Nhớ về một thuở “Nhà tôi”

09:11, 29/11/2012

Những ngày tháng mười trời Đà Lạt bớt mưa, bầu trời cao và trong hơn, cây cối xanh tươi, hoa dại nở dọc các lối đi và hoa dã quỳ vàng rực trên các triền đồi, lẫn trong rừng thông báo hiệu mùa khô đang đến, khí trời se se lạnh...

Những ngày tháng mười trời Đà Lạt bớt mưa, bầu trời cao và trong hơn, cây cối xanh tươi, hoa dại nở dọc các lối đi và hoa dã quỳ vàng rực trên các triền đồi, lẫn trong rừng thông báo hiệu mùa khô đang đến, khí trời se se lạnh. Một không gian mang nhiều kỷ niệm làm tôi nhớ đến bài thơ “Nhà tôi” của Yên Thao do một giọng ngâm thơ không chuyên nghiệp của một người bạn cùng học ở đại học Đà Lạt và cùng một thời tham gia phong trào tranh đấu của sinh viên miền Nam đã ngâm cho chúng tôi nghe trong đêm không ngủ của tháng mười mấy chục năm về trước… Đó là tháng mười năm 1971, lúc đó cả miền Nam sục sôi những ngày đấu tranh chống cuộc bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống chính quyền Sài Gòn.

Những năm tháng ấy, những câu thơ, lời hát yêu nước lãng mạn và hào hùng đã đưa nhiều trí thức yêu nước đến với cuộc kháng chiến. Hồi đó bên cạnh phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe” trong những ngày xuống đường sinh viên tranh đấu đã thường xuyên tổ chức những đêm không ngủ với chủ đề “Đốt đuốc lên để soi rõ mặt quân thù”. Một đêm như thế, hàng trăm sinh viên, giáo sư (cách gọi các thầy giáo trung học, đại học ở miền Nam trước năm 1975), nhân sĩ, trí thức ngồi vòng quanh đống lửa cháy bập bùng nói với nhau về tình hình chính trị và chiến sự ở miền Nam, hát những bài ca tranh đấu. Đêm Đà Lạt càng khuya càng lạnh, không gian càng yên tĩnh lắng đọng, mọi người ngồi sát vào nhau truyền hơi ấm cho nhau và cảm thấy gần gũi, yên tâm, tin cậy nhau hơn. Trong không khí ấy, một bạn sinh viên giọng Huế ngâm thơ rất hay bước ra đến bên đống lửa chậm rãi cất cao lời thơ:

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đây sạm đen màu tiết đọng
Tre cau buồn rũ tóc ướt mưa sương
Mái nhà tranh lờm lợp mấy khung tường
Người hỡi vui gì không?...
                             
Hồi đó không có điều kiện để có nhiều thông tin như bây giờ nên các bạn trẻ không thể biết được đầy đủ thân thế của nhà thơ Yên Thao, chỉ hình dung ông là một trí thức, một nhà thơ tham gia kháng chiến chống Pháp và bài thơ “Nhà tôi” ra đời trong một đêm trước giờ nổ súng tiến công đồn giặc. Mà thực ra cũng chỉ cần có chừng đó thì hình ảnh của Yên Thao đã quá đẹp với chúng tôi thời bấy giờ và cho mãi đến tận bây giờ, ngay cả lời thơ được truyền miệng hoặc chuyền nhau chép tay cũng đã có nhiều sai sót nhưng vẫn được cảm nhận hết sức hấp dẫn, say sưa, chỉ mấy câu mở đầu trên đây đã có 2 câu sửa thơ của tác giả, đó là “Màu trăng vôi lờm lợp mấy khung tường” chứ không phải “Mái nhà tranh...” và “Nếp đình xưa người hỡi vui gì không” thì sót mất 3 chữ đầu câu.

Với giọng ngâm truyền cảm anh bạn đã đưa mọi người đến với những cảm xúc thật đẹp của bài thơ, lúc thì đậm nét lãng tử và đầy hoài bão của chàng trai ra đi theo lý tưởng:

Tôi là anh lính chiến
Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
Buông tay gầu vui lại thuở bình minh
Ghì nấc súng nhớ ôi ngày đắc thắng
Chân đã bước trên nẻo đường vạn dặm
Áo nào phai không sót chút hào hoa

Rồi :

Đêm nay trời lành lạnh
Sông sâu buồn lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu vá mộng giang hồ
Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ.

Ở đây cũng có mấy từ khác với bản nguyên gốc của tác giả đó là từ “chiến thắng” được thay bằng từ “đắc thắng” và “chắc tay súng” thay cho “chắp tay súng”.

Lúc thì nhẹ nhàng mượt mà đầy yêu thương như luôn mang theo trong tim bóng hình người vợ trẻ và người mẹ già trên đường ra trận:

Đêm hôm nay tôi trở về  lành lạnh
Sông sâu buồn lấp lánh ánh sao thưa
Tôi có người vợ hiền trẻ đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
Ai đã ra đi mà chẳng từng bịn rịn
Rời yêu thương nào đã mấy ai vui
Em ngậm ngùi với lúc chia phôi
Tôi lặng bước mà nghe hồn nhỏ lệ (nguyên gốc: mạnh bước)

Và:

Thôi xa rồi mẹ tôi!
Lệ nhoà mi mắt
Trông con phương trời
Cơ chừng chợt tỉnh đêm rơi
Nghe giòn tiếng súng nhớ lời chia ly (nguyên gốc: nghe ròn, nhắc lời)
Mẹ ơi, con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc con về mẹ vui

Đêm về khuya càng thanh vắng, cả trăm con người ngồi khép lại và im phăng phắc, chỉ nghe tiếng củi nổ lép bép, những đốm lửa bay lên như hút vào đêm tối và đoạn cuối bài thơ người diễn ngâm chuyển sang giọng sang sảng, hào hùng của đoàn quân về giải phóng quê hương.

Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Mái đầu xanh bụi tóc viễn phương (đầy bụi viễn phương)
Bước chân đất đạp xiêu đồn luỹ địch
Này anh, đồng chí! (này anh lính chiến)
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành...

Anh bạn sinh viên vút cao giọng ngâm rồi trầm xuống thả  giọng nhẹ dần, lơi dần, nhỏ dần và dừng hẳn kết thúc bài thơ:

Nhà tôi ở cuối thôn Đoài (đồi)
Có giàn thiên lý có người tôi thương.

Tiếng vỗ tay bùng lên rồi trả lại không gian yên ắng của đêm khuya. Phần lớn chúng tôi được biết bài thơ “Nhà tôi” của Yên Thao nhờ có một đêm không ngủ như thế, từ đó cứ chuyền tay nhau chép lại, học thuộc. Sau ngày thống nhất có điều kiện so sánh mới biết rằng bài thơ “Nhà tôi” mà chúng tôi ngâm nga ngày xưa không chỉ có vài mà có nhiều từ sai với bản gốc của tác giả. Điều may mắn là những từ sai đó chưa đến nỗi làm hỏng bài thơ mà vẫn giữ nguyên cảm xúc nhất là với những thanh niên sinh viên một thời thao thức tìm đường đến với cách mạng. Cũng có lúc chúng tôi tranh luận về một vài từ sợ không đúng với nguyên gốc của tác giả nhưng lại có ý kiến bảo “không phải đòi hỏi cao thế đâu, cảm xúc mới là điều tuyệt vời! Sau này nếu tác giả có biết mình sửa thơ một cách vô tình có lẽ cũng sẽ vui thôi mà! Những chuyện cổ tích hay, hấp dẫn cũng thường bị truyền lại với nhiều chi tiết khác nhau tuỳ vào hoàn cảnh và cảm nhận của người tiếp nhận huống gì...”! Trong những cái sai với bản gốc đó có câu “Này anh, đồng chí” dù có biết sai chúng tôi vẫn cố giữ vì cũng hồi đó hai từ đồng chí nghe sao thiêng liêng thế, đầy nghĩa tình thế! Giữa lòng thành phố lén gọi nhỏ nhau hai từ đồng chí nghe sướng thế!

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mọi thứ đã về ngủ yên với dĩ vãng, nhưng bài thơ “Nhà tôi” của Yên Thao hình như vẫn thao thức đâu đó và được truyền đi qua nhiều thế hệ để thỉnh thoảng ngồi ngân nga vẫn nghe cảm xúc về một thời của non nước.

Nguyễn Trọng Hoàng