Toàn tập truyện ngắn Nam Phong - một bộ sách có giá trị

02:10, 03/10/2012

Truyện ngắn Nam Phong là tên gọi chung cho toàn bộ các truyện ngắn được các nhà văn đăng tải trên Nam Phong tạp chí những năm đầu thế kỷ XX.

Truyện ngắn Nam Phong là tên gọi chung cho toàn bộ các truyện ngắn được các nhà văn đăng tải trên Nam Phong tạp chí những năm đầu thế kỷ XX. Để có bộ sách công phu này, tác giả Nguyễn Đình Hảo đã phải sưu tầm toàn bộ 210 số của TC Nam Phong, khảo cứu chú thích, bổ sung nhiều truyện đã bị mất do bản gốc bị hư hỏng. Đây là một công trình khoa học nghiêm túc có giá trị cho người đọc tham khảo về nền văn học Việt Nam trong lúc giao thời của văn học chữ Hán và văn học Pháp.

Toàn tập truyện ngắn Nam Phong tuyển chọn 64 truyện, đây là công trình từ trước đến nay chưa ai làm được. Việc tổ chức bản thảo, chú thích kỹ càng, làm cho cuốn sách có độ chính xác cao. Nhiều ngôn từ tiếng Pháp, chữ Hán được tác giả chú thích rõ ràng. Truyện ngắn Nam Phong thể hiện được tư tưởng khuynh hướng văn học nước nhà lúc bấy giờ. Cuốn sách được Nhà Xuất bản Văn học ấn hành. Theo GS. TS Lê Chí Dũng khi viết lời giới thiệu của sách cho biết: “Vào đầu thế kỷ XX, khi nước ta đã trở thành một bộ phận của thế giới hiện đại, khi thành thị Việt Nam đang tư sản hoá cùng với sự xuất hiện của tầng lớp thị dân, khi văn hoá nước ta giao lưu mạnh mẽ với văn hoá phương Tây, chủ yếu là với văn hoá Pháp, và một tầng lớp trí thức Tây học ra đời thay thế cho tầng lớp trí thức Nho học đang tàn tạ, thì vấn đề đổi mới văn học, đưa văn học vào quĩ đạo chung của văn học thế giới đã trở thành yêu cầu cấp bách. Văn học Việt Nam lúc đó đứng trước hai khả năng phát triển  hoặc cách tân dần dần văn học truyền thống để đi đến văn học hiện đại hoặc học tập văn học phương Tây, theo hệ thống thể loại văn học ấy để nhanh chóng xây dựng văn học hiện đại nước nhà.

Trong hoàn cảnh như vậy, việc phát triển truyện ngắn, đương nhiên cũng đứng trước hai khả năng: đổi mới dần dần truyện ngắn truyền thống; hoặc nương theo thể loại truyện ngắn phương Tây, mau lẹ tạo ra truyện ngắn hiện đại Việt Nam.

Các nhà Nho, như Phan Bội Châu, Nguyễn Khắc Hiếu, đã chọn khả năng thứ nhất. Phan Bội Châu dùng văn học để tuyên truyền, cổ động cho sự nghiệp cứu nước. Nhà chí sĩ đã cách tân nhiều thể loại văn học truyền thống, trong đó có thể loại truyện kể ngắn; đó là những sáng tác bằng văn xuôi chữ Hán, như các truyện Nguyễn Hàm, Trần Quí Cáp, Đặng Thái Thân, Nữ liệt sĩ Đinh phu nhân, Tái sinh sinh, Nhà sư ăn rau, Chân tướng quân, Phạm Hồng Thái truyện, và các truyện được viết bằng tiếng Việt, như Truyện ông Lý Hồ, Anh Khờ, Kềnh và Càng. Các nghệ sĩ ngôn từ thuộc tầng lớp trí thức Tây học, như Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao, đã chọn khả năng thứ hai.

Các tác giả của những truyện ngắn in trên Nam Phong tạp chí đã chọn khả năng nào trong hai khả năng phát triển của truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỷ XX và những truyện ngắn đó có vị trí như thế nào trong tiến trình xây dựng và phát triển truyện ngắn hiện đại Việt Nam? Nhằm mục đích cung cấp tư liệu để các nhà nghiên cứu văn học và bạn đọc có thể trả lời một cách xác đáng, cụ thể câu hỏi đó, tác giả Nguyễn Đình Hảo đã sưu tập toàn bộ truyện ngắn 64 truyện đã được đăng tải trên tạp chí từ năm 1917 đến 1934 ấy. Các tác giả của những truyện ngắn trên Nam Phong tạp chí đã cố gắng kể lại cho hệt những điều tai nghe, mắt thấy hoặc nếm trải trong cuộc sống - xã hội đời thường, một cuộc sống- xã hội khiến cho nhiều người đương thời phải than thở:

Một điều đáng chú ý ở những truyện ngắn trên Nam Phong tạp chí là: những truyện ngắn này đã lọc qua chủ trương “điều hoà tân cựu”, “thổ nạp Á-Âu”. Có thể thấy rõ điều này nơi những tác giả các truyện ngắn: Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến và Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục là những người cựu học; những người cựu học chuyển sang tân học: Nguyễn Bá Học và Hoàng Ngọc Phách; những người tân học: Phạm Duy Tốn và Lê Đức Nhượng. Ở truyện của Đông Châu và Tùng Vân không có chút gì gọi là truyện ngắn. Ở truyện ngắn Nguyễn Bá Học là sự mô tả khách quan, nhưng không vượt thoát được quan niệm văn học cũ; vừa làm quen với lối kể chuyện, mô tả, đối thoại của truyện ngắn hiện đại, vừa sử dụng văn biền ngẫu và chưa ra khỏi cách xây dựng hình tượng của văn học trung đại. Lê Đức Nhượng, không chỉ viết được nhiều truyện ngắn hơn, mà còn viết khéo hơn so với Nguyễn Bá Học. Về Phạm Duy Tốn, có nhà nghiên cứu đánh giá rằng lấy một truyện của Phạm Duy Tốn đem đặt cạnh một truyện cổ điển, ta thấy có một sự ly dị, một sự gián cách đột ngột, bất ngờ cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật”. Quả là truyện ngắn của Phạm Duy Tốn là một bước tiến về phía trước so với truyện ngắn của Nguyễn Bá Học, nhưng vẫn có thể nói đó là “một sự ly dị, một sự gián cách đột ngột, bất ngờ về cả tư tưởng lẫn nghệ thuật” so với “truyện cổ điển” được. Truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, kể cả truyện ngắn nổi tiếng của ông Sống chết mặc bay, vẫn chưa đạt tới truyện ngắn hiện đại.

Quả thật khi đọc truyện ngắn trên Nam Phong người đọc có thể thấy rõ một xã hội đương thời, những số phận của những người con gái, những kiếp hồng nhan con ở. Tất cả đã tạo nên một Toàn tập truyện ngắn Nam Phong đầy đủ những cốt truyện, những số phận, những trò vui cuộc đời. Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc bộ sách này.

NGUYỄN HUY KHUYẾN