Băn mbo, món bánh cổ truyền của người Cil

04:01, 16/01/2013

Làm băn mbo chỉ có duy nhất một loại nguyên liệu, đó là những trái bắp bánh tẻ tươi, vừa được bẻ từ trên cây xuống. Từng hạt bắp được lặt ra, bỏ vào cối giã thật nhuyễn.

Tà Nung, xã vùng xa của thành phố Đà Lạt là nơi có cộng đồng đông đảo người Cil, người KơHo sinh sống. Trải qua dâu bể thời gian, nhiều món ăn truyền thống đã mai một dần nhưng băn mbo, món bánh truyền thống của bà con vẫn còn được làm khá phổ biến, lưu giữ lại chứng vật cho nghệ thuật ẩm thực của một cộng đồng bản địa.

Già Liêng Jăng K’ Dí đang giã bằng chiếc cối cổ truyền
Già Liêng Jăng K’ Dí đang giã bằng chiếc cối cổ truyền


Lâu lắm rồi, từ thuở ông bà xa xưa, không biết bao nhiêu mùa rẫy, người KơHo đã làm và ăn băn mbo, già Liêng Jăng K’ Dí bắt đầu câu chuyện về món bánh băn mbo. Băn là bắp, mbo là bánh, cái tên đã nói lên thành phần chính làm nên chiếc bánh cổ truyền ấy. Vào mùa trái bắp đỏ râu, không còn là trái bắp non ngọt sữa nhưng cũng chưa phải là trái bắp cứng chắc, tiếng chày giã lại vang lên khắp buôn. Nhà nhà đang giã bắp làm bánh, mẹ dạy cho con gái, chị dạy cho em cách làm loại bánh truyền thống.

Làm băn mbo chỉ có duy nhất một loại nguyên liệu, đó là những trái bắp bánh tẻ tươi, vừa được bẻ từ trên cây xuống. Từng hạt bắp được lặt ra, bỏ vào cối giã thật nhuyễn. Công đoạn giã này là mệt nhất, người giã thường là phụ nữ cầm chiếc chày dài quá đầu, giã nhẹ nhàng tới khi từng hạt bắp tan nhuyễn, quyện vào nhau thành một hỗn hợp dẻo và dính. Rồi sau đó, dùng lá chuối rừng, lá dầu hơ qua lửa cho sém, cho dẻo để gói và khi gói không gãy lá. Chiếc bánh bắp gói tựa như chiếc bánh chưng nhưng nhỏ hơn nhiều, buộc bằng dây cói và bỏ vào nồi nước đang sôi để luộc. Chừng một giờ sau là chiếc bánh bắp đã chín, vớt ra để ráo là có thể ăn được. Già K’ Dí còn khoe, nhà già vẫn giữ được chiếc cối đã giã biết bao mẻ bắp làm bánh. Chiếc cối cũng là một kỳ công với người đàn ông Cil. Đầu tiên phải chọn được khúc cây vừa ý, thường là cây trâm, khoét sơ rồi bỏ than vô lõi cho cháy. Cháy tới tầm vừa ý rồi người đàn ông mới khoét theo yêu cầu của gia đình. Khoét và làm thật nhẵn xong, chiếc cối và cả chày được ngâm xuống bùn nhiều tháng cho ngấm nước. Khi vớt lên, cối chuyển màu đen bong và rất nặng. Loại cối này có thể sử dụng lâu dài, có khi hàng trăm năm và không nứt, đằm tay người giã. Bánh bắp giã với cối này mới thật sự ngon do độ dẻo, mịn và có lẽ cộng hưởng cả tình yêu của người cha làm chiếc cối, người mẹ, người chị giã từng hạt bắp ngọt.

Thời hiện đại hôm nay, việc chế biến chiếc bánh bắp ít nhiều đã thay đổi. Chị Liêng Hót Ri cho hay, giã bằng cối lâu quá, hiện mọi người thường xắt bắp bằng dao mỏng, sau đó bỏ vào máy xay nhuyễn. Tuỳ từng gia đình, có thể cho thêm một chút đường cho có vị ngọt như ý. Ngoài ra, công đoạn khác vẫn thế, lá gói vẫn là lá chuối rừng vì không chát, lá dẻo và luộc lên bánh đẹp. Không chỉ làm trong nhà, hiện bánh bắp đã thành món quà ý nghĩa vào mùa bắp tươi. Mỗi khi làm xong, đợi bánh ráo nước, các gia đình thường đem biếu hàng xóm xung quanh thưởng thức. Và món bánh được nhiều bà con các dân tộc khác rất khen. Chị Đường Dẫu Hà, người gắn bó với Tà Nung mấy chục năm khoe, năm nào bà con cũng cho gia đình chị bánh bắp. Vị bánh ngọt nhẹ nhàng, thơm mùi bắp tươi, ăn dẻo và mềm, ngon và lạ. Mỗi mùa bắp tươi, chị lại chờ đợi để nếm vị bánh thơm ngọt.

Từ hạt bắp ngọt, từ bàn tay người chị, người mẹ KơHo chăm chỉ, băn mbo, món bánh truyền thống vẫn thơm, vẫn dẻo, lưu giữ lại một nét truyền thống của người dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên.

Diệp Quỳnh