Trọn vẹn một tình yêu Đà Lạt

04:12, 05/12/2012

Có những con người được sinh ra, lớn lên trong gia đình tư sản và học tập dưới thời chế độ cũ ở TP Đà Lạt trước đây nhưng trái tim và khối óc của họ lại hướng về phía cách mạng. Hoạt động trong đội ngũ những người chiến sĩ cộng sản, họ đã sống và chiến đấu kiên cường cho đến ngày thắng lợi cuối cùng...

Có những con người được sinh ra, lớn lên trong gia đình tư sản và học tập dưới thời chế độ cũ ở TP Đà Lạt trước đây nhưng trái tim và khối óc của họ lại hướng về phía cách mạng. Hoạt động trong đội ngũ những người chiến sĩ cộng sản, họ đã sống và chiến đấu kiên cường cho đến ngày thắng lợi cuối cùng. Sau này, họ lại gắng sức xây dựng TP Đà Lạt ngày càng giàu đẹp. Ông Nguyễn Hữu Tranh là một trong những con người như vậy.

Đi về “ánh mặt trời”

 Ông Nguyễn Hữu Tranh
Ông Nguyễn Hữu Tranh

… “Tôi sinh năm 1940 trong một gia đình tư sản, cha tôi là nhà buôn, gia đình tôi thường có 2 chiếc xe hơi chở rau, hoa từ Đà Lạt về Sài Gòn và chở gạo, phân bón cùng nhiều mặt hàng thiết yếu khác từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Thủa nhỏ, tôi học tiểu học ở Đơn Dương, lên bậc trung học, được gia đình gửi lên học tại Trường Lycée Yersin, nơi đào tạo phần lớn con em các gia đình quan chức và giới thượng lưu toàn Đông Dương lúc bấy giờ. Tốt nghiệp trung học tôi học Trường Quốc gia Nông-Lâm-Súc ở Sài Gòn”. Trên căn gác nhỏ đầy sách cùng khóm hoa Lobelia màu tím, thoang thoảng hương thơm, ông Nguyễn Hữu Tranh bắt đầu câu chuyện về bản thân như vậy.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông tham gia giảng dạy môn Pháp văn và Nông nghiệp đại cương tại Trường Nông-Lâm-Súc ở thị xã Blao (nay là TP Bảo Lộc). Đây là một trong các trường chuyên đào tạo các cán bộ nông nghiệp dưới chế độ cũ. Ông tâm sự rằng, có lẽ cuộc đời ông sẽ trôi qua một cách bình lặng với chức phận là một giảng viên nơi phố núi nhỏ bé nếu không có phong trào cách mạng ở miền Nam như ánh mặt trời, như cơn lốc cuốn ông đi.

 Ông Tranh nhớ lại, sau năm 1960, đặc biệt là sau phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, chiến lược “chiến tranh đơn phương” của Mỹ-ngụy hoàn toàn thất bại. Để đối phó với phong trào cách mạng miền Nam ngày càng dâng cao, Mỹ-ngụy tiếp tục đề ra chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Trọng tâm của chiến lược này là chương trình “bình định nông thôn”, xây dựng “ấp chiến lược” trên toàn miền Nam nhằm “tát nước bắt cá”, cô lập và tiêu diệt Cộng sản.

“Năm 1964, tôi và một số anh em trong trường bị đưa vào danh sách đi đào tạo tại Trường sĩ quan Thủ Đức để trở thành các sĩ quan “tâm lý chiến” phục vụ công tác tuyên truyền cho chương trình. Một số đồng nghiệp của tôi tìm cách không tham gia bằng việc ra nước ngoài học hoặc vào làm trong các tổ chức quốc tế. Riêng tôi quyết định đi theo cách mạng”.

Để thực hiện kế hoạch về với cách mạng, việc đầu tiên ông tìm người giới thiệu mình với tổ chức. Lúc này trong gia đình ông có người anh họ là nhà buôn tuyến Đà Lạt - Sài Gòn, có quan hệ khá mật thiết với cơ sở cách mạng. Ngày ấy, quốc lộ 20 là tuyến đường bộ huyết mạch từ Sài Gòn lên Đà Lạt, do đó cả ta và địch đều nỗ lực giành quyền kiểm soát. Vì thế, nhiều đoạn bọn địch kiểm soát ban ngày, nhưng ban đêm lại do bộ đội và du kích ta kiểm soát. Là nhà buôn thường xuyên đi lại trên quốc lộ 20 nên người anh họ có cảm tình và có quan hệ tốt với đội thu thuế và thường xuyên hỗ trợ tiền bạc, hàng hóa cho bộ đội, du kích. Qua người anh họ, năm 1965, ông đã được giới thiệu với tổ chức và được biên chế về đội K4 thuộc Đại đội 720, tỉnh Lâm Đồng.

Sau một thời gian công tác tại đơn vị, đồng chí Phạm Thuần (Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng khi ấy) điều ông lên làm việc tại Ban Tuyên huấn của Tỉnh ủy Lâm Đồng sau đó chuyển sang Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Tuyên Đức. Sau năm 1975 cho đến lúc nghỉ hưu (năm 2002), ông công tác trong ngành nông nghiệp và Mặt trận Tổ quốc, sau đó chuyển sang Ban Khoa học và Kỹ thuật (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) tỉnh Lâm Đồng.

Nhà “Đà Lạt học”

Năm 1992 khi được giao phụ trách Phòng Thông tin - Tư liệu khoa học của Ban Khoa học và Kỹ thuật, ông Tranh phát hiện trong thư viện có cuốn "L'Asie Nouvelle" (Tạp chí Châu Á mới), số 56, xuất bản năm 1937 bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn, chuyên đề về Đà Lạt với nhiều tư liệu phong phú, phản ánh quá trình phát hiện ra Đà Lạt của người Pháp, đặc điểm tự nhiên, khí hậu và sự phát triển của Đà Lạt trong những năm đầu thế kỷ 20… Đây là tư liệu quý nhưng do viết bằng tiếng Pháp và xuất bản đã lâu nên không ai để ý. Với khả năng ngoại ngữ tốt, ông bắt đầu nảy sinh ý tưởng tìm hiểu thêm những tư liệu viết về Đà Lạt và dịch những tài liệu này ra tiếng Việt.

Năm 1992, chuẩn bị kỷ niệm Đà Lạt 100 năm (1893-1993), ông được lãnh đạo thành phố mời tham gia xuất bản cuốn sách về quá trình hình thành và phát triển của Đà Lạt. Để có tư liệu, ông đã dành 2 tháng vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia II và các thư viện ở TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt để ghi chép, sao chụp các sách báo, bản đồ, công văn có liên quan đến Đà Lạt. Qua đó, ông đã sưu tập được 367 tư liệu, gồm 292 tư liệu tiếng Việt, 61 tư liệu tiếng Pháp, 9 tư liệu tiếng Anh, 5 tư liệu chữ Hán. Chính ông là người đã có công sưu tầm, dịch và công bố những tài liệu xưa nhất về Đà Lạt, đó là: Hồi ký "7 tháng trên xứ Thượng" của bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra Đà Lạt, lần đầu tiên được đăng trên Tạp chí Đông Dương (Revue Indochinoise) năm 1893; báo cáo của bác sĩ Paul Neis và Trung uý Albert Septans về chuyến thám hiểm thượng nguồn sông Đồng Nai dày 65 trang in trong Tạp chí Du khảo (Excursions et reconnaissances) xuất bản tại Sài Gòn năm 1881; đồ án quy hoạch Đà Lạt đầu tiên của kiến trúc sư Ernest Hébrard và Jean Lagisquet, "Lâm Viên hành trình nhật ký" bằng chữ Hán của Thượng thư Bộ công Đoàn Đình Duyệt đến cao nguyên Lang Biang để quan sát tình hình, đồng thời trù liệu việc xây cất hành cung cho triều đình Huế năm 1918; tập sách "On and off duty in Annam" bằng tiếng Anh của bà Gabrielle M. Vassal sáng tác, xuất bản ở Luân Đôn năm 1910.

Từ những tư liệu đã thu thập được cùng với quá trình điền dã, nghiên cứu của bản thân, ông đã viết và cho xuất bản cuốn sách “Đà Lạt năm xưa” và tham gia biên soạn “Đà Lạt - Thành phố cao nguyên”. Đây là những tác phẩm chứa đựng nhiều tư liệu, hình ảnh sinh động, phong phú nhất về Đà Lạt xưa và nay, không chỉ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn lịch sử hình thành, phát triển của thành phố qua các thời kỳ mà còn gợi mở nhiều vấn đề thiết thực cho các nhà quản lý trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển Đà Lạt. Sau đó, ông tiếp tục biên soạn "ABC Đà Lạt" (Từ điển về Đà Lạt), tham gia biên soạn “Địa chí Đà Lạt”; “Địa chí Lâm Đồng” và tham gia cộng tác, viết bài cho các báo, tạp chí. Với kiến thức phong phú và sự am hiểu sâu sắc, ông trở thành “cẩm nang sống về Đà Lạt” đối với các nhà quản lý, văn nghệ sĩ, nhà báo và sinh viên, học sinh. Mỗi khi cần xác minh một sự kiện, một tư liệu nào đó, họ đều tới nhờ ông chia sẻ, giải đáp.

Dù không ai giao, nhưng với tình yêu và trách nhiệm, ông tự nguyện làm một người “chép sử quê hương” gần 20 năm qua. Qua tiếp xúc, trò chuyện, người ta cảm nhận được trong ông luôn có tình yêu mãnh liệt và cả những điều trăn trở đối với việc bảo vệ, giữ gìn vẻ đẹp cho thành phố này. Ông cho biết: Đà Lạt đẹp, hấp dẫn không chỉ vì thiên nhiên lý tưởng, kiến trúc đặc sắc mà còn ở trong văn hóa người Đà Lạt, đó là tính cách thanh lịch, nhẹ nhàng, thân thiện. Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới sức ép của quá trình phát triển và sự tác động của mặt trái đời sống xã hội, những giá trị ấy một phần đang bị phai nhạt. Do đó, bảo vệ và phát huy những nét đẹp của Đà Lạt không chỉ là xây dựng, bảo tồn thiên nhiên, kiến trúc mà còn là phải giáo dục cho con em thành phố giữ gìn nếp văn hóa trong lối sống, trong giao tiếp, ứng xử.

Về biệt danh "nhà Đà Lạt học" ông nói: Đấy là do anh em văn nghệ sĩ, báo chí và bạn bè quý nên gọi như vậy. Ông chỉ tự nhận mình là người rất yêu Đà Lạt và dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về thành phố này. Ông tâm sự: “Năm nay tôi đã 73 tuổi, sức ngày càng yếu, quỹ thời gian không còn nhiều, nên tôi muốn tranh thủ tối đa thời gian để hoàn tất nốt những dự định đang ấp ủ. Hy vọng đó là điều tốt nhất mà tôi có thể làm cho Đà Lạt - mảnh đất tôi đã sinh ra, đã gắn bó và luôn trọn vẹn tình yêu với nó”.

Vũ Đình Đông