôi khêu gợi. Hoạ sĩ Vi Quốc Hiệp: “Qua giọng ca của ca sĩ Trần Khánh hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, chỉ vài lần nghe tôi đã thuộc và hát từ năm 1965 đến bây giờ. Tôi thích, vì chất giọng của ca sĩ Trần Khánh hùng tráng, vì qua bài hát này, tấm gương hi sinh của anh Lê Độ nổi tiếng khắp miền Bắc vì dám đặt mìn diệt sĩ quan Mỹ ở Khách sạn Ca-ra-ven trong lòng địch. Bài hát nghe rực lửa chiến công của mảnh đất Đà Nẵng anh hùng, đi đầu trong cả nước đánh quân xâm lược Pháp, rồi Mỹ ngay từ ngày đầu cuộc chiến. Bài hát này thúc giục tôi và nhiều bạn bè viết đơn bằng máu của chính mình để xung phong nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu trả thù cho đồng bào miền Nam, cho Anh hùng liệt sĩ Lê Độ. Tiếc rằng, tôi là người dân tộc Tày, có chút năng khiếu, nên được Chính phủ ưu tiên đào tạo nguồn. Chính phủ bảo: Mỗi người một nhiệm vụ; nhiệm vụ của Vi Quốc Hiệp là học cho thật giỏi để phục vụ cho đồng bào mình, cho đất nước sau này”.

Trong sự nghiệp văn học nghệ thuật của mình, đến nay, Vi Quốc Hiệp đã xuất bản được 3 tập thơ (Lời hẹn hoa ban, năm 1999; Ước vọng mùa thu, năm 2000; Thu gọi, năm 2004), 2 tập nhạc (Tình yêu Đà Lạt, Thành phố phải lòng), 1 album nhạc do Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng dựng và sử dụng 12 bài hát, trong đó có bài: Tượng Bác Hồ trên đỉnh Trường Sơn, phổ thơ Phạm Vũ và 3 bài về Đà Nẵng, Quảng Nam (Bừng bừng Đà Nẵng chiến thắng; Ca ngợi Anh hùng Lê Độ và Dũng sĩ Núi Thành).

Lê Anh Dũng