Xắp xắp (truyện ngắn)

03:10, 31/10/2012

Mọi câu chuyện đều bắt đầu từ những việc bình thường. Câu chuyện tôi sắp kể ra đây cũng vậy. Xin giới thiệu một chút về tôi. Tôi là Lan Hương, một viên chức nhà nước chẳng có chút chức sắc trưởng hoặc phó giám đốc/phòng/ban/đội nào cả, ít nhất là đến giờ, nghĩa là sau hai năm tôi được vào biên chế, gần bốn năm đi làm tại một cơ quan nhà nước.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh

Mọi câu chuyện đều bắt đầu từ những việc bình thường. Câu chuyện tôi sắp kể ra đây cũng vậy. Xin giới thiệu một chút về tôi. Tôi là Lan Hương, một viên chức nhà nước chẳng có chút chức sắc trưởng hoặc phó giám đốc/phòng/ban/đội nào cả, ít nhất là đến giờ, nghĩa là sau hai năm tôi được vào biên chế, gần bốn năm đi làm tại một cơ quan nhà nước.

Hoàng Văn là một tên con trai ốm nhom, cơ quan cũng khá đông người nhưng hắn lại thích chơi với nhóm tôi. Một hôm hắn nói với chúng tôi “mấy bà cho tui nhập hội với, mấy chú thì chênh lệch tuổi tác nhiều quá, mình nói chuyện cũng khó, còn mấy anh thì coi tui giống như mấy bà vì không biết nhậu, chỉ tổ phá mồi, nhìn quanh chỉ còn lại mấy bà là hợp, mấy bà cũng ghiền cà phê như tui vậy?”. Tôi nghe hắn nói thấy tội tội, thì cho hắn chơi chung vậy, nhưng nhất thiết không cho hắn tham gia mấy vụ đi shopping, mua vài thứ lặt vặt của đàn bà, cùng lắm cho hắn tham gia uống cà phê và ăn vặt. Chấm hết! Tôi nghĩ trong bụng như vậy và nói ra, cả nhóm bình luận rôm rả.

     Bích:

     - Ê, ông không sợ chơi với bọn tui ông sẽ trở thành “mái” sao?

     Như:

     - Nè, Hoàng Văn sắm một cái váy hoa, make up lên, độn ngực chắc là giống con gái lắm?

     Hoàng Văn mắc cỡ thoáng đỏ mặt:

     - Tui là con trai trăm phần trăm, tui có hai bà chị hồi nhỏ mấy bả bắt tui mặc áo đầm rồi chớ bộ!

     Bích:

     - Lúc nhỏ mặc được, bây giờ cũng được chớ sao?

     Tôi:

     - Hay là ông đi giải phẫu chuyển giới tính đi há, cũng hay đó, nè da ông cũng trắng, còn cái vụ dáng, ông cũng mỏng như mấy siêu sao người mẫu, tui thấy ok đó!

     Cả đám đàn bà cười ầm khiến Hoàng Văn càng đỏ mặt thêm, cuối cùng tôi nói:

     - Chấp nhận cho ông vô hội uống cà phê ăn sáng và ăn vặt, bây giờ ông làm lễ ra mắt bằng một chầu xắp xắp, ok?

Cái món ăn vặt ấy mới nói ra thôi đã thấy thèm. Đó là món gỏi đu đủ bào trộn với phổi bò, gan bò khô thêm chút tương ớt, vài lá rau quế và nước mắm chua ngọt là thành một món ăn chơi trên cả tuyệt vời. Cả bọn kéo nhau ra quán Yume++. Cái bảng hiệu bắt mắt, chữ xắp xắp còn to hơn tên quán. Quán vắng lúc bọn tôi vào, trong một góc quán dường như chỉ có một người ngồi. Bích kêu xắp xắp, Như kêu nước, hai người không chú ý đến cuốn Menu. Lúc đó mấy học sinh mặc đồng phục bước vô cũng kêu xắp xắp và nước uống khiến cô chủ quán luýnh quýnh trở tay muốn không kịp. Hoàng Văn nói:

     - Mấy bà thông cảm quán này mới mở, nhưng bảo đảm chất lượng số dách.

     - Sao ông biết?

     - Tui biết còn rõ hơn nữa kìa. Ông già cô chủ quán tóc quăn kia là ông già bán xắp xắp quanh bờ hồ, bà ăn chưa, hử? Hoàng Văn nhìn tôi nói, “bà” này tưởng mình tôi là chúa ăn vặt, còn Như, Bích bộ không à? Tôi nguýt Hoàng Văn một cái thật dài. Hoàng Văn tiếp các bà cứ ra bờ hồ tầm khoảng ba giờ chiều thế nào cũng gặp ông già đạp xe qua, phía sau chở thùng xắp xắp, thỉnh thoảng dừng lại lấy cái kéo ra làm mấy động tác là mấy tiếng “xắp xắp” vang lên, nghe thấy là thèm. Ông già của ông già bờ hồ cũng bán xắp xắp, giờ thì chết rồi chớ trước kia bà ngoại tui ăn xắp xắp của ổng hoài, tôi nhớ bà ngoại tôi kể như vậy.

     Thì ra là một gia đình xắp xắp, vậy ngon là cái chắc. Cái gì có chữ “gia truyền” đi kèm một bên phải có gì đó hơn người, tôi nghĩ thầm như vậy. Chờ chưa tới hai phút, bốn đĩa xắp xắp được cô chủ quán tóc quăn mang ra, mấy đôi đũa thi nhau gắp, tiếng xuýt xoa hít hà vì ớt thay cho câu chuyện dở dang! Hoàng Văn mời:

     - Mấy bà ăn thêm đĩa nữa đi, hôm nay tui bao mà!

     Như:

     - Không, vậy đủ rồi, mình đi uống cà phê?

     Bích:

     - Tui phải đi đón con, con nhỏ chờ tội nghiệp.

     Vậy là rã đám, Hoàng Văn chạy xe song song với tôi một hồi rồi rẽ trái mất hút phía cuối đường. Còn lại một mình, tôi cho xe chạy chậm, nắng cuối ngày hắt những tia vàng ruộm lên những ngọn thông, chiều đang xuống. Tôi nhớ lại câu nói đùa của Như với Hoàng Văn, cái váy hoa, ừ tại sao lâu nay mình lại không sắm một cái váy hoa? Câu nói đùa của Như gợi ra trong tôi nỗi thèm khát ngọt ngào…tận ngày xưa. Tôi cho xe chạy về phía con đường shop. Không biết từ lúc nào con đường Nguyễn Văn Trỗi bỗng trở thành một con đường shop? Shop đầu tiên tôi vào không có bán váy, chỉ toàn áo khoác, áo nam áo nữ đủ màu. Tôi lơ đãng ngắm, lơ đãng săm soi vì không có ý định tìm mua một cái áo khoác. Phải váy, mà là váy hoa. Tôi qua shop thứ hai rồi thứ ba. Đến cái thứ tư tôi lạc vào một shop bán váy, ô kìa, đủ màu đủ sắc, đủ kích cỡ. Cô bé bán hàng có nước da sáng quá, má đỏ môi hồng lại nụ cười có lúm nữa mới duyên, tôi còn mê huống hồ là mấy người đàn ông? Vừa tìm một cái váy ưng ý, tôi vừa tán với con bé. Con bé nói chuyện có duyên ra trò. Vậy là chắc có khối anh mê. Con bé bắt tôi nhớ lại thuở sinh viên của mình quá chừng. Thời sinh viên tôi cũng từng đi phụ việc bán shop như nó vậy, chỉ khác là tôi làm ở Sài Gòn. Con bé mời chào tôi dữ, nó lôi nhiều cái váy hoa sặc sỡ ra cho tôi thử, nhưng tôi không ưng ý cái nào cả. Cái thì mình vải không mịn, cái thì màu mè lòe loẹt, cái thì kiểu không hạp với tôi…. Thấy tôi lựa kỹ quá, con bé bán hàng hình như càng quyết tâm bán bằng được cho tôi, nó cười thật tươi, nó nói thật khéo bằng một giọng dịu dàng nhất mà tôi từng nghe. Ôi con bé, lúc bằng tuổi nó, tôi phụ bán hàng chắc tôi chỉ bằng một nửa con bé mà thôi. Cuối cùng tôi thua trận, tôi chấp nhận mua một cái váy hoa  ưng ý nhất ngang bằng số tiền tôi có trong ví. Hình như con bé khiến tôi mụ mị, tôi quên hết cả, chỉ biết mình rất thích cái váy hoa vừa mua được. Vậy thôi! Tiễn tôi ra về, con bé cười thật tươi, chắc là một nụ cười chiến thắng:

     - Hôm nào chị ghé mua ủng hộ tiệm em nữa nghen, em là Duyến, Duyến chớ không phải Duyên đâu, chị đừng cười cái tên em nhé!

     Tôi:

     - Ô, không đâu, tên em độc đáo lắm! Em là Duyến mà nói chuyện rất duyên, phải chi em làm em dâu chị thì hay biết mấy?

     Duyến cười, nụ cười của em thật đẹp. Em đòi tôi giới thiệu cậu em tôi cho em, tôi biết cũng là chuyện đẩy đưa nhưng cũng phải đóng cho trọn vai, hết chuyện mới chịu đi về. Tối ấy tôi mặc thử cái váy hoa phối với những cái áo hiện có trong tủ để cố tìm ra một bộ đẹp nhất. Ngắm nghía mình trong gương một lúc lâu tôi bỗng thấy trong mắt mình hình như có một điều là lạ? Tôi nhìn kỹ, đúng, một nét buồn. Kệ, hôm nay tôi có một ngày vui.

Đêm tôi nằm mơ thấy mình mặc chiếc váy hoa. Đêm thứ hai tôi nằm mơ thấy mình mặc chiếc váy hoa, một lúc sau váy hoa bỗng biến thành váy trắng! Đêm thứ ba tôi lại nằm mơ thấy mình mặc chiếc váy hoa, lần này chiếc váy hoa vẫn chỉ là chiếc váy hoa. Tôi hơi tư lự, quái sao đêm nào cũng mơ thấy mặc váy hoa? Chắc là mình chưa mặc nên mơ? Mà mặc váy hoa phải có dịp chứ đâu thể tùy tiện? Chí ít cũng trang điểm hơi kỹ một chút, tôi thích vẽ một nét lông nheo ở cuối mí trên, bao giờ cũng vậy. Tiếp theo là đầu tóc phải đi tiệm, tôi thích chải tóc theo kiểu lai một chút Hàn, một chút thôi chứ cứ y chang như mấy cô Kim thì chán chết. Và như vậy phải đi tắc xi chứ không thì uổng cái đầu tóc lắm (và uổng cả tiền nữa). Vậy mà tôi có dịp mặc chiếc váy hoa ấy thật, lại không tốn tiền tắc xi mới thật là cừ. Nguyên lấy vợ, hắn đãi ở sảnh Công đoàn, sát nách cơ quan thì can cớ gì phải đi tắc xi cho tốn tiền, còn vụ đi làm đầu thì xuống tiệm con bạn cách cơ quan chừng cây số, biểu nó chở chạy lụi về chắc không gặp xui đâu? Mà đúng vậy thật, chuyện ăn cưới diễn ra y như kịch bản, cái kịch bản được thai nghén và sắp đặt từ mấy hôm trước với Bích và Như, lần này có thêm “bà” Hoàng Văn, Hoàng Văn cũng tham gia ra trò nhưng toàn nói tào lao, Hoàng Văn xung phong chở tôi về nếu bạn tôi bận. Nó bận là cái chắc, thợ làm tóc mấy khi rỗi rãi nhất là có tay nghề cao như Sính? “Bà” này được đấy, tôi thầm khen Hoàng Văn.

Đám cưới vui, tôi vui, nhiều ánh mắt nhìn về phía tôi, trong đó chắc có không ít ánh mắt ghen tị, tôi biết. Nhưng chí ít cũng có một cặp mắt không phải vậy, nghĩa là của một người đàn ông, tôi liếc mắt về người đó, anh ta cứ nhìn tôi dường như hâm mộ tôi lắm và miệng thì cứ cười cười. Tôi đi vô tiệc từ cổng hoa, tôi ký tháu ở trên góc trái cuốn sổ, cái này cứ như một thói quen, nhàm thật. Tại sao phải cứ ký chứ, sự thật trần trụi người ta cần là bên trong cái bì thư, nhưng vẫn phải diễn trò tình cảm, không biết số phận những cuốn chữ ký kỷ niệm tiệc cưới sẽ đi về đâu? Thôi thì cũng phải màu mè một chút, cuộc sống vốn vậy mà. Tôi từng dự một tiệc cưới mà không phải ký, thay vào đó là dấu vân tay nhiều màu sắc tạo thành một đám lá cây cổ thụ, gốc và cành được in sẵn. Cũng hay, tôi nghĩ như vậy lúc lăn ngón tay trỏ của mình một màu hồng phấn trên trang giấy trắng, lá cây của tôi nằm ở cành cuối cùng, chắc là một chiếc lá già sắp rụng? Ừ cũng gần chạm đến tuổi “băm” rồi, già chớ còn gì nữa! Già, kệ ai mà chả già, cứ vui lên đi, đời còn nhiều cay đắng lắm.

     Tôi ngồi bàn cạnh sân khấu, đang ăn bỗng thấy gai gai. Tôi quay lại, bắt gặp đôi mắt nhìn của anh chàng lúc nãy. Tự nhiên tôi cười mỉm, dù chẳng quen, anh ta gật đầu chào, chắc là chào tôi, tôi nhìn quanh và xác định như vậy. Làm quen chắc, tôi nghĩ, trong đám đông xô bồ này, kiểu làm quen ấy không biết có thành công không, nhưng “cổ điển” là cái chắc. Bỗng dưng tôi thấy tôi nhẹ nhàng hẳn, ăn rón rén cứ như …mèo. Tiệc tan, tôi, Bích, Như kéo nhau ra về. Lúc ra đến cổng tôi gặp Hoàng Văn, Hoàng Văn đang đi với anh chàng lúc nãy. Hắn làm một màn giới thiệu cũng ra vẻ lắm. Xong hắn nói:

     - Hay là mình đi hát karaoke, đằng nào sếp cũng cho nghỉ chiều nay rồi, không đi thì phí?

     Tôi:

     - Ông bao há?

     - Chuyện nhỏ như con thỏ trên bãi cỏ, quán Cỏ May nghe, anh Phúc lên xe em chở.

     Đã lâu tôi không hát hò, hôm nay có tí bia nên khi Hoàng Văn rủ đi hát tôi cảm thấy hứng khởi. Cả bọn lên xe đi theo Hoàng Văn, quên mất mũ bảo hiểm sẽ làm hư tóc, kiểu tóc Kim Huyn Bi (tôi ở nhà tên Bi, còn Kim Huyn chẳng biết họ cô gái Hàn nào nữa!) của tôi chắc tan nát rồi. Tôi quên mất chuyện đó nên khi vào quán, tôi xổ ngay tóc ra, trở lại với món tóc loăn xoăn màu hạt dẻ thường ngày tuy có chút rối tung.
 
     Tan hát. Hoàng Văn mời tôi và Phúc vào cà phê Bích Câu. Bích Câu là một quán tôi chưa vô, nghe nói cũng hay hay, là tôi nghe Như kể vậy. Cà phê Bích Câu quả là hay, ngồi ngoài quán ngắm những cánh cò bay lượn săn bắt cá, ngắm hàng hoa kim châm vàng rực một góc hồ và nhất là âm nhạc, thứ nhạc mơ hồ như thật như không chứ không phải mấy bài tôi hát ban nãy. Đang mơ màng tôi nghe Phúc hỏi:

     - Cô Lan uống gì, cậu này đang chờ?

     Tôi giật mình, quả thật tôi hơi đoảng, tôi bèn nở một nụ cười:

     - Một ly cà phê sữa đá, ít sữa thôi.

     Trời chạng vạng tối tôi mới về đến nhà. Tôi ân hận một chút khi cả một ngày dành riêng cho mình bỏ quên mất nhiệm vụ. Vừa làm việc nhà tôi vừa hát, những bài tình ca. Ô sao hôm nay tôi ngạc nhiên tôi quá vậy, mấy bản nhạc có từ hồi …cổ tích, lúc ấy tôi còn ở trong một thế giới hư vô nào đó, mà bây giờ tôi bắt gặp mình say sưa hát. Hóa ra tôi hát những bài trong quán Bích Câu.

     Tôi trở lại quán Bích Câu nhiều lần, trong những lần sau không có Hoàng Văn, không có Bích hoặc Như, chỉ mình tôi và…Phúc, cái anh chàng im lặng không chút ấn tượng lần đầu tôi gặp! Quả là điều kỳ lạ, đàn bà trong nhiều chuyện bao giờ cũng rủ rê cả đám bạn, vậy mà trong chuyện tình cảm lại chỉ một mình! Tôi và Phúc thường ngồi trong một góc vườn có mái che, cạnh bụi tường vi. Mùa thu, tường vi nở, cánh hoa hồng nhạt trong đám lá xanh e ấp …như tôi vậy. Nghĩa là tôi im lặng, đúng hơn là tôi ít nói, còn Phúc cũng vậy, cả hai hay để những khoảng không của hai người cho âm nhạc lấp đầy. Những bản nhạc tình sao bây giờ tôi thích như vậy chứ, hay chính những bản nhạc đó đã nói hộ tâm sự của tôi? Tôi chưa hiểu Phúc lắm, bởi Phúc cũng ít nói, nhưng đôi khi tôi vô tình chạm vào tia nhìn của Phúc, tôi đọc trong mắt Phúc cả một khoảng trời đam mê cháy bỏng. Dưới mắt nhìn của Phúc, tôi như bé nhỏ dại khờ và tôi thường lảng tránh cặp mắt rực lửa của Phúc.  

     Như và Bích theo hỏi tôi đủ điều về những cuộc đi chơi cặp đôi giữa tôi và Phúc, tôi thường nói lảng qua chuyện khác. Chắc hai người thầm thì với nhau chuyện của tôi, mặc kệ tôi không để ý đến hai “gã” bạn thân, tôi dành thì giờ cho mình và đôi khi bắt gặp mình đang thả hồn vào tận đẩu tận đâu. Không như Bích và Như, Hoàng Văn bỗ bã hơn nhiều, hắn hỏi thẳng tôi không chút ngượng:

     - Ê, chuyện tình của bà với ông Phúc đến đâu rồi, chừng nào cưới?

     Tôi hơi bực Hoàng Văn, hắn xộc vào chuyện riêng tư tình cảm của tôi mà không thấy quá đáng sao, như khi nhìn thấy hắn đang hả hê kiểu như con nít tôi lại thấy buồn cười đành trả lời vu vơ “chưa tới đâu cả”. Vậy mà câu trả lời ấy lại khiến hắn cười ha hả “chưa tới đâu là sao, công trình tôi vun vén bộ hai người định bỏ qua sao?”. Công trình gì của hắn, tôi tò mò quá, tôi dò hỏi bằng nhiều đòn phép, cuối cùng Hoàng Văn cũng thổ lộ:

     - Bộ bà tưởng tự nhiên gặp ông Phúc à. Ông anh họ vợ tui là một người nhút nhát, ba mươi tuổi mà chưa có một mảnh tình vắt vai. Tui định giới thiệu bà cho ông Phúc, nhưng biết bà khó tính, còn ông Phúc vừa nhát cũng vừa khó tính… như bà, cứ bắt tui làm sao coi mắt bà trước rồi mới nói chuyện tiếp theo. Biết mấy bà thích ăn xắp xắp, tui “thiết kế” một kịch bản xin nhập hội, bà nhớ một người ngồi trong góc quán đó không, là ông Phúc đó!

     Tôi tức đến muốn thở không ra hơi, ôi cái thằng cha trời đánh là Hoàng Văn, tôi đâu phải là người ế ẩm gì mà phải làm như vậy chứ? Thấy tôi mím môi, Hoàng Văn giả lả. “Tui xin lỗi bà, nếu bà phật ý thì tui ngàn lần xin lỗi, cũng là tại tui có ý tốt cho hai người, bà tin đi tui không có ý gì xấu xa đâu, tui xin thề đó”. Và Hoàng Văn thề thật, đã vậy tôi chỉ còn cách cười trừ, tôi dọa “lần này tui cho qua, lần sau là biết tay tui đó”. Hắn bẻm mép chẳng có lần sau đâu, tui tin một ông Phúc là quá đủ cho bà và ngược lại. Nói xong hắn đi mất để mình tôi ngồi im tư lự. Chính lúc đó Phúc xuất hiện, anh cười:

     - Gần năm giờ rồi, anh đến rủ Lan đi cà phê, Bích Câu nhé?

     Bích Câu à, không! Nhưng tôi vẫn đứng dậy đi theo anh. Phúc nói tiếp Lan gởi xe lại đi, sáng mai anh chở Lan đi làm, giờ mình cà phê Bích Câu nghe? Tôi ngồi sau lưng anh, tôi nói em muốn mình đến một con đường vắng. Đường vắng để làm gì Phúc hỏi, tôi nói thôi được, anh cho xe chạy ra bờ hồ, chỗ bãi cỏ trước chùa Quán Thế Âm, em có chuyện nuốn hỏi anh. Vậy mà khi ngồi bệt cùng anh xuống bãi cỏ, tôi im lặng, bên kia cà phê vườn Bích Câu nhạt nhòa trong nắng hoàng hôn. Phúc cũng im lặng, một lúc sau anh hỏi:

     - Em có chuyện gì à?

     Lần đầu tiên Phúc gọi tôi bằng em, tôi chưa có một phản ứng nào thì hai bàn tay Phúc đã nắm hai cánh tay tôi, Phúc xoay người tôi về phía anh rồi Phúc nói:

     - Anh yêu em, em làm vợ anh chứ, Lan?

     Đôi mắt Phúc rực lửa nhìn tôi, tôi cháy bỏng trong tia nhìn của Phúc và cũng nhìn thật sâu vào mắt anh, nhưng tôi vẫn nói:

     - Em là Lan Hương!

     - Với anh, em mãi mãi là Lan, một loài hoa mà anh yêu nhất!

     Chiều ấy trong gió hiu hiu thổi, trong không gian gây gây lạnh ở bờ hồ, tôi mụ mị trong đôi vai vạm vỡ của Phúc. Tôi dựa vào vai anh, Phúc hỏi em yêu anh chứ, Lan. Tôi không trả lời Phúc, tôi nhìn vào mắt anh thật sâu. Phúc nói tiếp:

     - Em làm vợ anh chứ, vợ một người bán xắp xắp em có dám không?

     Dám không ư? Điều gì mà tôi không dám chứ, nhưng sao lại có… xắp xắp trong này? Tôi ngạc nhiên hỏi, Phúc cười:

     - Ừ thì anh là người bán xắp xắp mà, xắp xắp em ăn bữa Hoàng Văn dẫn vào quán Yume++ của anh đó, nhớ chưa, em thấy có ngon không?

     Không chờ tôi hỏi tiếp, Phúc kể tiếp:

     - Nhà anh có nghề bán xắp xắp gia truyền từ hồi ông nội anh lận. Từ nhỏ, anh đã phụ mẹ làm xắp xắp nên biết bí quyết làm món này, nhất là pha nước mắm. Lớn lên đi học, anh học khoa quản trị kinh doanh, ra trường, mộng học hành vẫn còn thôi thúc, anh học tiếp lên cao học. Lấy tấm bằng thạc sĩ loại khá nhằm lúc kinh tế suy thoái, xin chỗ làm không được, anh nằm nhà chờ thời. Hôm đó ba anh bệnh đột xuất không đi bán được mà hàng thì đã làm rồi, anh do dự một hồi rồi quyết định thay ba đi bán xắp xắp dạo quanh bờ hồ. Lúc đầu ba anh không chịu, ba nói con học hành tử tế can cớ gì phải đi bán xắp xắp cực khổ như ba? Mà ba nuôi con ăn học cũng không phải để con theo cái nghề phục vụ chuyện ăn vặt của mấy đứa học trò, uổng công ba nuôi con học hành tử tế. Nhưng anh cố thuyết phục ba để anh bán thử một hôm thôi, dù sao thì anh cũng rảnh, còn ba thì đang bệnh. Không để ba phản ứng, anh lấy khẩu trang bịt mặt và đạp xe đi bán dạo. Em biết vì sao không, thương ba đã đành, anh sực nhớ anh có đọc tự truyện của một ông tỷ phú người Thái Lan về con đường làm giàu của ổng từ một số tiền rất nhỏ. Anh tự hỏi sao mình không đưa kiến thức học được để làm giàu bằng cái nghề gia truyền, mà sao cứ phải xin làm thuê cho người ta, để người ta từ chối dù mình được học hành bài bản? Em biết không, một ngày cái thùng xắp xắp của ông già anh cũng lời vài trăm ngàn đó!

     Phúc tiếp:

     - Nhưng anh không định kinh doanh kiểu ba anh đâu, ông hết bệnh anh trả lại chiếc xe cho ông già và anh đi tìm mặt bằng mở cửa hàng bán xắp xắp. Anh thuê đám sinh viên làm việc bán thời gian cho anh, anh huấn luyện kỹ năng bán hàng cho họ theo khuôn mẫu của anh, còn anh quản lý và pha chế. Cô gái tóc quăn trong quán hôm em vào là cô sinh viên anh thuê đầu tiên, chớ không như thằng Văn nói đâu. Anh lên một kế hoạch trong vòng năm năm tới anh sẽ có một chuỗi cửa hàng bán xắp xắp mang thương hiệu Yume++. Lúc đó anh sẽ lập công ty, công ty tên gì em biết không?

     Tôi ngơ ngác lắc đầu, Phúc nói công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Lan, tôi đỏ mặt phản đối liền:

     - Không được, tại sao lại Phúc Lan?

     - Vì em là một nửa của anh mà!

     - Biết đâu anh có một cô Lan nào đó thì sao?

     Đám cưới chúng tôi, phụ dâu không phải là Như mà là Duyến. Duyến là em họ Phúc, tuy bận bịu nhưng tôi vẫn để ý thằng em mặt cứ nghệt ra khi thấy Duyến lần đầu. Không biết rồi nó có đến được với Duyến không, tôi mong chúng nó không phải chịu cảnh như ông nội Phúc và bà ngoại Hoàng Văn, hôm ấy tôi đã nghe Phúc kể chuyện hai người:

     - Bà ngoại Văn thường ăn xắp xắp của ông nội anh, rồi hai người thương nhau, nhưng  ông anh không có đạo nên đám cưới không thành.

     Chuyện tình của họ bắt đầu dưới gốc Samu ở bờ hồ, chỗ ông nội Phúc bán xắp xắp mỗi chiều. Lúc ấy Đà Lạt còn thưa người lắm!

     - Đà Lạt bây giờ không phải ngày xưa, anh cũng bán xắp xắp như ông nội vậy, nhưng anh nhất định phải cưới được em, em tin không?

     Tôi im lặng gật đầu, không hiểu sao bỗng dưng tôi rất muốn biết cách pha nước mắm làm món xắp xắp ở quán Yume++ quá chừng…

Truyện ngắn: VÕ ANH CƯƠNG