Hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân trong thơ ca

02:12, 26/12/2012

Việt Nam, đất nước “Ra ngõ gặp anh hùng”! Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dường như Tổ quốc chưa bao giờ vắng bóng giặc. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, để làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, kết thúc một giai đoạn đầy gian khổ, hy sinh mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất đất nước ta, đóng góp cho sự nghiệp vĩ đại đó, hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân là biểu trưng đẹp nhất.

Việt Nam, đất nước “Ra ngõ gặp anh hùng”! Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dường như Tổ quốc chưa bao giờ vắng bóng giặc. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, để làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, kết thúc một giai đoạn đầy gian khổ, hy sinh mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất đất nước ta, đóng góp cho sự nghiệp vĩ đại đó, hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân là biểu trưng đẹp nhất.

Văn nghệ chào mừng 68 năm Ngày thành lập QĐNDVN. Ảnh: PVE
Văn nghệ chào mừng 68 năm Ngày thành lập QĐNDVN. Ảnh: PVE


Những người bước ra từ ruộng đồng

Khi đất nước bị giặc ngoại xâm xâm lấn, đáp lời kêu gọi của núi sông, những chàng trai, cô gái đã từ giã ruộng đồng, mái nhà tranh, mẹ già với bao nhiêu tình thương yêu để lên đường cầm súng. Sự “xuất thân” của đa số chiến sĩ giải phóng quân đều từ nông dân đi làm cách mạng nên họ có sự đồng cảm bởi ở sự giản dị, bao dung và chân thành. Phút tĩnh lặng giữa hai trận đánh, họ kể cho nhau nghe về quê hương, gia đình mình để nhớ, để yêu, để căm thù và chiến đấu:

            Quê hương anh nước mặn đồng chua
            Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
            Anh với tôi, hai người xa lạ
            Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau…
                                (Đồng chí - Chính Hữu)

Và đây, một hình ảnh rất đẹp, rất cảm động đã đi vào nỗi nhớ khắc khoải của người con trai đã từ giã mẹ già dưới trời tháng ba để lên đường đi kháng chiến; một hình ảnh gợi cho ta nhiều cảm xúc rất thiêng liêng, một lần nữa nói về sự xuất thân của người chiến sĩ giải phóng quân, nhưng được nâng lên ở một đỉnh cao mới:

            Tháng ba dáng mẹ cùng cây gạo
            Đứng ở đầu làng đưa tiễn tôi
            Lưng còng bên dáng cây cao khoẻ
            Tóc bạc bên hoa gạo đỏ trời…
                            (Tháng ba - Nguyễn Đức Mậu)

Là thi sĩ, chiến sĩ nên Nguyễn Đức Mậu hiểu hơn ai hết tình cảm thiêng liêng của tình mẫu tử và tình yêu Tổ quốc lớn lao hơn toả rộng giữa đời. Màu đỏ của hoa gạo - màu cờ Tổ quốc và mái tóc bạc trắng của mẹ già đã tôn lên sắc màu tươi roi rói tạo thành bức tranh hết sức sống động. Hình tượng Tổ quốc đó là dáng cây cao khoẻ và lưng còng nhỏ bé của mẹ… sự so sánh tuyệt vời!

“Cái màu đỏ như màu đỏ ấy” mà nhà thơ chiến sĩ liệt sĩ Nguyễn Mỹ đã mô tả trong bài thơ nổi tiếng của anh:    

“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ”...

Sự chia ly trong chiến tranh như là một nguyên lý tất yếu; dù có sự lưu luyến, nghẹn ngào, xúc động… nhưng không bi luỵ mà “chói ngời sắc đỏ”. Bởi sự chia ly hôm nay để chờ ngày đất nước hết bóng giặc họ lại trở về với vị thế của người chiến thắng. Điều đáng quý hơn là họ biết hy sinh tình cảm riêng tư, kể cả tính mạng cho Tổ quốc, vì nghĩa lớn cao cả: "Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau...".

Ở một hoàn cảnh khác, một cuộc chia ly khác cũng giữa người con trai với người mẹ già trước khi anh lên đường “theo cách mạng”, dẫu có nước mắt rơi nhưng rạng ngời niềm tự hào, kiêu hãnh; và, họ hiểu “nước mắt để dành cho ngày gặp mặt”.

            Mẹ nhìn con mắt liền đã đoán
            Nỗi lòng thơ sóng lửa dậy rồi
            “Thôi con đi! Đi theo cách mạng
            Đi đi con ! Bỗng mẹ sụt sùi…
                        (Phút chia ly - Thanh Hải)

Trong thơ ca kháng chiến, hình tượng Tổ quốc và người mẹ luôn luôn hiện lên trong các trang thơ rất đẹp, Tổ quốc và mẹ hiền như thể song đôi. Ở đó, giữa tình yêu quê hương với cây đa, bến nước, mái nhà tranh, cánh đồng lúa… gắn với những người thân ruột thịt và tình yêu đất nước lớn lao mà mỗi người con trai, con gái đều gánh nặng hai vai, đều trân trọng và quyết hy sinh để bảo vệ, giữ gìn.

Hiền lành mà hiên ngang bất khuất

Bởi bước ra từ mái nhà tranh, đồng lúa vốn dung dị, yên lành nên hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân rất gần gũi, thân thương, hiền lành, chất phác, “đi dân mến, ở dân thương”, được nhân dân đùm bọc, chở che, giúp đỡ trong suốt các cuộc kháng chiến cứu nước và giữ nước cho đến hôm nay. Đối với người chiến sĩ giải phóng quân, chiếc mũ tai bèo và đôi dép cao su là hiện thân của đức tính hiền lành, chân chất, thuỷ chung đối với người thân, với quê hương, đất nước nhưng kiên trung bất khuất đạp lên xác quân thù qua mỗi cuộc hành quân!

            Không, không phải thiên thần bước chân hài bảy dặm
            Vẫn là Anh, Anh giải phóng quân
            Vẫn đôi dép cao su đi đánh giặc suốt sông sâu, rừng thẳm…

        Hay,
…Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ
Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành
 Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh
Mà xông xáo mà tung hoành ngang dọc…”
                         (Bài ca xuân 1968 – Tố Hữu)

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống giặc ngoại xâm là cuộc chiến tranh chính nghĩa; chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc là nghĩa vụ rất thiêng liêng. Người chiến sĩ giải phóng quân chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc xem “nhẹ tựa lông hồng”; đó là trạng thái rất ung dung, tự tại “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”!

Nhà thơ Lê Anh Xuân đã khắc hoạ hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân chiến đấu và hy sinh trên sân bay Tân Sơn Nhất bằng những vần thơ chứa chan niềm cảm phục:

            Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất
            Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
            Và anh chết trong khi đang đứng bắn
            Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Người chiến sĩ bất khuất ấy trước khi vào trận đánh “chẳng để lại gì” cho riêng mình “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ…”.

Bình dị, hiền lành đối với người thân, bạn bè và trong cuộc sống nhưng hiên ngang, bất khuất trước quân thù. Đó là bản chất của người chiến sĩ cách mạng, anh bộ đội Cụ Hồ được đúc kết thành nét đẹp truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam. Với đức tính cao quý ấy, sự hy sinh cao quý ấy… đất nước, dân tộc và ngàn đời sau phải biết trân trọng, tri ân và nghiêng mình:

            Hoan hô Anh Giải phóng quân
            Kính chào anh con người đẹp nhất
            Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất
            Sống hiên ngang bất khuất trên đời
            Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi…
                              (Tố  Hữu)
    
Trong cuộc tiến công đại thắng mùa xuân 1975 cùng với nhân dân cả nước ra trận, hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân hiện ra hết sức dung dị và cao đẹp cũng vẫn đôi dép cao su, mũ tai bèo mà hiên ngang sừng sững giữa trận đánh:

            …Lịch sử sang xuân anh vào trận cuối cùng
            Đại lộ Hồ Chí Minh thác réo quân đi cuồn cuộn…

Và, giữa rừng cờ hoa, giữa chiến thắng mùa xuân lịch sử của cả dân tộc ba mươi bảy năm về trước trên đường phố Sài Gòn, chúng ta gặp lại hình ảnh “người mẹ” trong rạng ngời… nước mắt!

            Đường tiến quân ào ào chiến thắng
            Phía trước chờ Anh người mẹ mong con
            Pháo hãy gầm lên đỏ nòng bắn thẳng
            Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn…
                            (Toàn thắng về ta - Tố Hữu)

Hơn ba mươi bảy mùa xuân đất nước thống nhất, dân tộc được sống trong hoà bình, hạnh phúc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nước ta vẫn tiếp tục đối diện với biết bao nhiêu âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch từ nhiều phía. Giữ yên bờ cõi, từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của thế hệ hôm nay. Hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân - bộ đội Cụ Hồ với đức tính tốt đẹp được kết tinh truyền thống yêu nước và bất khuất của cả dân tộc là lĩnh vực sáng tác luôn luôn mới đối với đội ngũ văn nghệ sĩ của nước ta…

THANH DƯƠNG HỒNG