Trà muộn

05:11, 28/11/2012

Mưa tầm tã từ lúc mới chập tối. Những ngày cuối năm thật lạ. Chiều chưa qua hẳn mà bóng đêm như đã nhanh chóng vây bủa lấy căn nhà nhỏ giữa khoảng không mênh mông vô tận của xứ lạnh mưa chiều. Ngồi co người lại không phải vì lạnh, một cảm giác cô độc chợt xâm chiếm lòng anh...

Phong cách pha trà Việt Nam. Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Phong cách pha trà Việt Nam. Ảnh: BÙI TRƯỞNG

I - Mưa tầm tã từ lúc mới chập tối. Những ngày cuối năm thật lạ. Chiều chưa qua hẳn mà bóng đêm như đã nhanh chóng vây bủa lấy căn nhà nhỏ giữa khoảng không mênh mông vô tận của xứ lạnh mưa chiều. Ngồi co người lại không phải vì lạnh, một cảm giác cô độc chợt xâm chiếm lòng anh. Tiếng nhạc Trịnh vốn đã nhỏ, giờ đây đang bị tiếng mưa xé vụn rời rạc trong thinh không. Cảm giác như không, như có, như gần, như xa...

Pha một ấm trà chỉ có một mình, anh vẫn bày ra bộ ấm trà song ẩm, như đang chờ đợi ai. Trà trở thành tri kỷ. Và lúc này, mưa cũng là tri âm trong đêm tối, khi lòng người đang sắt se không đợi cũng không chờ.

Và hốt nhiên đội mưa chạy đến, chị mang mưa tới hay mưa mang chị tới giữa mịt mùng, anh không biết… Ngắm khuôn mặt chữ điền thoang thoáng nước mưa đang sáng lên vì hạnh phúc của một người lặn lội đến từ miền đất của hương xưa, anh như thấy lòng ấm dần lại và rót mời chị một chén trà thật nóng. Chưa vội uống ngay, chị ấp hai bàn tay đang giá lạnh vào chiếc cốc rồi từ từ nâng lên gần miệng hớp từng ngụm thật nhỏ. Khói trà bốc lên phủ mờ khuôn mặt của chị, giờ đây như chỉ còn những nét chấm phá của một bức chân dung thuỷ mặc. Chậm rãi nhấp từng ngụm trà nồng ấm, họ lặng im nhìn ra trời mưa mịt mùng.
 
Thường thì người ta ngồi nhìn trời mưa với nhiều tâm trạng và cảm xúc. Đã có mấy ai được ngồi nhìn mưa, nghe mưa với sự thanh thản bên chén trà với người tri kỷ? Người xưa cho rằng, ở trên đời mà có một tri kỷ thì sống cũng mãn nguyện, mà chết cũng không ân hận gì! Đêm đêm được nghe tiếng mưa rơi qua kẽ lá, ngày ngày dạo bước cùng núi cao sông dài và thường xuyên thăm viếng nhau thì cuộc sống thêm thi vị và có ý nghĩa. Thời bấy giờ mà có một người bạn đến cùng buồn vui bên chén trà nóng thì thật là khó. Bạn thường ít, mà bè thì lại nhiều. Ào ào nói, cười, ăn, uống thì đó là bè. Bạn thì có ít hơn nhưng cũng lắm thứ bạn. Có khi có bạn mà lại sợ hơn là không có. Sợ sự phản trắc. Sợ sự vô duyên. Sợ bị vụ lợi… Nó làm ta đớn đau. Có khi không có lại không được với người đời, vì bị mang tiếng là không có bạn! Có khi phải chấp nhận như lấp vào chỗ trống để mà vẫn đi cô độc giữa rừng người!

Sống giữa bể khổ đời người, hạnh phúc cho ai đã từng được nếm trải hết. Cái hạnh phúc đó cũng chính là khổ đau. Có một người bạn để chia sẻ, có một bờ vai tin cậy để nương tựa – nương vào chính mình, nương vào tri kỷ để vượt qua mưa bão cuộc đời. Người tri kỷ là người biết cái đau của mình đau, làm thay cái việc của mình không làm được mà không phải lo lắng gì… là thế!

Chị vẫn ngồi im lặng, không nói gì. Lúc này, nét mặt của chị thật thanh thản dưới ánh sáng của ngọn bạch lạp (đèn cầy). Mùi hương trầm toả ra từ cái Đỉnh trầm cổ hoà quyện với hương trà Ẩn Lan làm cho lòng người nhẹ nhõm hẳn đi. Mọi ngôn ngữ lúc này dường như trở nên thừa thãi. Đã thật lâu lắm rồi, họ mới được ngồi lại với nhau như thế này. Gặp nhau, mừng mà không nói. Bao nhiêu ưu phiền, hạnh phúc chất chồng từ bấy nhiêu năm mưu sinh lạc xứ, mà giờ đây bỗng nhiên có cảm giác nhẹ như cánh Hạc chiều hôm trước chén trà nồng ấm tình tri kỷ. Có phải chén trà đắng chát kia đã giúp người ta dễ dàng đốn ngộ cái ý nghĩa của cuộc đời? Có phải cái đắng đót của búp chè săn chắc đang nở ra kia là tiền duyên cho vị ngọt đang tứa dần ra trong miệng của trà nhân? Có phải… hay là tất cả sự hoà - kính - thanh - tịnh của buổi uống trà hôm nay làm cho ta thực sự được trở về đối diện với chính mình trong vĩnh cửu tịch liêu.

Im lặng và bóng đêm bao trùm khu vườn nhỏ. Một giọt nước mưa đêm khẽ rơi trên chiếc lá sen tàn làm một chú nhái con hốt hoảng nhảy tùm xuống đáy ao xưa. Vũ trụ lại chìm vào tĩnh lặng. Đã thật lâu lắm rồi mới có buổi uống trà trong mưa. Hôm nay, mưa đã làm cho lòng người không vội vã. Thời buổi bây giờ mà ngồi uống trà với nhau trong sự không vội vã thật hiếm. Cuộc sống cứ ngồn ngộn thông tin, người người đua chen vơ vào cho mình đủ thứ có mà vẫn thấy thiếu. Thiếu thì phải tìm. Nếu không biết cách thì mãi mãi tìm những cái không thể đủ cho mình… “Như vầng trăng khuyết ở trong đáy cốc trà này. Cứ lung linh trong sắc trà, trong sương khói, mà mãi mãi hao gầy. Ta cứ sống và yêu thương như thế!…” - Chị nói thật nhỏ và dịu dàng cái chất giọng đặc biệt của người cố đô. Chén trà thứ hai làm cho chị triết lý hơn: “Chúng ta như vầng trăng khuyết ở trong đáy cốc trà này. Cứ lung linh trong sắc trà, trong sương khói mà không tròn được. Phải biết sống thì mới có thể thấy vầng trăng viên mãn được anh ạ!” - Chị chậm rãi từng câu một. Hai tay xoay xoay cái ly trà có hình trăng khuyết ở đáy cốc. Anh im lặng nhìn chị, chợt nhớ đến câu chuyện xưa kể rằng: Mỵ Nương cầm chén trà, nơi có hồn Trương Chi nhập vào. Giọt nước mắt thương cảm của Mỵ Nương nhỏ xuống làm chén trà vỡ tan…

Thoáng chốc, anh thấy khuôn mặt muộn màng của chị hoà nhập vào vầng trăng khuyết ở đáy cốc chợt nhiên vành vạnh, viên mãn.

II - “Đường vào ngõ nhà em

Lối trúc dài xa lắm…”

Người xưa chọn nơi uống trà là một nơi thanh vắng, nơi không có sự ồn ã, xao động. Nơi mà tiếng trẻ không làm xao lòng người uống trà. Nơi uống trà cũng là nơi các thí chủ thập phương lui tới. Kẻ tao nhân mặc khách đã chọn trà là phương tiện giao du trong thiên hạ. Người đắc thời hay thất chí khi về ở ẩn trong giang hồ cũng cần một chén trà nóng nơi tĩnh lặng để chiêm nghiệm. Cái đạo trà không hợp với kẻ xu thời hám lợi. Con đường ẩm trà cứ thế lầm lũi đi ngang qua bao ngổn ngang, bất hạnh, khốn khó lẫn hạnh phúc ngắn ngủi. Thú ẩm trà đi dọc ngang từ nông thôn qua phố thị, từ các ngóc ngách phố xá bụi trường đến những nơi phồn hoa sang trọng. Những chén trà đắng chát, vàng ươm, thơm phức cứ rót vào từng đời sống, từng thân phận con người. Họ chấp nhận an nhiên mà không hề cam chịu. Họ thong thả nhấp từng giọt đắng cay lẫn ngọt bùi, mà đắng kia có ít đâu? Cuộc đời cũng chẳng phải là như thế hay sao?! Cứ uống, nhẩn nha từng ngụm đắng chát một. Cái đắng làm tỉnh người ra. Cái đắng không làm cho người ta phải nhắm mắt nuốt từng giọt trong đau khổ. Cái đắng đủ để nhâm nhi, đủ để đón nhận cái dư hậu ngọt ngào sau đó.

Mưa tạnh từ lúc nào không biết. Đêm cao nguyên không còn lạnh giá sau cơn mưa trái mùa. Có một ngọn gió nhẹ mang hơi thở của mùa xuân sắp về làm cho lá cây trong vườn rung lên xào xạc. Trà đã hết “chân khí”. Với cái nhìn già dặn của một người tri túc, chị lẳng lặng nắm bàn tay anh thật chặt. Bóng đêm nhanh chóng bao trùm lấy dáng chị, khuất xa dần trong ngõ trúc dài dẫn vào trà thất. Một mình mỗi người lại trở lại với mình để hoà nhập với cái mưu sinh. Dẫu còn ngổn ngang, hạnh phúc và khốn khó, vẫn biết chắc rằng cuộc sống luôn vẫn còn đọng lại bên chén trà nóng một vầng trăng khuyết hiển hiện trêu ngươi…

Nguyễn Mạnh Quý