Chẳng hiểu sao trước khi nhắm mắt xuôi tay bố lại đặt cho nó cái tên Thi Nhân, Nguyễn Thi Nhân. Rõ là hài hước, năm thứ hai Đại học Tổng hợp Văn rồi vẫn chưa thấy thi ca vận vào mình. Trong khi đó, thằng Huy đang học trường Tài chính lại ngo ngoe thơ phú tán tỉnh con Nga.
Minh họa: Ngọc Minh |
Chẳng hiểu sao trước khi nhắm mắt xuôi tay bố lại đặt cho nó cái tên Thi Nhân, Nguyễn Thi Nhân. Rõ là hài hước, năm thứ hai Đại học Tổng hợp Văn rồi vẫn chưa thấy thi ca vận vào mình. Trong khi đó, thằng Huy đang học trường Tài chính lại ngo ngoe thơ phú tán tỉnh con Nga.
Có hôm Huy dẫn một nhà thơ đích thực đến phòng trọ của Nga. Vừa nhìn thấy Thi Nhân, nhà thơ chỉ mặt: Cái thằng này là thằng nào? Rồi dạng háng trên sa lông tự giới thiệu. Tao đường đường là một nhà thơ lớn, nhưng không sao, cứ ngồi đấy dựa cột mà nghe! Thi Nhân tím mặt miễn cưỡng súc ấm pha trà. Chẳng lẽ thơ có quyền năng, nâng giá trị con người lên cao thế kia ư? Và hôm nay, hôm nay mới đau. Hai thằng đang đi sóng đôi, trong tay Huy cuộn tròn tờ A4, nó đã chìa ra cho xem lại rụt về. Mà thôi, mày hiểu thế chó nào được mà đọc. Thơ tao nó cao siêu thâm hậu lắm, phải nền tảng triết học nào cơ, dốt đặc cán mai như mày, “Thi” với chả “Nhân”! Lại một lần nữa nuốt hận. Có cái gì mà thâm hậu thế nhỉ? Về nhà thấy tờ A4 còng queo trên bàn liền mở ra đọc lén. Con khỉ! Thế này bố mày làm còn hay hơn! Cắm đầu viết một mạch, đưa bản chép tay cho nó xem. Nó liếc mắt. Viết cái gì thế này? “Quân khu” lắm, còn xa “quốc lộ” lắm, thơ phú gì mày. Bố mù chữ, mẹ chưa đọc thông viết thạo, ba đời ăn củ chuối, chưa thoát khỏi cái dạ dày. Thơ nó phải sang trọng, hàn lâm, bác học. Đây là lĩnh vực của tài năng. Cái loại mày ấy à, ngồi xổm ăn bốc, đi phụ hồ, nhá! Vừa nói hắn vừa giơ cao tờ giấy xé vứt vào sọt rác. Cắn răng, Thi Nhân cúi gầm mặt nhặt mấy mảnh giấy nhét vào túi quần, không nói một lời.
Hãy đợi đấy! Chép lại bài thơ cho vào phong bì, dán con tem bốn trăm gửi ngay cho tạp chí Thần Đồng. Mấy ngày sau bài thơ được đăng trên trang nhất, đóng khung hẳn hoi cùng lời giới thiệu: “Với sự tham gia của cây bút tài hoa…”. Họ trả một trăm ngàn nhuận bút, nửa tháng cơm bụi, ban biên tập còn xin được cộng tác tiếp tục nữa cơ chứ. Cầm cuốn tạp chí trên tay sướng run lên, về nhà trọ buông màn giữa ban ngày mở ra đọc, chưa dám chia sẻ cùng ai. Thi Nhân kia mà, bố mình thiêng thật. Nhìn di ảnh bố treo đầu giường: “Bố ơi, con thành nhà thơ thật rồi!”. Đúng lúc đó, thằng em họ từ quê gọi di động: Anh dạo này ghê quá. Đài đọc sang sảng, bao nhiêu người nghe, ngồi gãy cả giường tre nhà mình. “Chùa đất Phật vàng”, “Bần gia sinh quý tử”, “Nhà tranh cũng xuất hiện người tài”. Rưng rưng nén con tim loạn nhịp sắp nhảy ra khỏi lồng ngực: Hãy đợi đấy, mặt trời thi ca giờ mới mọc!
Nhịn ăn mua tạp chí Thần Đồng. Thì ra Huy vẫn thường xuyên gửi bài nhưng tên hắn chỉ xuất hiện ở hộp thư trang cuối. Một tháng sau, báo chí, cộng đồng mạng ầm lên cái tin bài thơ của Thi Nhân đăng trên Thần Đồng đoạt giải nhất bình chọn. Không quen biết, không thần thế, vinh dự chưa? Ngẩng cao đầu đi giữa phố, ra vẻ thờ ơ nhưng thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình như thằng mất trí, cảm thấy cả kinh thành đang ngưỡng mộ nhìn mình. Được in trên báo là tầm cỡ quốc gia, “pót” lên mạng là tầm cỡ quốc tế!
Thế là lớp ta có một nhà thơ! Trên giảng đường, dưới nhà ăn, ngoài sân chơi, gặp ai cũng giơ tay bắt, cười không nói gì thêm. Bọn con gái thì lấm lét nhìn từ xa chỉ trỏ. Riêng Nga, khoảng cách bỗng dưng biến mất. Nàng vồ vập ôm ngang người Thi Nhân giữa đám đông, tự tay xối nước gội đầu, hong khô mái tóc xõa Rimbâu của hắn bằng máy sấy tóc ngay trước cửa phòng mình. Lại ngẩng cao đầu, tóc bay trong gió, ưỡn ngực bước vào tiệm cà phê sang trọng, chưa kịp kéo ghế cô hầu bàn quở ngay: Anh là nhà thơ phải không? Chứ còn gì nữa, Rimbâu tái sinh đây! Đánh mắt hất hàm nhìn Nga: Thấy chưa? Đến khi đọc thơ, bà chủ quán vặn nhỏ volume nhạc, ra ra vào vào kiếm cớ nghe lỏm, đoạn bỏ cả quầy xán lại: Lâu lắm mới được nghe thơ hay, hôm nay cho phép tôi được mời cà phê miễn phí. Cái dáng nghệ sĩ đôi khi cũng hại hắn, kéo Nga vào quán sách cũ hỏi mua tập thơ Bôđơle, chủ quán ngước nhìn giơ tay bắt ra điều tôi biết tầm cỡ của anh rồi, và chém giá cắt cổ.
Không sao, vài trăm ngàn với Nga nghĩa lý gì, Thi Nhân này vui là được. Nàng là con đại gia, mỗi tháng gia đình chu cấp cho năm triệu, gấp đôi lương cơ bản. Nhận được trăm ngàn nhuận bút, nàng cho thêm ba triệu khao cả lớp, còn mua tặng chiếc guitar nữa chứ: Sau này con chúng mình dù trai hay gái, sáu tuổi cho vào nhạc viện. Traicốpxki đến nơi rồi! Nàng nhìn Thi Nhân ôm đàn như gió lướt qua thung, mường tượng một tương lai choáng ngợp, quên cả hắn đang nghĩ gì.
Huy lộn tiết túm ngực áo Thi Nhân: “Mày cướp con Nga của tao!”. Ức thật chứ, đẹp trai con nhà giàu, phải hạ cố lau chân cho nàng, tặng nàng túi xách tay thời trang cả chục triệu đồng nhân ngày sinh nhật mới chỉ được ban cho cái nhìn xã giao. Ơ hay! Thi Nhân ngạc nhiên: “Nga chưa vào bộ nhớ của tao!”. Một tài năng ngời ngời, thần tượng của bao nhiêu em, biết yêu em nào đây. Cứ để chúng chạy theo, đừng bước vào đời tôi, thằng này chỉ làm con gái khóc. Dưới ánh bạch lạp, Nga ngắm khuôn mặt hào quang thiên thần của Thi Nhân. Sau khi lần lượt thổi tắt hai mươi ngọn nến, nàng bảo:
- Hay là đêm nay ngủ lại đây với em?
- Xin lỗi, anh đã lãnh án tự nguyện chung thân thi sĩ, là vó ngựa hoang lạc chốn giang hồ.
- Nhưng chẳng lẽ anh không có chút cảm tình gì với em?
Hắn kéo Nga sát lại, ôm tấm thân tròn lẳn của nàng, áp má lên mái tóc:
- Bảo là không thì cũng không đúng. Nhưng… yêu anh thì khổ.
- Tài, yêu cũng khác người. - Nàng nhận xét. - Anh là một nguyên tố hiếm.
- Không phải nguyên tố thường, cũng chẳng phải nguyên tố hiếm, chính xác hơn là không tìm thấy trong bảng tuần hoàn nào.
Đã thế cho biết tay, chắc nàng nghĩ vậy, bao nhiêu thằng con trai quỳ xuống cầu xin mình mà hắn lại dửng dưng. Hay là đạo đức giả, thích bỏ mẹ lại ra vẻ? “Anh nghĩ kỹ đi, tôi cho anh một cơ hội cuối cùng. Tối nay…”. Hắn không đến, tối sau mới ngang qua ghế đá cách cổng trường không xa, một đôi trai gái đang ngồi đó, chính là Huy và Nga. Ngu cho chết, thơ với chả thẩn, kiêu dông càn bậy...
Á à, lầm to rồi em ơi! Cái thằng đệ tử của Nítsơ này có bao giờ đánh giá cao đàn bà, cái đẹp hủy diệt tài năng, với ta nàng thơ là đủ. Mẹ ơi, con không lấy cái cô giáo gì mà mẹ giấm cho con, vẫn thường đến nhà ta chăm sóc mẹ khi con đi vắng ấy. Mẹ cũng đừng cuốc đất trồng khoai nữa. Con sẽ làm thơ nuôi mẹ. Một câu thơ của con bằng mẹ cuốc đất cả ngày. Nhận được bưu phẩm của con bà tưởng nó gửi tiền về, nào ngờ chỉ có cuốn tạp chí thơ, buồn nẫu ruột. Thế là mất toi thằng con. Thơ con không nuôi nổi mẹ đâu, cố gắng còn vài năm nữa, đi làm lấy tiền mà nuôi thân.
Sau cái giải thơ hay bình chọn, báo chí đăng thơ Thi Nhân liên tục, nhuận bút cũng đều đều, không bắt mẹ phải chu cấp hàng tháng nữa, sau đó cứ thưa dần, lác đác vài nơi in lại không trả nhuận bút. Nhà thơ cảm thấy lo lo. Hy vọng số tết cũng thất thu luôn. Các báo nói thẳng: Chúng tôi phải nuôi một đội ngũ phóng viên, không thể không dùng bài của họ. Rồi thơ của các đồng chí lãnh đạo, doanh nhân thành đạt, những người làm luận văn cao học, thạc sĩ, tiến sĩ còn phải trả nhuận bút ngược kia. Có bài đăng họ mua cho chúng tôi cả nghìn tờ báo, anh có mua không? Tạp chí chúng tôi sống được bằng quảng cáo chứ không nhờ vào thơ của anh.
Rũ tóc, bạc mặt thâu đêm làm thơ đâu phải chỉ để lấy tiếng, vừa phải có tiếng, vừa phải có tiền để nuôi cái thân xác này, để các người còn tiếp tục khai thác tài năng của tôi nữa chứ. Không trả nhuận bút là bóp chết tài năng đấy, các người hiểu chưa?
Tức quá gọi cho biên tập viên:
- Này, anh khen thơ tôi hay, in mà chẳng thấy nhuận bút, cả báo biếu cũng không. Thế là thế nào?
- Tôi cho anh di động của tổng biên tập, ông ấy mới có quyền nhắc tài vụ.
Gọi cho tổng biên tập, ông ta lại nói:
- Tôi cho anh di động của tài vụ để anh trực tiếp trình bày.
Lại gọi cho tài vụ, thấy có tiếng léo nhéo rồi một tràng cười ngặt nghẽo:
- Ông là ai mà đòi nhuận bút? Văn chương tầm cỡ nhân loại, để đời, ki bo mấy đồng nhuận bút còm sao lớn được. Văn chương là hiến dâng, đói thì đi làm việc khác. Đây không phải phòng thương binh xã hội!
“Lập thân tối hạ thị văn chương”. Giờ mới thấm thía, vinh ít nhục nhiều.
Cứ lấy cái tiền con Nga cho để in thơ đóng tiền ăn cũng được mấy tháng, giờ cầm sách trong tay, trở lại bơ gạo mớ rau khó quá. Mang đến câu lạc bộ thơ, bao cà phê, ra rả thuyết trình Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên… cuối cùng cả hội trường mua cho được một cuốn. Có bà yêu thơ, phúc hậu nhân từ, ghé tai cho địa chỉ, bảo mai đến nhà cô. Khệ nệ ôm một chồng thơ đến. “Ấy chết, cô không mua thơ đâu. Thơ cô đầy, hàng ngày cứ đến nghe cô đọc, cô cho cháu trăm ngàn. Đây, cầm lấy!”. Bà chuẩn bị sẵn tờ một trăm trong tay dúi vào túi áo ngực Thi Nhân. Bà sáng tác cả ngàn bài ghi trong vở học trò, chìa ra hết tập này tập khác, có đánh số thứ tự La Mã hẳn hoi.
Liên tài tri ngộ! Ông ơi ra giúp tôi một tay, bà sai chồng dẹp bàn đưa rượu ra. Có đứa trẻ hàng xóm hỏi mua gói mì.
- Cút! Cút ngay! Ở đây hôm nay bà chỉ có rượu và thơ! - Nói rồi ngoảnh sang Thi Nhân cười cười. - Khách quen ấy mà.
Bà đứng thẳng người, đọc mới đầu còn chậm, khe khẽ, sau to dần, to dần, càng lúc càng dồn dập, tay vung như Maia giữa Quảng trường Đỏ, thăng hoa lên đồng, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Cái quán nhỏ rung lên như động đất, tròng mắt long sòng sọc, khéo lộn mề gà, tóe máu tươi mất. Say thơ cỡ này mình chưa là gì, Thi Nhân chực cười nhưng không dám.
Bà vốn là thanh niên xung phong nên có những tứ thơ rất lạ mà tuổi trẻ bây giờ có ăn cả bồ thóc cũng không nghĩ ra, khổ nỗi thiếu chữ để biểu đạt, thành thử nghe cứ ngô nghê, ngồ ngộ. Chữ Thi Nhân thừa, nó đọc đông tây kim cổ, sưu tập những từ lạ tai, ghép lại đọc lên nghe xủng xoảng, dẫn người ta vào mê cung. Hắn chỉ sửa cho bà một chữ, đúng hơn là đảo một chữ thôi, câu thơ của bà sáng lên. Cả hai mừng quýnh.
Thi Nhân ngộ ra một điều, cách tân thơ đâu phải chỉ đi mò bóng chữ. Bà thanh niên xung phong kia có cái cõi mà hắn không có. Có cõi mới có cảm xúc, không cõi lạ lấy đâu cảm xúc lạ, không cảm xúc lạ không có từ lạ, cách thể hiện lạ. Bắt đầu từ ngôn ngữ là bắt đầu từ cái vỏ của tư duy. Có nhào nặn bao nhiêu thơ của Rimbâu, Bôđơle, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử… thì vẫn không phải là của mình. Phải sống đã, sống cho có tình. Hậu hiện đại mà thiếu cái tình, chữ cũng không tìm đến. Hết tình là hết thơ, kiểu gì thì kiểu, không có tình thì chịu, đừng ngồi đấy ôm một đống chữ xếp gạch lên kiêu. Sau những bầm dập Hoàng Cầm mới trở “Về Kinh Bắc” để “ngủ lại giấc mơ dang dở”. Êxênhin níu kéo làng quê Nga với cây sồi, dòng sông và rừng bạch dương đang bị đô thị hóa. Bệnh tật giam Hàn Mạc Tử thành người tình của trăng sao. Nguyễn Bính ấp iu gìn giữ hồn quê. Trịnh Công Sơn đau đáu phận người. Và Tố Hữu hừng hực một ngọn lửa cách mạng đổi đời thay số phận. Thi Nhân, mày có ngọn lửa của cõi riêng chưa? Và hắn sợ, một nỗi sợ hãi mơ hồ nhưng có thật.
Ngông cuồng quá!
Chẳng có đỉnh cao nào là tuyệt đối của mọi thời đại. Nguyễn Du cũng chỉ là một Ơclit thôi. Đó là cấu trúc thơ mặt phẳng. Ta là khối Rubíc ba chiều. Nền thi ca Việt Nam tính từ đây. “Dựa cột mà nghe hả?”. Gặp lại “nhà thơ đích thực”, đọc cho một câu nghệt mặt. Giờ thì tớ chịu cậu rồi, không dám chê thơ cậu, tụi mình già rồi chết dí ở kênh cũ, khác kênh các cậu nên không dám phê phán. Trót xây miếu thì phải thờ, Thi Nhân này là đốt đền số một mà in tem dựng tượng cũng không có số hai. “Quân khu hả?”. Đã thế hàn lâm hơn cả hàn lâm, đục đẽo trang kim luyện đan từng chữ, viết những câu thơ chưa từng có trong tiền lệ, quỷ thần phải kinh hãi, thiên đàng gọi thiên đàng, địa ngục kêu địa ngục, vũ trụ nổ tung, thượng đế vái lạy, những vần thơ đẻ ra từ sương khói hư hình, rêu lấp đầy mộ chí, sản phẩm của tiềm thức hư vô, bất khả tư nghì…
Có đêm thấy mình “như thác đổ”, giờ mới hoàn hồn lắng lại. Thôi, lui vào xó tối, đừng đăng đàn diễn thuyết nữa, “Một lũ dông dài inh ỏi xóm” (Nguyễn Anh Thuấn). Thơ tàn phá đời tôi, cái giải nhất bình chọn giết chết tôi rồi. Phải bắt đầu lại từ đầu, người cố một ta cố mười, lấy thần kinh đấu với thần thế, cứ trố mắt ếch nhìn đời, không đầu hàng, không xin xỏ, hay thì dùng không hay thì vứt. Đói hả? Cười lên! Hát lên cho no tròn cảm thức, không chết đâu mà sợ. Phải bỏ thây trong căn gác xép bố thí này cũng cam lòng. Chết, phải chết như Kinh Kha!
Lại rũ tóc xuống trang giấy, lại bạc mặt thâu đêm, đọc vỡ đầu, xả hàng núi chữ mò tìm hạt ngọc ngôn từ, vã mồ hôi cày nát cánh đồng thơ, thời gian đốt tóc thành tro, da nứt vỏ cây, ngẩng lên mắt mờ cùi nhãn, râu buông rễ si bám chặt ghế ngồi mà đọc lên một câu thơ nghe vẫn cứ nhạt phèo.
Phải cách tân, phải hậu hiện đại. Đem hiện thực xối trộn vào ảo thể, lấy ngụy làm chân, lấy chân làm hư, chữ đẻ ra chữ, câu đẻ ra câu, nàng thơ cứ thế kéo Thi Nhân đi như “ma dẫn lối quỷ đưa đường”, để rồi lạc vào rừng chữ. Đọc lên nghe trúc trắc, có khi vui tai, bảo thơ Tây không phải, thơ Ta cũng không. Một món ăn mới, lạ miệng, một thực đơn dành riêng cho đầu bếp, trong khi thực khách vẫn thích những món truyền thống như dưa muối, cá kho và mắm tôm thịt cầy. Những câu thơ tạc vào thế kỷ, lưu danh thành lưu kho, để đời nhưng đời lại trả hết cho người.
Tài hả? Mẹ đấy giỏi viết đi!
Nhất hả? Làng quê đấy giỏi viết đi!
Khi khoe tài thơ, mẹ bảo “Thua thằng cày”. Mẹ đã đúng. Tháng năm trôi qua đầu hai thứ tóc chẳng thấy thơ đâu, lếch thếch về làng, chưa lập thân cũng chẳng lập nghiệp. Ước mơ của mẹ là con thi vào sư phạm làm anh giáo làng, cưới một cô vợ rồi sinh con đẻ cái, cả nhà quây quần đói no sớm tối có nhau… tất cả đã không thành. “Khôn sống mống chết”. Không lần nào mẹ theo chân tiễn hắn ra đi, cứ đến cửa lại quay vào nhìn di ảnh bố. Cất giấu cái nhìn đau đắng của mẹ, Thi Nhân này không thành danh thì một đi không trở lại. Đã bao lần hắn tự nhủ, và giờ đây xôi hỏng bỏng không, tay trắng về làng như một đại lão Cái Bang, những tưởng vương tướng gì, hóa ra tự đánh bả mình bằng những hư danh.
Vẫn bến sông này, bến sông của một thời chăn trâu cắt cỏ, mẹ đã nói với ta: “Đừng đứng núi nọ trông núi kia, cứ gục mặt xuống thì bờ nào cũng đầy cỏ”. Bàn chân tõe móng gà bám chắc vào sườn đê, mẹ oằn lưng gồng lên gánh cỏ lù lù, ngả chiếc nón mê nhìn con mới về mừng mừng tủi tủi, hỏi câu vu vơ khỏa lấp nỗi bùi ngùi. Mẹ đấy viết đi, bao câu thơ hay dành cả cho người tình. Kẻ trang kim số một giờ không tìm ra chữ. Mẹ là biển rộng trời cao, là bông hồng cài áo… giả dối tất. Mẹ là thùng nước gạo, nhặt hạt cơm ta đánh rơi cho vào miệng, mẹ là con chó ghẻ đầy kiêu hãnh khi nghĩ về ta, mẹ là nước mắt, là mồ hôi, mẹ chẳng là gì, mẹ là tất cả. Mẹ góa con côi ôm ta vào lòng nghe tiếng cành cạch của thuyền đánh cá đêm vọng lại và nghĩ, thì ra vẫn có người thức cùng ta đêm nay. Câu thơ hay thường là giản dị, tưởng như vô tình thốt ra mà có sức mê hoặc cả đấng quân vương ngồi trên ngai vàng lẫn kẻ hành khất bần cùng khố rách áo ôm. Câu thơ mọi người hiểu được không thể hay, nói thế tức là đã thừa nhận hiểu được mà hay rất khó.
Thi Nhân vẫn đứng ngây nhìn dòng sông trôi ra biển mang theo một phần đời của mình. Đứa trẻ cởi trần, tóc cháy nắng ngồi trên lưng trâu từ từ trầm mình trong nước mát ăm ắp ráng chiều giờ thành ông già im như tượng giữa mịt mùng lất phất mưa bay.
- Đười ươi nhìn mặt trời lặn!
Anh ngoảnh lại. Hóa ra Nga! Cô đứng sau lưng từ lúc nào. “Yêu anh thì khổ”, ý nghĩ thoáng qua khi cô phát hiện ra Thi Nhân. Mặt nhìn mặt vừa quen vừa lạ, những nếp nhăn thời gian tàn nhẫn khắc trên trán, vạc lên má không thương tiếc. “Sương gió cuộc đời nuôi ta lớn/ Ái tình bạc bẽo dạy ta khôn”. Nga nhắc lại câu thơ của một nhà thơ nào đấy từng nghe anh đọc nhiều lần thời trai trẻ.
- Huy có thể cho em nhà lầu xe hơi, nhưng không thể đưa em xuống vực sâu lại nâng bổng em lên trời cao như anh.
- Lấy anh thì khổ. Một người tình tuyệt vời, một thằng chồng lăng nhăng, một người cha vô trách nhiệm.
Anh nhìn theo cô nón trắng xuống đò. Một ngọn lửa nhỏ hấp háy trong khoang thuyền tối bỗng dưng tắt ngấm, giống như ngọn lửa lạnh, thơ anh chẳng cứu rỗi được ai. Mặt trời từ từ lặn trên cánh đồng lúa, xa xa còi tàu hụ một tiếng gọn lỏn, toa nọ nối toa kia lặng lẽ vạch một đường cong mềm mại.
Thi Nhân banh vạt áo, cùng tấm lưng trần che mưa cho ba nén nhang cháy hết trên mộ mẹ. Anh rập đầu xuống cỏ, một tia chớp sáng lóe và câu thơ bật ra:
Câu thơ chạm vào ngõ cụt/ Mai táng hồn thi nhân!
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM