Nơi hội tụ những người yêu di sản văn hoá

03:11, 22/11/2012

Với khát vọng lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá cổ truyền, các hội viên trong CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Lâm Đồng không ngừng hoạt động sưu tập, bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua bổ sung hiện vật…

CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Lâm Đồng ra đời vào ngày 12/12/2008, qua 6 năm hoạt động đã tập hợp được 63 người yêu thích, say mê với di sản văn hoá vật thể, trong đó có 38 hội viên nghiên cứu, sưu tầm cổ vật và 25 hội viên nghiên cứu chế tác đá, gỗ nghệ thuật, tạo tác sinh vật cảnh. Số đồ cổ có giá trị hội viên CLB sưu tầm được có đến gần 300 ngàn cổ vật, kỷ vật, đủ các chủng loại, đủ các thời; trong đó, rất nhiều cổ vật đặc biệt có giá trị về lịch sử và văn hoá, CLB UNESCO Lâm Đồng được đánh giá là một trong những CLB mạnh nhất nước.

Những hoạt động tôn vinh Di sản văn hoá dân tộc nhân Ngày Di sản Việt Nam
Những hoạt động tôn vinh Di sản văn hoá dân tộc nhân Ngày Di sản Việt Nam


Với khát vọng lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá cổ truyền, các hội viên trong CLB không ngừng hoạt động sưu tập, bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua bổ sung hiện vật như các nhà sưu tầm Đoàn Tám, Nguyễn Đăng Thanh, Ngô Đình Hiếu, anh Dũng, anh Phú, anh Tâm, anh Hải Nam, anh Trọng, anh Bích… Nhìn vào “gia tài” của họ, quá khứ như hiện diện. Hàng trăm bộ sưu tập từ cồng chiêng, mâm đồng, lư đồng, chén dĩa đến các vật dụng lao động sản xuất, đồng hồ, máy móc, vật dụng sinh hoạt của cư dân Tây Nguyên, cư dân Đà Lạt... đa dạng về kiểu dáng, chủng loại, phong phú về chất liệu, từ gốm sứ, đồng, sắt, gỗ, tre nứa đều được các nhà sưu tầm gom góp lại.

Chúng tôi được tận mắt chứng kiến “kho” cổ vật đồ sộ của thượng toạ Thích Viên Thanh - Trụ trì chùa Vạn Hạnh và không khỏi ngỡ ngàng về số lượng, chủng loại, thời kỳ lịch sử của từng món đồ. Chum, choé, chén, dĩa bằng gốm, mâm đồng, nồi đồng, cồng chiêng, lư hương, hàng trăm hiện vật, cổ vật như đồ đồng Đông Sơn, đồ gốm từ thời xa xưa, các cổ vật thời Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, cổ vật thời nhà Lý, Trần, Nguyễn, và cả những kỷ vật từ thời bao cấp: cày bừa, bàn ủi than, tem phiếu… Các cổ vật được trưng bày theo từng chủng loại như một bảo tàng cổ vật tại gia, đã thật sự cuốn hút người xem. “Kho” đồ cổ của nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Đăng Thanh cũng có đến con số hàng chục ngàn, trong đó nhiều thứ quý hiếm độc nhất vô nhị như ba báu vật của vua Chăm (con dao, tấm xà-rông, bộ chiêng Arap 12 chiếc). Với vị trí địa lý, lịch sử, Đà Lạt - Lâm Đồng không chỉ nằm trong vùng văn hoá Tây Nguyên giàu bản sắc mà còn là nơi giao thoa văn hoá Đông - Tây, kim cổ. Điều đó đã thể hiện qua các bộ sưu tập của các hội viên trong CLB mang đến cho người xem nhiều điều thú vị.

Không chỉ sưu tầm, trao đổi để thoả niềm đam mê, cất trong kho cho một mình mình chiêm ngưỡng, các hội viên còn chủ động phối hợp cùng các khu, điểm du lịch trong tỉnh và tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận thực hiện trưng bày bộ sưu tập của mình phục vụ khách tham quan như hội viên Hải Nam phối hợp trưng bày cổ vật tại KDL thác Prenn, hội viên Nguyễn Đăng Thanh phối hợp với KDL Đồi Mộng mơ đưa các bộ sưu tập của mình trưng bày phục vụ du khách, hội viên Ngô Đình Hiếu (thành viên Ban chủ nhiệm CLB) cũng phát huy giá trị bộ sưu tập cổ vật của mình tại KDL thác Đạm Bri (Bảo Lộc)… Từ khi thành lập đến nay, CLB đã nhiều lần tổ chức trưng bày hàng ngàn cổ vật quý, hiếm, có giá trị lịch sử, văn hoá cao với nhiều chủng loại, qua các thời kỳ lịch sử, phục vụ những sự kiện chính trị của địa phương, của đất nước như trưng bày chào mừng Ngày Di sản Việt Nam 23/11, Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Festival Hoa 2012, tổ chức trưng bày cổ vật, gỗ đá nghệ thuật phục vụ công chúng ở địa phương… Đặc biệt, hoạt động hiến tặng cổ vật có giá trị cho Bảo tàng Lâm Đồng. Mới đây, cụ Cung Văn Được - hội viên CLB UNESCO Lâm Đồng vừa hiến tặng 39 cổ vật và hiện vật có giá trị cho Bảo tàng Lâm Đồng.

Với không khí hoạt động khá sôi nổi, CLB không chỉ hội tụ được những người yêu cổ vật trong tỉnh (Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc, Lâm Hà) mà nhiều hội viên đến từ Phan Rang, Phan Thiết cũng xin gia nhập CLB, đã đem đến những cổ vật mang đặc trưng văn hoá miền biển. Để tạo nên sự gắn kết các thành viên là do CLB có một Ban chủ nhiệm gồm những người am hiểu văn hoá lịch sử, có thể kể: chủ nhiệm CLB là ông Đinh Bá Quang (nguyên là Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hoá - Sở VH-TT-DL), Phó Chủ nhiệm CLB Phạm Văn Thọ - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, và nhiều hội viên danh dự là Giám đốc Sở VH-TT-DL, cán bộ bảo tàng. Sáu tháng CLB mới sinh hoạt một lần, nhưng mỗi lần sinh hoạt thực sự là ngày hội cổ vật.

Không ngừng làm phong phú bộ sưu tập của các hội viên mình, CLB mở rộng quan hệ giao lưu trao đổi hiện vật với bảo tàng các tỉnh, bảo tàng các ngành ở TW. Nhiều người trong số họ cũng đang ấp ủ thành lập được một bảo tàng mini để giới thiệu đến mọi người những hiện vật mình đang lưu giữ với mong muốn nhằm giới thiệu đến khách tham quan trong nước và quốc tế những tinh hoa của nền văn hoá Việt Nam. Nhưng mong muốn chung và lớn nhất của các hội viên là có một bảo tàng của CLB trong không gian một biệt thự cổ Đà Lạt để trưng bày cổ vật. Đây cũng là cách thiết thực nhất để lưu giữ những di sản của cha ông ta để lại từ ngàn đời nay.

QUỲNH UYỂN