Quan tâm xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển toàn diện

02:12, 26/12/2012

Nhìn tổng thể, trong nhiệm kỳ IV (2010 – 2015), Hội VHNT Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực, chuyển biến tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động.

Hội Văn học – Nghệ thuật (VHNT) Lâm Đồng hiện có 11 Chi hội, gồm: Văn học, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Dân tộc thiểu số, Văn nghệ dân gian, Bảo Lộc, Lâm Hà, Đạ Tẻh, Đơn Dương, Đức Trọng, với gần 241 hội viên. Trong đó, có 69 hội viên là đảng viên (chiếm 29%), 73 hội viên tốt nghiệp đại học (30%), 10 thạc sĩ, 7 tiến sĩ, 2 phó giáo sư, 61 hội viên chuyên ngành Trung ương (23,4%), 95 hội viên là cán bộ đương chức (chiếm 36,4%). Ngoài ra, Hội còn có 5 CLB (gồm: Nhiếp ảnh Đà Lạt, Nhiếp ảnh Bảo Lộc, Sáng tác Trẻ, Thư pháp, Sân khấu - Điện ảnh) với hơn 100 hội viên; nhiệm kỳ qua, kết nạp 53 hội viên mới. Nhìn tổng thể, trong nhiệm kỳ IV (2010 – 2015), Hội VHNT Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực, chuyển biến tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động.  

Đường đến trường. Ảnh: Bá Hảo
Đường đến trường. Ảnh: Bá Hảo


Để từng bước vươn lên hoàn thành tốt chức trách được giao phó, thực hiện Nghị quyết Đại hội IV, Hội VHNT Lâm Đồng luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và động viên văn nghệ sĩ tích cực hưởng ứng, sáng tác về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiệm kỳ IV, Hội đã tổ chức 9 hội nghị và hội thảo thu hút gần 300 lượt hội viên tham gia. Riêng năm 2011, Hội chủ động phối hợp với LH các Hội KHKT Lâm Đồng tổ chức Toạ đàm “Kỷ niệm 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”, phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức cho hội viên nghe báo cáo thời sự về biển đảo.

Nhằm tạo điều kiện cho hội viên tăng cường thực tế, hoà mình vào cuộc sống, 5 năm qua, Hội VHNT Lâm Đồng đã tổ chức 15 trại sáng tác và đi thực tế sáng tác trong, ngoài tỉnh, thu hút gần 300 lượt hội viên tham dự. Riêng hai năm 2011, 2012 mở 9 trại sáng tác: Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Lâm Hà, Cát Tiên - Đạ Tẻh, Vũng Tàu, Đức Trọng - Bình Thuận, Đà Lạt, Lạc Dương, Nha Trang, đáp ứng nguyện vọng hội viên và phục vụ các cuộc thi VHNT. Những trại sáng tác này đã khích lệ hội viên thêm nhiều cảm hứng hoàn thành các tác phẩm VHNT tâm đắc. Nhờ dự trại mà nhiều văn nghệ sĩ đã có tác phẩm tốt đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và đạt giải cao trong các cuộc thi VHNT trong và ngoài nước. Hội đã phối hợp với Sở VH-TT& DL Lâm Đồng thực hiện việc xét Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ I. Đồng thời, Hội cũng quan tâm công bố, giới thiệu tác phẩm, tác giả. Hàng năm tổ chức thành công các Ngày Thơ Việt Nam, Ngày Âm nhạc Việt Nam, Ngày Nhiếp ảnh Việt Nam, Ngày Mỹ thuật Việt Nam. Hàng trăm tuyển tập thơ văn, hàng trăm tác phẩm âm nhạc, hội hoạ, hàng ngàn ảnh nghệ thuật được xuất bản, triển lãm giới thiệu với đông đảo công chúng. Nhiều gương mặt VNS tiêu biểu ở các lĩnh vực chuyên ngành xuất hiện trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương, chủ yếu là trên Tạp chí Lang Bian, Báo Lâm Đồng, Đài PT&TH Lâm Đồng. Riêng đối với chuyên ngành văn học, trong nhiệm kỳ, đã xuất bản gần 100 tập thơ, văn xuôi, lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học nghệ thuật (trong đó hầu hết được tài trợ từ Quỹ HTST của Chính phủ). Về thành tích cá nhân, các nhà văn - nhà thơ Nguyễn Thanh Hương, Lê Văn Công, Phạm Vĩnh, Nguyễn Thánh Ngã, Hà Đức Ái, Nguyễn Gia Tình, Đào Hữu Thức... đã đạt một số giải thưởng văn học cấp trung ương và cấp tỉnh. Các nhà thơ - nhà văn khác như Chu Bá Nam, Phạm Quốc Ca, Phạm Vũ, Uông Thái Biểu, Nguyễn Khương Trung, Khuất Thanh Chiểu, Hoàng Ngọc Châu, Kiều Công Luận, Nguyễn Thanh Đạm, Nguyễn Thị Thanh Toàn, Cát Miên, Nguyễn Vĩnh, Diệp Vy, Phú Đại Tiềm và nhiều văn nghệ sĩ... là những cây bút đang sung sức, gây ấn tượng tốt với bạn đọc gần xa.

Cùng với các hoạt động khác, Tạp chí Lang Bian đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Kể từ Đại hội IV đến nay, Tạp chí Lang Bian ra mắt bạn đọc 38 số (từ số 64 - 112). Tạp chí đã giới thiệu 416 tác phẩm văn xuôi (gồm truyện và ký), 157 bài thơ, 34 tác phẩm (truyện, thơ) dịch từ văn học nước ngoài, 40 tác phẩm lý luận phê bình, nghiên cứu VHNT, 25 bài phỏng vấn tình hình kinh tế - chính trị địa phương, 31 tác phẩm nghiên cứu về văn hoá - văn nghệ dân gian (chủ yếu là VHVNDG Tây Nguyên), nhiều tác phẩm viết về văn học trong nhà trường, 61 tác phẩm (thơ, truyện) là sáng tác của các cây bút trẻ, 31 tác phẩm (văn, thơ) sáng tác cho thiếu nhi, 104 bản ca khúc, giới thiệu nhiều ảnh nghệ thuật, ảnh thời sự và ảnh giới thiệu tranh, tượng của các văn nghệ sỹ. Trong đó gần 75% tổng số tác phẩm là của VNS Lâm Đồng. Tạp chí giới thiệu 10 chân dung VNS trong và ngoài tỉnh. Gần 25 tác phẩm (tập thơ, tập văn xuôi) của VNS Lâm Đồng đã được giới thiệu với các hình thức khác nhau (nghiên cứu, phê bình, giới thiệu sách). Bên cạnh đó, còn có nhiều bài viết ở mục Ý kiến văn nghệ sĩ, tin văn nghệ… Tuy vậy, tạp chí chưa có những tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao, tác động tích cực đến các lĩnh vực KT - VH - XH của đất nước và Lâm Đồng, trong sự nghiệp đổi mới. Chưa có nhiều bài phản ánh một cách sâu sắc, chân thực về cuộc sống và con người các dân tộc thiểu số trên mảnh đất Tây Nguyên và Lâm Đồng nói riêng.

Trong quá trình vận động tuy còn có một số mặt hạn chế trong công tác tổ chức, quản lý và chỉ đạo chuyên môn, song thực tế ghi nhận Hội VHNT Lâm Đồng nhiệm kỳ IV đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội IV đề ra và thiết thực góp một phần nhỏ vào sự nghiệp phát triển văn hoá, văn nghệ của địa phương đang khởi sắc từng ngày trên con đường đổi mới.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng về định hướng phát triển VHNT giai đoạn 2010 - 2015: “... Đẩy mạnh phong trào sáng tác và nâng cao chất lượng hoạt động Văn học Nghệ thuật” và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khoá X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Hội VHNT Lâm Đồng bước sang giai đoạn 2012 – 2017 cần phát huy những mặt mạnh, khắc phục hạn chế và yếu kém để tập trung xây dựng Hội thực sự là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của nhân dân, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước… Đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về loại hình nghệ thuật, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của các cấp Hội đáp ứng yêu cầu phát triển VHNT thời kỳ mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, chính quyền và nhân dân Lâm Đồng.

NGUYỄN THANH