(LĐ online) - Bốn mươi năm trước đây, những ngày đêm diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không” (18 – 29/12/1972) đơn vị tôi đang được điều từ mặt trận Bình Long về Lộc Ninh chuẩn bị đón tiếp các chiến sĩ ta từ nhà tù Mỹ ngụy trở về theo hiệp định hòa bình sẽ được ký kết nay mai. Qua Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng, chúng tôi hồi hộp theo dõi trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội...
(LĐ online) - Bốn mươi năm trước đây, những ngày đêm diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không” (18 - 29/12/1972) đơn vị tôi đang được điều từ mặt trận Bình Long về Lộc Ninh chuẩn bị đón tiếp các chiến sĩ ta từ nhà tù Mỹ ngụy trở về theo hiệp định hòa bình sẽ được ký kết nay mai. Qua Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng, chúng tôi hồi hộp theo dõi trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội. Đồng bào cả nước cũng đang hướng về Thủ đô yêu dấu, sôi sục căm thù và uất nghẹn với nỗi đau tang tóc mà siêu pháo đài bay B52 của giặc Mỹ gieo rắc ở phố Khâm Thiên và nhiều nơi khác. Triệu triệu trái tim cùng vỡ òa niềm vui khi nghe đài tường thuật về những máy bay B52 trúng tên lửa ta cháy sáng bầu trời Hà Nội. Quả thật là tôi đã có chút ghen tị với các đồng nghiệp làm thơ khi không được có mặt tại Thủ đô trong thời điểm lịch sử dữ dội và trang nghiêm ấy.Tôi đã hình dung các nhà thơ cảm xúc và suy nghĩ như thế nào khi đọc các bài thơ chào mừng chiến thắng. Nhiều bài thơ hay đã ra đời trước cảnh “pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ” (Việt Nam máu và hoa - Tố Hữu). Trong những bài thơ ấy tôi còn giữ mãi đến hôm nay cái ấn tượng ngỡ ngàng về tầm vóc, độ khái quát hiếm có của bài thơ Vừng trán và bầu trời của nhà thơ Minh Giang:
Khi ta ẩn dưới hầm
Nghe trên đầu tiếng rít gầm man rợ
Thành phố rung lên trong tiếng nổ ầm ầm
Ta vẫn tin bầu trời không sụp đổ
Khi ta ngồi trên mâm pháo
Trong tư thế ngẩng đầu
Đĩnh đạc vít quân thù xuống đất
Vừng trán ta nâng bầu trời lên cao
Qua chiến đấu mười năm
Ta đã rõ
Vừng trán cao tới đâu, bầu trời cao tới đó.
(Chào mừng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không)
1 – 1973
Đặt bài thơ ngay trong không khí 12 ngày đêm lịch sử ấy ta càng thấy thi phẩm mang âm hưởng sử thi và hơi thở nóng hổi tính thời sự. Trong thế cùng, giặc Mỹ sử dụng con át chủ bài, vũ khí chiến lược B52 trút bom xuống Hà Nội hòng khuất phục ý chí chiến đấu của nhân dân ta, áp đặt trật tự Mỹ lên số phận dân tộc Việt Nam. Bài thơ tuyên ngôn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện tư thế hiên ngang đối diện cùng thách thức, làm chủ số phận mình của dân tộc Việt Nam. Với chủ đề này thơ rất dễ to tiếng và dễ sáo. Nhưng Minh Giang đã kết tinh ở bài thơ một nội lực thi ca mãnh liệt mà điềm tĩnh, hài hòa các phẩm chất: vừa trải nghiệm, sinh động, vừa khái quát, trí tuệ.
Kẻ thù được cụ thể hóa bằng sức mạnh phi nhân, bằng “tiếng rít gầm man rợ”, khiến “Thành phố rung lên trong tiếng nổ ầm ầm”. Nhưng ngay khi “ẩn dưới hầm/Ta vẫn tin bầu trời không sụp đổ”. Phần mở đầu của bài thơ ngắn gọn, cô đúc nói lên sức sống điềm tĩnh, tự tin của nhân dân ta. Và đó cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng. Kẻ thù đã hống hách tuyên bố ném bom để miền Bắc “trở về thời kỳ đồ đá”. “Bầu trời” là hình ảnh biểu trưng quyền sống của dân tộc ta trên trái đất này đã trở thành nơi chứa đựng hiểm họa với hàng trăm pháo đài bay mang bom hủy diệt. Nhưng cũng như “bầu trời không sụp đổ” sức sống của dân tộc ta là vĩnh cửu. Không kẻ thù nào có thể làm lung lay niềm tin ấy.
Với bốn dòng thơ tiếp theo, Minh Giang đã khắc tạc tượng đài người lính phòng không với tư thế chiến đấu hiên ngang. Đó cũng là tư thế, khí phách của quân đội, của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù:
Khi ta ngồi trên mâm pháo
Trong tư thế ngẩng đầu
Đĩnh đạc vít quân thù xuống đất
Vừng trán ta nâng bầu trời lên cao
Sau câu thơ là hình ảnh một dân tộc kiên cường mà ý chí đã được đúc kết trong khẩu lệnh chiến đấu của Anh hùng quân đội Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”, là chiến công bắn rơi hàng nghìn máy bay Mỹ. “Rồng lửa Thăng Long” đang thiêu cháy lũ quạ đen gây chết chóc như một thế lực dã man từ địa ngục “sổng chuồng” (chữ dùng của Lê Đạt). Với động từ “vít”, Minh Giang đã phóng chiếu hình ảnh dân tộc ta thành người khổng lồ huyền thoại vít cổ máy bay thù xuống đất. Trong tưởng tượng sáng tạo kỳ vĩ ấy đã xuất hiện câu thơ cực hay: “Vừng trán ta nâng bầu trời lên cao”.
Các nhà thi học đã nói đến hiện tượng xuất thần trong sáng tạo thi ca để có những câu thơ “thần cú”. Hiện tượng ấy là có thật. Nhưng trong trường hợp câu thơ này, có thể lý giải rằng thời đại anh hùng và cụ thể là hào khí Thủ đô trong cuộc chiến đấu và chiến thắng huy hoàng lũ giặc trời B52 đã mượn ngòi bút của nhà thơ mà nói lên chân lý: Trí tuệ, ý chí vươn tới đâu quyền làm người, quyền sống trong độc lập, tự do của dân tộc ta vươn tới đó. Chân lý này đã được trải nghiệm bằng hai cuộc kháng chiến và cụ thể hơn là thực tế chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Trong cuộc đọ sức quyết liệt này kẻ thù đã liên tục leo thang: leo thang sức mạnh bom đạn hủy diệt của một tên đế quốc khổng lồ, leo thang tội ác dã man. Và dân tộc ta đã phải tự vươn lên với sức vươn Phù Đổng để có thể vít cổ giặc trời bằng ý chí, trí tuệ, bằng sức mạnh Việt Nam. Đúng là như vậy:
Vừng trán ta nâng bầu trời lên cao
Vừng trán cao tới đâu bầu trời cao tới đó.
Trong phong cách chung của nền thơ chống Mỹ nghiêng về phản ánh, miêu tả hiện thực, giãi bày suy nghĩ, chính luận, đây là một trong không nhiều bài thơ có cấu tứ độc đáo. Chất trí tuệ, tính khái quát của bài thơ cho thấy đây là sáng tác của một nhà thơ “có học”, chịu ảnh hưởng tốt đẹp của thơ hiện đại thế giới, từng trải sống chết với nhân dân trong suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Là nhà thơ của quân đội cách mạng, Minh Giang từng tâm sự: “Nhà văn, nhà thơ phải có bản lĩnh, có cái nhìn rộng, phải giữ lấy phong cách riêng, nhất là trước các biến động của lịch sử… Trang văn, trang thơ phải mang hơi thở của trang đời, của tác giả với lương tâm và trách nhiệm với nhân dân” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr.518). Người như thế thì thơ như thế. Gắn bó cùng số phận dân tộc mới có thể cho ra đời những bài thơ lớn.
Mọi hiện tượng văn chương đều phải chịu sự thử thách, sàng lọc của thời gian. Nhiều bài thơ được ca ngợi một thời đã bị lãng quên, vô tăm tích. Ngược lại, một số bài thơ thực sự có giá trị vẫn còn mãi với thời gian. Sau bốn mươi năm đọc lại bài thơ này tôi vẫn gặp cảm giác ngạc nhiên, thú vị trước một bài thơ lớn.
Ở đời có những hiện tượng khiến tôi đồng cảm với những câu thơ của Tô Hoàn:
Thường là bèo bọt nổi lên
Thường là vàng ngọc lại chìm đáy sâu
Minh Giang không phải là một tên tuổi nổi bật, được tôn vinh trên thi đàn Việt Nam hiện đại với những giải thưởng vinh dự, nhưng chắc chắn Vừng trán và bầu trời là một bài thơ lớn, xứng đáng là một trong những thi phẩm tiêu biểu nhất của nền thơ cách mạng và kháng chiến Việt Nam.
Đà Lạt, tháng 12/2012
Phạm Quốc Ca