Một bài thơ hay của V.Fyodorov

02:11, 07/11/2012

Vasili Fyodorov có nhiều bài thơ được bạn đọc trên đất nước Xô viết yêu thích. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này tôi muốn giới thiệu một bài thơ hay của Vasili Fyodorov về sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và thế hệ mình. Đó là bài Có thể chúng ta đã chóng già

Vasili Fyodorov là một trong những nhà thơ Xô viết nổi tiếng. Ông sinh năm 1918 trong một gia đình công nhân tại khu luyện thép và khai mỏ Kemerovo, trung tâm Siberia. Nhà thơ đã học qua Trường Trung cấp Kỹ thuật hàng không ở Novosibirsk, làm kỹ thuật viên, đốc công, rồi làm giám đốc một xưởng máy. Vasili Fyodorov bắt đầu in văn xuôi năm 1944 trên một tờ báo công nhân và ba năm sau ra mắt tập thơ đầu tay. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Văn học Matxcơva năm 1950. Ông là người đã sáng tạo ra hình thức thơ văn xuôi trong thơ Nga hiện đại. Sự nghiệp văn chương của Vasili Fyodorov đã được ghi nhận xứng đáng. Ông đã hai lần được trao tặng Giải thưởng Quốc gia Liên Xô về văn học.

Vasili Fyodorov có nhiều bài thơ được bạn đọc trên đất nước Xô viết yêu thích. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này tôi muốn giới thiệu một bài thơ hay của Vasili Fyodorov về sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và thế hệ mình. Đó là bài Có thể chúng ta đã chóng già
                                   
Có thể chúng ta đã chóng già
Chúng ta đã hoa râm quá sớm
Với tất cả lương tâm chúng ta thú nhận
Chưa thật lòng, thẳng thắn trước cha anh
Rằng không phải đã tiếp thu từ họ thiên đường
Mọi sung sướng, khổ đau
Chúng ta đều nếm đủ.

Ôi! Còn cần biết bao nhiêu sức lực thanh xuân
Để chúng ta có thể sẵn sàng
Trước những đổi thay nặng nề, dữ dội
Đứng vững trước bão giông thế giới.

Xuyên qua biển mặn
Của máu bao người
Nước mắt, mồ hôi…
Con đường ta đã đi
Từ sách tập đánh vần
Đến chuyến bay vũ trụ.

Mặc cho kẻ thù xuyên tạc đủ thứ
Mặc chúng tiên đoán về sự lãng quên
Những thế hệ con em
Sẽ còn nhắc về chúng ta mãi mãi.
                                                1961
                                                   Phạm Quốc Ca dịch từ tiếng Nga
(Ngày Thơ 1956 – 1980, Nxb Hội Nhà văn Xô viết, Matxcơva, 1980).

Bài thơ thấm nhập vào trái tim người đọc trước hết là bởi sự chân thành. Nhân danh thế hệ mình, một thế hệ đã nếm trải những khắc nghiệt, với cảm hứng nhìn thẳng vào sự thật đời sống cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Vasili Fyodorov đã đem đến cho người đọc cái mà hôm nay ta gọi là đổi mới tư duy thơ.

Chào đời một năm sau Cách mạng tháng Mười Nga, Vasili Fyodorov đã cùng thế hệ mình và nhân dân Xô viết trải qua những năm tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới thời Stalin. Sau đó là chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức với sự tàn phá khủng khiếp và sự hy sinh xương máu của hơn hai mươi triệu người Xô viết. Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng đã đưa nước Nga từ chỗ là nông thôn của Châu Âu trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, dân chủ xã hội và quyền tự do của con người đã có lúc bị vi phạm thô bạo. Chúng ta có thể hình dung ra mặt trái của xã hội Xô viết khi đọc các tiểu thuyết: Tuổi trẻ phố Arbat (Rybacov); Quần đảo Gulac, Một ngày trong đời của Ivan Denisovich (Sonjenytsyn). Vasili Fyodorov đã không quá lời khi viết những dòng thơ mang tầm khái quát về sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô:

Xuyên qua biển mặn
Của máu bao người
Nước mắt, mồ hôi…
Con đường ta đã đi
Từ sách tập đánh vần
Đến chuyến bay vũ trụ.

Phía sau những câu thơ là tinh thần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Sự thật là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã làm nên những thành tựu vĩ đại khiến loài người phải thán phục mà tiêu biểu là thành tựu chinh phục vũ trụ. Nhưng đồng thời còn có cả “mặt trái của tấm huân chương”. Và thái độ của nhà thơ là không né tránh sự thật:

Với tất cả lương tâm chúng ta thú nhận
Chưa thật lòng thẳng thắn trước cha anh
Rằng không phải đã tiếp thu từ họ một thiên đường
Mọi sung sướng, khổ đau
Chúng ta đều nếm đủ.

Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, dòng chủ lưu của văn chương Xô viết và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây tập trung ca ngợi những gì mà cách mạng đã làm được với cảm hứng lãng mạn. Điều đó đã tạo nên men say, sự hứng khởi trong lòng bạn đọc nhưng cũng đồng thời làm cho văn chương khá xa sự thật đời sống. Trong khi chủ nghĩa xã hội chỉ mới là mục tiêu hướng tới và mới có những thành tựu bước đầu thì một thời ở Liên Xô người ta cố chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội đã là thực tế, nhân dân đã có một cuộc sống hạnh phúc như ở thiên đường. Đây là một bi kịch xét về phương pháp tư tưởng. Nửa thế kỷ trước Vasili Fyodorov đã nói to lên điều này ở trong thơ.

Bài thơ thể hiện một điều đáng quý là ý thức tự nguyện gánh vác sự nghiệp cách mạng. Vasili Fyodorov đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ rất thành công. Đó là dùng sự chóng già của con người để nói về sự giảm sút nhiệt tình cách mạng, sự thoái hoá của xã hội:

Có thể chúng ta đã chóng già
Chúng ta đã hoa râm quá sớm

Với cảm hứng tự phê phán, lời thơ có giá trị thức tỉnh. Chúng ta ở đây không chỉ là để nói thế hệ nhà thơ mà còn nói về tất cả những người Xô viết. Lời thức tỉnh đó đi kèm với lời báo động:

Ôi! Còn cần biết bao nhiêu sức lực thanh xuân
Để chúng ta có thể sẵn sàng
Trước những đổi thay nặng nề, dữ dội
Đứng vững trước bão dông thế giới.

Đọc những dòng thơ Vasili Fyodorov viết từ năm 1961 của thế kỷ trước ta nghĩ tới khả năng tiên tri của văn chương. Thật đau đớn và xót xa khi Liên bang Xô viết đã tan vỡ ba mươi năm sau đó.

Bài thơ còn thể hiện lòng tự hào vô hạn về thế hệ mình, về nhân dân Xô viết và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ một đất nước đa số là nông dân, ít chữ, thậm chí là mù chữ, nước Nga đã vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại mà tiêu biểu là thành tựu đưa con người vào vũ trụ. I.Gagarin và chuyến bay trên tàu Phương Đông I của anh vào năm 1958 đã trở thành niềm tự hào vô hạn của nhân dân Liên Xô. Nhà thơ đã nhắc đến chuyến bay vũ trụ như một biểu tượng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa:

Con đường ta đã đi
Từ sách tập đánh vần
Đến chuyến bay vũ trụ.

Từ sách tập đánh vần đến chuyến bay vũ trụ  là cách nói thật sáng tạo: dùng cái cụ thể để nói cái trừu tượng. Chỉ dùng hai sự vật, hiện tượng trong thế so sánh nhà thơ đã nói lên sự thay đổi lớn lao, kì diệu của cách mạng.

Bài thơ kết thúc với những lời khẳng định mãnh liệt cách mạng xã hội chủ nghĩa và thế hệ mình. Điều kì lạ là đọc những dòng thơ này chúng ta như thấy nó được viết vào thời điểm Liên Xô đã tan vỡ:

Mặc cho kẻ thù xuyên tạc đủ thứ
Mặc chúng tiên đoán về sự lãng quên
Những thế hệ con em
Sẽ còn nhắc về chúng ta mãi mãi.

Theo chúng tôi, đây là một trong những bài thơ trữ tình chính trị rất hay do được viết từ trái tim rất mực chân thành, đúng như thi hào Nga Xô viết Maiacovski từng tâm niệm:

Chuyện cách mạng, chuyện đất nước vang lên
Hay chính chuyện của con tim tôi đó.

Khánh Thi