Cô gái làng chèo (truyện ngắn)

03:12, 19/12/2012

Đã lâu ông Hoàng không về quê, nhưng nhiều người làng Hạ vẫn nhận ra ông. Ông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi năm mươi tám. Nhiều người ngắm nhìn kỹ rồi thì thầm với nhau: Lạ thật, ông này làm giám đốc mà không to béo, hói đầu, bụng phệ, đi đứng oai vệ như các giám đốc khác mới lạ chứ!

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh

Đã lâu ông Hoàng không về quê, nhưng nhiều người làng Hạ vẫn nhận ra ông. Ông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi năm mươi tám. Nhiều người ngắm nhìn kỹ rồi thì thầm với nhau: Lạ thật, ông này làm giám đốc mà không to béo, hói đầu, bụng phệ, đi đứng oai vệ như các giám đốc khác mới lạ chứ!

Về quê lần này, ông ở nhà người cô ruột. Người con trai cả của cô ruột nói với ông Hoàng:

- Tối nay đội chèo làng ta diễn lại tích chèo Lưu Bình – Dương Lễ, bác đi xem nhé. Em còn nhớ lúc 7 tuổi, mẹ em vẫn cõng đi xem chèo. Bác đóng vai Lưu Bình hay lắm, rồi bác đi bộ đội. Sau này, và ngay cả bây giờ những người cao tuổi làng ta vẫn nói chưa có ai đóng hay bằng bác đâu.

Ông Hoàng đã từng là diễn viên của gánh chèo làng Hạ - một gánh hát nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX. Đến lứa ông Hoàng là thế hệ thứ bao nhiêu, ông cũng không nhớ. Nghe người già kể lại thì gánh chèo làng Hạ trước Cách mạng tháng Tám thường được các nhà giàu trong huyện, trong tỉnh mời diễn, nhiều lần đi xuống tận mạn Thái Bình, Nam Định.

Tất nhiên tối ấy ông Hoàng phấn chấn đi xem. Khán giả rất đông, âm thanh ánh sáng bây giờ thật tốt không kém gì văn công nhà nước. Ông Hoàng đứng xem thật là say mê. Chợt ông sửng sốt khi trên sân khấu xuất hiện nữ diễn viên đóng vai Châu Long, người đẹp hát hay đã đành, mà khuôn mặt và giọng hát sao lại giống hệt người ấy. Tim ông đập mạnh, dường như thời gian quay ngược trở lại mấy chục năm trước.

Hơn 40 năm trước, ở tuổi mười lăm, Hoàng trở thành diễn viên của gánh chèo làng Hạ. Thời ấy luyện tập ngày nào, hợp tác xã chi công điểm ngày đó. Hoàng cao lớn hơn các bạn cùng tuổi một một cái đầu. Cậu thuộc rất nhanh các làn điệu chèo và cả tích chèo. Rất lạ là trong cái làng Hạ này, dòng họ Đỗ của Hoàng không ai biết hát chèo nhưng giọng của Hoàng thật mượt, ấm, có độ vang. Mười lăm tuổi Hoàng đã được phân công đóng các vai như Lưu Bình, Trương Viên, Châu Tuấn. Không những thế cậu còn đóng tốt các vai khác như hề, xã trưởng, chánh tổng, quan ba Pháp… Vừa là diễn viên Hoàng vừa kiêm cả nhạc công. Cậu thổi sáo, kéo nhị, đánh đàn nguyệt đều thạo.

Cùng trong đội chèo làng Hạ với Hoàng là bé Nụ. Lúc ấy nó mười hai tuổi người bé loắt choắt, tóc đuôi gà đỏ cháy vì nắng. Sáng đi học, chiều đi cắt cỏ lại dắt theo con trâu to đùng. Vào đội chèo, nó đóng các vai trẻ em. Nó cũng sáng dạ. Các làn điệu khó như Sa lệch chênh, Đường trường thu không, Đường trường tiếng đàn, Đường trường chông chênh, Vãn canh… Nó hát không chệch nhịp, ngọt như mía lùi. Hát như đi chơi.

Cứ mười giờ đêm là anh Tuần – bố Nụ lại đến nhà ông đội trưởng đội văn nghệ của xã để cõng con về. Hôm nào đến muộn thì Hoàng cõng giúp. Năm mười ba tuổi bé Nụ bỗng lớn nhanh, nó phổng phao như thiếu nữ mười bảy. Đôi mắt lá răm lúng liếng dưới hàng mi cong, ngực nhú chũm cau. Có hôm về khuya, nó làm nũng bắt Hoàng phải cõng. Chàng trai mười bảy tuổi run run như bị sốt rét, tim đập loạn xạ. Nụ bá vai Hoàng rất chặt, ngực cô bé mới lớn như quả ổi chín ép, cứ thúc vào lưng Hoàng theo nhịp chân đi làm cho Hoàng buồn buồn khó tả. Mười bốn tuổi thì Nụ biết thẹn, không nhờ Hoàng cõng mà chỉ nhờ Hoàng đưa về bởi vì Nụ sợ ma. Hoàng bắt đầu chú ý đến ăn mặc, đầu tóc của mình. Hôm nào tập luyện, Hoàng cũng chỉ mong cho nhanh hết giờ để đưa Nụ về. Đứa đầu làng, đứa cuối làng, cách nhau có một cây số nhưng đôi trẻ thường đi vòng ra đê sông Hồng rồi mới lộn lại. Kẻ đi trước, người đi sau, im lặng mà vẫn thích đi. Rồi hai đứa được đóng cặp với nhau, họ đã thành một cặp kép chính. Nam thanh niên trong làng, ngoài xã nghe đồn có cô diễn viên trẻ đẹp thì nô nức đến xem mặt. Nữ thanh niên thì xem mặt Hoàng. Gái làng có đến hàng chục cô tìm cách để Hoàng chú ý đến mình. Nhưng Hoàng chỉ để ý đến Nụ và ngược lại…

Sau đợt tập luyện và biểu diễn là những ngày dài nghỉ ở nhà, Hoàng cứ ra vào lóng ngóng như ngồi trong chậu lửa, chỉ mong đợt tập luyện mới lại đến.

Một buổi chiều cuối năm – mưa phùn gió Bấc. Cái lạnh xứ Bắc như cầm dao cắt vào da thịt. Hoàng ngồi ở nhà lấy cây sáo trúc thổi lên vài làn điệu chèo. Lúc chuyển sang bài Anh vẫn hành quân thì Nụ đến. Hoàng ngạc nhiên khi thấy Nụ không vui tươi nhí nhảnh như trước. Chưa kịp hỏi thì Nụ đã nói:

- Em bị lấy chồng rồi anh Hoàng ạ.
- Hả? Lấy chồng? Mới mười sáu tuổi cơ mà!
- Em không biết. Bố mẹ em bắt lấy, nếu không thì không cho đi văn nghệ và bị trói vào cột nhà.
- Em lấy đứa nào? Hoàng nói như thét.
- Thằng Thịnh nhà ông Thích.

Đất trời như sụp đổ dưới chân Hoàng. Quả tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Chàng trai mười chín như thấy mình chết nửa người. Nụ khóc và nói:

- Em không biết làm gì nữa, không lấy thằng Thịnh thì bố em đánh chết?

Nói đến đấy, Nụ vụt chạy, để cho Hoàng đứng chết lặng với cái miệng há hoác ra vì kinh ngạc.

Bên nhà Nụ cũng cho người đánh tiếng nghiêm cấm Hoàng đến với Nụ. Nếu còn thấy đi với nhau thì anh Tuần sẵn sàng cầm dao chém chết cả hai, tất nhiên là Hoàng sợ.

Một đám cưới nhanh chóng được diễn ra. Kể từ khi dạm ngõ đến đêm động phòng chỉ có sáu ngày. Nụ chưa đủ tuổi mười tám thì bố Thịnh – ông Thích – Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp đã có cách. Thời bao cấp này, Nụ về nhà ấy thì tha hồ ăn ngon mặc đẹp. Thằng Thịnh mới mười chín tuổi, người gầy ngẳng, mặt vênh như diệp cày chìa vôi, chân tay quều quào. Nó đang học trung cấp nông nghiệp trên thị xã, sau này là cán bộ, còn Hoàng là con nhà nghèo thì sao sánh được. Thằng Thịnh say mê Nụ, không bỏ một tối xem chèo nào khi có Nụ thủ vai. Nó bắt bố hỏi bằng được Nụ cho nó nếu không nó sẽ uống thuốc sâu tự tử. Ông Thích đã gây sức ép với bố mẹ Nụ. Anh chị Tuần nghe ngay. Thôi thì con gái lớn phải gả chồng. Về nhà ấy là không lo thiếu gạo…

Hoàng nằm liệt giường mấy ngày liền. Đêm trước ngày cưới của Nụ, vào khoảng bảy giờ tối, em gái của Nụ chạy đến thì thầm một lúc. Hoàng bật dậy thật nhanh và theo con bé ra bờ sông Hồng.

Nụ đang ở đó. Cô ôm lấy Hoàng mà khóc. Hoàng cũng chỉ biết khóc theo. Đêm mùa đông, dưới ánh trăng lạnh lẽo và mờ ảo, dòng sông như rộng thêm ra, có một con thuyền nào lặng lẽ rời bến xuôi dòng…

Mấy tháng liền, Hoàng ngơ ngẩn vì mất Nụ. Rồi anh xung phong nhập ngũ, thực lòng muốn đi xa để quên Nụ. Dù đã đi rất xa, nhưng hàng chục năm sau Hoàng vẫn không quên được mối tình thơ trẻ của mình… Mỹ cút, ngụy nhào lại chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc cứ cuốn hút lấy người cán bộ chỉ huy tiểu đoàn, rồi trung đoàn. Mãi đến năm 1982, Hoàng mới chuyển ngành làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Hơn chục năm nay ông bận rộn với việc kinh doanh. Lần về quê này không đơn thuần là thăm lại bản quán, họ hàng, mà ông còn kết hợp công việc. Giới kinh doanh đang đổ xô về vùng này mua đất. Nghe nói, vùng đất cằn cỗi này sẽ trở thành thị xã. Ông muốn mua dăm bảy héc ta, đầu tư xây vài căn nhà nghỉ thật đẹp, còn lại sẽ làm vườn sinh thái thu hút khách du lịch đến vui chơi.

- Cô gái trẻ này con cái nhà ai mà người đã đẹp lại hát hay thế nhỉ?

Người em con cô nhanh nhảu nói:

- Đấy là con gái thứ hai của chị Nụ, chắc anh biết chị Nụ chứ?

Ông Hoàng giật bắn người, con của Nụ ư? Thảo nào, giống mẹ quá. Trên đường về ông hỏi người em:

- Anh nghe nói cô Nụ đã cùng chồng đi xây dựng vùng kinh tế mới ở tận Tây Nguyên cơ mà?
- Vâng, nhưng anh chị ấy li dị nhau lâu rồi. Một mình chị ấy đưa hai con về quê.

Ông Hoàng ngẫm nghĩ “Thế mà đã mười bảy năm rồi, hôm nay mình mới lại về thăm quê”. Ngày ấy, mẹ từ trần, công việc lu bu không đến thăm được ai.

- Chắc bây giờ bà ấy đã già rồi nhỉ?

- Không già đâu bác ạ. Chị ấy còn đẹp lắm, ba mẹ con đi với nhau mà cứ như ba chị em. Sau bảy năm lấy chồng, chị Nụ mới sinh đứa con gái đầu lòng. Chồng chị Nụ được bố xin cho làm nhân viên một sở gì đó trên thị xã. Chị Nụ sinh tiếp đứa thứ hai, nhưng lại là hoàng tử đái ngồi nên bố mẹ chồng ngán ngẩm. Chồng thì thờ ơ.

Hồi ấy, mấy người làm trong sở ấy rất lắm tiền. Có tiền Thịnh ăn chơi trác táng. Hắn từng bậy bạ với nhiều cô đi buôn chuyến. Muốn khỏi bị tịch thu hàng, dù các cô đã có chồng cũng phải cho Thịnh “vui vẻ” thì mới thoát. Rồi Thịnh bị đuổi khỏi cơ quan do nhiều lần quan hệ bất chính với cô Lài, một người chuyên chạy hàng ở thị xã. Một lần chồng cô bắt được Thịnh và vợ anh ta không mặc quần áo, Thịnh được ăn một trận đòn no. Xấu hổ quá, Thịnh bắt vợ con theo mình vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng. Vào đấy được một thời gian chẳng hiểu sao họ ra tòa ly dị. Nụ đưa các con trở về quê cha đất tổ, giờ đang ở cùng vợ chồng người con gái cả trong ngôi nhà cũ của ông bà Tuần ngày xưa.

Đêm ấy ông Hoàng không hề chợp mắt. Vừa nhớ tiếc người con gái trong trắng thủơ xưa, vừa thương hoàn cảnh đơn côi của Nụ bây giờ. Mình có thể giúp gì cho Nụ bây giờ đây? Mình đã có một gia đình đầm ấm, có một sự nghiệp đáng kể, nhưng tình cảm dành cho Nụ thì vẫn như xưa. Lóe sáng trong đầu ông ý nghĩ mình sẽ nhận con gái Nụ vào làm ở công ty, mình sẽ xây tặng Nụ một căn nhà thật đẹp… Trong vai trò giám đốc một doanh nghiệp tư nhân có trong tay vài chục tỷ đồng thì việc ấy là chuyện nhỏ.

Hôm sau, ông Hoàng đến nhà bà Nụ. Bà đang quét sân. Như có linh tính báo, bà ngẩng lên nhìn từ lúc ông mới bước vào cổng. Hai người đứng lặng nhìn nhau thật lâu. Rồi bỗng nhiên bà thổn thức:

- Sao bây giờ anh mới về?

Ông Hoàng cũng nghẹn lời mãi sau mới nói:

- Bà… à, bây giờ em thế nào?

Ngồi cạnh ông, bà khóc khi kể lại nỗi khổ cực mười ba năm làm vợ. Vào Tây Nguyên, Thịnh cũng không bỏ được tính trăng hoa. Từ hồi ly dị đến nay hắn không hề hỏi han gì đến hai đứa con. Rồi bà òa khóc nức nở.

-Thôi nào, gặp nhau phải vui chứ? Hãy quên quãng đời buồn khổ ấy đi. Mỗi người một số phận. Các con em cũng khá cả đấy chứ.

- Vâng. Còn anh, vợ con ra sao? Đời sống thế nào? Bao nhiêu năm anh chẳng về quê?

- Tôi có về vài lần, nhưng không có điều kiện gặp Nụ, mà nghe nói Nụ đã vào Tây Nguyên. Vợ con tôi ở cả trong Nam. Cuộc sống cũng bình thường như bao gia đình công chức khác.

- Vậy sao anh không đưa vợ con về?

- Nhà tôi sức yếu, cô ấy không đi tầu xe được. Mà thôi, tôi muốn nghe Nụ kể về đội chèo làng ta. Hôm trước xem con gái em đóng vai Châu Long, tôi cứ nghĩ chính là em ngày trước… Nghe nói đội chèo làng mình sống được là nhờ Nụ phải không?

Bà Nụ lau nhanh những giọt nước mắt vương trên má. Khuôn mặt rạng ngời như chưa hề vương một chút ưu tư. Bà say sưa kể cho ông Hoàng những bước thăng trầm của hội chèo làng Hạ. Những năm xóa bỏ cơ chế bao cấp, đội chèo gần như tan rã, vì chẳng còn công điểm, thóc lúa đâu chi cho việc múa hát chèo. Những người yêu chèo từ trong máu thịt như bà, thì hoặc là bị gia đình cấm đoán, hoặc là phải bươn chải kiếm ăn, không còn hơi sức đâu nghĩ đến múa hát. Khi bà từ Tây Nguyên trở về, đời sống dân làng đã khá hơn. Xã tổ chức liên hoan văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân. Người làng Hạ yêu cầu chị Nụ đóng góp một tiết mục (lúc đó Nụ mới bước vào tuổi bốn mươi). Hát mới thì Nụ không biết, nên đành hát ba trổ sa lệch chênh trong vở chèo Tấm Cám, đời em như hạt tấm làng Mai… Nụ vừa cất tiếng hát thì cả hội trường có đến hàng ngàn người đang ồn ào cười nói bỗng im phắc, rồi tiếng vỗ tay rào rào. Người ta kháo nhau, giọng hát tuyệt vời, sao chị ấy không đi văn công nhỉ? Vài hôm sau bà hội trưởng phụ nữ, anh bí thư thanh niên và ông chủ tịch mặt trận cùng đến nhà Nụ đề nghị chị làm nòng cốt khôi phục lại đội chèo của làng. Vậy là Nụ trở thành đội trưởng đội chèo. Ban đầu ba mẹ con Nụ cùng tham gia, sẵn sàng nhận bất cứ việc gì, đào chính, đào lệch, hoàng tử, công chúa, thậm chí cả vai hề.

Người xin vào ngày một đông, có ông già ngoài sáu mươi tuổi cũng xung phong vào đội chèo, có cả các em nhỏ như Nụ và Hoàng ngày xưa, bởi vì làng Hạ có truyền thống yêu múa hát. Lúc tập và lúc diễn trong làng thì vui lắm, nhưng mỗi năm phải đi hội diễn ở xã, ở tỉnh là lúc thật khó khăn. Lấy đâu ra tiền để dựng vở mới, lấy đâu ra tiền để mua sắm áo quần, trang thiết bị cho âm thanh, ánh sáng, để đưa mấy chục người lên thành phố ăn nghỉ hàng tuần. Chao ôi là khó.

Mấy lần đến gặp ông trưởng thôn, rồi ông trưởng ban văn hóa xã, họ chỉ gãi đầu, gãi tai động viên chung chung rằng, cố gắng khắc phục khó khăn, cứ thi đi, nếu có giải sẽ có thưởng. Nụ gần như phát khóc, không đầu tư, tập luyện kỹ thì lấy đâu ra giải. Rồi Nụ nảy ra một ý định táo bạo, năn nỉ mẹ để cho vay ba chỉ vàng, bán đi lấy tiền thuê đạo diễn từ tỉnh về, rồi may mấy bộ quần áo thật đẹp cho diễn viên. Lần ấy đội chèo làng Hạ giành giải nhất toàn tỉnh, được ghi hình phát lên ti vi. Cả làng, cả xã mừng vui. Sau đấy, mỗi lần có hội diễn, Nụ đến gõ cửa các ban ngành, các xí nghiệp trong vùng xin tài trợ. Đi xin như vậy cực nhọc lắm, mặt phải dầy như cái mo, nhưng cứ nghĩ đến những đêm diễn thì mọi mệt nhọc đều lui hết cả.

Ông Hoàng ngồi nghe mà như được sống lại cái tuổi mười chín đôi mươi của mình. Rồi ông thốt lên:

- Em giỏi quá! Thế mà anh cứ tưởng…

Giọng Nụ trầm ấm:

- Đời em còn gì vui hơn những đêm hát chèo đâu anh. Hai đứa con em lấy chồng cả rồi đấy, trước khi cưới em phải yêu cầu chàng rể và gia đình thông gia cam kết dứt khoát không được bắt con em ra khỏi đội chèo. Sau này con chúng nó mà thích hát chèo thì cũng cho cháu theo luôn. Chỉ tiếc là… anh không ở làng?

Ba hôm sau, người trợ lý của ông Hoàng từ thành phố trở về, vui mừng nói:

- Anh ạ, thủ tục em lo xong hết cả rồi. Họ sẽ giao đất cho mình vào tuần sau. Giấy phép xây ba ngôi biệt thự làm nhà nghỉ em cũng xin được rồi đây.

Ông Hoàng trầm ngâm một lát rồi nhẹ nhàng nói:

- Mình tạm dừng việc xây nhà nghỉ lại, để tiền đầu tư một dự án khác.

- Có dự án khác hả anh? Tuyệt quá. Anh đúng là một giám đốc năng động.

Khi nghe ông Hoàng nói sẽ đầu tư vào dự án bảo tồn và phát triển đội chèo làng Hạ thì anh trợ lý giãy nảy, ra sức can ngăn:

- Giời ạ, cứ tưởng dự án gì, chứ chèo hát bây giờ ai người ta xem. Khoản tiền tỷ này coi như đổ xuống sông xuống bể, không bao giờ thu được vốn chứ đừng nói là có lãi.

Ông Hoàng lặng thinh ngẫm nghĩ. Cậu ấy nói đúng, nếu tính ra tiền thì có thể không bao giờ có lãi, nhưng cậu ta không biết rằng, nguyên cái việc tiếng hát chèo làng Hạ được cất lên giữa đời thường, được phát lên ti vi, để những cô Tấm, cô Son, Thị Mầu, Thị Kính, nàng ba Châu Long được sống mãi, làm vơi đi nhọc nhằn của bao người lao động ở làng quê, với ông đã là cái lãi lớn lắm rồi. Sau hôm gặp Nụ, ông đã suy nghĩ rất nhiều. Việc nhận con cháu bà vào làm công ty, hoặc xây cho bà một ngôi nhà đẹp, cũng không thể làm bà vui bằng nuôi đội chèo sống mãi. Dự án này là món quà đặc biệt ông muốn tặng cho mối tình đầu lỡ dở của ông. Tuy vậy nhưng ông muốn làm yên lòng người giúp việc mình, nên chậm rãi nói:

- Cậu bình tĩnh. Khi mình có khu du lịch sinh thái và nhà nghỉ rồi, du khách sẽ đến thăm và nghỉ lại, mỗi tối đội chèo sẽ phục vụ khách thu lại một vài triệu thì vài năm mình đủ vốn chứ bao nhiêu. Rồi mình sẽ đưa đội chèo ra thành phố lớn, thậm chí ra cả nước ngoài biểu diễn. Tôi nghe nói khách nước ngoài thích xem chèo lắm, vì ở xứ sở của họ không có môn nghệ thuật độc đáo này. Quan trọng là cậu giúp tôi soạn thảo bản dự án thật kỹ lưỡng và chặt chẽ. Tôi muốn dành một phần ba số tiền cho việc tuyển chọn và đào tạo diễn viên, có thể nhận các em có năng khiếu đào tạo từ lúc lên mười. Số tiền còn lại sẽ chia đôi, một nửa dành để bảo tồn vốn cũ, ghi âm, ghi hình lưu lại, một nửa để sắm trang thiết bị thật hiện đại, dứt khoát phải có một chiếc ô-tô để chở đoàn đi hội diễn…

- Ôi giời, anh lãng mạn quá, đường làng bé như con trạch, xe máy đi còn khó, ô tô đi vào đâu.

- Đường sá thì cả làng cả xã cùng đi, rồi họ phải lo. Tôi giao cho cậu làm chủ dự án này, tuyệt đối không được nói lộ tên tôi, nghe chửa.

Cuối tuần ấy, trước khi ông Hoàng trở về Nam, bà Nụ đến tiễn ông với vẻ mừng rỡ khác thường. Bà mang theo một chai tương do chính bà làm bằng gạo nếp của nhà, cùng một bọc đỗ xanh bà trồng ngoài bãi phù sa sông Hồng, nói rằng biếu chị với các cháu. Bà hớn hở như hồi mười sáu tuổi khoe với ông rằng, có một công ty Hương Mơ nào đó tự nhiên lại đầu tư cho đội chèo làng Hạ. Bà đưa tận tay ông bản dự án do anh cán bộ văn hóa xã chuyển cho. Ông vờ xem chăm chú rồi nhẹ nhàng hỏi:

- Dự án hay quá. Họ đầu tư vốn, còn em phải lo bảo tồn và phát triển đội chèo. Năm nào cũng phải có vở mới, liệu em có đáp ứng được yêu cầu họ đặt ra không?

- Được quá chứ ạ. Thanh niên làng mình vẫn có nhiều cô cậu yêu thích chèo như em và anh ngày xưa. Em chỉ mong thỉnh thoảng anh về làng… xem chèo anh nhé.

Ông Hoàng nhè nhẹ gật đầu. Trước mắt ông bỗng hiện ra cô bé Nụ của gần bốn mươi năm trước. Lần này cô chỉ hẹn ông về làng để xem chèo, nhưng ông nghĩ đó là lời hẹn ước thiêng liêng nhất.

Truyện ngắn: THANH HƯƠNG