Vi Quốc Hiệp với hành trình “Đi trong sương giăng”

02:11, 07/11/2012

Với Vi Quốc Hiệp, lần này anh đã “khăn gói” làm một cuộc hành trình “Đi trong sương giăng” tưởng chừng mông lung vô định nhưng cốt tìm cho mình một cái đích mới và mang lại nhiều cảm xúc khác lạ.

Trong lao động nghệ thuật, khi bản ngã đã chạm đến chiều sâu của nhận thức sáng tạo về thế giới sự sống, họ luôn mở cho mình một lối đi mới, một cuộc hành trình mà đôi khi có thể phải đối mặt với nhiều dốc, đường sỏi, nhiều ngõ cụt… Đó như là một thử thách táo bạo, không dễ mấy người tìm được đường đến chân trời. Với Vi Quốc Hiệp, lần này anh đã “khăn gói” làm một cuộc hành trình “Đi trong sương giăng” tưởng chừng mông lung vô định nhưng cốt tìm cho mình một cái đích mới và mang lại nhiều cảm xúc khác lạ.

Cái khác ở chỗ, Vi Quốc Hiệp đã mạnh dạn bỏ qua những vần vè về thể loại trong những tập thơ trước. Khác chứ không phải mới bởi vẫn biết rằng không phải anh là người duy nhất làm điều này, và ở dạng thơ tự do, cũng rất kén người đọc. Một cái khác nữa là ở cách chia bố cục tập thơ làm hai phần: phần I với tên gọi Nồng cháy mặt trời, phần II là Trường ca Đà Lạt – Thiên đường. Tiết tấu tập thơ cũng được Vi Quốc Hiệp dụng ý sắp đặt làm ba đoạn: đoạn thứ nhất là những bài thơ ngắn đưa người đọc lạc vào cung đường yêu đương với những mối tình lãng mạn, sâu đậm để mà say đắm, hạnh phúc; đoạn thứ 2 là những bài thơ, câu thơ cực ngắn đề cập những vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống tạo nên những nhịp thở gấp, dồn dập, đứt quãng, và đoạn cuối là thơ dài – trường ca đưa ta lạc vào một thiên đường Đà Lạt từ thuở mới khai sinh đến lúc hình thành một Đà Lạt lung linh huyền ảo như hôm nay để mà chiêm nghiệm, thi vị.

Là người con núi rừng Đông Bắc của Tổ quốc, nhưng cuộc đời thật của anh cũng lang bạt khắp nơi và cuối cùng chọn cao nguyên Lâm Viên làm chốn dừng chân, nên anh đến với thơ như một sự giãi bày cảm xúc. Hành trình thơ của Vi Quốc Hiệp chính là lúc để cho anh hoài niệm về những nơi chốn đã qua:

Tôi nhận mặt quê hương buốt giá
Qua tiếng mõ trâu khua lốc cốc
Những đùn rơm lô nhô trên mặt ruộng còn trơ gốc rạ
Mùa xuân hoa mận nở trắng xoá mé rừng
(Lạng Sơn)

Ở những làng quê ấy anh đã có những kỷ niệm sâu sắc in đậm những âm thanh trong tiềm thức, để rồi trào dâng cảm xúc mỗi khi nghe thấy tiếng giã gạo của mẹ, tiếng húp canh râu tôm sau mỗi buổi học bài của anh, tiếng võng ru em của chị, tiếng lội bùn cất vó tép của cha, tiếng ho khan của bà… (Âm vang - những chiều quê Hiệp Hoà)

Cảm xúc của người nghệ sĩ rất lớn, không chỉ vui và tự hào vì quê hương mình xinh đẹp, Vi Quốc Hiệp còn thổn thức trước những thay đổi:

Quê hương lâu không về khiến tôi lạc bước
Những chuyến hàng lậu đêm đêm từ biên giới về đẫm nước quốc lộ 1B

Những đoàn xe chở dưa hấu chờ xuất ngoại vẫn nối dài.
(Lạng Sơn)

Nhưng bản chất của người nghệ sĩ vẫn là sáng tạo. Chính vì thế anh đã chọn cho mình Đà Lạt là nơi để phát triển nghệ thuật, bởi ở đây anh nhận ra:

Tôi thích vẻ kiêu sa và tĩnh lặng nơi phố núi
Thành phố không đèn xanh đèn đỏ và tiếng xích lô gọi mời
Trong quán cà phê ven đường như có tiếng nhạc Trịnh Công Sơn văng vẳng.
(Đà Lạt – thành phố trong sương giăng)

Môi trường sống là chất xúc tác cho người nghệ sĩ thăng hoa trong sáng tạo… Ở loại hình nào anh cũng để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Trước cảnh vật thiên nhiên say lòng người như Đà Lạt, tài năng của anh mặc sức tung tẩy, nếu ở trong tranh, bằng màu sắc, đường nét anh phác hoạ một Đà Lạt với những ngôi biệt thự lấp ló giữa ngàn thông, những cô gái, những rừng hoa, rừng thông… với âm nhạc anh biến tấu những giai từ ngân rung thì với thơ, bằng chất liệu ngôn từ, anh khắc hoạ một Đà Lạt đặc trưng:

Lác đác những ngôi biệt thự mọc lên
Ẩn hiện khoe vẻ đẹp đài các kiêu sa
Những vòm cửa ống khói mái ngói nhấp nhô
Sáng sớm tinh mơ sương mù rủ nhau choàng khắp thành phố.
(Đà Lạt – thành phố trong sương giăng)

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gắn cho phố núi này những danh từ mỹ miều như thành phố ngàn thông, thành phố sương mù, thành phố ngàn hoa… Chính những “đặc sản” ấy đã làm nên một Đà Lạt thơ mộng đắm lòng du khách. Ấy là đặc trưng của thiên nhiên Đà Lạt. Còn với con người nơi đây cũng có một phong thái khác biệt so với nơi khác, đó là nét dịu dàng đằm thắm, sự chậm rãi thong thả trong cách ăn nói, sinh hoạt tạo nên nét văn hoá của người Đà Lạt:

Các cô gái trẻ khoác hờ chiếc áo len mỏng
Đi như dựa vào nhau và rất chậm

Mưa bụi nhè nhẹ bay mà chẳng ai buồn khoác áo mưa mặc kệ ướt

Không một tiếng bán rao mà chợ “Âm Phủ” người vẫn đông như hội
Ly đậu nành nóng ngọt lịm như níu chân tôi
Thành phố không có tuổi thơ tôi nhưng hứa hẹn tương lai.
(Đà Lạt – thành phố trong sương giăng)

Chính vì yêu mến cảnh vật, thiên nhiên và con người Đà Lạt nên Vi Quốc Hiệp không khỏi trăn trở lo lắng trước hiện thực “đô thị hoá” làm mất dần nét tự nhiên nơi này:

Đà Lạt – đã nóng lên và như chật chội hơn
Rừng thông lùi sâu nhường những ngôi nhà cao tầng hiện đại
Mất dần những đồi hoa cúc quỳ.
(Đà Lạt – thành phố trong sương giăng)

Một loạt bài thơ như Đồi Cù, Hà Lội… phố, Biệt thự lát đồ gỗ, Lời cụ Rùa hồ Gươm… càng cho thấy anh là người sống có trách nhiệm và lo lắng bảo vệ cho cái đẹp trong biến thiên cuộc sống. Say mê cái đẹp nhưng không vì thế mà anh quên đi những khó khăn gian truân cuộc đời. Đó là những xúc cảm chân thành nhất từ trái tim người nghệ sĩ đa tài, đa cảm:

Những đường cong của đồi
Gợi cho ta vẻ đẹp
thiên nhiên ngây ngất
Những đường cong của em
cho ta cảm xúc mê hồn
Nhưng khi bắt gặp lưng còng của mẹ
Chợt cho ta nhớ tháng ngày
mẹ oằn lưng vất vả
nuôi ta lớn khôn…
(Đường cong)

Đặc biệt, trong loạt chùm thơ cực ngắn, nhiều vấn đề nóng trong cuộc sống, xã hội được anh quan tâm như tình trạng kẹt xe trong giao thông, lấy chồng ngoại, tha hoá nhân cách đạo đức trong học đường, sự lãng phí trong các cuộc nhậu… được thể hiện bằng những câu thơ đầy suy tư. Có rất nhiều câu mang triết lý: Đừng xem thường nơi mặt đất thấp nhất/ Chính là nơi mọc lên những gốc măng thẳng tắp. Hay: Hỡi những bông hoa vô danh bé nhỏ/ Mọc nở nép dưới chân tường/ Ít khi được mọi người để ý/ Nhưng hằng ngày nó vẫn lặng lẽ toả hương. Anh xót xa khi nhận thấy: Những cuộc nhậu, lon bia nổ lốp bốp chất thành đống, phí hoài/ Biết chăng bữa cơm người nghèo giá chưa bằng nửa lon bia. Còn nhiều câu thơ dạng như thế, tưởng chừng lãng xẹt nhưng ẩn sâu ý nghĩa nhân văn của người với người. Cứ như thế, cái được của Vi Quốc Hiệp trong hành trình này là cái nhân bản đưa đến cho độc giả thông qua cách thể hiện mới không phải ở ngôn từ mà ở ý tứ đằng sau con chữ.

Tình yêu cũng là chủ đề xuyên suốt trong tập, và ta hãy xem những táo bạo trong cách thể hiện tình yêu của người thơ “luống tuổi” này:

Ta vẫn mơ thấy em
Người đàn bà vùng vẫy một mình
Nàng có tấm lưng thon thả
Cổ cao cao như ngà voi
Hình như lưỡi em dát mật ong
Khi nói toả hương thơm như cỏ non
Anh như thấy những con bò thè lưỡi liếm
(Không đề I)

Tình yêu không có tuổi, tuy nhiên trong tình yêu đôi lúc cần phải:
Có một chút khùng điên
Một chút ngốc
Một chút lơ ngơ, dịu dàng
Một chút thẩn thờ,
                        một chút mông lung.
(Tản mạn…yêu)

Táo bạo là thế, tuy nhiên anh vẫn có những câu thơ đằm thắm mượt mà:
Trăng ảo huyền long lanh mắt ngọc
Mặc ta say nghiêng ngả bên em
Sương lấm tấm rắc trên cành bạc
Cơn gió nao than vãn bên thềm.
(Mắt ảo)

Vi Quốc Hiệp yêu một cách si mê, nghiêng ngả trước vẻ đẹp của người con gái, trước cảnh sắc thiên nhiên mê hoặc, đôi lúc anh mụ mị:

Ta cứ ngỡ đã bước vào vườn mộng
Trong sắc hương vời vợi chiêm bao
Ta vẫn ngỡ lẫn vào đá núi
Trong mắt em vồn vã, đầy ắp sao.
(Mắt ảo)

Dù viết ở dạng nào, vấn đề gì đi nữa Vi Quốc Hiệp cũng viết một cách rất bản năng, mà đọc lên ta cảm được những hỉ nộ ái ố của cuộc đời được anh thể hiện theo cảm xúc riêng mình. Và đặc biệt, thơ Vi Quốc Hiệp rất chú trọng hiện thực cuộc sống. Tuy nhiên, ở nhiều bài dường như vẫn thấy thiêu thiếu sự mông lung huyền ảo trong cảm xúc và ngôn ngữ bởi cách viết hoặc là chủ đề “thẳng” quá. Nhưng những gì “góp nhặt” được trong hành trình “Đi trong sương giăng” của Vi Quốc Hiệp cũng đủ để làm người đọc “bảng lảng” dù chỉ là ít phút ngắn ngủi trong thế giới nghệ thuật thi ca.
 

CÁT MIÊN
 

VI QUỐC HIỆP

Mắt ảo

Trăng ảo huyền long lanh mắt ngọc
Mặc ta say nghiêng ngả bên em
Sương lấm tấm rắc trên cành bạc
Cơn gió nao than vãn bên thềm

Em lặng lẽ bên ta nồng nàn mắt
Tóc bay bay theo gió vô hồi
Mây theo em dâng hương ngào ngạt
Mà thời gian cứ lẳng lặng buông xuôi

Ta cứ ngỡ đã bước vào vườn mộng
Trong sắc hương vời vợi chiêm bao
Ta vẫn ngỡ lẫn vào đá núi
Trong mắt em vồn vã, đầy ắp sao

Đành vậy em cứ vô hồi, cứ ăm ắp
Ta trở về với ảo ảnh riêng mình
Mặc trong tim đong đầy mắt ngọc
Mang theo em tới dằng dặc bình minh.


Với Lê – vi - tan

Miên man, ngút ngàn sắc vàng
Con kênh xám xịt yên lặng
Cỏ non mang màu ngai ngái
Rặng dương hừng sáng trên màu vàng rực
Ôi sắc thu Nga – Lê – vi – tan  

Sắc mùa thu – mùa xuân, mùa trăng
             trong tranh ông đều lặng lẽ
Phảng phất nỗi buồn
Những con đường mòn mỏi cô đơn
Ánh trăng vàng run rẩy
Những đụn rơm trong đêm lổn nhổn
Thấp thoáng trong sương, những đám cây nhấp nhô
Nước Nga, nước Nga
Đều ám ảnh nỗi buồn
              Lê – vi – tan.