Kinh tế suy thoái, dân Âu - Mỹ kỳ này tính đi chân đất chắc. Năm ngoái còn xuất được mươi công-tay-nơ, mấy chục ngàn đôi giày, năm nay thì chịu, đại hạ giá vẫn ế. Nợ ngân hàng, lo sa thải công nhân, bị thanh lý hợp đồng, cắt việc làm có đứa đứng giữa sân òa khóc...
Kinh tế suy thoái, dân Âu - Mỹ kỳ này tính đi chân đất chắc. Năm ngoái còn xuất được mươi công-tay-nơ, mấy chục ngàn đôi giày, năm nay thì chịu, đại hạ giá vẫn ế. Nợ ngân hàng, lo sa thải công nhân, bị thanh lý hợp đồng, cắt việc làm có đứa đứng giữa sân òa khóc. Cháu ơi, hàng tồn chất đống, chẳng nhẽ chú tiếp tục vay ngân hàng nuôi các cháu. Đành sẩy đàn tan nghé, cứ níu bám vào nhau thế này thì chết đói cả nút. Lại còn con vợ tham lam kia nữa, vay người nọ cho người kia để lấy lãi cao hơn, bị xù, thế là chết cả dây, huê với chả hụi, bao nhiêu bận không chừa. Chủ nợ có đứa quỳ xuống chân van xin, chị làm ơn làm phúc trả lại gốc cho em. Đứa hung hãn xách dao đến, sợ chết ngất, tỉnh dậy dở điên dở dại: Nó giết tôi! Nó giết tôi!
Minh họa: Ngọc Minh |
Hôm nay xin cho vợ được vào tù trốn nợ, mừng ơi là mừng, giờ còn việc mua cho mẹ mười ký trà nữa. Nhất định không được quên, bà dặn đi dặn lại. Hỏi thì nổi nóng: Tôi bảo anh mua anh cứ mua. Tay cầm vô lăng tay ôm bụng, cơn đau dạ dày lại quặn lên hành hạ. Ông trời, ông có định để con sống nữa không đây?
Xe lăn bánh quanh bờ hồ. B’Lao thay đổi nhiều quá. Khi xưa chỗ này là bãi cỏ hoang lúp xúp cây bụi, hiệu trà Quốc Thái chưa xây, người ta quen nhắc cái tên Đỗ Hữu từ trước bảy lăm. Xe về Sài Gòn ghé qua căn nhà khiêm tốn cạnh đường mua năm ba ký làm quà. Giờ xuất hiện nhiều danh trà mới: Tâm Châu, Quốc Thái, Bảo Tín, Thiên Hương… lớp con cháu tuổi trẻ tài cao làm ăn ghê thật.
Cái thời bế quan tỏa cảng, bắt bớ giấu giếm từng ký trà qua rồi, mẹ kể lại nghe cứ như chuyện cổ tích. Từ B’Lao về Sài Gòn không biết bao nhiêu cái barie: Mađaguôi, Phương Lâm, Định Quán, Dầu Giây… Đến đâu xe cũng phải ách lại, hành khách xuống hết để quản lý thị trường lục soát từng gói hành lý, trót lọt về đến Sài Gòn có khi còn bị lột sạch, mất trắng. Một lần, ông khách ngồi cạnh bà xách hộ gói trà, thế là thoát, quen nhau lấy chỗ gửi hàng và rồi nên vợ nên chồng. Anh về B’Lao là về quê ngoại. Những năm trước, hai mẹ con thường dắt díu nhau về thăm ông bà. Nay ông bà qua đời, nhà cửa vườn tược bán đi, mẹ ngày một già, anh tối mắt tối mũi vào sản xuất giày xuất khẩu, không lúc nào ngẩng đầu lên được.
Chỗ khách sạn Anh Đào mười tầng kia trước là bến xe ô tô, đã làm gì có nhà văn hóa, cả cái tháp vi ba của bưu điện cũng không. Lúc đó bưu điện còn ở đầu Cầu Trắng, nép bên cạnh cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh ngay ngã ba. Chỉ có Cầu Trắng cùng với những quán tạp hóa ở chợ kéo căng miếng vải cũ kỹ che nắng xiên khoai là vẫn như xưa. Mặt hồ sẫm dần, chiều phố núi bình yên trong dáng vẻ uể oải ngàn đời. Anh ngồi bên ông lão hàng xóm cũ tình cờ bắt gặp đang câu cá. Thành phố lên đèn, một bầu trời sao rực rỡ dưới đáy hồ. Chúng mình về thôi, lão đứng lên dắt tay anh.
Từ lúc ngồi xuống mép nước, ngắm mặt hồ và theo dõi cái phao câu, cơn đau dạ dày tự dưng biến mất. Giờ đây trong căn nhà nhỏ của ông lão độc thân, ngọn lửa nhen hơi ấm tỏa ra thật dễ chịu. Ngả lưng xuống võng ngửa mặt nhìn vầng trăng chênh chếch khung cửa sổ như bắt gặp tuổi thơ mình, con tim nhói nhẹ và ký ức cất cánh. Có tiếng lách tách đều đều phát ra từ bếp lửa và mùi hăng hăng quen thuộc gợi nhớ những chiều theo bọn trẻ chăn trâu gom cành trà đốt lên sưởi ấm giữa triền đồi B’Lao sương giăng. “Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa… Lòng thật bình yên mà sao buồn thế!”. Ca khúc Trịnh Công Sơn viết ngay trên mảnh đất này khi ông đang dạy học. Vẫn tiếng tí tách, ánh lửa bập bùng và mùi hăng hăng của cành trà cháy bốc lên. Hình như đoán được tâm trạng khách, ông lão không nói gì, lặng lẽ pha trà.
Thì ra, hòa trong khói củi trà còn mùi khoai lang cháy. Lão mời ăn một củ khoai trước khi uống trà, bảo là thuốc trị bao tử, chẳng hiểu đùa hay thật. Cháu có biết vì sao mình đau bao tử không? Có những khúc mắc không giải quyết được. Ở đây có người đáo hạn nợ ngân hàng, nửa đêm xuất huyết bao tử phải cấp cứu đi bệnh viện.
- Nhưng nếu nợ đã được chuyển thành nợ khó đòi?
- Khó đòi vẫn là nợ. Có nợ phải trả nợ. Nợ trả xong bệnh sẽ hết. Bao tử cũng từ đấy, thần kinh cũng từ đấy, thậm chí cả ung thư nữa cũng từ đấy. Bách bệnh tại tâm. Bệnh nhân là mình, bác sĩ cũng chính là mình. Nghĩ kỹ đi, nghiệm xem tôi nói có đúng không.
Cái ông già này tài thật, bác sĩ không, lương y không mà phán những câu như thần bảo. Ngồi trên cái xe năm tỷ, được gọi là đại gia kể cũng thích, ai ngờ đang khốn nạn đây, ngồi trên đống lửa, đống nợ năm bảy chục tỷ. Ông già nhặt mấy cành trà khô đun nấu, không thèm biết giá gas lên xuống, kéo nước giếng pha trà, ngủ không quạt máy, không điều hòa, ăn rau củ trái cây sạch… Cuộc sống chậm mà thú vị. Sao ta cần nhiều tiền thế, phải chăng là sự kém cỏi? Ông ấy nói đúng, mai về bán tất nhà cửa xe cộ đi, trả nợ xong đưa vợ lên đây sống với vườn tược một thời gian. Cuộc mưa sinh đầy ắp áp lực khiến tâm ta rối bời. Cốc nước đang vẩn đục, để yên cho lắng đã. Bình tĩnh cái gì đáng làm thì làm, cái gì không đáng gạt nó đi cho nhẹ gánh.
Lão đã sống một đời để nói với ta một câu, dại gì không nghe theo. Kết quả là không có xe, cũng chẳng còn nhà, thế mà lại thanh thản, bệnh tình bay biến, của đi thay người. Còn bà cụ, ông ta nói, nếu trời gọi đi thì có gì nấn ná. Sống vui vẻ, chết bằng lòng, một đời vì chồng vì con đủ rồi, chẳng gì phải ân hận, vui mà lên đường. Sinh ra trên nương trà, mình chăm sóc trà, trà nuôi mình, người B’Lao khi mất bao giờ cũng trải một lớp trà dưới áo quan rồi mới đặt thi thể lên. Sống với trà, chết tẩm liệm bằng trà, lá trà khô êm, hương trà ấm áp linh hồn.
- Ông cụ sinh ra bà ấy ngày xưa từ tỉnh Thanh vào làm đồn điền trà cho ông Moule người Pháp. Trưa đến cụ nấu một nồi trà xanh, đứng dưới bóng cây cất tiếng gọi: “Nghỉ tay vào uống “nác” mọi người ơi, chè đương ngon”. Giữa trưa hè, dưới bóng cây râm mát, nâng bát chè xanh thơm phức đón gió cao nguyên trong lành thì còn gì bằng.
Dân gian truyền miệng: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Thế còn cây trà? Chẳng lẽ nó không là gì sao? Kỳ này cà phê đang lên ngôi, nó là cây làm giàu, nhưng coi chừng đấy, “được mùa chớ phụ ngô khoai”, tháng năm ngày tám giáp hạt mới thấy ai nuôi mình. Cà phê cho ta ngân phiếu, trà cho ta tiền tươi, những đồng tiền chợ đến đúng lúc. Đấy là nói ngày xưa, làm ăn manh mún, giờ trà cũng cho cả ngân phiếu rồi.
Sách dạy nhiều điều hay, nhưng những điều thấm thía nhất, hữu ích nhất có khi lại không phải từ sách. Chân lý là ngộ mà ra. Hay thật, mình trồng cây trà, trà nuôi ta sống, lại nâng niu ta về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh có biết trà khác cà phê thế nào không? Không hả? Cà phê nặng về hướng ngoại, làm ta khôn ra, nhìn xa trông rộng. Còn trà thiên về hướng nội, khiến ta thanh sạch, sáng ra và sâu sắc thêm. Chí lý quá! Sáng ra thì tâm hồn như cốc nước trong, rõ mình, rõ người. Cây trà không có thần, cũng chẳng có ma, nó là ân nhân của con người. Dù công việc rối bời, vội vã đến đâu, nâng tách trà nóng trên tay bỗng dưng lòng dịu nhẹ, hương thơm thanh khiết đánh thức khứu giác, làm ta bừng tỉnh ngẫm nghĩ sự đời, xem người ta sống, nghiệm ra giá trị của phút giây an lạc. Việc khó đến mấy rồi cũng sẽ qua và đời sống tự nó thu xếp, tiếp diễn như mặt trăng mặt trời, ngày đêm đắp đổi trên mảnh đất B’Lao hiền hòa này.
Ồ, lạ chưa, cái nắng mật ong vụt tắt, sương đất bảng lảng dâng đầy, người bồng bềnh trong gió trong mây, hơi sương lành lạnh mơn man đánh thức làn da, gợi bao nhớ nhung kỷ niệm.
Cứ theo lời ông lão thì chính mẹ anh đã được tượng hình ngay trên đồi trà Bồng Lai này, và vì thế bà mang tên Trà My, thực ra trà my cũng là trà thôi. Những cuộc ái ân của công nhân đồn điền trà xa xứ luôn được tán trà che chở, bao dung. Bà ngoại anh là cô gái Huế có bàn tay vàng, khi bứt đọt trà một tôm hai lá không nhìn thấy những đầu ngón tay, giống như trình diễn màn ảo thuật. Hai nắm tay đầy trà ném qua vai vào chiếc gùi sau lưng không ra ngoài một đọt. Ngày trung bình người ta hái năm mươi ký, bà gần tạ. B’Lao ngày ấy lạnh chứ không như bây giờ. Sáng mù sương trời tối om, cả đồn điền đánh chiêng, khua vang mâm nồi bằng đồng đuổi cọp mới dám lên nương. Chiều xuống, núi lấp hoàng hôn, sương buông dày đặc, ông bà ngoại ngồi trên chiếc áo tơi tựa lưng vào nhau cho đỡ lạnh thì con hổ xuất hiện. Bà xoay người ôm chặt lấy ông. Chẳng hiểu sao hổ quay đi mà họ vẫn không buông nhau ra. Lá trà dập nát, mùi hăng hăng bốc lên nghì ngụt cùng sương khói cao nguyên. Sương đọng trên lá trà lấp lánh dưới ánh trăng như muôn vàn con mắt nhấp nháy cười tinh quái. Ngập trong không trung là bản hợp xướng của ếch nhái, côn trùng…
Ông Muole vẫn dùng ống nhòm quan sát đồn điền từ cửa sổ biệt thự gỗ màu xanh (theo Trần Quang Ngân), mỉm cười khi phát hiện ra cặp trai gái này và đứng ra tác thành cho họ.
Nghe chuyện ông lão kể, anh hiểu thêm bí mật gia tộc, nguồn gốc của mình và nụ cười hồn nhiên nở trên môi xua đuổi bao nỗi lo toan đè nặng bấy lâu. Anh sực nhớ những người thất nghiệp ở Tây Ban Nha, Ý, Hi Lạp… có thể xỏ giày cũ, giày rách nhưng vẫn không bỏ thói quen đến quán trà than vãn, kiếm việc làm. Hay ta xuất khẩu trà? Các đối tác mua giày đã chả gợi ý khi họ nhận được gói trà B’Lao của anh biếu vào dịp tết!
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM