Ông láng giềng ơi! (truyện ngắn)

08:11, 08/11/2012

Ba mẹ tôi thật khéo sanh: liền tù tì bốn chị em gái mà tôi là út. Chị Hai đảm đang và nghiêm khắc như một lãnh tụ. Chị Ba u sầu và bí hiểm, còn chị Tư thì ngược lại, thích thời trang, ưa nhảy nhót, ồn ào như một chiếc xe lam, theo lời chị Hai. Còn tôi, tôi chỉ thích ăn vặt, rong chơi và… ngủ! Cả bộ “tứ quái” được ba mẹ giao cho nguyên một tầng lầu, ở đó chúng tôi tha hồ hò hét, tâm tình và đôi khi giàn giụa nước mắt.

Ba mẹ tôi thật khéo sanh: liền tù tì bốn chị em gái mà tôi là út. Chị Hai đảm đang và nghiêm khắc như một lãnh tụ. Chị Ba u sầu và bí hiểm, còn chị Tư thì ngược lại, thích thời trang, ưa nhảy nhót, ồn ào như một chiếc xe lam, theo lời chị Hai. Còn tôi, tôi chỉ thích ăn vặt, rong chơi và… ngủ! Cả bộ “tứ quái” được ba mẹ giao cho nguyên một tầng lầu, ở đó chúng tôi tha hồ hò hét, tâm tình và đôi khi giàn giụa nước mắt.

Cuộc sống của chúng tôi đang êm đềm và đơn điệu trôi như một dòng suối nhỏ, có phần ẻo lả, bế tắc, thì bỗng đâu bị (hay được?) khuấy động bởi căn nhà đối diện bên kia con hẻm nhỏ. Thật ngẫu nhiên và trớ trêu làm sao, gia đình họ cũng có đến bốn tên con trai, tầm lứa chúng tôi. Chúng cũng đang lớn và đang nhiều chuyện. Chúng tôi âm thầm quan sát và biết chắc bọn họ cũng đang theo dõi chúng tôi.

Tên có vẻ đạo mạo của một thầy tu, có lẽ là anh cả. Tiếp đó là một tên tóc dài chấm vai, vẻ mặt cau có, hợp với một hoạ sĩ. Một tên có vẻ sì-bo, cười nói vô duyên. Tên thứ tư, tôi ghét nhất, với cặp kính cận dày cộp, hễ về nhà là ôm đàn ra ban công ư ử: “Cô láng giềng ơi…”, đầy vẻ khiêu khích.

Và rồi, chúng tôi cũng vô duyên không kém: lần lượt ghép đôi với từng tên. Chị Hai làm bà mục sư; chị Ba thành thím thợ vẽ; chị Tư sẽ đi nuôi một ông chồng gãy giò… Còn tôi, mấy bà chị gán cho tên… lêu lổng! Tôi ức lắm và mấy lần phát khóc. Mỗi lần tên cận thị ư ử ngoài ban công nhà hắn với điệp khúc: “Cô láng giềng ơi, cô còn nhớ tới tôi…” là tôi chui vào phòng, leo lên giường trùm mền, nguyền rủa. Cuộc sống của chị em tôi trôi đi xáo trộn và êm ái.

Khi chúng tôi về quê mấy ngày, lúc trở lên thành phố, bước vào căn phòng của mình, một cảm giác thiếu vắng ùa vào. Tôi ra ban công ngó sang, các cửa phòng của ngôi nhà bên ấy đóng kín. Hai ba ngày trôi qua, chị em tôi không ai nhắc đến những người láng giềng, nhưng hình như tất cả chúng tôi đều muốn có ai đó nói ra chuyện gì đã xảy ra với nhà “bên ấy”.

Cuối cùng thì chị Ba cũng lặng lẽ thông báo: họ nhập ngũ, ra trận cả rồi! Chiến tranh mà!

Tôi im lặng ngó sang bên ấy, rồi lặng lẽ trở về phòng mình, thả mình xuống giường, bất thần hát thật to, như muốn gào lên:

- Ông láng giềng ơi!


Bên kia bờ nhan sắc

Người đàn bà ấy có được một nhan sắc trời cho. Không biết đem dùng vào việc gì, nàng băn khoăn suốt một thời thiếu nữ. Đam mê và ảo vọng khiến nàng mắc bệnh trầm cảm. Nàng trở nên trầm mặc, căm hận lược gương. Căm hận cả bóng mình mỗi khi trời sụp tối.

Mùa mưa năm 1999, tôi đi rừng và đột nhiên bị lạc, không có lối ra. Đi mãi, đi mãi… đến một gò đất khô cằn bên đầm nước, tôi nhận ra nơi này quen, nhờ mùi hăng hắc của lùm cây cỏ hôi lúp xúp. Đi một đoạn nữa, tôi ngửi được mùi phân bò và mừng rỡ nghĩ đến người bạn vong niên. Anh tên Liễu, người chăn bò cho hợp tác xã. Anh Liễu đang ở gần đây.

Chênh chếch phía chân trời bên dưới ngôi sao Hôm yếu ớt lộ ra sau mưa, có ánh đèn le lói. Tôi nghĩ đến anh Liễu và phăm phăm vạch lá đi tới.

Nhưng không phải anh Liễu, mà là nàng. Người đàn bà đối với tôi như một huyền thoại, thì giờ đây hiện ra trong ánh lửa soi nửa khuôn mặt tàn phai.

- Anh Liễu đã tỏ tình với chị! Nàng nói và vội vã dụi tắt ngọn lửa vừa bừng lên, rồi ném cái nhìn căm hận lên cái bóng mình vừa lịm đi trên vách.

Tôi băn khoăn và biết ơn nàng, khi nàng nói: “Cho chị nắm bàn tay em nhé!”.

Mưa hình như đã tạnh. Tôi bắt đầu nghĩ đường về. Đúng lúc đó thì anh Liễu xuất hiện. Nàng bảo: “Chúng ta đi ra bờ đầm nước nhé!”.

Chàng mục đồng và tôi ngoan ngoãn để cho nàng dắt tay đi.

Đầm nước chói chang dưới ánh sao tưng bừng sau mưa, làm tôi ngộp thở. Nàng rời tay khỏi tay chúng tôi và bước xuống nước, để chúng tôi đứng lại trên bờ.

Được vài bước, nàng xoay người lại chìa tay cho anh Liễu: “Anh hãy nói rằng: Anh yêu em đi”.

Liễu nhìn tôi, giọng thảng thốt: “Khó nói quá!”.

Tôi nhìn nàng.

- Em? Em cũng nói thế chứ? Nàng nói và nhếch miệng cười.

Cuối cùng, không thể hy vọng ở câu trả lời, nàng ào xuống nước. Tôi sợ nàng chết đuối, định lao theo, nhưng Liễu đã giữ lại. Dường như anh đã quen rồi.

Tôi hỏi:

- Đầm nước này có tên là gì?

Liễu cười buồn: “Đầm Nhan Sắc”.


Miki

Cả nhà tôi ai cũng cưng Miki!

Miki là con chó đẹp và khôn. Mỗi khi ba tôi ra lệnh cho nó làm một cái gì đó, bao giờ Miki cũng lặng lẽ ra chiều suy nghĩ rồi hất nhẹ mớ lông trước trán, loà xoà xuống mắt rồi mới thi hành mệnh lệnh một cách hoàn hảo. Nó biết ba tôi là ông chủ, người có quyền lực tối thượng trong căn nhà này. Còn khi tôi bảo nó làm việc gì, như đi lượm trái banh chẳng hạn, thì nó vui vẻ làm theo ngay, nhưng thường không đến nơi đến chốn. Nó hay giỡn mặt tôi!

Ba tôi bảo Miki thuộc giống chó khôn và đẹp vào hàng nhất thế giới. Một ông bạn người nước ngoài, là đối tác liên doanh với Tổng công ty do ba tôi làm giám đốc, đã cất công  lùng mua mãi tận đâu ấy, xa lắm làm quà biếu cho ba. Lúc đầu tôi nghĩ dù sao thì nó cũng chỉ là con chó, vì có lần nó đã thượng lên gối của ba mà... tè! Nhưng ít lâu sau, cả nhà tôi phải công nhận là nó khôn, và chính thức coi nó như thành viên trong gia đình. Ai đi về cũng hỏi Miki trước nhất, và bao giờ cũng nhận được sự niềm nở vô điều kiện của nó!

Gia đình tôi, ba mẹ và tôi, giờ có thêm Miki là bốn thành viên!

Tôi quên, còn một người nữa, đó là dì Tám, người giúp việc cho chúng tôi. Dì Tám ở dưới quê, tôi cũng chẳng biết tỉnh nào. Tôi chỉ thấy dì như cái bóng trong nhà, lờ mờ nhưng chỗ nào cũng thấy dì hiện diện. Ngoài công việc lau nhà, giặt ủi, cơm nước... cho cả nhà, dì Tám còn có một nhiệm vụ đặc biệt do ba tôi giao là tắm cho Miki, và đến bữa cho nó ăn. Ba nói rằng một người cho Miki ăn thôi để nó khỏi ăn tạp, tránh người ta đánh bả. Con chó khôn thiệt, đôi khi tôi thấy nó cũng nũng nịu không chịu ăn, như là muốn làm khó cho dì Tám. Có lẽ nó cũng biết dì là người ở, làm công trong nhà chúng tôi.

Tết, dì Tám xin về quê ăn Tết với các con của dì. Ba mẹ tôi lo tiền công và quà cáp cho dì chu đáo, rồi dặn dì nhớ lên sớm. Trước khi về, dì Tám cúi xuống vuốt mớ lông trắng bốp của Miki rồi mới ra cổng!

Bữa chiều hôm ấy mẹ tôi lấy cơm và thịt cho Miki ăn. Con chó đứng trước đĩa thức ăn rồi nhìn chúng tôi, ngờ vực. Nó khẽ rít lên những tiếng nhỏ trong cổ họng, rồi lui vào góc phòng, không chịu ăn. Mẹ tôi thông báo tin này cho ba tôi, ông ngồi vào bàn ăn, lắc đầu: chắc nó còn no! Tôi cũng nghĩ thế!

Chiều hôm sau tôi đi học về, Miki vẫn nhảy ra quấn lấy chân tôi như thường lệ, nhưng đến bữa vẫn không chịu ăn. Ba tôi bảo: kệ nó, đói khắc phải ăn! Tôi cũng nghĩ thế!

Hôm sau, hôm sau nữa Miki vẫn không chịu ăn, mẹ tôi bảo hay nó ốm? Nhưng không, nó vẫn niềm nở với mọi người! Đến ngày thứ năm, con Miki bắt đầu uể oải, nó gầy đi, không còn cái vẻ tinh quái nữa. Mẹ tôi phàn nàn với ba:

-    Nó nhớ chị Tám! Tại anh biểu để một mình chị Tám cho nó ăn! Giờ thì... chỉ có chị Tám cho nó mới ăn!

Ba tôi bưng đĩa thức ăn cơm trắng và thịt bò xào thơm phức đặt trước mũi Miki. Nó hít hít một lúc, tôi thấy nước miếng nó ứa ra. Nhất định nó phải ăn, tôi nghĩ trong bụng! Nhưng Miki nằm xuống, hết nhìn ba, lại nhìn đĩa thức ăn rồi ngoảnh đi chỗ khác! Ba tôi quát lên: Đúng là ngu như chó!

Hôm sau nữa thì chúng tôi cuống lên thật sự. Miki đã nằm bẹp xuống sàn nhà, ba tôi dúi đĩa cơm thịt vào miệng nó, nhưng con chó dứt khoát lắc đầu, thụt lùi. Ba tôi ghé sát vào tai Miki:

-    Tao lạy mày, chó ơi! Ăn đi lấy một miếng! Mày mà chết thì...

Tôi thấy Miki vẫn nằm im, nước dãi và nước mắt nó chảy ra giàn giụa, nhìn đĩa cơm, nhưng vẫn không ăn. Ba tôi quay sang mẹ:

-    Đi rước ngay chị Tám lên!

Nhưng không ai biết nhà dì Tám ở đâu!

Đến ngày thứ mười thì con Miki chết! Ba tôi, mẹ tôi và tôi đều buồn lắm!

Hai hôm sau, trong lúc ba mẹ tôi đi vắng thì dì Tám lên. Dì có quà cho tôi là một xâu bánh tét nhân dừa. Trong lúc bóc bánh cho tôi ăn, dì hỏi:

-    Ủa, Miki đâu rồi mà không thấy nó ra mừng dì hả em?

Tôi dẫn dì Tám ra góc vườn, chỉ vào nấm đất nhỏ nhoi, nơi tôi chôn Miki. Dì ngồi xuống, bàn tay vỗ nhẹ lên mộ Miki, an ủi nó. Tôi kể cho dì nghe những gì đã xảy ra với Miki. Nghe xong, dì ngẩng lên nhìn tôi, tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên má dì, vỡ ra!

Chùm truyện ngắn: HOÀNG ĐÌNH QUANG