Thức uống kỳ diệu

03:10, 31/10/2012

Chẳng biết mấy cây chè trong vườn nhà tôi có từ lúc nào. Khi tôi lớn lên đã nhìn thấy chúng ở góc vườn. Có thể chúng đã được trồng từ thời các cụ kỵ nhà tôi nên trông chúng mới già nua đến thế, thân chè to vặn vẹo đường kính có thể đến vài ba tấc, da mốc xì, mảng xanh mảng đỏ như chúng bị chứng vảy nến ở da người.

Bên ấm trà quê. Ảnh: Ngọc Minh
Bên ấm trà quê. Ảnh: Ngọc Minh

Chẳng biết mấy cây chè trong vườn nhà tôi có từ lúc nào. Khi tôi lớn lên đã nhìn thấy chúng ở góc vườn. Có thể chúng đã được trồng từ thời các cụ kỵ nhà tôi nên trông chúng mới già nua đến thế, thân chè to vặn vẹo đường kính có thể đến vài ba tấc, da mốc xì, mảng xanh mảng đỏ như chúng bị chứng vảy nến ở da người.

Để hái được chè, mẹ phải bắc thang. Mẹ không hái các tôm và lá nhỏ để chế thành loại chè như chè móc câu Thái Nguyên mà sau này tôi được biết, mẹ chặt cả cành dài năm sáu tấc. Mỗi lần “hái” chè mẹ hái cả một thúng to để dành uống dần.

Cách uống chè của nhà tôi cũng giống bao gia đình trong làng thời ấy: chè vò cả lá tươi lẫn ngọn cho vào nồi đất, đổ nước lã vào rồi bắc lên bếp, đậy nắp đun sôi, chờ một lúc chè “ra nước chè” thì rót uống. Chè nước đầu còn xanh sau chuyển dần sang màu đỏ ối. Dù đỏ hay xanh thì nó vẫn mang hương vị chè, thứ nước uống đặc biệt có từ ngàn đời; thời ấy cũng ít ai truy cứu căn nguyên, lợi hại khi dùng chè làm thức uống, có chăng là các cụ cao niên hoặc làm nghề thuốc bắc, coù chöõ nghóa, ñoïc ñöôïc saùch vôû thaùnh hieàn, hieåu ñöôïc caùi hay caùi dôû chöù daân daõ thì cöù theá, xöa baøy nay làm.

Có thể nói nhà tôi uống nước chè quanh năm, hết chè tươi trong nhà thì mẹ đi chợ mua chè khô, lúc ấy gọi là chè thượng, vì chè này từ miền thượng du mang xuống đồng bằng để bán nên mới gọi là chè thượng. Chè thượng là loại chè đã phơi khô thành bó, mỗi bó chừng 10-15 cành cả lá lẫn cộng. Cứ mỗi lần “nấu chè” mẹ lại lấy một bó đem bẻ vụn, bỏ vào cối giã nhỏ (cả lá lẫn cọng và hạt) rồi cho vào nồi đun. Nước chè khô không ngon bằng nước chè xanh nhưng nó vẫn có hương vị chát chát đặc trưng của chè.

Nhà tôi chỉ ngưng uống nước chè khoảng một tháng kể từ ngày tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch. Đứng trưa (tròn bóng) ngày năm tháng năm mẹ sai tôi đi hái “lá Đoan Ngọ” để uống.

Cứ giờ ấy ra khỏi nhà gặp lá gì hái lá ấy: lá mít, lá xoài, lá ổi, chùm chảy, mủ dẻ…. lá gì cũng được ngoại trừ lá ngón (uống nhầm nước lá ngón là chết ngay). Mẹ dặn đi dặn lại nhiều lần như thế trước khi tôi ra khỏi nhà để hái lá. Hết giờ ngọ thì thôi không được hái lá nữa. Lá đem về, mẹ dùng dao băm nhỏ rồi đổ ra nong để phơi khô uống dần. Cách uống nước “lá Đoan Ngọ” cũng giống cách nấu chè thường, cũng thao tác đủ các “công đoạn” như nấu chè. “Nước lá Đoan Ngọ” có hương vị đặc biệt: nó hăng hắc, ngai ngái, lờ lợ, chan chát, tê tê nơi đầu lưỡi… nhưng là thứ nước hiền, nó giúp tiêu hóa được dễ dàng, ăn ngon miệng và ngủ ngon giấc, đó là lời mẹ tôi dạy.

Bây giờ người ta vẫn ăn tết Đoan Ngọ (5 tháng 5 âm lịch), vẫn giết sâu bọ, nhưng có thể chẳng ai còn đi hái lá để làm thức uống vào cái ngày ấy nữa. Đặc biệt là với dân sống nơi đô thị. Đó là một tập tục, một bản sắc văn hóa quần chúng rất hay, đáng tiếc nó đang mai một dần. Ngày nay cuộc sống hối hả kèm theo cả trăm ngàn thức uống, tha hồ chọn lựa thì thứ “nước uống Khuất Nguyên” ấy cũng dần dần bị lãng quên theo thời gian.

Năm 1947 – 1948, tôi đi thoát ly, tham gia vệ quốc đoàn. Thời gian đóng quân tại nhà dân ở vùng đồng bằng, chúng tôi vẫn luôn được uống nước chè. Vì nhà nào cũng uống nước chè, thứ nước uống phổ biến dân dã, nhưng khi hành quân đi sâu vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, rừng núi âm u bạt ngàn, rừng cây rậm rạp đến cả ánh sáng cũng khó lọt xuống mặt đất và sống xa dân thì lấy đâu ra nước chè để uống. Hy hữu lắm chúng tôi mới bắt gặp một cây chè “cụ” mọc hoang trong rừng. Chúng tôi thường gọi vui “cụ trà”. Cụ trà có lẽ đến hơn trăm tuổi, thân cây như thân cây gỗ, cao vống xù xì, rêu phong và tán lá tỏa rộng. Gặp trường hợp ấy chúng tôi không thể bỏ qua, chia nhau leo lên cây bẻ cành chè, bó thành bó mang theo. Việc đầu tiên là tôi ngắt những lá non vo vo cho vào miệng để nhấm nháp cho đỡ cơn nghiện trà.

Khi đơn vị dừng chân bên suối, chúng tôi nghĩ cách pha trà bằng cách lấy nước suối cho vào bi- đông, vo chè bỏ vào bắc lên bếp dã chiến (ba hòn đá) để nấu và rót ra từng bát thay nhau uống. Tuy là thứ nước dã chiến nhưng cũng rất ngon. Thứ nước chè dã chiến ấy nhanh chóng giải cơn khát, giúp tinh thần sảng khoái để tiếp tục cuộc hành quân và, trong cuộc nghỉ chân ấy chúng tôi được nghe chính trị viên tiểu đoàn kể cho nghe câu chuyện vui, dí dỏm về cái chuyện “ẩm trà”.

… Chẳng là đồng chí chỉ huy đơn vị nhận được một ít trà ngon từ miền Bắc xa xôi gửi vào, nhân có cuộc họp cán bộ, đồng chí chỉ huy đưa gói trà ấy cho một chiến sĩ bảo vệ nhờ pha trà. Đồng chí chiến sĩ ấy bỏ cả gói trà vào một nồi nước to tướng và “nấu”. “Nước chín”, đồng chí chiến sĩ múc ra bát mời mọi người. Thấy thế, chỉ huy hơi cau mày nhưng rồi ông trấn tĩnh và vui vẻ uống trà cùng mọi người. Nhân lúc vui vẻ, đồng chí chỉ huy mới hỏi chiến sĩ bảo vệ:

- Ở nhà đồng chí có uống trà không?

- Thưa, không ạ! Cả nhà tôi đều uống nước đun sôi để nguội.

- Đồng chí đã thấy trâu uống nước chưa?

- Thấy rồi ạ!

- Đồng chí thấy thế nào?

- Mỗi con trâu có thể uống đến 5 – 6 lít nước lúc chúng khát ạ! Một bầy trâu cỡ chục con có thể uống cạn một con ngòi nhỏ ấy chứ!

- Uống trà kiểu chúng ta vừa uống bằng bát thế kia cũng na ná như kiểu trâu uống nước. Ông vừa nói vừa cười, uống trà như thế gọi là “ngưu ẩm”. Uống trà là một nét văn hóa, một nghệ thuật ẩm thực. Các cụ sành điệu còn nâng lên thành trà đạo nữa kia. Uống trà không chỉ bằng mồm mà còn bằng mũi, bằng khứu giác. Nâng chén trà lên, trước hết hãy thưởng thức hương thơm đặc biệt của nó rồi mới đến nhấm một ngụm trà để thưởng thức cái vị. Nước trà đã xuống đến dạ dày nhưng cái vị ngọt ngọt, chát chát vẫn còn đọng nơi cổ họng. Người sành điệu bảo đó là trà “có hậu”. Cậu hiểu chưa?

- Thưa chỉ huy. Hiểu rồi ạ!

Hết giờ giải lao, cuộc hành quân lại tiếp tục. Đơn vị lại hối hả lên đường. Trên đường tôi mãi nghĩ: câu chuyện của đồng chí chính trị viên dí dỏm nhưng đầy tính giáo dục; uống trà không chỉ là uống mà còn là thưởng thức cái hay cái đẹp của nghệ thuật ẩm thực của cha ông. “Trà tam tửu tứ”. Uống trà có bạn mới ngon.

… Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, tôi tập kết ra Bắc và tất nhiên được tiếp tục uống trà nơi đất “ngàn năm văn vật”, lịch lãm: “Không thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Ở miền Bắc thời ấy uống trà thú vị nhất là uống ở các quán cóc vỉa hè. Đấy là cảm nhận của nhiều người, nhiều anh em miền Nam tập kết ra Bắc. Các bạn đừng nghĩ uống nước ở quán cóc là bê tha và trà không được ngon. Nếu nghĩ thế thì các bạn đã nhầm. Quán cóc thường do các cụ bà, cụ ông ngồi bán, chỉ cần một chiếc bàn gỗ nho nhỏ với mấy chiếc ghế đẩu, vài phích nước nóng và một ấm trà “móc câu Thái Nguyên” chính hiệu là sẽ thu hút được khách ghiền trà. Mỗi chén trà nhỏ chỉ 5 xu nhưng khi uống xong cứ nhớ mãi. Nâng chén trà nhỏ trong tay đưa lên mũi đã cảm thấy hương trà ngào ngạt và nước trà có màu vàng chanh còn lắng đọng mãi nơi cổ họng.

Uống trà ở quán cóc ngoài việc được thưởng thức thứ trà đặc biệt còn được nghe các cụ chủ quán kể cho nghe nhiều chuyện lý thú, nếu bạn có thời gian mà chỉ có các “hãng thông tấn vỉa hè” mới thạo tin đến thế. Nào ở phố này, phố kia xảy ra chuyện gì, tem phiếu bán hàng gì và cắt ô số mấy, (tem phiếu thời bao cấp) phố nào vừa có đám cưới to… Thôi thì đủ thứ chuyện, từ chuyện bên Liên Xô, bên Tàu… chuyện đông tây kim cổ. Các cụ chủ quán kể chuyện cứ như là một pho sách sống.

“Đi đâu thì cũng nhớ về quán cóc vỉa hè” là thế. Tôi đã đến Nông trường chè Phú Thọ và được xem các nữ công nhân hái chè. Bàn tay của các nàng thoăn thoắt như múa lượn như tôi đang xem vở múa “hái chè bắt bướm” nổi tiếng thời ấy. Từ ấy tôi phải lòng cô gái hái chè từ lúc nào không biết.

Năm 1975, đất nước thống nhất, tôi được vào công tác tại Lâm Đồng, được tận mắt trông thấy những cánh đồng chè xanh mơn mởn, ngút ngàn tầm mắt như các nông trường chè Bảo Lộc, Di Linh, Bảo Lâm và Cầu Đất, những nơi sản xuất ra các loại chè nổi tiếng: chè Quốc Thái, Trâm Anh, Đỗ Hữu … những thương hiệu trà nổi tiếng ấy được bày bán ngay tại thị xã Bảo Lộc (nay là thành phố Bảo Lộc) sát mặt đường và lịch sự mời khách đi xe buýt tuyến thành phố Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) - Đà Lạt và ngược lại thưởng thức các loại trà pha sẵn miễn phí. Không biết giờ các thương gia chè có marketting như thế nữa không. Các thương hiệu trà nổi tiếng thời ấy bay đi khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài.

Ngày nay, Lâm Đồng còn có chè Tâm Châu ngon không kém, đặc biệt mấy năm gần đây còn có chè Olong khá nổi tiếng và được người dân ưa chuộng.

Chè, thứ nước uống “cải lão hoàn đồng”, nói như thế cũng không ngoa vì, theo khảo sát của nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện trong chè có những dưỡng chất vi lượng giúp cho con người sống lâu, trẻ mãi không già. Những cụ già sống thọ nhất vùng Trung Á đều thường xuyên uống trà và sống ngay hoặc bên cạnh vườn chè.

Chè, thức uống kỳ diệu.

Ghi chép: NGUYỄN TÙNG CHÂU