Nhân sinh quan sâu sắc trong truyện ngắn “Thi Nhân” của Chu Bá Nam

04:11, 28/11/2012

Một sự tình cờ đã cho tôi cái duyên được đọc truyện ngắn “Thi Nhân” của nhà văn Chu Bá Nam. Truyện vừa đăng trên báo “Lâm Đồng cuối tuần” số 107, ra ngày 20/10/2012. Câu truyện đã cuốn hút tôi ngay từ những dòng đầu tiên...

Một sự tình cờ đã cho tôi cái duyên được đọc truyện ngắn “Thi Nhân” của nhà văn Chu Bá Nam. Truyện vừa đăng trên báo “Lâm Đồng cuối tuần” số 107, ra ngày 20/10/2012. Câu truyện đã cuốn hút tôi ngay từ những dòng đầu tiên. Nó như một cơn gió lạ trên văn đàn nghệ thuật tỉnh nhà. Lại một sự tình cờ khác nữa để tôi được gặp nhà văn ngay sau khi truyện vừa đăng tải được vài hôm, nghe ông nói mấy hôm nay ông liên tục nhận được nhiều cuộc gọi đến của các bạn bè thân hữu gần xa. Họ cứ xuýt xoa: “Thi Nhân” hay thật, lạ và độc đáo lắm, đề cập đến nhiều vấn đề thực tế nóng hổi.”! Quả vậy, những nhận định đó không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, trong bài viết hạn hẹp này tôi chỉ xin đưa ra đôi điều độc đáo nhất trong tác phẩm để chúng ta cùng suy ngẫm.

Góc nhỏ Đà Lạt. Ảnh: Trường Thi
Góc nhỏ Đà Lạt. Ảnh: Trường Thi

Thoạt nhìn, ta sẽ nhận thấy giọng văn của truyện ngắn “Thi Nhân” thật mới lạ và độc đáo, khác xa lối viết cũ. Chu Bá Nam không viết một cách chân thật đến mức sáo mòn của kiểu viết truyện phổ biến nữa. Cách viết sóng đôi với sự xen kẽ giữa tình tiết và cảm xúc được ông sử dụng một cách táo bạo, đầy cách tân nhưng cũng rất khéo léo và tài tình. Độc giả đọc và cảm nhận câu chuyện cứ nhẹ bẫng như không. Từng câu văn cứ thấm dần vào tiềm thức lúc nào không hay. Cuộc đời của nhân vật Thi Nhân từ khi lọt lòng đến lúc về già được phô bày trên trang giấy nhẹ nhàng mà đầy cuốn hút. Người đọc không có cái cảm giác nặng nề về sự kể lể hay miêu tả, áp đặt tư tưởng. Từ cách kể tưởng như rất vu vơ, bâng quơ nhưng lại nổi bật lên nhiều góc cạnh sâu sắc về nhân sinh quan sống. Từ đó tuyên ngôn nghệ thuật cũng được nhà văn khéo léo cài vào như một sự lập trình tài ba. Có thể nói nghệ thuật điển hình hoá và cách điệu hoá đã được nhà văn sử dụng rất triệt để, xuyên suốt toàn bộ câu truyện.

Chúng ta thấy trong các truyện ngắn thông thường, người viết khó thoát khỏi không gian và thời gian sống của nhân vật. Vì thế, nên câu truyện hay bị dàn trải và lan man trong một không gian bó hẹp. Cảm xúc như bị bưng bít đến mức bức bối không có lối thoát, tạo cho độc giả một cảm giác nặng nề và ngại đọc. Nhưng trong “Thi Nhân” của Chu Bá Nam thì khác hoàn toàn. Bút pháp được sử dụng rất cách tân và hiện đại. Ông viết theo dòng cảm xúc của nhân vật mà vẫn xúc tích không bị loãng khiến người đọc rất thích thú, đã đọc là không muốn dừng. Đoạn đầu của câu truyện là những kịch tính lên đến cao trào. Điển hình như đoạn nói về Thi Nhân bị Huy loè: “Thơ nó phải sang trọng, hàn lâm, bác học. Đây là lĩnh vực của tài năng…”. Ta thấy tiết tấu của câu truyện được diễn ra rất nhanh. Bên cạnh đó còn có cả sự hài hước như đoạn “nhà thơ đích thực” cao giọng với Thi Nhân: “… Cái thằng này là thằng nào? Rồi dạng háng trên sa lông tự giới thiệu…”. Ngoài ra, truyện còn rất giàu tính nhạc tạo cho người đọc cảm giác thoải mái khách quan để nhìn nhận vấn đề. Đến đoạn cuối, lối viết lại chuyển sang tông trữ tình, giàu cảm xúc. Câu văn dài khiến độc giả phải đọc liền mạch, có lúc dồn dập như thúc giục, có lúc ngập tràn xúc cảm như một bản nhạc lòng.  

Từ nghệ thuật độc đáo ấy, “Thi Nhân” còn đưa chúng ta đến với một triết lý nhân sinh quan sống rất sâu sắc. Đó là: người nghệ sỹ “phải sống đã, sống cho có tình. Hậu hiện đại mà thiếu cái tình, chữ nghĩa cũng không tìm đến. Hết tình là hết thơ, kiểu gì thì kiểu, không có tình thì chịu, đừng ngồi đấy ôm một đống chữ xếp gạch lên kiêu…”. Trong thời buổi đang loạn về thẩm mỹ như hiện nay, có nhiều người cho rằng: Thơ là phải mới lạ đến mức không ai hiểu mới là thơ hay! Nhưng Chu Bá Nam mạnh dạn bác bỏ quan niệm đó “thơ anh chẳng cứu rỗi được ai”. Ông tuyên bố một quan điểm nghệ thuật rất rõ ràng và đúng đắn: nghệ thuật là phải gắn liền với cuộc sống. Nhà thơ nói riêng và người nghệ sỹ nói chung trước hết phải sống cho có tình có nghĩa, sống trọn vẹn và có trách nhiệm với cuộc đời trước đã. Đừng tự đánh bả mình bằng hư danh như nhân vật Thi Nhân để rồi cuối cùng nhận ra chân lý thì đã muộn màng.

Nhìn chung quan điểm nghệ thuật trên của ông không hoàn toàn mới mẻ. Quan điểm này cũng đã từng được Tsecnusepxki bày tỏ qua câu nói nổi tiếng “cái đẹp là cuộc sống” hay nhà thơ Chế Lan Viên: “Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết. Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày” (Người thay đổi thơ tôi). Và ở đây, chân lý ấy đã một lần nữa được thể hiện một cách chân thành, sâu sắc và cụ thể hoá hơn: Thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung mà tách khỏi đời sống thì không có gì là hay và giá trị nữa. Thơ hay trước hết phải có tình và sau đó là có một cõi riêng. Không có hai điều cốt yếu ấy thì dù có “sang trọng, hàn lâm, bác học” đến đâu cũng “chẳng cứu rỗi được ai”. Minh chứng hùng hồn nhất cho điều đó chính là sự bế tắc của nhân vật Thi Nhân. Anh bị “cái giải nhất bình chọn giết chết” để cuối đời “lếch thếch về làng, chưa lập thân cũng chẳng lập nghiệp” và để người mẹ khốn khổ của anh ra đi trong tủi nghèo. Nhà văn đã phân tích đến tận cùng của sự bế tắc ấy để nghiệm ra một chân lý thật sâu sắc cho chúng ta: “câu thơ hay thường là giản dị, tưởng như vô tình nhưng thốt ra mà có sức mê hoặc cả đấng quân vương ngồi trên ngai vàng lẫn kẻ hành khất bần cùng khố rách áo ôm”. Đây là điều đáng để những nghệ sỹ chân chính suy ngẫm và hướng đến.

Cuối cùng, tôi xin mượn hai câu thơ bất hủ của đại thi hào Goethe để thay cho lời kết: “Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”. Truyện ngắn “Thi Nhân” của nhà văn Chu Bá Nam một lần nữa khẳng định lại chân lý ấy.

LÊ HOÀ