Hủ tục là phong tục, tập quán đã lỗi thời, lạc hậu, những yếu tố tiêu cực của nó không còn phù hợp với xã hội đương đại, làm cản trở tiến trình phát triển. Những hủ tục mang màu sắc mê tín đã trở thành tội ác, là gánh nặng truyền đời đối với các cộng đồng người, nhất là đồng bào các dân tộc ít người...
PV: Hủ tục là phong tục, tập quán đã lỗi thời, lạc hậu, những yếu tố tiêu cực của nó không còn phù hợp với xã hội đương đại, làm cản trở tiến trình phát triển. Những hủ tục mang màu sắc mê tín đã trở thành tội ác, là gánh nặng truyền đời đối với các cộng đồng người, nhất là đồng bào các dân tộc ít người. Làm thế nào để bài trừ hủ tục hiệu quả? Đó là câu hỏi có vẻ dễ trả lời nhưng để giải quyết thấu đáo vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn. Là một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian (folklore) uy tín, giáo sư - tiến sĩ (GS-TS) Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian) đã giúp chúng tôi giải đáp một số nội dung liên quan đến khía cạnh hủ tục và giải pháp cho vấn đề này…
GS-TS Ngô Đức Thịnh |
GS-TS Ngô Đức Thịnh: Xã hội Việt Nam là một xã hội có sự chi phối sâu sắc của hệ thống văn hoá tín ngưỡng. Mỗi tộc người, mỗi nhóm người, mỗi vùng miền có những đặc thù văn hoá khác nhau, những phương cách ứng xử khác nhau, mức độ chi phối sâu sắc khác nhau. Đó là một bức tranh đa dạng văn hoá. Chúng ta đặt ra vấn đề hủ tục và tìm giải pháp khắc phục, dẫn tới bài trừ hủ tục là rất đúng. Thế nhưng, từ giác độ một người nghiên cứu văn hoá, tôi cho rằng, đây là một vấn đề nhạy cảm, không thể giải quyết một cách đơn giản mà phải hết sức cẩn trọng. Chúng ta phải xem xét tổng thể cả hệ thống chứ không “cắt xén” ra từng bộ phận để xử lý, cấm đoán…
PV: Thưa giáo sư, lời mở đầu của ông đã giúp chúng tôi nhìn nhận vấn đề một cách thận trọng hơn. Nhiều người đã nói đến hủ tục, đã định nghĩa khái niệm hủ tục, nhưng chúng tôi vẫn muốn biết quan điểm của ông?
GS-TS Ngô Đức Thịnh: Tôi ít khi sử dụng khái niệm hủ tục, mà chỉ nói là các phong tục, tập quán đã lỗi thời. Những phong tục, tập quán đó không còn chức năng xã hội, không còn phù hợp với đời sống và quan hệ xã hội đương đại. Bởi không có cách nói nào rõ hơn, chúng ta cùng thống nhất gọi đó là hủ tục.
PV: Giải quyết vấn đề hủ tục không chỉ nhìn từ góc độ hành chính hay pháp luật, bởi vì, nếu như thế thì chúng ta xử lý một vấn đề văn hoá bằng ý chí là chủ yếu. Trong khi đó, hủ tục thường liên quan đến tín ngưỡng (một yếu tố văn hoá) thì ăn sâu trong nhận thức của các cộng đồng người. Vậy, phải bắt đầu từ đâu, thưa giáo sư?
GS-TS Ngô Đức Thịnh: Để giải quyết vấn đề hủ tục, phải có một cái nhìn toàn diện, trên cơ sở nghiên cứu một cách hệ thống, chuyên sâu. Chúng ta giải quyết một vấn đề mang yếu tố văn hoá - xã hội bằng các giải pháp văn hoá thì hiệu quả của nó sẽ cao hơn và triệt để hơn. Vũ trụ quan, nhân sinh quan, tín ngưỡng của cộng đồng đã trở thành nhận thức, là hệ thống quan niệm đã ăn sâu trong máu thịt. Từ nhận thức đã chuyển hoá thành hành vi. Lâu nay chúng ta thường xử lý vấn đề hủ tục trên cơ sở hành vi, chứ không giải quyết từ căn cơ của nó, đó chính là nhận thức.
Trong xã hội hiện đại, chúng ta cho những hành vi này nọ của một cộng đồng người nào đó là hủ tục lạc hậu. Điều đó là do chúng ta “nhìn từ bên ngoài vào”, còn bản chất của vấn đề lại khác. Tất cả mọi hiện tượng văn hoá ra đời đều có chức năng xã hội của nó. Không có hiện tượng văn hoá nào ra đời một cách “vô lý”, ngẫu nhiên cả. Chúng đảm nhận một chức năng xã hội nhất định mà chức năng đó lại nằm trong một tổng thể văn hoá xã hội với những thiết chế đặc thù. Vì vậy, muốn nhận thức đúng và có phương pháp xử lý hiệu quả, phải bắt đầu từ việc nghiên cứu, thay đổi căn bản về mặt nhận thức của cộng đồng…
PV: Tức là giải quyết từ gốc rễ của vấn đề?
GS-TS Ngô Đức Thịnh: Khi chúng ta giải quyết vấn đề phong tục, tập quá lỗi thời thì phải tìm hiểu từ cái gốc xã hội của nó. Phải xem xét là nó ra đời từ bao giờ, chức năng xã hội là gì, tại sao vẫn tồn tại? Phải giải quyết vấn đề ngay trong không gian xã hội đó, cộng đồng đó, chủ thể văn hoá đó. Nếu “nhìn từ ngoài vào” và áp đặt các biện pháp xử lý, thì theo tôi, như vậy là không ổn. Tôi nhấn mạnh lại, mỗi quan niệm, hành vi văn hoá đều ra đời trong phương thức xã hội nhất định, có giá trị đối với cộng đồng hoặc thể hiện quan niệm riêng của một phương thức xã hội nào đó. Khi xã hội thay đổi thì các phương thức cũng thay đổi và các mối quan hệ truyền thống, “đất” nuôi dưỡng các phong tục, tập quán đó cũng sẽ thay đổi. Cho nên, khi giải quyết vấn đề phong tục, tập quán, chúng ta phải nhìn nhận như thế, chứ không phải cứ cấm, cứ phạt là được.
PV: Xin ghi nhận điều ông vừa nói, nhưng chúng ta cũng cần có sự phân biệt rạch ròi giữa các yếu tố phong tục, hủ tục? Và hủ tục thì phải tìm cách bài trừ nó, ví dụ như giết ma lai, chôn trẻ sơ sinh theo mẹ, bỏ con sinh đôi vào rừng, vợ chết chồng về nhà bên nội bỏ lại con thơ bơ vơ…
GS-TS Ngô Đức Thịnh: Khi nghiên cứu về văn hoá tín ngưỡng - phong tục, chúng tôi tạm phân biệt thành ba loại: Loại thứ nhất là những phong tục, tập quán tốt đẹp, thể hiện bản sắc các dân tộc thì cần phải bảo tồn và phát huy. Loại thứ hai là những cái “vô thưởng, vô phạt”, không tốt cũng không xấu thì không cần phải tuyên chiến, tự nó sẽ bị cộng đồng loại trừ nếu không còn phù hợp. Bởi vì, có những hành vi văn hoá, khi chức năng xã hội không còn thì tự nhiên nó sẽ mất đi. Loại thứ ba là các hủ tục không phù hợp, gây hại, thì cần phải có công cụ, thậm chí là công cụ pháp luật để loại trừ.
PV: Vậy lâu nay chúng ta tuyên chiến với hủ tục theo kiểu cũ là chưa hoàn toàn đúng phương pháp?
GS-TS Ngô Đức Thịnh: Can thiệp bằng luật pháp và các biện pháp hành chính không phải là công cụ duy nhất. Đôi khi, chúng ta ban hành chính sách, pháp luật nhưng ít có sự tham khảo ý kiến của chính đối tượng thụ hưởng pháp luật. Vì vậy, chính sách thường xa rời thực tế và thiếu tính dự báo. Tính khả thi, hiệu quả thực thi không cao. Trong khía cạnh bài trừ hủ tục, theo tôi, biện pháp tuyên truyền, giáo dục và nêu gương sinh động từ cuộc sống phải đặt lên hàng đầu. Muốn con người thay đổi hành vi phải làm cho họ thay đổi nhận thức, vì hành vi chỉ là sự thể hiện bên ngoài của nhận thức. Tôi tin, khi một con người đã có sự hiểu biết về điều họ đang làm thì họ sẽ có cái nhìn khác, hành động khác, phù hợp với nhận thức của họ.
PV: Chúng ta lý giải tại sao, xã hội Việt Nam hiện đại, nhận thức khoa học của con người phát triển mà chuyện mê tín, bói toán, buôn thần bán thánh lại phổ biến như thế? Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, những hủ tục vẫn đang ngấm ngầm diễn ra?
GS-TS Ngô Đức Thịnh: Những hủ tục, tập quán tưởng là lạc hậu, là xấu nhưng vẫn tồn tại, thậm chí là phát triển, bởi vì nó vẫn tìm được những liên hệ mới. Quan niệm, nhận thức về những tín ngưỡng đó vẫn còn. Khi quan niệm vẫn còn thì đương nhiên nó sẽ hình thành những hành vi thể hiện quan niệm đó. Như tôi đã nói, vũ trụ quan, nhân sinh quan sẽ quyết định hệ thống hành vi.
PV: Vâng, khi người ta còn quan niệm có linh hồn thì vẫn cầu cúng, lạy tạ. Khi còn tin rằng có ma quỷ thì vẫn còn chuyện diệt trừ. Một bộ phận đồng bào Tây Nguyên còn tin rằng, ma lai là một loài ma làm nguy hại đến cộng đồng thì họ vẫn xét xử theo cách của họ…
GS-TS Ngô Đức Thịnh: Vẫn còn nhiều hủ tục, nhất là trong cộng đồng các dân tộc ít người, vẫn tồn tại một số hủ tục có thể nói là man rợ theo cách nhìn của chúng ta. Giết ma lai là một trong số đó. Pháp luật chỉ có thể xử lý hành vi phạm tội, có tác dụng trừng phạt để ngăn ngừa chứ không thể giải quyết triệt để về mặt nhận thức. Vì vậy, biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất chính là tuyên truyền, giáo dục. Bằng cách nào đó để người ta hiểu ra rằng, đó là những hành vi sai trái, độc ác để họ từ bỏ. Đó chính là giải quyết vấn đề một cách căn cơ…
PV: Trong cộng đồng nhiều dân tộc thiểu số vẫn còn những bộ luật tục và họ rất tôn trọng giá trị của nó. Luật tục ăn sâu trong tâm thức, thực hiện chức năng xử lý các vấn đề trong cộng đồng. Hiện tại, không ít nơi, các bộ luật tục này vẫn còn được cộng đồng sử dụng. Theo giáo sư, có nên phát huy giá trị luật tục trong việc xử lý các vấn đề về phong tục, tập quán?
GS-TS Ngô Đức Thịnh: Những điều mà luật tục quy định đã lỗi thời thì chúng ta tìm cách hạn chế, còn điều nào tiến bộ thì nên phát huy. Theo tôi, cần có sự kết hợp một cách uyển chuyển, linh hoạt giữa luật tục và luật pháp, luật pháp nên coi luật tục là bộ phận “nối tay” của mình. Có những điều, nên để luật tục xử lý thay, vì trong luật tục bên cạnh những điều khoản rất nghiêm khắc cũng có nhiều điều khoản rất nhân văn, tính chất hoà giải và giáo dục cao...
PV: Xin cảm ơn giáo sư – tiến sĩ Ngô Đức Thịnh về những chia sẻ của ông!
Uông Thái Biểu thực hiện