Tác phẩm văn học tầm cỡ - những suy nghĩ

05:11, 28/11/2012

Vì sao văn học Việt Nam ngày càng thiếu vắng các tác phẩm tầm cỡ? Đó là sự trăn trở, dằn vặt, đau đáu của những người cầm bút chúng tôi hiện nay. Có phải do không được tự do sáng tác? Do văn hoá nền của dân tộc mình thấp? Do những người cầm bút chúng tôi chưa sống chết hết mình với dân tộc? Hay do nhà văn sống thực dụng, bất tài?

Vì sao văn học Việt Nam ngày càng thiếu vắng các tác phẩm tầm cỡ? Đó là sự trăn trở, dằn vặt, đau đáu của những người cầm bút chúng tôi hiện nay. Có phải do không được tự do sáng tác? Do văn hoá nền của dân tộc mình thấp? Do những người cầm bút chúng tôi chưa sống chết hết mình với dân tộc? Hay do nhà văn sống thực dụng, bất tài?

Trước hoa. Ảnh: HHN
Trước hoa. Ảnh: HHN


Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, so với các nước khác, các cuộc chiến tranh khác, không kém phần vĩ đại, nếu không nói là hùng tráng, oanh liệt. Thực ra, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng ta cũng có những tác phẩm lớn như các tiểu thuyết: Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Gia đình má Bảy, Người cùng quê (Phan Tứ), Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu), Hai người trở lại trung đoàn (Thái Bá Lợi), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); các nhật ký chiến trường: Nhật ký chiến tranh (Chu cẩm Phong), Từ chiến trường Khu năm - nhật ký và ghi chép văn học (Phan Tứ); các trường ca: Bài ca chim Ch’rao (Thu Bồn), Trường ca Sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm)…

Nhưng hiện nay có một thực tế không chối cãi: ngày càng vắng bóng các tác phẩm tầm cỡ. Do đâu? Thiếu niềm tin về xã hội? Lý tưởng sống ngày càng mai một? Mặt trái của cơ chế thị trường? Đời sống của các nhà văn èo uột? Nhà nước chưa có đầu tư thích đáng? Nhiều lý do, song tôi nghĩ nguyên do chính là nhà văn của ta còn ít tài, chưa sống chết hết mình với chính mình, với đời sống. Học vấn nền của anh còn thấp, sức đọc, sức học, sức đi của anh còn hạn chế. Có ai cấm anh sáng tác đâu? Có ai cấm anh nói đâu? Do anh chưa vượt lên chính mình, còn bị cái bóng của các tác giả khác ám ảnh đè lên anh, do anh không có tài để thể hiện, tái hiện cuộc sống một cách sống động vào trang viết. Do anh chưa viết đã tự sợ hãi (sợ hãi từ trong tiềm thức) nên tự mình hạn chế lấy mình. Mặt khác, cơm áo không đùa với khách thơ, anh viết vì mưu cầu cuộc sống, vì háo danh, hám danh, vì tự bằng lòng với chính mình.

Tôi nghĩ trong thời buổi hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ vào đời sống kinh tế, văn hoá xã hội, trong đó nhà văn là những người nhạy cảm, nhạy bén với thời cuộc, không thể đứng ngoài. Thực tế, có những giá trị thực của đời sống bị “úm ba la” à uôm, nhập nhoạng lẫn lộn vàng thau, nên nhà văn cũng bị ảnh hưởng. Có người háo danh, hám danh, mượn văn chương để đánh bóng tên tuổi, để ngoi lên vị trí xã hội. Có người tự bằng lòng một thời “vàng son”, những cái đã có, nên không chịu khó học hỏi, lắng nghe, lăn xả vào cuộc sống hay chiêm nghiệm để tiếp tục vươn lên, có những sáng tác xứng đáng với xã hội.

“Tôi có cảm giác văn nghệ sĩ các anh bây chừ e dè và thiếu phiêu bồng?”, một vị tu sĩ chuyên nghiên cứu về âm dương, ngũ hành ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng tâm sự. Tôi giật mình, rồi thưa lại: “Ý sư nói e dè là sợ sệt, e ngại viết về những điều nhạy cảm à? Thực ra, những người làm văn nghệ như chúng tôi, nói theo ngôn ngữ nhà binh là “trên răng, dưới cát-tút”, có gì mất mát đâu mà sợ. Có thể có người sợ bóng sợ vía thôi, chứ người viết tinh tế, thiếu gì cách thể hiện để diễn đạt những vấn đề cần nói với xã hội. Tôi thấy do mình tự làm lực cản chính mình, chứ lãnh đạo, chính quyền đâu có cấm đoán những tác phẩm nghệ thuật viết đúng, viết trúng những vấn đề gọi là nhạy cảm. Cái chính là anh viết giỏi, viết bằng cái tâm chân thành, viết một cách có nghệ thuật, không thô bạo chửi bới, trách cứ, moi móc, bôi đen. Còn nói nhiều nhà văn sống thiếu phiêu bồng thì rất đúng. Không ít những người cầm bút đang là công chức, “quan chức” theo kiểu “sáng vác ô đi, tối xách về”. Không thiếu những tác phẩm viết khô khan, tẻ nhạt, thiếu hồn cốt, nhà xuất bản thấy in cũng được, mà không in cũng chẳng sao. Họ viết về những chuyện vụn vặt, nhỏ hẹp của cá nhân, “thiếu sự rối rít của đời thường”, thiếu những va đập cuộc sống, thiếu những vấn đề cuộc sống đặt ra, thiếu những “cánh chim dự báo”…

Tạp chí “Văn nghệ Quân đội” ngày trước là món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần chúng tôi, bởi nó hay, nó làm rung động lòng người, thúc giục chúng tôi cầm súng. Còn bây giờ, chúng tôi thấy sao sao ấy, chưa có tác phẩm tầm vóc như thời chống Mỹ cứu nước. Tôi có cảm giác nhiều tác phẩm chưa thực sự gắn bó với đời lính, thiếu thực tế, chưa đụng tới mảnh tâm hồn sâu lắng của người lính hiện nay” - Một lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn là bạn tôi thời làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn ở chiến trường Campuchia, bộc bạch. Hơi chạm tự ái, tôi cũng chống chế: “Có thể do quá nhiều “món ăn” tinh thần khác lấn chiếm, có thể ông bận bịu việc quân ở bãi tập, ở hội nghị… chưa đọc hết đấy thôi, chứ rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, bài thơ, trường ca…, kể cả các phỏng vấn của các nhà văn mặc áo lính, của những người lính cầm bút không chuyên nghiệp viết rất được. Nói thì nói vậy, nhưng ngẫm lại, người lãnh đạo, chỉ huy có lý. Nhà văn mặc áo lính mà không sâu sát đời sống thường nhật chiến sĩ, không nắm bắt cập nhật các vấn đề về huấn luyện quân sự, tập huấn, bồi dưỡng chính trị, xem xét đối tượng tác chiến, cách làm dân vận, các phương án tác chiến, phương án phòng tránh bão lũ giúp dân, không thấu hiểu tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng và nỗi niềm người lính thời bình thì làm sao có tác phẩm hay, tầm cỡ, “hoành tráng”? Hiện tại, những nhà văn mặc áo lính qua kháng chiến chống Mỹ cứu nước, còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều hơn một chút là trưởng thành sau năm 1975, có số tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, còn phần đông là thế hệ 7x, 8x,  9x. Số phần đông ấy, chưa nếm trải chiến tranh đã đành, quan trọng hơn là họ thiếu hào khí quân ngũ, chưa ngẫm được nỗi niềm giết giặc của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn “ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…”, chưa thực sự hiểu, kính phục và yêu tha thiết hình ảnh cao cả, thiêng liêng của “anh bộ đội Cụ Hồ” với Tổ quốc, chưa chia “đói, đau, đạn, địch” với đồng chí, đồng đội “lúc thường cũng như lúc ra trận”, chưa thấy hết vẻ đẹp “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” của những người lính giúp dân xoá mù chữ, xoá đói nghèo, xả thân cứu dân trong thiên tai bão lũ.

Với chúng tôi những người cầm bút mặc áo lính, cũng tự ngẫm nghĩ, mình thiếu “lửa”, thiếu đam mê, chưa có tác phẩm được công chúng yêu mến, chưa có “tác phẩm để đời” là do mình bất tài, sống và viết chưa hết mình, chưa thực sự yêu người lính, chưa hiểu hết ngóc ngách đời sống, tâm hồn của người lính. Viết văn là sự dấn thân, là sự hy sinh thầm lặng, là đánh vật với trang chữ, là “phu chữ ”, là trăn trở, giày vò với thân phận con người. Thời hậu chiến, không có đạn bom trên trận tuyến chống thù, nhưng vết thương chiến tranh trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc đâu đã nguôi ngoai, mà ở một bình diện khác, còn canh cánh, thao thức, trở dạ âu lo hơn. Nhà văn mặc áo lính cũng ở trong tâm cảm ấy!

Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng