Hoa dzã quỳ Tây Nguyên

04:11, 28/11/2012

Có rất nhiều người viết về hoa dã quỳ, một loài hoa hoang dã của Tây Nguyên. Riêng tôi, sống ở Cao nguyên từ thuở còn là một cậu học sinh mà chưa viết được chữ nào. Nghĩ cũng tệ thật! Song không phải thế...

Có rất nhiều người viết về hoa dã quỳ, một loài hoa hoang dã của Tây Nguyên. Riêng tôi, sống ở Cao nguyên từ thuở còn là một cậu học sinh mà chưa viết được chữ nào. Nghĩ cũng tệ thật! Song không phải thế. Hoa dã quỳ của riêng tôi, tự ngấm vào tôi thì phải chờ đợi cái giây phút “bật nở” của tâm hồn thênh thang nắng gió hoang nguyên, mới bắt được một thứ rung cảm nồng nàn, trọn vẹn nhất trong cái sắc mạ vàng ám ảnh bầu khí hậu của tâm trí tôi.

Hoa cúc quỳ. Ảnh: PVE
Hoa cúc quỳ. Ảnh: PVE


Quả có thế. Riêng sắc rực vàng không thôi, thì tôi không đủ ngôn từ để diễn tả rồi. Chỉ biết rằng nó nao nao, xao xuyến một cách lạ kỳ, bâng khuâng bồng bềnh một cách lạ kỳ. Và thương, và gợi bao điều từ mùi thơm hăng hắc hoang sơ. Dã quỳ không biết ai gọi tên từ bao giờ, và nó đến từ đâu tôi không hề để ý, nhưng tôi thích gọi là “dzã quỳ” hơn… và chắc chắn nó là một cái gì đó rất hoang dại, rất Tây Nguyên mà nếu thiếu nó sẽ mất đi cái khí sắc miền cao này. Người Tây Nguyên gọi nó là “hoa báo nắng”. Khi dzã quỳ nở là dứt mưa, nắng vàng trời hanh lành lạnh, báo hiệu sắp hết năm, Tết đến Xuân về…

Dzã quỳ là loài cây phát tán mạnh mẽ, thân lá xanh đậm, vị đắng hắc mà hoa thì nồng ấm ngọt ngào. Nếu dzã quỳ không có hoa sẽ chẳng ai nói đến. Hoa dzã quỳ đối trị với cái hanh hao, se sắt của tiết trời âm u xám ngắt của mùa đông, khiến nó rực lên giữa cuộc sống hoang dã. Nó như những đoá hoa trời, những nàng tiên của Tây Vương Mẫu rắc xuống quanh sườn núi, đem lại ngọn lửa cho những ngày đông giá. Trẻ con Tây Nguyên, nhất là các nàng sơn nữ thường giắt lên mái tóc lăn quăn, bồng bềnh vài đoá dzã quỳ trang điểm. Một nét đẹp đơn sơ giữa núi rừng, bên bờ suối trong veo róc rách quyện với tiếng hát gọi tình sẽ là hình ảnh đẹp nhất mà thời nay khó bắt gặp. Vì những đặc điểm ấy, mà dzã quỳ vô hình trung đã trở thành nỗi nhớ trong tâm thức núi bao la. Nhớ nôn nao, nhớ thao thiết, và nhớ rưng rức cõi lòng người xa núi xa rừng. Sao dzã quỳ không nở ra màu gì khác, mà vàng rực thế kia? Màu như chiếc áo du tăng trải bên đường tĩnh toạ, màu như dải nắng chiều còn sót lại trước hoàng hôn. Màu như ngọn lửa thắp trong lòng những cư dân nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc…Ôi cái màu cao sang mà dân dã, thứ màu gần gụi với bãi bờ, ruộng nương luôn muốn tôn vinh con người và mặt đất!

Thử hỏi ai không yêu, không nhớ?(!)

Dzã quỳ là vậy đó. Là tâm trạng, là số phận một vùng đất. Người ta hái lá dzã quỳ để tắm ghẻ cho trẻ con, người ta chặt thân cây để ủ mạ, làm phân bón vì một thứ nhiệt lượng ghê gớm toả ra từ nó. Và cuối cùng người ta ngắm nó để cân bằng âm dương, để thấy lòng ấm lại khi những đợt gió bấc thổi về làm se sắt bao nhiêu loài cây khác. Nó là niềm an ủi cho những ai cô đơn và bị ghẻ lạnh. Nó là chiếc áo mặc cho bao ngọn đồi trọc khỏi bị xói mòn khi bước chân du canh du cư vừa đi qua. Ngày nay, nó điểm xuyết cho những villa, biệt thự làm nên những thành phố trong rừng. Đẹp và thơ mộng một cách hoang dã, tự nhiên…

Nhưng cây dzã quỳ cũng như cây đót hoang dại, có nguy cơ bị tuyệt chủng bởi nạn phá rừng tràn lan. Ngày nào Tây Nguyên còn rừng thì còn hoa dzã quỳ. Tuy nhiên, sẽ ngày càng ít đi những vạt dzã quỳ bạt ngàn vắt ngang những sườn núi, triền đồi Tây Nguyên. Cái đẹp đã bị lấn át một cách bạo liệt! Nhiều người yêu loài hoa dzã quỳ đã lên tiếng cảnh báo. Vì sao vậy? Vì họ biết hoa dzã quỳ là biểu tượng của Tây Nguyên, nếu mất hoa dzã quỳ, Tây Nguyên sẽ chẳng còn gì để nói. Một loài hoa đẹp, mạnh mẽ và hoang dại, không mất tiền mua. Nhiều áng văn chương, hội hoạ, hình ảnh về dzã quỳ đã làm đắm say lòng người, thì không lý gì hoa dzã quỳ không được bảo vệ. Nó phải được bảo vệ một cách tự nhiên như nó đã từng có, cũng có nghĩa là phải bảo vệ những khu rừng nguyên sinh, những lá phổi của Tây Nguyên.

Tôi nghĩ, qua những nét đặc thù như vậy, hoa dzã quỳ xứng đáng là loài hoa đẹp của Tây Nguyên, nói gì thì nói, nó vẫn là một trong các loài hoa đẹp nhất, không đài các cao sang thì cũng là “Đế vương dân dã”, có thể sánh ngang với nhiều loài hoa kiêu sa trong chậu kiểng nuôi trồng và bán lấy tiền.

Tây Nguyên mùa đông thiếu hoa dzã quỳ, như người nghèo không mặc áo. Thật đáng thương và tội nghiệp. Cũng may, đó chỉ là những dự báo trước cảnh tàn sát rừng dã man của những người kém hiểu biết. Tây Nguyên vẫn còn đầy hoa dzã quỳ hoang dại, làm nức lòng bao du khách ghé thăm và ghi lại những kỷ niệm sâu sắc…

Tản văn: Nguyễn Thánh Ngã