“Dưới vòm cây, tôi nợ” - một hành trình sáng tạo thi ca

04:11, 21/11/2012

Lê Văn Hiếu, người con của xứ tuồng đất võ Bình Định, lớn lên uống nước sông Côn đã hình thành nên bản năng thi sĩ. Nhưng thi mệnh đã âm thầm gởi trao về với đại ngàn một hồn thơ khắc khoải. Khi Lê Văn Hiếu viết bài thơ Ngàn Ngựa – một tác phẩm đoạt giải nhì cuộc thi thơ Làng Chùa năm 2007, thì những câu thơ như vó ngựa đã rơi vào số phận đất Lâm Hà...

Lê Văn Hiếu, người con của xứ tuồng đất võ Bình Định, lớn lên uống nước sông Côn đã hình thành nên bản năng thi sĩ. Nhưng thi mệnh đã âm thầm gởi trao về với đại ngàn một hồn thơ khắc khoải. Khi Lê Văn Hiếu viết bài thơ Ngàn Ngựa – một tác phẩm đoạt giải nhì cuộc thi thơ Làng Chùa năm 2007, thì những câu thơ như vó ngựa đã rơi vào số phận đất Lâm Hà. Vì sao vậy? Bởi Lâm Hà đã chọn cho mình một cư dân:

                             Đi từ xứ hát tuồng
                             Mang theo tiếng hí của ngàn ngựa
                             Gắn mình vào mỗi mầm cây
                             Hiện ra hàng đàn ngựa bạch

Để rồi bâng khuâng tự hỏi:

                              Phải chăng quê xứ tuồng
                              Gởi cho tôi ngàn ngựa?
                                                                  (Ngàn ngựa)

Và phải chăng sức mạnh của “ngàn con ngựa văn nghệ” đã chở Lê Văn Hiếu vượt qua trăm suối ngàn đèo, vất vả đi tìm Nàng Thơ?

   Từ đó “một hành trình sáng tạo mới” đã bắt đầu. Theo tôi, lý giải về “hành trình sáng tạo mới” là khi bản ngã chạm đến vô thức. “Trong các loại vô thức thì đam mê có khả năng làm nên sự sáng tạo…” (theo S.Freud). Cái đó chính là năng lượng mạnh mẽ!

Đi tìm hành trình sáng tạo, tức là đi tìm thứ năng lượng mạnh mẽ ấy thể hiện qua ngôn ngữ thi ca. Người đọc sẽ bắt gặp “Dưới vòm cây, tôi nợ” kiểu thể hiện ngôn ngữ một cách tài tình:

                                  Ngôn ngữ nào rơi
                                  Thả trong khoảng không
                                  Ta vội vàng nắm bắt
                                  Thổi một câu thơ…
                                                            (Ban mai)

Có thể nói, đây là cách làm thơ của Lê Văn Hiếu. Không gian mà nhà thơ nắm bắt chính là Ban mai. Một ban mai của vũ trụ và ban mai của tâm hồn. Điều đó nói lên đất trời Lâm Hà là vùng sinh quyển tinh khiết, thích hợp để hình thành một khả năng thơ linh hoạt. Và đó cũng là cách tri ân một vùng đất, quê mẹ thứ hai đã cho ta hạt gạo, củ khoai. Một lời ngợi ca hơn ngàn lời ca ngợi là thế!

   Và Lê Văn Hiếu tuyên ngôn:

                            Trong khi tôi làm thơ
                            Mọi chiều sống chung quanh tôi trở nên cô độc
                                                                              (Mạch sống)

Chúng ta hiểu rằng “cô độc” tức là vượt lên trên cả “cô đơn”. Tôi nhớ nhà thơ Inrasara có viết rằng “chúng ta chưa đủ cô đơn để sáng tạo…”. Được cô độc chính là được trở về với chính mình rồi, thì trong khoảnh khắc ấy người thơ mới đủ cô đơn để sáng tạo:

                           Ta nhặt đâu đó những lời ngọc
                           Luôn gõ vào nhân gian
                            …
                            Ta nở nụ cười màu nhiệm
                            Ta con đò, ta bến đợi
                            Ta làm con gái xõa tóc
                            Ta đóa sen…
                                                                        (Hoa cát)

Vâng, thơ là những lời ngọc có khi chỉ là đâu đó mà tìm kiếm cả đời ! Thơ là ta. Và ta là thơ. Là con đò, là bến đợi. Là một người con gái của tiền kiếp, là một đóa sen nhô lên từ bùn đen…Để khi đứng trước một ngọn núi lớn “đành ôm mặt rưng rưng”, mà quay về “lau cho hồn thật trong” (Đứng trước Thạch Bi Sơn). Tôi cho đây là một biến cố có công năng thay đổi tâm thế của một đời người. Sau bao nhiêu bụi đường, sau bao nhiêu khóc cười, chúng ta về tắm nước thi ca cho hồn thơ trong sáng. Muốn được như vậy là phải biết thay đổi cái nhìn:

                              Được chăng, thay một cái nhìn
                             Được chăng, thay một ý nghĩ?

Như một phận số, nhà thơ Lê Văn Hiếu vừa trải qua cơn địa chấn “thập tử nhất sinh”, khi một “tai biến về mắt” đã đến với anh. Ý nghĩ về bóng tối và ánh sáng đã ám ảnh cõi thi ca, và dư chấn là:

                               Mang đôi mắt xuống Sài Gòn để chữa
                               Hầu mong tìm lại chút ánh sáng
                               Hầu mong đẩy lùi cơn bão bóng tối
                               Con bão muốn lèn vào những rò rỉ…
                                                                    (Thay cái nhìn)

Phải nói rằng nhà thơ tài năng vẫn tài hoa trong cả những hoạn nạn. Nhưng cái chính là hoạn nạn để được thay một cái nhìn!

Kể từ cái nhìn này, sự chuyển biến về tâm càng thấy rõ trong thơ anh:

                               Ta và thơ cùng ở trọ xứ người
                               Bạn bè quanh đây lại trọ về quê xứ khác
                                Đi và đi và đi mải miết
                                Hiện hữu một kiếp người còn trọ cõi xa xa…    
                                                                        (Ở trọ)

Khi nhận ra tất cả là quán trọ khiến Lê Văn Hiếu hốt hoảng:

                                Ta muốn chạy ùa về tháp cổ
                                 Để khỏi làm người
                                 Bội phản phải không em?   
                                                                           (Về tháp cổ)

Và trong cuộc trốn chạy bất an ấy, đã tự hỏi mình rằng:

                                 Nói chuyện với đất và không khí
                                 Ta có là người - ma quỉ không?                                                    
                                                                          (Độc thoại)

Đây là cuộc nói chuyện vừa độc thoại vừa đa thoại, tâm ảnh ẩn hiện vô thường. Nếu không biết “vin câu thơ mà đứng dậy” người thơ sẽ “tẩu hỏa nhập ma” thơ. Nhưng nhờ sống hết mình cho thơ, khả năng sáng tạo còn bền bỉ, Lê Văn Hiếu đã biết lặng lẽ quay về tự tâm:

                                 Ta co rút về góc riêng của mình
                                 Và thắp lên ngọn lửa nhỏ
                                                                (Biến tấu đêm)

Một ngọn lửa nhỏ thôi, cũng đủ sưởi ấm trái tim băng giá. Và tác giả đã thay đổi cái nhìn, đã nhận ra cuộc đời tuyệt đẹp:

                                  Anh xâu tiếng chim
                                  Như xâu từng khúc hát
                                  Nó ngợi ca cuộc đời này
                                  Đáng sống phải không em?
                                                            (Nghe cả tiếng chim)

Niềm lạc quan yêu đời là cách nhận thức cõi thơ. Ấy là chặng đường khó nhọc mà bất cứ người cầm bút nào cũng phải trải qua. Dẫu chặng đường thi ca còn gập ghềnh, còn bàng bạc trong thơ Lê Văn Hiếu, và tập thơ “Dưới vòm cây – tôi nợ”, còn nhiều điều để khám phá, nhưng chúng ta hãy lắng lòng để nghe từng cung bậc cảm xúc, từng tiếng huyền lung linh…

(Đọc Dưới vòm cây, tôi nợ, thơ Lê Văn Hiếu, NXB Hội Nhà văn 2012)

NGUYỄN THÁNH NGÃ