Cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là tôi lại luôn nhớ về hai người thầy mà suốt đời tôi không thể nào quên – đó là Bác Hồ kính yêu và cha tôi.
Cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là tôi lại luôn nhớ về hai người thầy mà suốt đời tôi không thể nào quên – đó là Bác Hồ kính yêu và cha tôi.
Tôi luôn nhớ đến lời người thầy thứ nhất chính là Bác Hồ vĩ đại dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nên tôi chọn ngành sư phạm.
Người thầy thứ hai là cha tôi. Cha tôi vừa là thầy giáo ở trường, vừa là thầy giáo ở nhà. Cha dạy tôi từ những bước đi chập chững đầu đời… Cha dạy tôi bước vào đời vững vàng để không vấp ngã. Dạy tôi nắn nót từ chữ i tờ đầu tiên, dạy tôi đọc hai tiếng Bác Hồ khi bập bẹ nói.
Mỗi khi tôi sai hay mắc lỗi gì, cha tôi luôn nhắc nhở tôi bằng câu nói: “Bác đã dạy con phải…” hoặc là “Bác đã nói…”… Cha tôi luôn gắn liền với hình ảnh của Bác và những công việc hàng ngày. Chẳng hạn như lúc tôi đã ra trường đi dạy nhưng cha tôi vẫn bảo ban: “Con phải cần học thêm nhiều qua nghiên cứu sách vở, kiến thức là kho vàng vô tận con ạ!. Bác Hồ dạy: “Học, học nữa, học mãi” con nhớ không?
Khi tôi được bổ nhiệm hiệu phó một trường tiểu học, gặp nhiều khó khăn trong công tác, tôi do dự muốn nghỉ làm thì cha tôi lại động viên khích lệ Bác Hồ đã dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí cũng làm nên”. Vậy đấy, thời gian cứ qua đi nhưng mỗi khi đến ngày nhà giáo là nỗi nhớ về Bác Hồ và cha tôi lại ùa về trong tôi dày đặc. Những lời nói của Bác Hồ, những lời khuyên dạy của cha đã là ngọn lửa thôi thúc để tôi có đủ can đảm và nghị lực vượt qua mọi sóng gió đời thường mà vững chân trong ngành giáo dục hơn. Hai mươi năm qua, góp phần giảng dạy ươm những mầm non trí tuệ cho tương lai đất nước đẹp giàu hơn, văn minh hơn, tiến bộ hơn…
Lý Thị Minh Khiêm