Đà Lạt ngọt ngào đêm Lệ Thu

04:11, 21/11/2012

Đà Lạt chuyển mùa se se lạnh, ngoài trời 17oC. Đêm âm nhạc của ca sĩ Lệ Thu, thành phố càng sâu đằm hơn với những cảm thức ngọt ngào mà ý vị…

Nhiều khán giả Đà Lạt mua CD của Lệ Thu và xin chữ kí kỉ niệm
Nhiều khán giả Đà Lạt mua CD của Lệ Thu (bìa phải) và xin chữ kí kỉ niệm

Đà Lạt chuyển mùa se se lạnh, ngoài trời 17oC. Đêm âm nhạc của ca sĩ Lệ Thu, thành phố càng sâu đằm hơn với những cảm thức ngọt ngào mà ý vị…

Ca sĩ Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Bà nổi tiếng tại các phòng trà ca nhạc Sài Gòn khi chưa đầy 20 tuổi. Lệ Thu là ca sĩ rất nổi tiếng, một trong những giọng ca lớn của tân nhạc Việt Nam. Đặc biệt là người trình bày rất thành công nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến... và nhiều nhạc phẩm tiền chiến, tình khúc giai đoạn 1954-1975 khác. Nhắc đến bà, khán giả sẽ nhắc đến các ca khúc vang bóng một thời, làm nên “thương hiệu Lệ Thu” như "Nước mắt mùa thu", "Ngậm ngùi", "Nửa hồn thương đau", “Hương xưa”, “Xin còn gọi tên nhau”, “Lệ đá”… Có những nhạc phẩm như bà thú nhận với khán giả Đà Lạt ngấm vào máu thịt một đời ca sĩ như “Hương xưa”, “Dạ khúc”, “Hoài cảm”…

Tối 18/11, tại Book Cafe Phương Nam Đà Lạt - đêm diễn cuối cùng trong 4 đêm diễn đầu tiên năm 2011 của bà tại Việt Nam. Bà từ Mỹ về, và diễn trước đó ở Book Cafe Phương Nam thành phố Huế, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ. Với lời dẫn và làm vai trò cầu nối của ca sĩ Đà Lạt Đình Nguyên, đêm giao lưu của Lệ Thu đưa người Đà Lạt và du khách đến với những kỷ niệm, ký ức bổng trầm thời quá vãng. Nửa thế kỷ ca hát, lưu diễn ở Việt Nam và khắp trời Âu, đất Mỹ, với bà vẫn còn ắp đầy lung linh…
     
Tại Đà Lạt, ca sĩ Lệ Thu bày tỏ lòng xúc động và cảm ơn sự mến mộ của công chúng dành cho bà. Đó cũng là yếu tố thiết yếu nuôi dưỡng giọng ca Lệ Thu theo mãi với thời gian như bà tâm sự. Chính vì vậy mà khi khán giả yêu cầu bà trình bày tác phẩm “Hoài cảm” của Cung Tiến, bà nói để hát bài này đạt hiệu quả âm nhạc cao phải có dàn nhạc đầy đủ nên “hát không tới”, nhưng vẫn chiều lòng người bà hát một đoạn. Và rồi bà “hát đền” tác phẩm “Không tên số 2” du dương huyền diệu…

Rất khéo và tinh tế, bà chủ động đến với công chúng Đà Lạt hai nhạc phẩm đầu tiên trong đêm giao lưu với tác phẩm "Như cánh vạc bay" và “Tình xa” của Trịnh Công Sơn. “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại/Cuộc tình nào đã ra khơi khi ta còn mãi nơi đây/Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ/Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa…”. Theo yêu cầu và gợi ý của Đình Nguyên, Lệ Thu trình bày rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Vũ Thành An, Nhật Bằng, Vũ Đức Sao Biển… Đó là “Chiều tím”, "Thuyền viễn xứ", "Hạ trắng", “Tà áo xanh”, “Tình ca mùa đông”, “Không tên số 2”, “Bóng chiều tà”, “Xin còn gọi tên nhau”, “Nửa hồn thương đau”, "Thu hát cho người"… Buồn đấy nhưng không bi lụy mà thật thánh thiện. Những cung bậc của nỗi niềm day dứt như buông như níu được ca sĩ Lệ Thu giãi bày đến tận cùng. Bằng rung cảm đặc biệt và kỹ năng điêu luyện của người trình bày, người nghe được thụ hưởng những thi vị ngọt ngào mà phiêu diêu. Lệ Thu hát đắm say, neo hồn với từng giai âm, thủy chung với nửa thế kỷ ca hát của bà. Tiếng hát của bà đã thực sự chạm vào những trái tim, dù nó đang thổn thức hay nó có phần lạnh lẽo. Tiếng hát đã tìm được những cộng hưởng thao thiết, bâng khuâng và phiêu bồng…
 
Thế giới thanh âm của đêm Lệ Thu - Đà Lạt đã thực sự đưa người nghe như lạc vào chiều sâu của cõi lặng, mà ở đó là những tự sự, những ý tứ của nhạc sĩ và ca sĩ chắt chiu. Chất trữ tình càng trở nên mượt mà, diệu vợi, nối kết những điệu hồn thánh thiện… Để có được hiệu ứng này, không chỉ là tài năng mà còn phải là những trải nghiệm hết mực sâu sắc của người nghệ sĩ. Bà nói: Dù trời đông hay trời tây, khán giả luôn luôn đều như nhau. Âm nhạc là một phần đời sống nên lúc nào cũng tha thiết trong tâm hồn bà.  

Cũng như nhiều chương trình trước đây, đêm của ca sĩ Lệ Thu tại Đà Lạt được chọn lựa kỹ càng những nhạc phẩm và diễn ra trong một không gian hẹp. Nhưng không chật chội mà ấm cúng, gần gũi và thân thiết giữa công chúng và người nghệ sĩ. Không gian và thời gian nghệ thuật được mở bởi chiều kích cảm thụ từ phía người thưởng thức. Những tràng vỗ tay tán thưởng càng thấy rõ điều đó…180 ghế, giá vé 300 ngàn đồng/vé nhưng không còn chỗ. Kỹ sư Hồ Thạch Sơn, một du khách từ thành phố Hà Tĩnh nhận xét: “Một đêm nhạc thú vị, không gian sang trọng. Tôi rất ấn tượng”.

Đà Lạt bồng bềnh mênh mang sau đêm diễn. Đà Lạt lắng đọng. Đà Lạt neo giữ hồn kẻ ở người đi phiều bồng và càng lãng mạn...

Minh Đạo